Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: “Tôi sợ mình như quả mít, cái gai nào cũng nhọn”
Quá đa năng với nhiều vai trò như nhà thơ, nhạc sĩ, kiến trúc sư, sắp tới đây là hội họa… lại có thể hát và chơi guitar, Nguyễn Vĩnh Tiến sợ mình giống như quả mít, cái gai nào cũng nhọn. Chính vì vậy mà tới đây, anh sẽ “quy hoạch” lại cuộc đời mình bằng cách ưu tiên cho âm nhạc.
Nguyễn Vĩnh Tiến và vợ 9X.
Thành công nhờ lợi thế là nhà thơ
Nguyễn Vĩnh Tiến “tay ngang” đến với âm nhạc nhưng chỉ với 2 bài hát “Bà tôi” và “ Giọt sương bay lên” ra đời hồi năm 2005, anh lập tức gây tiếng vang. Nguyễn Vĩnh Tiến trở thành nhạc sĩ từ đó, với hàng lọat các ca khúc dân gian đương đại ra đời.
Trước khi đến với âm nhạc, Nguyễn Vĩnh Tiến là một nhà thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết và nhận được nhiều giải thưởng. Từ đầu những thập niên 90 của thế kỷ trước, Nguyễn Vĩnh Tiến đã là trưởng nhóm thơ “Hoa lạ”, toàn những nhân vật đình đám như: Đỗ Hoàng Diệu, Phạm Tường Vân, Lưu Sơn Minh, Vũ Duy Hưng, Lã Thanh Tùng…
Với chất văn học có sẵn nên khi viết ca khúc, anh có nhiều lợi thế. Ca từ tinh tế, chắt lọc, giàu hình ảnh nên dễ dàng chạm vào cảm xúc của khán giả. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn- cố vấn âm nhạc cho liveshow “Tiền duyên” sắp tới của Nguyễn Vĩnh Tiến nói rằng âm nhạc, ca từ của Tiến hát lên như những giọt mật, trong veo như nắng mùa thu quả không sai. Năm 2005, anh là người đầu tiên nhận giải thưởng “Bài hát dân gian đương đại nổi bật” với nhạc phẩm “Giọt sương bay lên” – chương trình “Bài hát Việt” của VTV3. Cùng năm đó, bài hát “Bà tôi” cũng trở thành hiện tượng của làng nhạc phía Bắc. Ngay bài hát “Giấc mơ trưa” của Giáng Son được yêu thích cũng có phần đảm nhiệm ca từ của nhạc sĩ gốc Phú Thọ này.
Âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến cũng như con người anh, mộc mạc, chân phương nhưng đầy ám ảnh. Không chỉ là nhà thơ, nhạc sĩ, lại có thể hát và chơi guitar… Nguyễn Vĩnh Tiến còn là kiến trúc sư và có công ty riêng về thiết kế. Anh cũng đảm nhiệm vai trò Kiến trúc sư trưởng của một tập đoàn. Nhìn bảng list danh sách, ai cũng phải thừa nhận anh là người đa tài, đa năng.
Tuy nhiên, sau những thành công nổi bật ở vai trò sáng tác, những năm gần đây, Nguyễn Vĩnh Tiến trở nên trầm lắng. Anh cho biết, vẫn sáng tác rất nhiều nhưng ít công bố. Sau hai album “Giọt sương bay lên” và “Ngồi trên vách nắng”, đến nay, anh đã sản xuất thêm 10 album chưa phát hành. Thay vào đó, anh biên tập âm nhạc, viết nhạc cho các ca sĩ là nhiều.
Bài “Sông ơi đừng chảy” được Nguyễn Vĩnh Tiến viết từ sự thách đố của nhạc sĩ Nguyễn Cường ngược lại với bài “Chảy đi sông ơi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, giúp NSƯT Hồng Vy đoạt Huy chương Vàng hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc; Album 12 tháng đã bán độc quyền cho ca sĩ Đinh Hiền Anh; “Thư Hà Nội” cho album của ca sĩ Hồng Nhung; “A nhờ Anh” cho ca sĩ Thanh Lam; “Tuổi núi đồi” cho ca sĩ Khánh Linh; “Một hạt cơm nhỏ” cho ca sĩ Tùng Dương; các sáng tác “Màu nước”, “Chuyện tình yêu” cho Tuấn Hưng thực hiện liveshow Đam mê hồi năm 2016. Gần đây nhất, hai ca khúc “Kiều ca” và “Bạc mệnh oán” tức “Đạm tiên ca” được Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác cùng Trần Đức Minh cho nhạc kịch “Thân phận nàng Kiều” đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019.
Ít sáng tác về tình yêu vì phụ nữ quá phức tạp
Video đang HOT
15 năm là một khoảng thời gian đủ dài, với khối lượng tác phẩm khá lớn, Nguyễn Vĩnh Tiến đã quyết định “chơi lớn” với liveshow đầu tiên trong sự nghiệp. Chia sẻ về sự chậm trễ này, anh cho biết, thời điểm này mới đủ chín chắn và cả sự chiêm nghiệm để làm đêm nhạc có ý nghĩa tổng kết một chặng đường âm nhạc. Ngoài ra, việc làm liveshow cũng là cách để chứng minh mình vẫn ngày đêm sáng tạo âm nhạc.
Một lý do nữa vì làm quá nhiều việc, biết quá nhiều thứ nên nhiều khi ngẫm nghĩ, anh thấy mình giống như quả mít, cái gai nào cũng nhọn. Vì thế, khoảng thời gian này anh muốn tập trung cho nghệ thuật nhiều hơn.
Lần trở lại này, nhạc sĩ sinh năm 1974 sẽ thực hiện tuyển tập tác phẩm, tức không chỉ dừng ở âm nhạc. Sau liveshow, anh còn có ý định công bố những tác phẩm mới về thơ ca, văn chương và cả hội họa.
Với liveshow “Tiền duyên” diễn ra vào 2/11 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến khẳng định, anh sẽ gần như không xuất hiện trên sân khấu dù anh hoàn toàn có thể biểu diễn bằng song ca hay chơi guitar cho ca sĩ. Thay vào đó, anh định sẽ chỉ giới thiệu về mình bằng một vài câu thơ ngăn ngắn, gợi hình ảnh, gợi sự thưởng thức với người xem. Còn lại, anh muốn dành toàn bộ thời lượng cho âm nhạc, để các nghệ sĩ kể câu chuyện đời mình bằng âm nhạc. Ba ca sĩ Thanh Lam, Mỹ Linh, Ngọc Khuê được hiểu sẽ là điểm nhấn của chương trình với những ca khúc mới và cũ. Đáng chú ý, ca khúc chủ đề “Cắt tiền duyên” được chủ nhân giao cho ca sĩ Đinh Hiền Anh. Tuy nhiên, anh cũng ra điều kiện với phu nhân của thứ trưởng Bộ Tài chính rằng “em phải luyện tập gấp đôi các ca sĩ khác vì họ đã từng hát nhạc của anh”. Đó cũng là cách “nhắc khéo” để nữ ca sĩ không bị “lép vế” trước những giọng ca sở hữu kỹ thuật thanh nhạc quá điêu luyện.
Chúng tôi hỏi nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, anh từng sáng tác về những điều nhỏ nhất là giọt sương, bông hoa, chuồn chuồn, chiếc roi tre… cho đến tình cảm lớn lao về người mẹ, người bà nhưng tình yêu đôi lứa lại rất ít, ngay cả khi cưới vợ trẻ 9x cũng không có tác phẩm nào được công bố. Anh dí dỏm lý giải, có thể do bản thân không hiểu tình yêu là gì, hoặc giả do phụ nữ quá… phức tạp!
Thực ra, đã trải qua một lần đổ vỡ hôn nhân nên với lần kết hôn này, Nguyễn Vĩnh Tiến khá kiệm lời và hạn chế chia sẻ. Anh chỉ tiết lộ ngắn gọn rằng khi quyết định kết hôn với người bạn đời kém 17 tuổi, anh nhận thấy đó là một sự kết hợp tuyệt vời. “Tôi có sự từng trải, chín chắn, còn vợ là sự tươi trẻ nên đó là một sự bù trừ cho nhau”, Nguyễn Vĩnh Tiến nói. Bà xã Lê Vi của anh vốn là một dancer đa tài và có năng khiếu hội hoạ. Họ quen nhau qua Facebook và “cưa đổ” nhờ những lần rủ nhau chơi bi-a.
Khi có thêm một cô con gái với vợ 9x, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cảm nhận đó là một chất kết dính gia đình vô cùng thiêng liêng. Nhờ có thêm thành viên nhỏ trong nhà mà anh thoát khỏi tình trạng trầm cảm. “Đó là thời điểm năm 2016, tôi sang Pháp làm luận án nghiên cứu sinh. Nhớ quê, nhớ người thân đến nỗi sinh ra trầm cảm, phải ăn chay một thời gian dài. Trầm cảm đô thị là một căn bệnh của xã hội hiện đại, nhiều người thậm chí không thể thoát ra. Năm 2017, con gái Dọc Mùng chào đời. Từ cái cây khô đang chờ chết, tôi thấy mình tràn sức sống, có ý thức hơn với mọi thứ xung quanh”, Nguyễn Vĩnh Tiến nói.
Mặc dù vậy, nhạc sĩ “Bà tôi” thừa nhận rằng sau những trải nghiệm buồn vui, sướng khổ với tình yêu, âm nhạc, thơ ca vẫn luôn là nguồn cảm hứng hấp dẫn và lâu bền nhất. Nhờ có nghệ thuật mà anh giải toả được những căng thẳng, mệt mỏi. Tình yêu đôi lứa giờ được anh chuyển sang tình yêu “vô cơ”, là những cây cỏ, hoa lá và cả những nguyên tố hóa học như “nàng Nitơ, nàng Heli”.
Minh Nhật
Theo giadinh.net.vn
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến ám ảnh giấc mơ "Tiền duyên"
Giấc mơ "Tiền duyên" năm 20 tuổi về người phụ nữ mặt tròn xinh xắn là cảm hứng để Nguyễn Vĩnh Tiến tổ chức liveshow đầu tiên của riêng mình.
Thời điểm từ năm 2005, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến được biết đến như một hiện tượng lạ của dòng nhạc dân gian đương đại qua những ca khúc "Giọt sương bay lên", "Bà tôi",... với lối viết giản dị, âm nhạc và lời ca mang những chất liệu từ chính cuộc sống bao đời của người dân Việt, tự nhiên, hồn hậu, thấm đẫm tinh thần làng quê.
Nguyễn Vĩnh Tiến được coi là một "tay chơi ngang" đi lạc vào khu vườn âm nhạc bởi anh vốn là một kiến trúc sư. Năm 2005, anh nhận Giải thưởng "Bài hát dân gian đương đại nổi bật" với tác phẩm "Giọt sương bay lên" trong chương trình "Bài hát Việt" của VTV3 cũng là thời điểm anh tốt nghiệp Cao học ở Pháp trở về. Chỉ trong vài năm tiếp theo, anh liên tục giành tới các giải thưởng như ca khúc "Bà tôi" - "Bài hát của tháng"; "Ông tôi" - "Bài hát ấn tượng"; "Mẹ tôi và những thị xã vắng" - Giải "Bài hát sáng tạo", "Sông ơi đừng chảy" do NSƯT Hồng Vy thể hiện đã đạt Huy chương Vàng "Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quốc",...
Từ đó đến nay, chỉ hơn một thập kỷ, Nguyễn Vĩnh Tiến đã có một vốn liếng mà không phải ai cũng có thể đạt được: đó là hơn 300 ca khúc, trong có những sáng tác đã được các Diva và các ngôi sao ca nhạc Việt Nam chọn thể hiện như "A nhờ anh" - Thanh Lam, "Tuổi núi đồi" - Khánh Linh, "Một hạt cơm nhỏ" - Tùng Dương, "Sông ơi đừng chảy" - Anh Thơ, "Thư Hà Nội" - Hồng Nhung, "Màu nước" - Tuấn Hưng, "Đàn chim sẻ nâu" - Ngọc Khuê...
Ngày 2/11 tới đây, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nguyễn Vĩnh Tiến sẽ tổ chức liveshow đầu tiên của mình mang tên "Tiền Duyên". Cũng như nhiều tiêu đề ca khúc của anh thường ngắn gọn, ít chữ thì tên chương trình cũng gợi nhiều sự hiếu kỳ.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến giới thiệu về liveshow "Tiền duyên" trong buổi họp báo diễn ra vào ngày 22/10.
Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết: "Tôi quyết định làm liveshow cách đây hai tháng. Tôi nghĩ mình đã đủ tuổi tác, chín chắn, sự chiêm nghiệm để tổng kết một chặng đường âm nhạc của mình.
Trước đây, tôi cũng đã có hai đêm nhạc ở Paris vào năm 2012 và 2013 để phục vụ bà con Việt kiều xa quê hương, một đêm nhạc nữa ở Ba Lan. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi làm đêm nhạc quy mô với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ tài năng. Tôi muốn khán giả có thể cảm nhận được rõ ràng những gì mình đã làm được trên các lĩnh vực mà mình tham gia, từ thơ, văn, kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc....
Còn về tên của liveshow là "Tiền duyên" bắt đầu từ câu chuyện có thật của tôi. Hồi tôi 20 tuổi, trong ba ngày liên tiếp, tôi đều mơ một giấc mơ liêu trai, mộng mị là tôi có tình cảm và yêu một người còn gái đẹp và hơn mình 2 tuổi. Giấc mơ ấy lặp đi lặp lại trong nhiều ngày khiến tôi kiệt quệ và ốm nặng.
Mẹ tôi vô cùng lo lắng và làm lễ cắt tiền duyên cho tôi (làm lễ để dứt mối duyên với người tình từ kiếp trước theo quan niệm dân gian). Giấc mộng liêu trai đó cứ luôn ám ảnh tôi. Vì vậy tôi đã sáng tác bài hát "Cắt tiền duyên" là ca khúc của chủ đề. Hơn nữa, với tôi, chữ "Duyên" còn mang nhiều nghĩa. Tôi lúc làm kiến trúc, lúc văn thơ, âm nhạc, lúc nghiên cứu khoa học,... và cũng vướng vào nhiều dây "Duyên". Đó là lý do tôi chọn tên liveshow đầu tiên của mình mang tên "Tiền duyên" như vậy.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ anh rất ngưỡng mộ người bạn của mình vì tài năng không chỉ trong âm nhạc mà còn rất nhiều lĩnh vực khác. Cái "duyên" rất riêng làm nên một Nguyễn Vĩnh Tiến không lẫn vào đâu được
Là người bạn thân thiết, với vai trò là cố vấn trong liveshow "Tiền duyên" của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng chia sẻ thêm: "Tôi đóng góp cho show Nguyễn Vĩnh Tiến với vai trò là người cố vấn và niềm tin. Đôi khi tôi chẳng làm gì cho người nghệ sĩ ấy cả, nhưng Tiến nhìn thấy tôi là yên tâm. Đấy là điều tôi nghĩ là quan trọng nhất, bởi có những con người nhìn vào mình không cảm thấy yên tâm, nhưng có những người làm việc gì lớn nhìn thấy nhau, bên cạnh nhau thì yên tâm.
Tiến là một thi sĩ, lời hát của Tiến rất đẹp. Cho nên âm nhạc cũng vậy, nhắm mắt lại những giọt nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến chảy xuống như mật, như nắng mùa thu. Tôi ngồi cạnh Nguyễn Vĩnh Tiến tôi gần trở thành nhà thơ".
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cũng cho biết trong liveshow đầu tiên của anh sẽ quy tụ những ca sĩ tên tuổi như Thanh Lam, Mỹ Linh, Ngọc Khuê, Khánh Linh, Thuỳ Chi, Đinh Mạnh Ninh, Thái Thuỳ Linh,...Mỗi người là một mảng màu trong bức tranh âm nhạc khá đồ sộ của Nguyễn Vĩnh Tiến. Theo đó, Ngọc Khuê sẽ xuất hiện với các bài hát "Bà tôi", "Giọt sương bay lên" và "Giấc mơ dai dẳng" sẽ được phối lại, bên cạnh đó là những sáng tác mới như "Đàn chim sẻ nâu" và "Tôi nằm dưới chân Phật tử". Ca sĩ Khánh Linh với "Thư Hà Nội", "Hát ru @"; Thuỳ Chi với "Suối trong" và "Tiếng dế vườn khuya"; Đinh Hiền Anh với "Giấc mơ chiều", "Cắt tiền duyên",...
Hai diva Mỹ Linh và Thanh Lam cũng góp mặt trong chương trình: "Trong đêm nhạc, tôi muốn chia sẻ về quãng thời gian tôi từng rơi vào trầm cảm. Mỹ Linh sẽ thể hiện hai ca khúc: "Hoa dành dành" và "Hoa mộc" để mô tả con người tôi lúc bấy giờ. Tôi đau khổ trong tình yêu, thất vọng trong cuộc sống, thiếu sự tương tác. Trong một đại đô thị ngày càng gia tăng về mật độ thì con người càng bé bỏng. Còn Thanh Lam sẽ hóa thân thành Kiều và Đạm Tiên trong hai ca khúc "Kiều ca", "Đạm tiên ca" trích trong nhạc kịch "Thân phận nàng Kiều" được tôi sáng tác cùng nhạc sĩ Trần Đức Minh. Vở nhạc kịch này vừa đoạt Huy chương Vàng Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2019".
Lần đầu hát nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến trong liveshow "Tiền duyên", ca sĩ Thanh Lam cho hay: "Tôi chưa hát nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến nên hy vọng có nét độc đáo, có góc cảm nhận khác trong âm nhạc để hát hai ca khúc của Tiến dành tặng cho đêm diễn"
Đảm nhận vai trò phối khí các ca khúc của liveshow "Tiền Duyên", nhạc sĩ Trần Đức Minh phát biểu tại buổi họp báo: "Chữ Tiền duyên rất rộng, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến nhờ tôi hòa âm phối khí, trải qua hơn 10 năm làm bạn chơi với nhau, tôi hiểu khá rõ bước đường và tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Tiến. Tôi và nhạc sĩ Phan Cường chủ định phối khí để mọi người cảm nhận được làm rõ tư tưởng ca từ, thơ của anh Nguyễn Vĩnh Tiến. Với tôi, anh Tiến là người tài hoa. Đặc biệt, thơ của anh có những khoảnh khắc thiên tài, từ thơ vang lên thành nốt nhạc, có nhiều bài hay và tự nhiên ca khúc "Bà tôi" là một ví dụ.
Liveshow chia thành 4 giai đoạn theo trình tự thời gian từ tuổi thơ đến khi trưởng thành của nhạc sĩ. Đó là: "Thơ trung du" (gắn liền với cây cọ, đồi chè...ở miền quê Phú Thọ của Nguyễn Vĩnh Tiến), "Trầm cảm đô thị" (khi Nguyễn Vĩnh Tiến lớn lên, ra thành phố học, tiếp xúc với những điều đẹp đẽ và cả những tiêu cực ở cuộc sống chốn đô thị); "Yêu vô cơ" (trầm cảm triền miên nên dồn hết tình yêu vào cây cỏ, hoa lá, thậm chí là cả vật vốn được xem là vô tri, vô giác như cốc nước); "Lạc tiền duyên" (đang tìm hướng đi tiếp theo trong tương lai cho cuộc đời mình)".
Nhạc sĩ Trần Đức Minh đảm nhận vai trò phối khí các ca khúc trong đêm nhạc.
Liveshow sẽ diễn ra trong khoảng thời gian hơn 2 tiếng đồng hồ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến tiết lộ bản thân anh sẽ gần như không xuất hiện gì trên sân khấu. Thay vào đó, anh định sẽ chỉ giới thiệu về mình bằng một vài câu thơ ngăn ngắn, gợi hình ảnh, gợi sự thưởng thức với người xem. Còn lại, anh muốn dành toàn bộ thời lượng cho âm nhạc, để các nghệ sĩ kể câu chuyện đời mình bằng âm nhạc.
24 ca khúc được biểu diễn trong chương trình là những mảng màu đặc sắc, độc đáo như chính âm nhạc và con người của Nguyễn Vĩnh Tiến. Liveshow "Tiền Duyên" chắc chắn sẽ là đêm nhạc được nhiều người đón đợi./.
Hạnh Lê/VOV.VN
Bán vé giá kỷ lục 10 triệu đồng, tác giả "Bà tôi" cho khán giả nghe gì? Kiến trúc sư - nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, tác giả của "Bà tôi", khiến nhiều khán giả "sốc" nặng khi giá vé đêm nhạc "Tiền duyên" của anh lên tới 10 triệu đồng/vé. Đêm nhạc đầu tiên của Nguyễn Vĩnh Tiến có giá tới 10 triệu đồng/vé Với sự có mặt của các ca sĩ Thanh Lam, Mỹ Linh, Ngọc Khuê, Khánh...