Nhạc sĩ Hà Chương: ‘Sài Gòn sẽ ổn thôi’
Bằng tình yêu thương và sự trân quý mảnh đất đã cưu mang những người con tha hương, nhạc sĩ Hà Chương sáng tác ca khúc Sài Gòn sẽ ổn thôi với mong muốn TP.HCM sẽ lại huyên náo, sẽ lại hào hoa…
MV “ Sài Gòn sẽ ổn thôi”
Hơn 10 năm gắn bó với TP.HCM là hơn 10 năm nhạc sĩ Hà Chương mang nặng ân tình với mảnh đất này. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Chương nghĩ đến việc động viên, vỗ về mọi người cùng nhau vững tinh thần vượt qua đại dịch bằng âm nhạc.
“Mình cần làm gì đó để chia sẻ với mọi người, bản thân Hà Chương không giúp được gì về vật chất nên sẽ làm trong khả năng của mình, bằng cách đóng góp tác phẩm âm nhạc, mình sáng tác Sài Gòn sẽ ổn thôi từ thôi thúc đó” – Hà Chương nói với Tuổi Trẻ Online.
Ca khúc Sài Gòn sẽ ổn thôi được Hà Chương sáng tác chỉ trong một đêm. Anh hòa âm, phối khí cho ca khúc. Phần thực hiện MV được đạo diễn Thái Tăng Tùng hỗ trợ và sản phẩm hoàn thiện chỉ trong 5 ngày.
Nhạc sĩ Hà Chương tự hòa âm, phối khí cho ca khúc mới
Như niềm mong mỏi được gửi gắm trong cái tên bài hát, Hà Chương chia sẻ: “Hà Chương mong mọi người sẽ nói với nhau, vỗ về nhau rằng Sài Gòn sẽ ổn thôi .
Mọi người cùng thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, Hà Chương tin TP sẽ ổn, mọi người trở lại cuộc sống bình thường, được làm việc, được cống hiến. Còn nghệ sĩ được đi biểu diễn, được gặp lại khán giả vì quá nhớ”.
Hà Chương dành thời gian luyện thêm kỹ năng trình diễn trong mùa dịch
Trong lúc ở nhà tránh dịch, ngoài việc dành nhiều thời gian để hòa âm, thu âm các sản phẩm cho mình và hỗ trợ các ca sĩ trẻ, nhạc sĩ Hà Chương còn luyện thêm kỹ năng trình diễn, nghe sách nói.
Anh cũng bày tỏ mong các nghệ sĩ, nhạc sĩ sẽ có những ca khúc giúp mọi người có thêm niềm tin, động lực cùng nhau vượt qua đại dịch.
Đà Nẵng nhắn gửi 'Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?'
Bài thơ "Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?" của cô giáo Ngọc Uyển với dòng tâm tư "Đà Nẵng gởi Sài Gòn yêu thương", được nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh phổ nhạc và ca sĩ Quang Hào thể hiện.
Hình ảnh Sài Gòn được tác giả đăng kèm với bài thơ đăng trên trang cá nhân
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển (51 tuổi) hiện đang công tác tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), đã sáng tác bài thơ "Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?" trong những ngày thành phố đông dân nhất nước đang căng mình trước đại dịch COVID-19.
Xin được mượn lời thơ, tiếng hát để chia sẻ bớt những khó nhọc trong đại dịch, mong Sài Gòn sớm bình an và đánh tan COVID-19.
Cô giáo Ngọc Uyển, Đà Nẵng
"Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?/ Nước mắt, mồ hôi, nối giọt thành dòng/ Sông Sài Gòn bỗng dưng cuộn sóng/ Nếu mệt rồi, ngủ chút nhé, Sài Gòn ơi...
Chiều Sài Gòn đôi mắt vẫn âu lo/ Màu hoàng hôn giấu trong ngày hối hả/ Khe khẽ thôi chân mẹ đã mỏi rồi/ Tình yêu người vẫn chảy giữa ngàn khơi...
Sài Gòn ơi, nếu mà người có mệt/ Cả nước ôm người một chút sẽ khỏe thôi/ Rồi thành phố sẽ vươn mình mạnh mẽ/ Thương lắm Sài Gòn, yêu lắm Sài Gòn ơi".
Ca khúc "Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?"
Bài thơ nhận được nhiều đồng cảm của người Đà Nẵng vì đã nói lên tâm tư họ dành cho Sài Gòn thời điểm hiện tại. Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh đã nhanh chóng phổ nhạc cho những câu thơ trên và ca sĩ Quang Hào là người thể hiện.
Cả hai nghệ sĩ cũng đều là người Đà Nẵng. Dù chưa phải là bản thu âm chuẩn, nhưng lời ca trĩu nặng tình cảm của người Đà Nẵng trao gửi cho Sài Gòn lúc này cùng tiếng guitar mộc mạc khiến người nghe cảm động.
"Tôi xúc động khi nghĩ đến cảnh một thành phố náo nhiệt bỗng lặng mình chống dịch. Năm ngoái thời điểm này Đà Nẵng cũng như vậy, tôi đã từng cảm nhận sự lặng im đó nên thấu hiểu. Sài Gòn lại khác! Cứ mỗi ngày lại có vài trăm đến hơn nghìn ca thì quả thật lo lắm.
Khi mấy anh gửi ca khúc này thì đúng lúc Sài Gòn thực hiện giãn cách, nghĩ thương và muốn làm gì đó bởi nơi đây có rất nhiều anh em, bạn bè, bà con và cả người thân. Khi tập hát, đã có lúc rơm rớm nước mắt khi nhớ tới khung cảnh trống vắng ngoài đường thiếu bóng người, bao nhiêu hoàn cảnh phải đối diện khó khăn.
Có thể bài hát chưa thật sự xuất sắc nhưng đã đạt được cái tình của tác phẩm. Vậy thôi, chỉ cần vậy là đủ rồi", ca sĩ Quang Hào tâm sự với Tuổi Trẻ Online.
Phần phổ nhạc do nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khánh ở Đà Nẵng thực hiện
Còn nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh - người phổ nhạc cho ca khúc - chia sẻ: "Đọc được bài thơ của tác giả, dù chưa gặp mặt trước đó, tự nhiên thổn thức vì mấy ngày qua tôi luôn hướng về, theo dõi tin tức dịch bệnh ở Sài Gòn với tâm trạng bồn chồn, lo lắng...
Gặp được bài thơ rất thật như những tấm lòng của bà con miền Trung nói riêng và cả nước nói chung dành cho thành phố này, tôi đã nghỉ không xem bóng đá trận Anh và Đan Mạch để viết".
Chị Ngọc Uyển cũng là tác giả của bài thơ "Đà Nẵng ngày bão giông", được nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu phổ nhạc, mang đến nhiều cảm xúc trong thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng hồi tháng 7 năm ngoái
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online , cô giáo Ngọc Uyển nói: "Lúc nghe tin TP.HCM phong tỏa toàn thành phố, các ca bệnh cứ tăng lên, tôi đã muốn viết đôi dòng để chia sẻ khó khăn và động viên bà con nói chung và bạn bè, người thân của mình đang sinh sống tại đây nói riêng.
Dù rất khó khăn, nhưng hãy vững tin rằng thành phố sẽ sớm khống chế được dịch và người dân bớt nhọc nhằn hơn, mọi chuyện xấu rồi cũng qua đi.
Tôi sáng tác bài thơ trong một buổi tối, rồi sau đó ông xã tôi đưa cho anh Khanh nhờ anh ấy phổ nhạc. Ngay sau đó, Quang Hào đã hát liền và quay bằng điện thoại. Bạn ấy có nói sau đây sẽ tiến hành hòa âm, phối khí để hoàn thành bản thu chất lượng hơn".
Hứa Kim Tuyền từng có ý định xoá MV "Sài Gòn Đau Lòng Quá" vì sợ không hay như khán giả kì vọng Áp lực trước thềm phát hành sản phẩm là điều khó tránh đối với các nghệ sĩ khi có lẽ bất kì ai cũng mong rằng ca khúc của mình được công chúng đón nhận. Với nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, áp lực đó còn lớn hơn khi bản teaser chỉ vỏn vẹn 30 giây đã làm dậy sóng khắp nơi trước khi...