Nhân cách cực đoan và sự trả giá
Vào ngày thứ sáu, 15/5/1812, sau vụ ám sát Thủ tướng Spencer Perceval, John Bellingham đã thực sự đứng trước tòa như hắn ta mong đợi nhưng để trả lời cho những cáo buộc về tội giết người.
Phiên tòa diễn ra trong phòng xử kín tại tòa án hình sự Old Bailey, do Ngài James Mansfield, Chánh án tòa án tối cao chủ trì.
Chân dung Thủ tướng Spencer Perceval vào năm ông mất, 1812.
Bellingham cao, gầy, đến trước tòa với chiếc quần tối màu, áo gi-lê màu vàng sọc đen và áo choàng màu nâu.
Lúc đầu các luật sư biện hộ cố gắng trì hoãn phiên tòa với lý do họ chưa có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc bào chữa. Peter Alley, người đứng đầu nhóm biện hộ cho Bellingham, đã nói với tòa rằng, ông vừa mới nhận được vụ án này và chưa từng gặp mặt Bellingham cho đến khi chính thức nhận bào chữa. Peter Alley khẳng định, nếu có đủ thời gian, ông sẽ tìm kiếm các chuyên gia y tế và nhân chứng ở Liverpool biết về nhân thân của Bellingham. Ông tự tin vào việc có thể chứng minh thân chủ của mình bị tâm thần.
Bộ trưởng Tư pháp, ngài Vicary Gibbs, thay mặt cho bên công tố, đã tranh luận kịch liệt nhằm phản đối bất kỳ sự trì hoãn nào. Cuối cùng, yêu cầu của Alley không thành công và phiên tòa vẫn diễn ra như dự kiến.
Bộ trưởng Tư pháp Vicary Gibbs bác bỏ lý do mà Bellingham đã đưa ra nhằm bào chữa cho hành động tàn ác của hắn ta. Ông khẳng định, Chính phủ đã biết những gì xảy ra với Bellingham tại Nga, đã xem xét những đề nghị của hắn và không chấp thuận những đề nghị này. Ông cũng bác bỏ mọi quan điểm cho rằng Bellingham bị tâm thần. Ông nói, Bellingham có đủ năng lực để kinh doanh và được các đối tác khác tin tưởng làm ăn mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh tâm thần.
Chân dung John Bellingham.
Đến lượt tranh luận của mình, Bellingham tiếp tục vin vào lời biện hộ về những gì đã xảy ra với hắn ở nước Nga, đó là việc bị bắt giữ do một khoản nợ không hề có và sự thất bại của chính phủ Anh trong việc giúp đỡ hắn vào thời điểm đó cũng như sau này.
Trước khi đề cập chi tiết về những gì đã diễn ra ở Nga, Bellingham nói rằng hắn ta đồng ý với thẩm phán khi khẳng định mình không hề bị tâm thần như lời biện hộ của luật sư bào chữa.
Video đang HOT
Bellingham nói rõ thêm, mặc dù tin tưởng vào những gì đã làm là cần thiết và chính đáng nhưng giữa hắn và Thủ tướng Spencer Percevalcũng như gia đình của ông không hề có hận thù cá nhân:
“Thưa quý tòa, liên quan đến tấm thảm kịch khiến tôi có mặt trước tòa vào lúc này, tôi là kẻ đã đi đến và cố tình bắn ngài Spencer Perceval mà không có hận thù, vì vậy bản thân tôi nên xem mình như một con quái vật, và không xứng đáng để sống trên thế giới này, kể cả kiếp sau.
So sánh hộp sọ của Bellingham.
Ngài Bộ trưởng Tư pháp thông tuệ đã khẳng định thẳng thắn với các vị rằng, cho đến thời điểm chết chóc của sự kiện đau thương này, tôi cực kỳ hối tiếc, tôi không hề có thù hằn cá nhân đối với Thủ tướng Spencer Perceval cũng như các thành viên trong gia đình của ông. Sự thiếu may mắn đã rơi xuống đầu Spencer Perceval do ông ấy là thành viên hàng đầu của chính quyền đã nhiều lần từ chối bồi thường cho tôi vì những vết thương đau đớn tôi đã trải qua trong 8 năm ở Nga, với bản án được phán xét tại tòa án St. Petersburg”.
Bellingham cũng nói rõ về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Thủ tướng Spencer Perceval: “Sự từ chối của công lý là nguyên nhân chính dẫn tới thảm kịch này, lúc này, những vị bộ trưởng của Thủ tướng phải suy ngẫm về hành vi của họ cho những gì đã xảy ra với tôi. Ngài Spencer Perceval đã không may mắn trở thành nạn nhân trong quyết định tuyệt vọng của tôi. Không một ai, tôi chắc chắn, cảm thấy cực kỳ buồn về sự kiện đau thương này hơn tôi”.
Tất nhiên, phần biện minh cho động cơ giết người đê hèn của Bellingham đã không có nghĩa lý gì đối với thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Người đứng đầu tòa án tối cao thậm chí đã không che giấu được cảm xúc của mình và đã bật khóc khi tuyên bố trước bồi thẩm đoàn:
“Thưa bồi thẩm đoàn, lúc này các vị sẽ biểu quyết về một bản cáo trạng buộc tội bị cáo với tội danh cố ý giết Thủ tướng Spencer Perceval,… ông đã bị ám sát từ một khẩu súng được nạp một viên đạn;… Thủ tướng là một người đức hạnh và hết sức đáng kính, tôi thấy rất khó để kìm nén cảm xúc của mình”.
Ông cũng bác bỏ mọi ý kiến cho rằng Bellingham đã mất trí vào thời điểm phạm tội: “… không có bằng chứng cho thấy Bellingham bị tâm thần, hắn ta không thể không biết rằng giết người là một tội ác…”.
Với tình huống như thế này, không ai ngạc nhiên khi John Bellingham bị buộc tội giết Thủ tướng Spencer Perceval bởi một bồi thẩm đoàn mà chỉ cần đến 14 phút để đồng thuận đưa ra lời phán quyết.
Vào ngày thứ hai tiếp sau đó, Bellingham bị hành hình và thi thể được gửi tới bệnh viện St. Bartholomew để giải phẫu.
Sau khi hành quyết, não bộ của John Belllingham trở thành đối tượng nghiên cứu cho các nhà não tướng học, nó đại diện cho bộ óc của những kẻ có nhân cách cực đoan.
Theo Nguyễn Bình
baotintuc.vn
Ngày định mệnh
Spencer Perceval, vị Thủ tướng đáng kính của nước Anh, đã bị John Bellingham sát hại khi ông đang bước vào tòa nhà Hạ viện vào một ngày tháng 5/1812.
Vụ án này đã được mô tả theo lời kể của David C. Hanrahan, tác giả của nhiều cuốn sách lịch sử nước Anh, từng là Hiệu trưởng trường Đại học quốc gia Ireland và là cố vấn của BBC trong các chương trình liên quan đến lịch sử.
Hôm đó là ngày thứ hai, 11/5/1812, một người đàn ông trạc 40 tuổi, không có gì nổi bật, bước về phía tòa nhà Quốc hội Anh. Do đã từng ghé thăm tòa nhà trong vài tuần trước đó nên người đàn ông này nghiễm nhiên trở thành khách quen nơi đây. Hắn ta đến ngồi tại phòng trưng bày nghệ thuật của tòa nhà Hạ viện và quan sát kỹ lưỡng các thành viên chính phủ thông qua một chiếc ống nhòm dùng để xem kịch.
Vào 5 giờ chiều hôm đó, hắn đi theo hành lang dẫn đến tòa nhà Hạ viện và ngồi cạnh lò sưởi. Không ai biết hắn giấu trong người hai khẩu súng ngắn đã nạp đạn.
Bức tranh minh họa vụ ám sát .
Buổi chiều ngày hôm đó rất đẹp trời, vì thế Thủ tướng Spencer Perceval quyết định không đi xe mà tản bộ từ tòa nhà số 10 phố Downing đến tòa nhà Quốc hội. Ông tới đó vào khoảng 5 giờ 15 phút chiều, đi vào phía trong, theo hành lang và hướng tới lối vào của tòa nhà. Spencer Perceval cởi áo khoác và gửi lại nhân viên bên ngoài trước khi bước vào sảnh tòa nhà.
Trước khi Thủ tướng Spencer Perceval tiến vào, nhiều người đã tụ tập xung quanh và trò chuyện như thường lệ. Hầu hết mọi người đều quay ra nhìn khi Thủ tướng bước qua ngưỡng cửa. Không ai để ý tới người đàn ông ngồi cạnh lò sưởi, đang từ từ đứng dậy và rút trong túi ra một khẩu súng. Và cũng không ai nhận thấy người đàn ông này đang tiến lại gần Spencer Perceval. Khi đã đủ gần, không nói một lời, hắn chĩa súng vào thẳng ngực của Thủ tướng và bóp cò.
Thủ tướng Spencer Perceval loạng choạng về phía trước và ngã gục xuống sàn nhà. Sau này, theo lời kể của nhiều nhân chứng, ông đã thốt lên một vài tiếng, có thể là "Tôi bị giết rồi" hoặc "Có kẻ giết người, giết người", hoặc "Ôi, Chúa ơi"...
Giữa lúc hỗn loạn, một số người đã đỡ Thủ tướng Spencer Percevaldậy và đưa ông lại gần phòng làm việc của Chủ tịch Hạ viện. Họ để ông ngồi trên một chiếc bàn và giữ chặt hai bên. Thủ tướng đã không nói lên được lời nào kể từ lúc ông bị ngã xuống sàn, tiếng ồn duy nhất tại hiện trường vụ việc chỉ là một vài tiếng khóc nức nở. Một lúc sau, do không cảm nhận được dấu hiệu mạch đập trên cơ thể của Thủ tướng, nghị sĩ Smith đã đưa ra một kết luận khiến đám đông hết sức bàng hoàng: Thủ tướng đã chết.
Vụ ám sát Spencer Perceval, minh họa bởi Walter Stanley Paget (1861-1908) lấy từ cuốn sách Lịch sử nước Anh, tập 5 của Cassell (1909).
Rất mau chóng, bác sỹ phẫu thuật William Lynn, ở tại địa chỉ 15 đường Great George, đã tới hiện trường và ngay sau đó xác nhận kết luận của nghị sĩ Smith là đúng. Vị bác sỹ đã xem xét rất kỹ lưỡng mọi vệt máu trên áo ngoài và áo gi-lê của Thủ tướng Spencer Perceval.
Khám nghiệm tử thi cho thấy có một vết thương bên ngực trái, phía trên xương sườn số 4. Dễ dàng nhìn thấy một viên đạn súng lục cỡ lớn đã găm vào đó. Bác sỹ Lynn sử dụng một thiết bị để thăm dò vết thương và nhận thấy nó chếch xuống dưới và đi thẳng vào tim. Vết thương sâu hơn 7 cm. Thủ tướng Spencer Perceval, chưa đầy 50 tuổi, đã không còn cơ hội để gặp lại người vợ có tên Jane và 12 người con.
Do quá sốc với những gì đã xảy ra nên hầu như mọi người không chú ý gì đến kẻ sát nhân. Tên này cũng không hề có ý định lẩn trốn, mặc dù hắn ta có thể dễ dàng thực hiện điều đó giữa lúc hỗn loạn. Thay vào đó, hắn lặng lẽ quay trở lại chỗ ngồi của mình bên cạnh chiếc lò sưởi. Danh tính của kẻ ám sát được xác định là John Bellingham, hắn không phải là người có quan điểm bạo lực cực đoan mà là một doanh nhân đến từ Liverpool.
Chi tiết về câu chuyện liên quan đến hắn ta nhanh chóng được bàn tán. Khởi nguồn từ việc tranh chấp với một vài doanh nhân người Nga, Bellingham đã bị cầm tù ở Nga vào năm 1804 do bị cáo buộc liên quan đến một khoản vay nợ. Hắn đã bị giam trong nhiều nhà tù ở Nga trong 5 năm sau đó. Trong suốt thời gian này, Bellingham đã cầu cứu chính quyền Anh bảo vệ hắn. Tuy nhiên, hắn cho rằng chính quyền đã không quan tâm đầy đủ đến số phận của mình.
Năm 1809, Bellingham được ra tù và trở về Anh với một tâm trạng hết sức cay đắng. Hắn cảm thấy oán giận sâu sắc đối với nhà chức trách Anh và đã lên kế hoạch đòi tiền bồi thường vì những thiệt hại trong kinh doanh và những gì hắn đã phải trải qua ở Nga.
Tuy nhiên, một lần nữa Bellingham cảm thấy rằng mình đã bị chính quyền phớt lờ. Hắn đã kiến nghị lên Ngoại trưởng, Bộ tài chính, Hội đồng cố vấn, Thủ tướng và thậm chí cả Vua George nhưng đều không có kết quả. Không một ai để tâm đến yêu cầu đòi bồi thường của hắn. Cuối cùng, Bellingham đi đến một quyết định cực đoan, đó là ám sát Thủ tướng Spencer Perceval để có cơ hội được ra trước tòa.
(Đón đọc kỳ cuối: Nhân cách cực đoan và sự trả giá)
Theo Nguyễn Bình
baotintuc.vn
Nữ Thủ tướng đầu tiên của Hàn Quốc lãnh án tù Hãng thông tấn Yonhap Hàn Quốc ngày 20-8 đưa tin cựu nữ Thủ tướng Hàn Quốc Han Myeong Sook sẽ phải ngồi tù 2 năm vì bị cáo buộc nhận bất hợp pháp 900 triệu won từ một doanh nhân để lập quỹ vận động chính trị vào năm 2007. Bà Han Myeong Sook (71 tuổi) hiện là nghị sĩ Đảng đối lập...