Nhạc Việt – những “ông trùm” khét tiếng
Nhạc Việt cũng may mắn sở hữu những tài năng, chịu khó đầu tư tìm tòi hướng đi mới và tạo ra những sản phẩm âm nhạc có chất riêng, mang phong cách âm nhạc hiện đại của thế giới.
Thị trường nhạc Việt trong thời gian qua đang bị bão hòa trầm trọng bởi sự xuất hiện dày đặc của vô số các ca khúc nhạc thị trường với giai điệu không để lại dấu ấn gì đặc biệt. Hãy cùng điểm qua 5 gương mặt nhạc sĩ tài năng đi tiên phong trong việc lựa chọn thể nghiệm những dòng nhạc mới lạ, hiện đại và cũng khá kén người nghe.
1/ Võ Thiện Thanh – Người tôn thờ sáng tạo nghệ thuật
Võ Thiện Thanh đã trở nên quá quen thuộc đối với bạn trẻ yêu nhạc từ 10 năm về trước khi các sáng tác đầu tay của anh như Tình 2000, Mãi cho tình lênh đênh, Xích lô… lần lượt trở thành hit và liên tục càn quét bảng xếp hạng Top ten Làn sóng xanh. Nhạc trẻ Việt Nam khi đó đang trong thời kì thịnh vượng và Võ Thiện Thanh là người đầu tiên đem đến làn gió mới thổi vào nền nhạc Việt bằng một thứ âm nhạc trẻ trung và đầy chất Tây.
Anh có công tạo dựng hình ảnh cho các ca sĩ trẻ mới gia nhập làng nhạc mà giờ đây họ đã trở thành những ngôi sao thực thụ. Điển hình là Đoan Trang với album Sô-cô-la do nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đảm nhận từ phần sáng tác ca khúc cho đến hòa âm phối khí. Các ca khúc nổi bật trong album như Tóc Hát, Sô cô la, Bâng Khuâng…ngay sau khi ra mắt đã chinh phục tai nghe của giới trẻ. Rồi Quang Vinh cũng đem chất nhạc Võ Thiện Thanh vào trong album Ngày không vội vã để khẳng định sự trưởng thành trong âm nhạc của mình bằng những ca khúc R&B nguyên chất như Anh thích lúc em cười, Tình yêu tìm thấy, Bóng dáng tình yêu…
Trong dự án “Thiên đàng” hợp tác cùng Thu Minh, đẳng cấp của Võ Thiện Thanh càng thể hiện rõ nét hơn qua các bản hit như Chuông gió, Dế Wellcom, Hương thơm diệu kỳ… Tất cả toàn là những sản phẩm lạ tai, mới tinh và mang tính đột phá cao. Dự án “Café sáng” tiếp theo sau đó mà anh bắt tay hợp tác cùng Hà Anh Tuấn đã làm nên thương hiệu mới cho chàng ca sĩ thư sinh này. Những ca khúc “đỉnh” trong album như Buổi sáng ở Ciao café, Vòng xoay, Sắc màu cuộc sống…đều mang dáng dấp của các sản phẩm âm nhạc tầm cỡ trên thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh tạm ngưng hoạt động một thời gian với lí do anh đưa ra là chưa tìm được hướng đi mới có tính đột phá nào. Ngay cả ca sĩ Thu Minh đề nghị anh thực hiện tiếp dự án Thiên Đàng phần 2 nhưng anh không chấp nhận vì chưa tìm được ý tưởng nào ưng ý. Điều này cho thấy sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ rất được anh coi trọng.
2/ Hồ Hoài Anh – Phiên bản Timberland của Việt Nam
Hồ Hoài Anh – một trong những vị giám khảo nổi tiếng của cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam, được xem là tay phù thủy hàng đầu trong việc sản xuất âm nhạc cho các ca sĩ tên tuổi. Lần đầu tiên công chúng biết đến anh qua phần đệm giọng trong ca khúc “Với anh” do Diva Mỹ Linh thể hiện được trích từ album Để tình yêu hát mang đậm chất R&B. Để rồi sau đó, cái tên Hồ Hoài Anh bắt đầu được khán giả trẻ chú ý đến khi anh làm “bà đỡ” cho album thứ hai của ca sĩ Hoàng Hải với tựa đề Hot. Chính phần trình diễn đệm giọng trong ca khúc hit Nỗi nhớ ngày đông mà công chúng và giới chuyên môn gắn cho anh biệt danh “Timberland của Việt Nam”. Cách thức Hồ Hoài Anh thể hiện ca khúc này na ná phần đệm giọng của phù thủy Timberland trong bản Apologize rất nổi tiếng của nhóm One Republic.
Ca sĩ Lưu Hương Giang – bà xã của Hồ Hoài Anh cũng nhờ ông xã giúp sức trong các album Cải bắp, Chuyển động (Move) của cô. Những giai điệu hiện đại trên thế giới nhanh chóng được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cập nhật để đưa vào các bài hát chủ lực trong album như Giọt sương và chiếc lá, Chong chóng gió, Cô gái tự tin… Đặc biệt với bản phối nhạc soul của ca khúc Hẹn gặp lại anh, phần đọc rap của anh thể hiện khá rõ nét, tương tự như giọng hát luyến láy của Timberland.
Dự án âm nhạc mới nhất của Hồ Hoài Anh là sự hợp tác với chàng ca sĩ Sao mai điểm hẹn Hà Anh Tuấn trong album Vol 2 “Sài Gòn Radio” phát hành đầu năm 2009. Ca khúc hay nhất album “Radio” được Hồ Hoài Anh chăm chút khá tỉ mỉ về giai điệu ca từ cũng như phần hòa âm hát bè đã góp phần tạo nên sự thành công của album khi nhận được giải Album vàng và giải thưởng Làn sóng xanh. Điều này đã chứng tỏ khả năng “phù phép” ca khúc bậc thầy của phù thủy âm nhạc Hồ Hoài Anh.
3/ Dương Khắc Linh – Producer kết nối âm nhạc thế giới
Chính thức xuất hiện trên thị trường nhạc Việt trong năm 2009 với dự án âm nhạc “The first single” của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, nhạc sĩ Việt kiều Dương Khắc Linh đã khiến dư luận thật sự bất ngờ khi được phát hiện là chủ nhân của các ca khúc đặc biệt trong album trên. Nhiều bạn trẻ yêu nhạc không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu nghe ca khúc My apologize (Xin hãy thứ tha) và Girl’s night với giai điệu và phần hòa âm phối khí mang âm hưởng rõ rệt của các ca khúc R&B đang thịnh hành trên thế giới.
Video đang HOT
Khi Hồ Ngọc Hà trình diễn phiên bản tiếng anh của ca khúc My apologize trên sân khấu âm nhạc xứ Hàn, tại đây báo chí Hàn đã không ngớt lời khen ngợi, dành tặng cho ca sĩ thể hiện cũng như nhạc sĩ sáng tác ca khúc những câu từ hoa mĩ. Thành công của ca khúc trên cũng đóng góp một phần không nhỏ bởi giọng đọc rap cực chuẩn của rapper chick Suboi. Thế là một gương mặt nhạc sĩ sáng giá bắt đầu lộ diện, đã và đang được các ngôi sao ca nhạc ráo riết săn đón.
Mới đây nhất, sự góp mặt quan trọng của Dương Khắc Linh trong hai album mới là “Walk” của nữ rapper Suboi và “The New Me” của ca sĩ Thảo Trang Idol đã giúp hai nghệ sĩ trẻ này tạo dựng và cũng cố hình ảnh mang cá tính riêng với hy vọng có thể vươn ra thị trường quốc tế. Hình tượng mà Dương Khắc Linh gây dựng có nét gì đó tương đồng với ngôi sao rap trẻ tuổi Lil’ mama và công chúa nhạc R&B Rihanna qua phần thể hiện ca khúc Rainbow và The new me.
Có thể nói Dương Khắc Linh được xem là người mở cánh cửa cho nhạc Việt tiếp cận với xu hướng hiện đại của âm nhạc thế giới.
4/ Lương Bằng Quang – Mang dòng nhạc điện tử từ thế giới ngầm
Khán giả biết đến nhạc sĩ Lương Bằng Quang lần đầu tiên qua ca khúc Đôi chân thiên thần do Anh hai Lam Trường thể hiện. Sau thành công của ca khúc này với giải thưởng top 10 nhạc sĩ trẻ được yêu thích của bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh năm 2004, một loạt ca khúc ăn khách khác của Lương Bằng Quang lần lượt ra đời sau đó như Ngôi sao chứng nhân, Với anh em vẫn là cô bé, Nơi làm anh chùn bước, Radio, Nắng sân trường…dần nhanh chóng chiếm được cảm tình của các bạn trẻ yêu nhạc và giúp anh có một lượng fan trung thành đáng kể.
Sau khoảng thời gian viết nhạc theo đơn đặt hàng của ca sĩ, Lương Bằng Quang mạnh dạn thể nghiệm giọng ca của mình qua album đầu tay mang tên Return (Sự trở lại) với sự hỗ trợ đắc lực từ các thành viên trong nhóm sản xuất âm nhạc Underground. Tất cả các ca khúc trong album được anh viết bằng cảm xúc thật của mình hòa trên nền nhạc điện tử đầy mới lạ, cuốn hút đã đưa anh trở thành một “hiện tượng” trong làng nhạc Việt. Có thể kể đến một số ca khúc đặc trưng cho phong cách có một không hai của Lương Bằng Quang như Mưa Sài Gòn, Dáng người xưa, Đến bên anh…
Một thời gian dài sau đó, Lương Bằng Quang tiếp tục tung ra album vol 2 vào năm 2009 với chủ đề Touch (chạm). Album thứ hai này khá mới mẻ, đánh dấu sự thay đổi rõ rệt hướng đi âm nhạc của anh khi chuyển từ thể loại Rock metal sang thể R&B sang trọng và tinh tế. Các ca khúc trong album như Có lẽ khóe mi đã vô tình, Cảm giác đã từng yêu, Nơi tình yêu được lấp đầy… đều chiếm giữ những thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Vina10 trên Xonefm.
Sau gần 2 năm gián đoạn kể từ khi album Touch ra mắt. Fan hâm mộ dường như rất sốt ruột khi phải chờ đợi sản phẩm tiếp theo của anh. Và rồi Lương Bằng Quang đã không làm fan thất vọng khi đầu năm nay anh tung ra hai clip nhạc tuyệt đẹp do chính tay mình thực hiện, để tặng cho fan hâm mộ sau một thời gian dài vắng bóng trên thị trường. Sự quay trở lại lần này, anh mang đến cho công chúng một hình ảnh mới nhẹ nhàng và lịch lãm. Các ca khúc mới như Khát khao trong đêm lạnh, Ngọt ngào, Trái tim của gió… được fan khen ngợi nức nở bởi giai điệu quyến rũ và phần hòa âm phối khí điêu luyện, mang phong cách “không giống ai” của nhạc sĩ Lương Bằng Quang.
5/ Nguyễn Hải Phong – “Lột xác” bằng giai điệu Dance-pop
Tương tự như Lương Bằng Quang, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Hải Phong cũng được liệt vào hàng ngũ nhạc sĩ “nghe bài hát nào là có thể biết đấy là sáng tác của ai” bởi sở trường của anh là các ca khúc nhạc dance pha một chút R&B và Hiphop. Các ca khúc Quần tây áo sơmi, Ngày hôm nay (Today), Đôi mắt, Ở nhà một mình (Home alone), Ngốc nghếch (Stupid), 5:00 PM, Đường cong (The curve)…đều có giai điệu hao hao giống nhau và rất dễ nhận diện. Đặc biệt khả năng hát bè, đệm giọng của Nguyễn Hải Phong trong các ca khúc này khá chuyên nghiệp kết hợp với nhịp beat bập bùng nên thu hút nhiều bạn trẻ nghe chúng.
Và đến khi Lột xác do chính anh tự thể hiện ra đời thì fan hâm mộ cảm nhận được Nguyễn Hải Phong đã thật sự “lột xác” với một phong cách tự tin và lôi cuốn hơn. Không còn là Nguyễn Hải Phong với tiết tấu rock của Góc tối trình làng Bài hát Việt hay giai điệu pop trữ tình trong bản hit Tan biến từng oanh tạc tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc Việt. Sự mới lạ trong các ca khúc của Nguyễn Hải Phong thể hiện ở khả năng pha trộn giai điệu dance, có tiết tấu nhanh mạnh kết hợp với phần đọc rap khiến người nghe khi thưởng thức ca khúc có cảm giác như muốn nhún nhảy theo. Có thể thấy rõ sự ảnh hưởng của âm nhạc USUK trong chất nhạc của Nguyễn Hải Phong khi các nhạc phẩm của anh mang một chút gì đó nổi loạn của Lady Gaga hay sự cách tân của Timberland. Điển hình là giai điệu của ca khúc 5:00 PM khiến người nghe liên tưởng đến siêu phẩm “Bad romance” của Lady Gaga.
Hiện tại Nguyễn Hải Phong đang cố gắng trau dồi thêm khả năng sáng tác cũng như tạo beat, hát bè, đọc rap… sao cho ngày càng chuyên nghiệp hơn để có thể thực hiện những dự án âm nhạc hoành tráng mà ca sĩ đặt hàng hợp tác với anh lâu dài trong tương lai.
Kết
Có thể nhận thấy hơn phân nữa các nhạc sĩ trên chịu ảnh hưởng rất lớn phong cách của các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới. Đó là quy luật tất yếu khi nền âm nhạc Việt sinh sau đẻ muộn và có bước đi non kém hơn so với các quốc gia sở hữu nền âm nhạc kĩ thuật số hiện đại như Anh, Mỹ, Hàn… Nhưng dẫu sao chúng ta vẫn không thể phủ nhận tài năng và cá tính âm nhạc của năm nhạc sĩ kể trên khi tất cả họ đều mong mỏi qua những làn gió mới mà mình bỏ tâm huyết tạo dựng sẽ làm mát lòng công chúng yêu nhạc bằng những sản phẩm chất lượng tốt nhất, có ý tưởng âm nhạc rõ ràng. Họ đang cố gắng dùng tài năng đích thực của mình để đem lại một điều gì đó khác biệt cho thị trường nhạc Việt không chỉ đơn thuần là một món ăn ngon mà còn mới lạ và hấp dẫn, nhằm đưa nền âm nhạc Việt sánh ngang tầm với âm nhạc thế giới trong tương lai không xa.
Theo 2sao
Giang hồ "Trà Bắc": Hợp tác và thanh trừng
Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Khánh Quốc.
Giang hồ Trà Bắc lấy Sài Gòn làm đất "quần hùng tranh bá" có vô số những cái tên sau này sẽ trở nên khét tiếng. Lỳ lợm thì có Cường híp, Thắng "chập", Ánh "thiệp, Hải "bánh", Bình "kiểm", Tuấn "kiểm"...; Thâm trầm, kín kẽ có Thắng "tài dậu", Hạnh "sự", Long "vàng"... Thư sinh nhiều chữ có Tuấn "con", Minh "sứt"...
Nhưng dù thuộc loại "cua" (ngang tàng) hay loại "lươn" (yếu đuối, lươn lẹo), đám này đều phải nể mặt vài ba cái tên không nổi tiếng bằng, nhưng nhắc đến là không thằng Trà Bắc nào không biết.
Đó là cặp vợ chồng Thuỷ "té" - Tuấn Tăng, anh em Thành "chân" - Mơ "chân và Quốc "lủi" (Nguyễn Khánh Quốc), toàn những hạng quân sư trong bóng tối. Ngô Phương Thuỷ, tức Thuỷ "té", sinh năm 1972 ở đường Đổng Quốc Bình, Hải Phòng, nhưng từ bé đến lớn, hầu hết Thuỷ "té" đều sống ở Q.I, TP HCM. Ban đầu ở đường Nguyễn Thị Nghĩa, sau chuyển qua đường Lê Thị Riêng.
Cần so sánh, nhan sắc của Thuỷ nếu có thua thì chỉ chịu thua đúng một người, đó là Vân Ly, mẹ đẻ của...Thuỷ. Có nhan sắc, cả mẹ lẫn con đều giao du thân mật với giang hồ từ khi Thuỷ còn bé xíu. Vào Nam, Vân Ly cầm đầu một đường dây sextour có tiếng. Cả khách hàng chủ yếu lẫn chỗ dựa dẫm chính của cái ngành công nghiệp không khói này đều là dân giang hồ.
Thuỷ giúp bà mẹ điều hành đường dây, thỉnh thoảng cũng đứng ra "tự bán hàng", hoặc "phát hàng khuyến mãi" cho vui, tất nhiên chỉ là dành riêng cho một số khách đặc biệt nào đó. Tuấn Tăng, một dân chơi Hà Nội vì "thói quen xài hàng khuyến mãi" đã trở thành anh chồng chính thức của cô kiều nữ xinh đẹp Thuỷ! Tuy nhiên, vì tội bán "hàng ngoài danh mục được phép bán" nên cuối cùng cả mẹ lẫn con và các thành viên khác trong đường dây sextour đều phải ra toà. Thuỷ cũng phải nhận mức án 3 năm tù, ngồi trại Z30D đến cuối tháng 5/1996 thì được tha.
Tuấn Tăng từng nhẵn mặt trên nhiều chiếu bạc đất Hà thành cho nên có vô số bạn bè chiến hữu là dân giang hồ. Những dân chơi cộm nhất của đất Hải Phòng như Minh "sứt" (Ngô Đức Minh), Phương "trộm trâu" (Ngô Xuân Phương), Hải "hấp", Quân "hấp"... nếu không phải là bạn của Thuỷ "té" thì chắc cũng từng là bạn của mẹ cô. Giang hồ chuyên nghiệp thì hay bị "lốc ổ" (phạm tội, bị lộ, bị truy nã), trong khi nghề sextour thì luôn lấy câu đẹp lòng khách làm phương châm.
Hào hiệp có điều kiện, mẹ con Thuỷ đã cưu mang, giúp đỡ khá nhiều tay giang hồ Trà Bắc, cho chúng mượn ổ khi đang bị truy nã hoặc mới vào Nam lập nghiệp còn phải làm "giang hồ khổ".
Theo thông tin từ giang hồ, trong những ngày bị truy nã trước khi biến mất, vợ chồng tử tội ma tuý khét tiếng đất Hà thành là Hà Tý Tồ - Hồng cũng từng nằm ổ trong điểm phấn hương này. Giang hồ đánh giá rất cao và vì nể, chỉ duy nhất có anh chồng Tuấn Tăng là có vẻ như vẫn hoài nghi và buồn bực chữ "hào hiệp" của gia đình vợ. Trước khi vụ Năm Cam nổ ra, Tuấn Tăng đã không một lời từ biệt, bỏ sang Đức rồi mất hút.
Mơ "chân" cũng là một thành viên trong đường dây sextour của Vân Ly, cũng khá nổi tiếng vì từng cưu mang, ráp nối nhiều mối quan hệ giang hồ Nam - Bắc. Nhưng thực ra cô ta chỉ được nể mặt vì là em ruột của Thành "chân", Nguyễn Chí Thành, sinh năm 1968. Tay này ít nói, không ưa bạo lực nhưng tỏ ra là kẻ quảng giao, có đầu óc tổ chức nên từ rất sớm đã lọt vào con mắt của ông trùm cờ bạc Năm Cam.
Sau gần 20 năm ngồi tù, Huỳnh Tỳ, nhị ca trong cái gọi là "tứ đại thiên vương" (4 tay giang hồ đầu bảng của miền Nam trước năm 1975 gồm Đại Ca Thay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế) được phóng thích. Những con cọp già đầu óc lỗi thời thường không mấy khi nhận định đúng tình hình và thực lực, thường nhanh chóng đưa ra các quyết định... sai bét!
Cậy thế nhị ca thuở không còn ai nhớ, Huỳnh Tỳ đã liên kết với một số giang hồ hết thời như Lý Đôi (Tạ Đắc Lung), Minh "ba giá" (Lương Văn Lâm), Trần Thị Ngàn, Thành "đô la" tổ chức một sòng bạc kiêm P.O (đại lý thuốc phiện) tại hẻm 98F Lê Lai, quận I mà không nộp xâu, cũng chẳng buồn hỏi qua Năm Cam một tiếng. Năm Cam đã thét đàn em vác mã tấu sang "giải toả" hẻm 98F nhưng Thành khôn ngoan ngăn lại để bày một chiêu độc khác.
Quả nhiên, sau khi một thời gian liên tục bị CSHS hỏi thăm và khám xét, cả con bạc lẫn con nghiện đều cạch không bén mảng đến hẻm 98F nữa. Nồi cơm hở vung bị hất văng khiến cái đầu tỉnh ngộ, Huỳnh Tỳ đã phải mang lễ đến năn nỉ Năm Cam góp vốn. Năm Cam đồng ý góp hai phần. Phần thứ nhất chính là Thành "chân", thay mặt Năm Cam giám sát toàn bộ hoạt động tại sòng Lê Lai.
Hằng tuần, ngoài phần ăn chia theo... tỷ lệ, Huỳnh Tỳ còn phải qua Thành nộp cho Năm Cam 5 triệu đồng tiền tiếp khách. Phần thứ hai là Lê Thị Điệu, vợ Thọ "đại uý", đặc trách khoản cho các con bạc cháy túi vay lãi nặng tại sòng. Méo mặt, Huỳnh Tỳ vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, hàng ngày gập thân giang hồ già nghe theo lời "góp ý" (thực chất là ra lệnh) của thằng oắt Thành "chân".
Lúc đó, gã chỉ ước phải chi trẻ lại được như hồi còn làm lơ xe đò để được ngon lành phang cho thằng oắt Bake đáng tuổi con em mình một ống nước vô đầu! Chưa kịp bày tỏ ấm ức, thằng oắt lại nâng giá tiền trà nước lên gấp rưỡi, rồi gấp đôi khiến Huỳnh Tỳ vừa móc hầu bao vừa nghiến răng kèn kẹt. Có công nhưng Thành không đòi Năm Cam tưởng thưởng, chỉ thỉnh thoảng nhờ vả Năm Cam trong bố trí công tác khác cho vài ba chiến hữu trôi sông, lạc chợ từ ngoài Bắc dạt vào. Dù không nhiều sao lắm số, Thành vẫn được Trà Bắc coi trọng.
Năm Cam đi cải tạo, Thành bỏ sang Hongkong, từ đó lần sang Anh quốc. Tay giang hồ tháo vát này có quan hệ rất sâu rộng với đám thuỷ thủ tàu viễn dương người Việt có máu xã hội đen đang định cư ở nước ngoài. Chính gã sau này đã giới thiệu những Minh "sứt", Phương "trộm trâu", Dung "hà"... cho Năm Cam để giang hồ Bắc - Nam vừa là đối tác, vừa làm thịt lẫn nhau.
Gã còn được xem là kẻ đi đầu, khai sinh ra nghề "dân rơm trồng cỏ" (dân cư trú bất hợp pháp chuyên trồng tài mà, một loại ma tuý dùng để hút) cho một đám giang hồ Trà Bắc khác đang lưu lạc ở xứ sương mù, chủ yếu là ở hai thành phố Nortingham và Southamton. Chuyện "rơm, cỏ" này, chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.
Nguyễn Khánh Quốc cũng rất đắc dụng với Năm Cam trong nghề tổ chức sòng bạc. Biệt danh Quốc "lủi" phản ánh rất chân thực bản chất của gã. Quốc sinh năm 1959 tại Ninh Bình, lớn lên và học phổ thông ở Lào Cai, học nghề và hành nghề giang hồ tại Hải Phòng, sau đó dạt vào Sài Gòn. Từ năm 1985 đến nay, Quốc "lủi" không có hộ khẩu thường trú. Thay vào đó, từ năm 1978 đến nay, gã đã 12 lần vào tù vì trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, cờ bạc, ma tuý, trốn tù... Tóm lại, không tội gì mà Quốc không phạm. Đã tham gia là thuộc hàng siêu.
Tháng 1/1986, trong khi đang ngồi tù ở Trại Phi Liệt, nay là Trại Xuân Nguyên (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) vì tội cướp, cao thủ này đã thiết lập được cả một sòng xóc đĩa ăn tiền ngay... trong buồng giam. Ngồi thêm được 21 tháng, gã đã lủi mất, trốn vào Nam, thay tên đổi họ thành Nguyễn Quốc Hải và gây án, đi tù tiếp thêm 4 lần trong gần 15 năm.
Vũ khí của T uấn con.
Xen giữa những lần vào tù ra khám, Quốc vẫn ngang nhiên biến nơi tạm trú ở lầu 2, nhà số 7 đường Nguyễn Huệ thành nơi tá túc cho đủ loại giang hồ Bắc "dạt vòm". Cứ thằng tội phạm nào nói tiếng Bắc được chiến hữu dẫn đến là Quốc nhận tuốt, cho mày ở, sống ra sao kệ mày, không biết làm gì thì theo tao kiếm cơm.
Nghề cờ gian bạc lận, Quốc là cao thủ. Chơi sơ sơ mấy trận tại sòng của Năm Cam mở ở số 74/18 Trần Nguyên Hãn, P.13, Q.8, Quốc đã kiếm được hơn 53 triệu đồng. Năm Cam đã phải "mời" Quốc "lủi" hùn vốn và cùng với Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Thị Kim Phượng, Trương Thoại mở và điều hành các sòng bạc tại phường Phước Long A, Q.9, đường Trần Nguyên Hãn, Q.8; đường Tự Lập, Q. Tân Bình... Chỉ trong 2 tháng 9 và 10/2001, từ các sòng bạc, riêng phần đã chảy vào túi Quốc "lủi" cũng đã gần 900 triệu đồng!
Bị bắt quả tang trên sới bạc vào ngày 29/10/2001, thụ án tại Trại giam Xuân Phước (Đồng Xuân, Phú Yên), Quốc vẫn dùng tiền và "uy tín" để chiêu dụ một số đối tượng phạm nhân tứ cố vô thân. Nguyễn Công Hùng, Trần Thanh Phong, Chiêm Quốc Hải, Trần Trọng Dũng, Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Thanh Hùng... các đối tượng hàng tù cao, án nặng được chuyển lên từ sau vụ gây rối ở Trại Thạnh Hoà, Long An đều nhanh chóng bị Quốc mua chuộc.
Suốt gần 2 tháng, Quốc "lủi" đã bỏ tiền ra mua thêm thực phẩm cho cả nhóm ăn bồi dưỡng. Mỗi lần đi lao động, các tên trong nhóm đều cố nhặt nhạnh bất cứ thứ gì có thể làm hung khí tìm cách cất giấu, chuẩn bị cho một cuộc bạo loạn trong tù nhằm bắt, khống chế con tin, từ đó tìm cách trốn trại. Thiên bất dung gian, ngày 16/7/2007, Quốc "lủi" và cả nhóm đã bị bắt, tống vào buồng kỷ luật. Quốc khai: Nhờ anh em Trà Bắc lo, hằng tháng Quốc vẫn được thăm nuôi đều đặn, thuộc hàng tù quý tộc, có tiền để mua chuộc, lôi kéo những bạn tù khác vào âm mưu đen tối.
Trong giang hồ, tình nghĩa chỉ là chuyện của ngày xửa ngày xưa. Đối với đám dân chơi mới mọc mũi sủi tăm thì triết lý sống luôn sặc mùi bạo lực, rất "lựu đạn": "Hễ đụng là phải chạm, chạm là phải nổ". Điển hình cho thứ triết lý này là vụ thanh toán Thắng "chập", một cao thủ Trà Bắc gốc Nam Định.
Đúng như tên gọi, Thắng "chập" thuộc loại "cơ điên" không hề biết sợ ai, nhiều lần dằn mặt luôn cả Năm Cam, cho đàn em quậy phá vũ trường, nhà hàng, sòng bạc của ông trùm chỉ vì... thích. Năm Cam rất cay mũi nhưng không làm gì được, vì băng Thắng đi đâu cũng kè kè dao chọc tiết lợn, lưỡi lê ba cạnh và "chó lửa". Thói làm càn của Thắng đã khiến hắn rước thêm hàng lọat kẻ thù, trong đó có Ánh "thiệp" (Đặng Công Ánh, một tay anh chị bảo kê, đứng bến đường Phan Văn Trị, Gò Vấp). Ít lâu sau, cậy thế đàn anh, khi chơi bạc tại sòng của Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn "con") cũng tại đường Phan Văn Trị, Thắng "chập" ngang nhiên rút súng cướp sòng khi bị thua cháy túi.
Thư sinh, trắng trẻo, vừa tốt nghiệp đại học nhưng Tuấn "con" không phải loại "trói gà không chặt" dễ bị bắt nạt. Từ khi còn là một thằng nhóc sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, Tuấn đã được Trà "hinh" (Trần Đức Trà), một trùm giang hồ kiêm võ sư thu nhận làm đệ tử và truyền cho những bửu bối của nghề đâm chém. Vào Nam, Tuấn "con" lại được Trà "hinh" chọn làm "truyền nhân đắc ý", giao coi sóc toàn băng nhóm trước khi Trà có ý định rút vào bóng tối.
Cùng chung một đối thủ, hai băng Ánh "thiệp" - Tuấn "con" đã liên kết với nhau cùng lên kế hoạch diệt Thắng "chập". Sau 4 lần bị truy sát nhưng đều chạy thoát, tối 12/9/2000, Thắng đã ngã gục trong trận "tập kích" trên đường Bình Giã, P.2, Tân Bình. Phát hiện ra Thắng, Tuấn đã ra lệnh cho một hai đàn em là Chung và Tú đuổi theo.
Khi Thắng dính hai nhát chém của Chung gục xuống lề đường, Tuấn "con" đã phóng tới rút K54 bồi thêm cho mấy viên đạn rồi phóng vụt đi. Bị thương rất nặng nhưng cao số, Thắng vẫn không chết, chỉ vĩnh viễn tàn phế. Lỳ lợm, Thắng không báo Công an, chỉ im lặng dưỡng thương, sau đó tìm đường trốn sang Đông Âu lặn không sủi tăm, nhằm bảo toàn mạng sống.
Năm Cam và giang hồ Sài Gòn biết rất rõ vụ việc nhưng không can thiệp. Máu lạnh của giang hồ Trà Bắc, sau vụ đó, đã trở nên nổi tiếng, đáng kiêng dè, được Năm Cam xem như của để dành, khi hữu sự sẽ còn cần nhờ đến
Theo Cảnh sát toàn cầu
Đường tới vành móng ngựa của "đại gia" Quảng Ninh Các bị can trong phiên xét xử ngày 23-8-2010. Ngoài hình ảnh một doanh nhân thành đạt, Phương "Ninh Hột" là một ông trùm khét tiếng ở Móng Cái, dưới trướng có hàng trăm đàn em là giang hồ Hải Phòng, chi phối nhiều lĩnh vực làm ăn ở đây. Nguyễn Tiến Phương có cha tên Ninh, mẹ tên Hột nên anh em...