Nhấn chìm bạn dưới giếng sâu để “trả hận” cho em trai
Hôm nay 7/6, TAND tỉnh Hưng Yên tiến hành xét xử sơ thẩm bị cáo Đào Văn Tuấn (SN 1992, ở thôn Vĩnh Đồng, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) về tội giết người.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hưng Yên: Khoảng 20h ngày 16/8/2010, Đào Văn Tuấn đang ở nhà thì nhận được cuộc điện thoại của em ruột là Đào Văn Hùng (SN 1995) kêu cứu. Tuấn cùng một người bà con đi xe máy đến nơi thì thấy có rất đông thanh niên trong thôn đứng ở đó. Hùng chỉ tay vào Phạm Xuân Khải ( tức Phạm Văn Khải, SN 1994 ở cùng thôn) nói: “Thằng này nó đánh em”. Nói xong Hùng xông vào, dùng chân phải đạp và đá vào người Khải.
Bị cáo Đào Văn Tuấn trước vành móng ngựa.
Lúc này Phạm Xuân Khải đang đứng cách mép bậc lên xuống của giếng làng. Thấy bị đánh, Khải lùi lại mấy bước thì tiếp tục bị Tuấn dùng chân, tay hành hung. Anh họ Tuấn là Đào Văn Huân, Đào Văn Diên, Đào Văn Đông vào can ngăn, anh Diên cầm được tay phải Tuấn, còn tay Tuấn vẫn túm chặt cổ áo Khải, Tuấn giật được tay anh Diên tuột ra, Tuấn nói với Khải: “Tao với mày cùng xuống giếng”.
Khải chống cự không cho Tuấn kéo xuống giếng. Tuấn túm chặt cổ áo trước ngực Khải, kéo mạnh xuống bậc giếng, Khải ngồi phệt xuống nền bê tông. Tuấn kéo lê Khải đến sát bậc giếng. Khải đứng dậy túm cổ áo Tuấn và giằng co với Tuấn.
Tuấn đẩy Khải thì cả hai cùng ngã xuống giếng nước. Khi xuống nước, Khải nhô đầu lên, Tuấn lại ấn đầu đầu Khải xuống. Khi Tuấn ấn đầu Khải lần thứ 2 thì không thấy Khải nhô đầu lên nữa.
Tuấn bơi vào bậc giếng, đứng quay lại nhìn, không thấy Khải đâu, Tuấn gọi Huân: ” Anh Huân ơi, hình như nó chìm rồi, nó đâu rồi ý, anh nhảy xuống cứu nó đi”. Anh Huân và mọi người nhảy xuống mò và đưa Khải lên nhưng tất cả đã muộn: Khải đã chết! Tính đến ngày bị tử vong, Phạm Xuân Khải chưa đầy 16 tuổi.
Video đang HOT
Điều đáng chú ý là: trước đó phiên tòa đã hoãn 3 lần. So với 3 phiên tòa bị hoãn lần trước, phiên tòa hôm nay có thêm 2 nhân chứng tên là Phạm Văn Thắng và Phạm Văn Đo là người cùng thôn.
Tại phiên tòa, hai nhân chứng này cho biết thêm, lúc vớt anh Khải từ dưới giếng lên, lưỡi của anh Khải thò ra bên ngoài miệng. Điều này đã được nhân viên của trạm y tế xã chạy ra cấp cứu là anh Phạm Văn Thanh (xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) xác nhận và chính người này đã đẩy lưỡi anh Khải vào trong.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho anh Phạm Xuân Khải cho rằng còn nhiều tình tiết chưa rõ về vụ án nên đề nghị hoãn phiên tòa nhưng HĐXX vẫn quyết định tiến hành xét xử vụ án này. Sau những phút nghị án căng thẳng, căn cứ vào những tình tiết vụ án cùng những lời khai của nhân chứng và bị cáo, HĐXX tuyên phạt Đào Văn Tuấn 20 năm tù giam về tội giết người và buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình anh Phạm Xuân Khải 68,8 triệu đồng.
Theo Giáo Dục VN
Vụ sát hại cháu bé ở Hưng Yên: Nỗi đau của hai người mẹ
Chỉ vì những xích mích rất trẻ con, Đào Văn Tuấn đã nhẫn tâm dìm cháu Phạm Xuân Khải xuống giếng dẫn đến tử vong.
Chỉ vì những xích mích rất trẻ con, Đào Văn Tuấn (SN 1992, trú tại thôn Vĩnh Đồng, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, Hưng Yên) đã nhẫn tâm dìm cháu Phạm Xuân Khải (SN 1994, trú cùng thôn) xuống giếng dẫn đến tử vong. Hành vi tàn nhẫn của Tuấn đã để lại nỗi đau vô bờ bến cho các bậc sinh thành.
Sự mất mát quá lớn
Bà Hà ôm di cảnh của con tại phiên tòa sơ thẩm.
Khoảng 20 giờ ngày 16/8/2010, Tuấn nhận được điện thoại của Đào Văn Hùng (em trai) nói ra sân kho có việc gấp. Tuấn đã mượn xe máy của chú ruột và rủ thêm một người bạn cùng đi. Thấy Tuấn đến, Hùng nói bị Khải đánh, sau đó cùng anh trai lao vào đánh Khải. Được một số thanh niên can căn, nhưng Tuấn hất tay mọi người ra và túm cổ áo cháu Khải kéo xuống giếng làng dìm xuống. Cứ mỗi lần Khải cố nhô đầu lên thì bị Tuấn ấn đầu xuống nước. Khi thấy nạn nhân không giãy giụa nữa, Tuấn bơi vào bờ rồi thản nhiên lấy xe đi về nhà. Lúc đó, một số thanh niên đã nhảy xuống giếng mò và đưa nạn nhân lên bờ hô hấp nhưng Khải đã tử vong. Khám nghiệm tử thi cho thấy, vùng da cổ bên trái có những vết xước da bầm tím; nạn nhân tử vong là do ngạt nước.
Ngày 16/3, tròn một tuần sau khi Tuấn bị TAND tỉnh Hưng Yên đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung, chúng tôi đã về địa phương tìm hiểu sự việc. Khi tiếp xúc với hai người phụ nữ- mẹ nạn nhân và mẹ bị cáo, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, thương cảm bởi nỗi đau và sự mất mát mà họ đang phải gánh chịu trong quãng thời gian qua.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Tươi (SN 1970, mẹ bị cáo Tuấn) kể, khi thấy Tuấn được dẫn vào phòng xử án, bà đã không cầm được lòng, lao đến bên con rồi òa khóc. Hơn nửa năm trôi qua, kể từ ngày Tuấn gây trọng án, bà chưa một lần được nhìn thấy mặt con.
Tâm sự với chúng tôi, người phụ nữ bất hạnh ấy nói rằng, với pháp luật Tuấn là kẻ giết người nhưng trong sâu thẳm, Tuấn chỉ là một đứa con bé bỏng và vẫn cần những vòng tay che trở của bà. Với mong muốn giảm nhẹ tội lỗi cho con, sau khi Tuấn gây án, bà đã cố gắng chạy sang nhà hàng xóm xin được thắp nén nhang cho nạn nhân nhưng gia đình bị hại không đồng ý khiến lòng bà quặn thắt.
Bà Tươi bảo, cuộc đời của bà đã gặp quá nhiều ngang trái. Kết hôn được vài năm thì bà sinh được hai người con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, càng lớn, Tuấn càng tỏ ra bướng bỉnh, mải chơi, chưa học hết lớp 6, Tuấn đã nghỉ học theo nhóm bạn cùng quê ra chợ buôn bán những mặt hàng lặt vặt.
Khoảng trung tuần tháng 8/2009, trong một lần đánh lộn với nhóm bạn vì tranh giành khách nên bị bố mắng, Tuấn ngang bướng, cãi lại rồi bỏ nhà ra đi. Thấy thế, ông Đào Văn Xoong (chồng bà Tươi) đuổi theo đứa con bất trị và gặp phải tai nạn giao thông dẫn đến tử vong. Hơn một năm sau thì Tuấn gây tội khi nhẫn tâm sát hại cháu Khải chỉ vì nghe em trai nói bị nạn nhân này đánh.
Ở bên kia "chiến tuyến", bà Đào Thị Hà (SN 1970, mẹ nạn nhân Khải) trở nên thất thần khi nghe chúng tôi gợi lại câu chuyện đã qua. Bà bật khóc khi nghĩ đến đứa con trai bé bỏng đã mãi mãi ra đi khi chưa tròn 16 tuổi.
Bà Hà nghẹn ngào: "Năm 1991, tôi kết hôn và chỉ 3 năm sinh được hai người con trai. Đến năm 2006, tôi bị đau ruột thừa nên phải mổ cấp cứu, những đồng tiền tích cóp bao năm qua của gia đình đều được ưu tiên dành để chữa bệnh cho tôi. Ít tháng sau, tôi lại lên bàn mổ lần hai vì sỏi thận. Thương mẹ bị bệnh nên ngoài giờ đi học, Khải và anh trai đã phụ giúp mẹ những việc vặt của gia đình. Đến năm 2007, đến lượt bố bị bệnh nên hai anh em Khải phải nghỉ học để chăm sóc bố mẹ".
Phạm tội côn đồ
Bị cáo Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm.
Do nạn nhân Khải bị sát hại khi chưa tròn 16 tuổi nên ngày 9/3/2011, TAND tỉnh Hưng Yên đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đào Văn Tuấn tội giết người với tình tiết tăng nặng là "giết trẻ em". Tại tòa, ông Phạm Văn Bách (SN 1970, bố nạn nhân Khải) cho rằng, cáo trạng truy tố một mình bị cáo Tuấn là có dấu hiệu bỏ lột tội phạm. Bởi lẽ, em trai bị cáo là Đào Văn Hùng đã gọi Tuấn đến và khi đó cả hai anh em Tuấn cùng xông vào đánh Khải. Như vậy, Hùng cũng phải bị truy tố tội giết người với vai trò là đồng phạm.
Đặc biệt, khi một số thanh niên can ngăn, Tuấn vẫn tiếp tục xông vào đánh nạn nhân là thể hiện sự côn đồ. Do đó, Tuấn phải chịu thêm tình tiết tăng nặng về hành vi côn đồ. Mặt khác, ông Bách còn cho rằng, khi khám nghiệm tử thi, CQĐT xác định trên cổ Khải có nhiều vết trầy xước. Vậy ai là người đã gây ra, bị cáo Tuấn hay là cháu Hùng? Từ những dấu hiệu này, ông Bách đề nghị HĐXX trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra bổ sung những dấu hiệu trên.
Xét những đề nghị của gia đình nạn nhân là chính đáng, HĐXX phiên sơ thẩm đã quyết định "Trả lại hồ sơ điều tra bổ sung những tình tiết chưa được làm rõ". Sau phiên tòa, mỗi người phụ nữ nhìn theo một hướng nhưng trong lòng họ đều nặng trĩu nhưng nỗi đau không nói nên lời.
Theo GiaDinh.net.vn
Xét xử vụ án sát hại trẻ em ở giếng làng tại Hưng Yên Mặc dù, em Khải đã cố xin được giải thích, nhưng bị cáo Tuấn vẫn cố tình dùng tay chân đấm, đá, tát và kéo lê nạn nhân xuống các bậc giếng, rồi đẩy em xuống giếng. Khi em cố nhô lên, giành giật sự sống thì bị cáo còn tiếp tục ấn đầu nạn nhân xuống, tước đoạt mạng sống của em...