Nhai kẹo cao su có tốt cho sức khỏe?
Nhai kẹo cao su có thể giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng nhưng một nghiên cứu tại Mỹ phát hiện việc lạm dụng loại kẹo này có thể gây stress cho nướu và hàm răng.
1. Lịch sử “hào hùng” của kẹo cao su
Kẹo cao su đã xuất hiện trên thế giới từ hàng ngàn năm trước. Những người Hy Lạp cổ đại là những người đầu tiên trên thế giới “thưởng thức” hương vị của kẹo cao su được làm từ cây ma-tít. Ngoài ra, những người Maya cổ đại và dân da đỏ Bắc Mỹ cũng đã “nhai” kẹo cao su từ hàng nghìn năm trước (dù các loại kẹo này được làm từ những loại cây khác nhau).
Loại kẹo cao su đầu tiên được bán rộng rãi là một loại kẹo chiết xuất từ cây gỗ vân sam, xuất hiện lần đầu tại Mỹ năm 1848. Tuy nhiên, loại kẹo này rất khác so với những loại kẹo cao su mà chúng ta sử dụng ngày nay.
Ngài Thomas Adams là người đầu tiên “chế” ra loại kẹo cao su được làm từ một số hợp chất đặc biệt vào năm 1871. Sau đó, rất nhiều sư thay đổi đã được áp dụng nhằm đổi mới hương vị, giúp kẹo cao su dai hơn, tạo màu cho kẹo…
Video đang HOT
2. Những thành phần trong kẹo cao su
- Chất glycerine và tinh dầu thực vật giúp kẹo cao su mềm và dẻo.
- Đường mía, đường chiết xuất từ cây củ cải đường giúp kẹo cao su có vị ngọt khi nhai. Tuy nhiên, chúng có thể gây sâu răng và tổn thương cho lợi.
- Hương vị phổ biến và được yêu thích nhất chính là hương bạc hà vì nó giúp có cảm giác sảng khoái, đem lại hơi thở thơm tho.
- Các chất phụ gia được cho thêm vào giúp tạo màu cho kẹo cao su.
3. Tại sao chúng ta ghiền nhai kẹo cao su?
- Kẹo cao su giúp đầu óc tỉnh táo, tập trung (nhất là những loại có hương bạc hà).
- Giúp miệng đỡ khô.
- Giúp hơi thở thơm tho, tự tin hơn trong giao tiếp.
- Giúp chúng ta kiềm chế được “cơn thèm ăn” (đặc biệt là với những bạn đang ăn kiêng)
4. Kẹo cao su có tốt cho sức khỏe?
Thức ăn mà chúng ta “nạp” vào cơ thể hàng ngày sẽ được tiêu hóa và giúp cơ thể khỏe mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa lại không thể “xử lý” được kẹo cao su. Nhưng bạn cũng đừng lo lắng quá nếu vô tình nuốt phải kẹo cao su, bởi chúng sẽ được “đào thải” ra khỏi cơ thể chúng mình theo đường hậu môn và không gây ra bất kì ảnh hưởng nào đến sức khỏe chúng mình..
Ngoài ra, nhai kẹo cao su có thể giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng nhưng việc lạm dụng loại kẹo này có thể gây stress cho nướu và hàm răng. Không những làm mỏi lợi và hàm, động tác nhai đi nhai lại còn có thể dẫn tới đau nhức đầu và cổ, và khiến cho việc cử động hàm trở nên khó khăn. Ngoài việc “xa lánh” kẹo cao su ít ngày, người bị căng thẳng hoặc trầm cảm được khuyên nên tìm đến những liệu pháp khác như chơi thể thao hay tập yoga.
Nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Liverpool (Anh) cho thấy nhai kẹo cao su có thể giúp những người thừa cân giảm cân dễ dàng. Sau giờ ăn trưa mỗi ngày, 60 tình nguyện viên nhai 2 thanh kẹo cao su (có đường hoặc không đường). Những người này cho biết họ cảm thấy ít đói bụng hơn sau khi nhai kẹo cao su. Khoảng 3 giờ sau bữa ăn trưa, nhóm nghiên cứu mời các tình nguyện viên ăn thêm bánh ngọt, khoai tây chiên và kẹo. Kết quả là những người ở nhóm nhai kẹo cao su (ngọt hoặc không ngọt) đều tiêu thụ lượng calo ít hơn so với nhóm không nhai kẹo.
Như vậy, thói quen nhai kẹo đã giúp họ giảm cân đáng kể. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo không nhai quá nhiều kẹo cao su mỗi ngày vì nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ mỗi ngày 20g sorbitol (chất ngọt có trong nhiều loại kẹo cao su) – tương đương với 16 thanh kẹo cao su/ngày – có thể gây tiêu chảy.
Theo Dân trí