Nhạc sĩ Đức Huy: “Tôi phải bán xăng, bán xe, giao pizza, giao thuốc”
“Đời sống của tôi khi ấy khá vất vả, nhưng cũng học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm” – nhạc sĩ Đức Huy cho biết.
Nhạc sĩ Đức Huy được biết đến là một cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam nói chung và âm nhạc hải ngoại nói riêng, với nhiều ca khúc nổi tiếng như Người tình trăm năm, Và con tim đã vui trở lại, Khóc một dòng sông…
Mới đây, tại chương trình The Jimmy Show, nhạc sĩ Đức Huy đã chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Tôi không có internet, điện thoại thông minh như bây giờ, chỉ có mấy cái đĩa than để nghe
Quê tôi gốc ở Sơn Tây, nhưng bố mẹ lại đẻ tôi dưới Nam Định. Sau đó, tôi lại sống ở Hà Nội. Lớn lên, tôi di cư vào Sài Gòn được 5 6 năm rồi lại chuyển lên Đà Lạt. Tại đây, tôi sáng tác được khá nhiều ca khúc hay.
Thời mới lớn, tôi hay thích thả cho tâm hồn bay xa, vì thế nên tôi thường tìm đến những nơi tĩnh lặng để suy ngẫm và Đà Lạt là một nơi như thế.
Lúc đó, tôi muốn trả lời bằng được câu hỏi xem mình phải làm gì cho cuộc đời mình. Tôi lại bị lôi cuốn bởi âm thanh, nhịp điệu nên rất thích nghe nhạc. Tôi thích những loại nhạc sôi động, khiến cơ thể nhúc nhích chứ không muốn đắm mình vào nỗi buồn, trầm tư.
Tôi không thích những gì kéo tôi xuống. Tôi phù hợp với những tần số vui tươi, tích cực, dễ cười. Đôi khi tôi cười chẳng vì lí do gì. Đó cũng là cảm hứng sáng tác của tôi và là lí do khiến tôi luôn tươi trẻ như hiện tại. Tôi không cho phép mình hướng đến những cái tiêu cực.
Cũng vì thế nên tôi quyết định đến với âm nhạc chứ không phải công việc nào khác. Trong quá trình đến với âm nhạc, tôi học hỏi được từ nhiều nhạc sĩ đi trước. Tôi luôn dặn mình phải cố gắng học hỏi tất cả những người mình gặp để tiếp cận cái mới.
Để đến với âm nhạc, tôi tham gia vào các ban nhạc trong xóm, cố gắng mua sách báo về đọc, băng đĩa nhạc ngoại về nghe. Thời đó, tôi không có internet, điện thoại thông minh như bây giờ, chỉ có mấy cái đĩa than để nghe, khá khó khăn.
Có những đĩa tôi phải nghe cả trăm lần, nghe từ sáng đến chiều, khiến mọi người xung quanh phát điên. Tôi nghe The Beatles, Elvis Presley, rồi sang Trần Thiện Thanh, Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Tôi luyện tai nghe cho mình bằng cách như vậy.
Tới hải ngoại, tôi phải đi bán hàng, bán xăng, bán xe, giao pizza, giao thuốc cho bệnh viện
Tới giai đoạn 1967, tôi tới học tại Văn khoa Sài Gòn. Học chung với tôi khi ấy có cô Thanh Lan. Lúc này, tôi gia nhập ban nhạc Bốn Trái Dâu, chuyên hát nhạc ngoại. Nhưng cái tôi của ai trong ban nhạc cũng lớn nên sớm tan rã.
Trước khi ra hát solo, tôi có kết hợp cùng một tiếng hát nữ là Đoàn Thanh Tuyền, rồi sáng tác một vài ca khúc. Nhạc của tôi khi ấy không phải cái triết lý như Trịnh Công Sơn, cũng không phải cái lãng mạn như Ngô Thụy Miên. Tôi muốn tìm một cái gì đó tươi mới, theo kiểu Blues.
Tôi quan niệm, cái đẹp của cuộc sống không cần phải phức tạp. Nó phải đơn giản. Nhưng cái gì cũng phải tồn tại có âm có dương, nên tôi mới ngỏ lời ca sĩ Đoàn Thanh Tuyền về hát cùng mình. Cô này là chị vợ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, chứ không phải danh ca Thanh Tuyền bây giờ.
Tới năm 1972, tôi ra trường và chuyển vào làm trong quân đội. Sau đo, tôi chuyển sang hải ngoại sinh sống. Tôi là một trong những thế hệ nghệ sĩ đến hải ngoại sớm nhất.
Trong một hai năm đầu đặt chân tới hải ngoại, tôi phải đi làm kiếm sống, đi bán hàng, bán xăng, bán xe, giao pizza, giao thuốc cho bệnh viện, chứ không được đi hát ngay. Đời sống của tôi khi ấy khá vất vả, nhưng cũng học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Tới những năm sau đó, tôi tìm cách quay trở lại với âm nhạc bằng cách đi hát tại các tụ điểm tại San Francisco, Washington… Thời gian ấy, tôi sáng tác khá nhiều ca khúc mới, trong đó có Khóc một dòng sông. Sau đó, tôi chuyển sang Hawaii. Tại đây, tôi sáng tác các bài hit như Người tình trăm năm, Con tim đã vui trở lại.
Một thời gian sau, tôi bỏ đi học nhiếp ảnh, rồi mãi mới quay về làm nhạc.
Video đang HOT
Nhiều người hay thắc mắc tôi viết bài Người tình trăm năm cho ai, ai là người tình trăm năm của tôi. Tôi xin trả lời rằng tôi viết cho người ở thời điểm đó, chứ không có người tình nào đi cùng tôi trăm năm cả.
Với tôi, người tình dù ngắn ngủi cũng là trăm năm, chứ người vợ đôi khi chỉ được một năm.
Hiện tại, tôi đang sống rất vui bên gia đình, vợ con mình. Cuộc sống của tôi hiện nay có thể gói gọn trong hai chữ hạnh phúc.
Chuyện tình cổ tích của nhạc sĩ Đức Huy và vợ kém 44 tuổi
'Tôi lấy anh Huy vì chính con người anh ấy - một con người rất hiền lành, dễ thương', chị Huỳnh Thư gián đoạn cuộc trò chuyện, bật khóc. Nhạc sĩ Đức Huy quay người ôm vợ âu yếm: "Cám ơn bạn đã ngợi khen mình"
- Nhạc sĩ Đức Huy là người lãng mạn nổi tiếng showbiz và chị bị chinh phục bởi điều này nên yêu và quyết định gắn bó với người đàn ông hơn mình tới 44 tuổi?
Huỳnh Thư: Anh Huy dư thừa sự lãng mạn. Hồi xưa, tôi ái ngại vì chưa quen với sự lãng mạn ấy còn bây giờ thì... ái mộ. Mỗi ngày, nếu anh Huy bớt lãng mạn là không được với tôi. (cười). Bé 7 tuổi nhà chúng tôi hay cằn nhằn: "Ba mẹ kỳ quá, sáng hôn, trưa hôn, tối hôn mà ăn cơm cũng hôn. Hôn suốt ngày!". Ngày nào chúng tôi hôn nhau dưới 10 lần, nghĩa là đang cãi nhau.
Với chúng tôi, hôn là một phương pháp giao tiếp, thể hiện sự yêu thương cho nhau. Chúng tôi không bao giờ hôn thủ tục. Hai bé nhà tôi cũng thành thói quen mỗi sáng đều hôn ba mẹ.
Lấy nhau 10 năm, hễ tôi "hạ nhiệt" thì anh Huy "tiếp nhiệt". Thời gian sinh em bé, tôi bận bịu nhiều việc nên đôi khi quên mất chúng tôi đã lãng mạn thế nào nhưng anh Huy thì không bao giờ.
- Nhưng tôi vẫn tò mò muốn biết, ngày đầu chị gặp anh tim chị rung lên như thế nào? Có đập thật nhanh hay lại là...?
Huỳnh Thư: Tôi không có khái niệm "tình yêu sét đánh". Anh Huy là người ba tôi rất thích, tôi mon men đến gặp anh xin đĩa. Chúng tôi gặp nhau khi cả hai đang độc thân, mến nhau một cách tự nhiên.
Nhạc sĩ Đức Huy: Là khi đủ nắng thì hoa sẽ nở bạn ạ.
Dạo ấy, chị có hay tìm kiếm thông tin về anh Huy trên Internet?
Huỳnh Thư: Hồi mới yêu, tôi cũng không biết anh bao nhiêu tuổi. 10 năm trước, điện thoại iPhone 4 mới ra, trong đó có ứng dụng xem bói, tôi hỏi anh sinh năm mấy để xem tình duyên cho hai đứa thì anh nói sinh năm 1947. Tôi không mảy may để ý, cứ thế trượt mãi trượt mãi không đến năm 1947. Khi tìm thấy, tôi kêu lên: "Trời, vậy là anh 63 tuổi rồi!". Bạn thấy đấy, trước đó, tôi chưa từng quan tâm chuyện tuổi tác vì giữa chúng tôi không có khoảng cách.
Người ta nghĩ anh phải chiều tôi vì tôi trẻ, hoặc tôi phải nhịn anh vì anh có điều kiện; nhưng thực tế, chúng tôi rất bình đẳng.
Nhạc sĩ Đức Huy: Chúng tôi thống nhất nếu hết yêu thì phải nói cho người còn lại biết. Chúng tôi ưng mới vô chiều mà yêu cũng vô chừng.
- Nhưng hồi cưới nhau, làm sao để chị vượt qua áp lực đàm tiếu khi lấy chồng hơn mình tới 4 giáp?
Huỳnh Thư: Tôi không bị áp lực vì nghĩ mình không làm sai thì bận tâm đến người khác nói gì nhiều để làm gì. Chính ba mẹ tôi, những người quan trọng nhất, không cho tôi lấy anh Huy. Tôi không bất hiếu nhưng tôi biết hạnh phúc của mình ở đâu. Sau này, tôi có nói với ông bà: "Anh Huy có 90 tuổi, con vẫn lấy". Tôi chẳng thà vỏn vẹn 10 năm hạnh phúc, còn hơn sống cả đời mà bất hạnh.
Tôi không lấy anh Huy vì anh ấy nổi tiếng hay là tác giả của vô số bài hát hay. Tôi lấy chính con người anh ấy - một con người rất hiền lành, dễ thương. Rất xin lỗi vì cứ chia sẻ về anh Huy là tôi khóc vì tình yêu của chúng tôi mãnh liệt quá. Tôi khóc vì hạnh phúc cứ thế tràn ra.
Nhạc sĩ Đức Huy: Khi ra đường, tôi cứ như điếc rồi vì ai nhìn chúng tôi cũng xì xào. Nếu cứ để ý, chúng tôi lấy thời giờ đâu để sống, để hạnh phúc.
- Việc vợ chồng hơn kém tuổi khá phổ biến nhưng anh chị cách nhau hơn hai thế hệ, dường như chưa từng thấy trong showbiz?
Nhạc sĩ Đức Huy: Chúng tôi là cặp đôi duy nhất đếm hết hai bàn tay, hai bàn chân vẫn không đủ. (cười) Bạn có thấy chúng tôi hạnh phúc không? Nếu có, chúng tôi không cần nói bằng lời nữa. Khi giữa chúng tôi không còn ranh giới, khi hai đã làm một, tôi nghĩ không cần nói về khoảng cách nữa.
Chúng tôi luôn dẫn đầu danh sách "Cặp đôi kỳ cục" nhưng không bao giờ nói nhiều vì thấy quá bình thường. Chúng tôi không đặt mục tiêu sống sao cho ông hàng xóm hài lòng hay để họ hàng khen ngợi. Có câu này tôi từng nói nhưng luôn đúng, rằng: "Đầu đời của nàng nhưng cuối đời của chàng". Bây giờ không chiều chàng thì đợi đến bao giờ?
Huỳnh Thư: Tật xấu lớn nhất của chàng là nhõng nhẽo, không có vợ là không chịu ăn, không chịu ngủ
Nhạc sĩ Đức Huy chen vào: Đó không phải là tật xấu mà là quen hơi. Ăn, ngủ có đôi vẫn vui hơn.
Huỳnh Thư: Nhiều người bảo tôi phải xa anh ra để anh còn sáng tác nhưng hễ tôi xa là anh tuột huyết áp vì bỏ ăn.
Nhạc sĩ Đức Huy: Đó là "Vướng thì sợ mà vợ thì sướng".
- Nếu ngày ấy, Thư không đi về phía anh Huy, không gặp nhau, giờ này sẽ thế nào? Liệu rằng sẽ là cuộc tình với một người khác, như một chàng trai cùng tuổi chẳng hạn?
Huỳnh Thư: (cười) Giống như anh Huy hay nói: "Nếu không có em, chắc anh buồn lắm". Tôi nói anh rằng: "Nếu không có em, anh làm sao biết hạnh phúc khi có em thế nào mà buồn?". Tôi vẫn nói với mẹ rằng may quá vì có anh Huy chịu hết mọi tính xấu của mình. Ở bên anh, tôi không thể tưởng tượng rằng liệu một mai có thể lấy được ai chịu nổi mình ngoài anh.
Nhạc sĩ Đức Huy: (nhại giọng) "Nếu không lấy anh Huy, chắc em sẽ sống một mình thôi, không lấy ai đâu". Đùa thế chứ anh vui vì tìm em sáu mươi mấy năm mới gặp để đòi nợ (hoặc trả nợ) em.
- Có điều gì khiến chị vỡ mộng sau "khi hai ta đã về một nhà"?
Huỳnh Thư: Khi hạnh phúc, tôi không thể nhớ những đau khổ. Tôi sợ nói quá tốt về chồng mình, người ta sẽ bảo tôi nói phét. Nhưng anh Huy không chỉ là chồng mà còn là người bạn, người anh và người ơn với tôi.
Về sống với nhau, tôi như đứa trẻ vừa bước vào đời, được anh dìu dắt mỗi ngày, học mọi thứ anh có trong cuộc đời anh. Tôi có bạn nhưng thú thật là tôi không cần bạn vì bất cứ điều gì tôi cũng có thể nói với anh rồi, không cần chia sẻ thêm với ai khác nữa. Tôi rất sung sướng và hạnh phúc vì điều đó.
- Nhạc sĩ Đức Huy cũng nổi tiếng ở sự khó tính, khắt khe. Có bao giờ chị bị sự khắt khe của anh ấy làm lúng túng?
Huỳnh Thư: Mấy năm mới quen, chúng tôi có cãi nhau cũng chỉ vì tôi không chọn đúng từ ngữ để diễn đạt suy nghĩ của mình. Tôi không nghĩ anh Huy khó tính, khó chịu nhưng mọi người xung quanh, kể cả mẹ tôi, đều nghĩ anh ấy như vậy. Họ thường cho anh Huy là người Bắc, lớn tuổi nên sẽ khắt khe, gia trưởng. Sự thật là chàng ham vui, thoải mái và dễ chịu; chưa bao giờ khiến tôi bị áp lực khi sống chung. Anh ấy có làm gì đi nữa đều vì muốn tôi tốt hơn.
Nhạc sĩ Đức Huy: Tôi không hiểu sao mình lại chịu tiếng "khắt khe", qua việc chấm thi đúng đắn của tôi chăng? (quay sang vợ) Nhưng em này, cho anh thêm vào một chút. Anh không "làm em tốt hơn" vì anh cũng không biết thế nào là tốt hay không tốt. Anh chỉ muốn em hạnh phúc hơn mỗi ngày.
- Đời sống hôn nhân đôi khi khó tránh tranh luận, cãi vã. Những lúc như vậy, anh chị làm sao chấm dứt tranh cãi?
Huỳnh Thư: Trước đây, tôi rất sĩ diện, anh Huy sửa sai cho mình là tôi khó chịu, tự ái. Đến giờ, tôi học được cách chấp nhận nhìn thẳng vào cái sai của mình. 10 năm qua, chúng tôi cãi nhau mất 15 - 30 phút là quá nhiều. Ai sai sẽ tự đến xin lỗi người còn lại. Chúng tôi không tranh đấu, hơn thua, không giành phần thắng về mình. Chúng tôi không để bụng chuyện không vui. Nếu mỗi ngày bạn cứ để một ít, sẽ có ngày "nước tràn ly".
- Thường ở độ tuổi của anh để lạc quan không khó nhưng đủ năng lượng tích cực để lan truyền đến người khác e rằng...?
Nhạc sĩ Đức Huy: Điều đó rất tự nhiên. Cơ thể chúng ta có ngũ uẩn (năm yếu tố tạo thành con người - PV), nếu chúng điều hòa thì sáng nào thức dậy cũng là sáng thứ 7.
Trái lại, có những người bắt đầu buổi sáng bằng cơn tức tối đêm qua chưa nguôi. Bạn xuống nhà và thấy con chó của hàng xóm sao chối mắt quá, chỉ muốn đá nó một cái. Trả lời câu hỏi của bạn, năng lượng tích cực không thể tụ lại một chỗ cũng như năng lượng tiêu cực phải được phát tán ra. Bản chất của chúng là sự lan tỏa. Bạn vui, cả nhà sẽ vui; trái lại, bạn tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến mọi người.
Đôi lúc, vợ tôi cũng bắt đầu buổi sáng bằng vẻ mặt nhăn nhó, khó chịu. Cô ấy mở lời với tôi bằng sự than phiền, càu nhàu. Tôi dừng cô ấy lại: "Khoan đã, em yêu, chúng ta hãy khởi động ngày mới bằng những gì hay hơn". Đến 9 - 10 giờ, tôi sẽ lắng nghe cô ấy càu nhàu chuyện không vui. Mỗi chuyện đều cần thời điểm cả.
Chúng ta là chiếc TV có nhiều kênh. Bạn bảo tôi nghe thấy những tiếng chửi rủa lùng bùng trong óc? Hãy vặn nhỏ, chuyển kênh, thậm chí tắt quách nó đi. Nếu bạn thức dậy bằng sự tức tối của ngày hôm qua, đó là lựa chọn của bạn.
Huỳnh Thư: Tôi, với tư cách người vợ, hưởng sự tích cực anh mang đến hàng ngày hàng giờ. Sống với anh, tôi đã bỏ đi nhiều lo âu không cần thiết. Nếu có điều vui, anh chia sẻ đến mọi người xung quanh. Các bé nhà tôi cứ mỗi sáng mở mắt ra là cười.
- Âm nhạc của anh, tài sản quý của nền nhạc Việt, với chị có ý nghĩa gì?
Huỳnh Thư: Yêu anh Huy, tôi đã chấp nhận anh ấy là người nổi tiếng, được mến mộ nên tôi không thấy ghen
Nhạc sĩ Đức Huy: Trời ơi, có ai thèm tôi đâu mà?
Huỳnh Thư: Đấy, anh Huy cứ nói có để anh ấy ngoài đường đến đóng mạng nhện cũng không ai thèm. Nhưng tôi là người yêu anh ấy mà, phải canh chứ!
Âm nhạc của anh có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Ba tôi tán đổ mẹ tôi nhờ hát nhạc anh ấy, tôi đã nghe những ca khúc của anh từ nhỏ xíu. Dĩ nhiên, đến khi sống chung, tôi mới cảm nhận trọn vẹn về âm nhạc ấy. Con người anh ấy thế nào nhạc thế ấy, chúng không có sự đau buồn, tuyệt vọng hay trách móc. Tôi tự hào nói với mọi người rằng tôi yêu âm nhạc của anh ấy.
- Nghe đâu, anh úp mở với vợ chồng Hoàng Bách sắp có bé thứ 3?
Huỳnh Thư: Anh Huy nói tôi đẻ mấy đứa cũng được vì anh không sợ cực. Dù vậy, anh lớn tuổi rồi, tôi nghĩ hai bé một trai một gái là quá đủ, quá đẹp. Tôi muốn dành thời gian chăm anh Huy. Chúng tôi không thuê giúp việc vì không thích san sẻ việc nhà với ai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đặt tâm lý phải ngừng sinh con, cứ để thuận theo tự nhiên vậy.
- Anh chị chuẩn bị thế nào khi hai bé càng lớn, áp lực chi phí càng tăng?
Huỳnh Thư: Chúng tôi không dư dả nhưng không lo lắng gì vì biết "liệu cơm gắp mắm", bằng lòng với những gì hiện có. Chúng tôi làm ra tiền sẽ để một phần cho con ăn học, một phần chi tiêu hàng ngày, còn lại chúng tôi dùng để thụ hưởng cuộc sống. Anh Huy đã làm cả đời rồi. Dù đến tuổi này, anh hạnh phúc vì còn được làm việc nhưng tôi muốn anh phải thụ hưởng từ đồng tiền mình làm ra. Anh Huy xin tiền chỉ để mua máy ảnh, ra mẫu nào mới là "tha" về. Ở nhà tôi hiện có 10 chiếc, chỉ để chụp vợ con.
Tôi không cất tiền lại cho mình, tôi muốn anh Huy tiêu tiền đó. Vài người họ hàng hay "dặn" tôi cất tiền riêng để sau này có dư mà xài, suy nghĩ lạ lắm!
Anh Huy là người hiếm hoi không biết mình có bao nhiêu tiền, đi làm mà không biết mình nhận lương mấy đồng. Lúc quen nhau, anh chỉ có hai tay trắng.
- Anh chị có tính chuyện kết nối các con lại với nhau không?
Huỳnh Thư: Với các con trước, anh Huy đã làm tròn trách nhiệm, bổn phận nên không bị áy náy hay cắn rứt. Tôi rất thoải mái, luôn luôn mong chị Thảo My và các cháu của anh chị hạnh phúc. 3 con với nhau là một gắn kết rất mạnh mẽ, không ai có thể ngăn cách được! Với tôi, yêu thương là tự nguyện. Nếu 3 cháu thương các em nhà tôi thì quá tốt nhưng nếu không cũng chẳng sao. Chúng ta không thể ép ai yêu mình và cũng không thể trách móc vì không được yêu, đúng không nào?
Nhạc sĩ Đức Huy: "Tôi yêu những gì đến tự nhiên" vậy. Khoảng cách địa lý hay thế hệ giữa các con đều xa. 3 cháu kia, đến ba nó muốn gặp còn khó đây. Có người muốn đại gia đình phải hạnh phúc nhưng xin lỗi, ai cũng có cuộc sống riêng của mình. Ý định có thể hay đấy nhưng đừng cố thực hiện thì hơn.
Anh Huy này, tuổi 73, với anh thời gian có đang gấp gáp?
Nhạc sĩ Đức Huy: Đến tuổi này, tôi mới tìm thấy sự mầu nhiệm của việc dừng lại trong lẽ sống. Hồi mới về Việt Nam, tôi hay đi tàu ra Nha Trang để ngắm cảnh nhưng khi lên rồi, tôi có ngắm được gì đâu vì tàu chạy quá nhanh. Khi tàu dừng ở ga, tôi mới biết cảnh vật gì, ở đâu. Chúng ta cũng vậy, muốn nhìn xung quanh, phải dừng lại.
Ảnh: Bảo Hòa
Thiết kế: Luyện Phạm
Nhạc sĩ Đức Huy: Tôi khỏe, trẻ lại ở tuổi 73 và hạnh phúc bên vợ kém 44 tuổi "Tôi muốn tận hưởng mọi thứ khi đang còn khỏe mạnh. Đây cũng là một trong những bí quyết giúp tôi khỏe ở tuổi 73", Đức Huy nói. Tuần này, tập đầu tiên của chương trình Người hát tình ca mùa thứ 5 đã lên sóng với nhiều tiết mục hấp dẫn. Đảm nhiệm vị trí giám khảo chính của chương trình là...