Nhạc sĩ 87 tuổi viết bài ‘Sài Gòn ơi’ khi gia đình có 4 người mắc COVID-19
Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn, 87 tuổi, đã chế ngự nỗi lo lắng khi 4 người trong gia đình mắc COVID-19 bằng những trải lòng qua ca khúc Sài Gòn ơi và tham gia cuộc vận động sáng tác Chung một niềm tin chiến thắng.
Nhiều văn nghệ sĩ tham gia talkshow trực tuyến “Chung một niềm tin chiến thắng”
Sau gần 5 tháng phát động, Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM nhận được gần 2.000 tác phẩm của 721 tác giả tham gia cuộc vận động, sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề Chung một niềm tin chiến thắng.
Trong đó, có 948 tác phẩm lĩnh vực âm nhạc, 600 tác phẩm lĩnh vực văn học, 157 tác phẩm lĩnh vực mỹ thuật, 87 tác phẩm lĩnh vực nhiếp ảnh, 57 tác phẩm lĩnh vực sân khấu, 10 tác phẩm lĩnh vực múa và 8 tác phẩm lĩnh vực điện ảnh.
Theo ban tổ chức, phần lớn các tác giả tham gia là nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, nhà văn… Đặc biệt có các bác sĩ, giáo viên, học sinh… ở TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước.
Trong số các tác giả tham gia, nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Cường dẫn đầu về số tác phẩm tham gia với 35 tác phẩm. Tác giả lớn tuổi nhất là nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn, 87 tuổi, với ca khúc Sài Gòn ơi. Còn tác giả nhỏ tuổi nhất mới 10 tuổi là em Đỗ Quang An Thy với tranh màu nước Tình người.
Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn sáng tác âm nhạc để quên nỗi sợ COVID-19
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn cho biết có 4 người thân trong gia đình ông mắc COVID-19. Lúc đó, ông thấy lo lắng, sợ hãi nên muốn lấy âm nhạc để chế ngự.
“Tôi muốn sáng tác nhưng ban đầu viết không ra do quá sợ. Nhưng thấy hình ảnh các y bác sĩ tuyến đầu, lực lượng tình nguyện viên không ngại hy sinh chăm sóc bệnh nhân tôi rất cảm phục, quý mến nên đã cố gắng hoàn thành ca khúc trong gần 2 tuần” – ông nói.
Nhạc sĩ cho biết thêm, dù nỗi sợ làm huyết áp lên cao nhưng ông vẫn cố gắng vượt qua và ca khúc hoàn thành là một may mắn. Ông cũng không mong đạt giải thưởng gì, chỉ hy vọng khán giả đồng cảm với tác phẩm.
Qua ca khúc này, ông mong muốn nhắc nhớ dù cuộc sống đã bình thường mới nhưng còn tiềm ẩn nguy hiểm xung quanh, mọi người đừng chủ quan.
Đỗ Quang An Thy với tác phẩm “Tình người”
Em Đỗ Quang An Thy – học sinh Trường tiểu học Kim Đồng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam – gây ấn tượng với tác phẩm Tình người, cũng là tác giả nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc vận động.
Dù chưa qua lớp vẽ nào nhưng An Thy rất mê vẽ. Trong đợt dịch, nghe thông tin dịch bệnh qua truyền hình, An Thy tò mò hỏi thăm người thân và thấy thương các cô chú tình nguyện viên nên vẽ theo cảm nhận của mình.
Nhóm MTV giao lưu, biểu diễn trực tuyến
Thời gian qua, những tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc được giới thiệu trong chuỗi talkshow trực tuyến Chung một niềm tin chiến thắng phát lúc 20h thứ bảy hằng tuần trên các nền tảng số do Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM và Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM phối hợp tổ chức.
Các tác giả cũng có dịp giao lưu, chia sẻ về đứa con tinh thần của mình để khán giả hiểu hơn về hoàn cảnh ra đời và thông điệp gửi gắm qua tác phẩm.
Ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM – cho biết chuỗi talkshow mang lại nhiều thông tin hữu ích, có tính giải trí thông qua trò chuyện và biểu diễn của nghệ sĩ.
Chương trình còn tạo bước đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số thích ứng với thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp lúc bấy giờ.
Cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề Chung một niềm tin chiến thắng ra đời nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức nâng cao phòng chống dịch bệnh, thể hiện tinh thần trách nhiệm của giới văn nghệ sĩ trong công cuộc chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Dự kiến giải được trao trong quý 1-2022.
Đà Nẵng nhắn gửi 'Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?'
Bài thơ "Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?" của cô giáo Ngọc Uyển với dòng tâm tư "Đà Nẵng gởi Sài Gòn yêu thương", được nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh phổ nhạc và ca sĩ Quang Hào thể hiện.
Hình ảnh Sài Gòn được tác giả đăng kèm với bài thơ đăng trên trang cá nhân
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển (51 tuổi) hiện đang công tác tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), đã sáng tác bài thơ "Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?" trong những ngày thành phố đông dân nhất nước đang căng mình trước đại dịch COVID-19.
Xin được mượn lời thơ, tiếng hát để chia sẻ bớt những khó nhọc trong đại dịch, mong Sài Gòn sớm bình an và đánh tan COVID-19.
Cô giáo Ngọc Uyển, Đà Nẵng
"Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?/ Nước mắt, mồ hôi, nối giọt thành dòng/ Sông Sài Gòn bỗng dưng cuộn sóng/ Nếu mệt rồi, ngủ chút nhé, Sài Gòn ơi...
Chiều Sài Gòn đôi mắt vẫn âu lo/ Màu hoàng hôn giấu trong ngày hối hả/ Khe khẽ thôi chân mẹ đã mỏi rồi/ Tình yêu người vẫn chảy giữa ngàn khơi...
Sài Gòn ơi, nếu mà người có mệt/ Cả nước ôm người một chút sẽ khỏe thôi/ Rồi thành phố sẽ vươn mình mạnh mẽ/ Thương lắm Sài Gòn, yêu lắm Sài Gòn ơi".
Ca khúc "Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?"
Bài thơ nhận được nhiều đồng cảm của người Đà Nẵng vì đã nói lên tâm tư họ dành cho Sài Gòn thời điểm hiện tại. Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh đã nhanh chóng phổ nhạc cho những câu thơ trên và ca sĩ Quang Hào là người thể hiện.
Cả hai nghệ sĩ cũng đều là người Đà Nẵng. Dù chưa phải là bản thu âm chuẩn, nhưng lời ca trĩu nặng tình cảm của người Đà Nẵng trao gửi cho Sài Gòn lúc này cùng tiếng guitar mộc mạc khiến người nghe cảm động.
"Tôi xúc động khi nghĩ đến cảnh một thành phố náo nhiệt bỗng lặng mình chống dịch. Năm ngoái thời điểm này Đà Nẵng cũng như vậy, tôi đã từng cảm nhận sự lặng im đó nên thấu hiểu. Sài Gòn lại khác! Cứ mỗi ngày lại có vài trăm đến hơn nghìn ca thì quả thật lo lắm.
Khi mấy anh gửi ca khúc này thì đúng lúc Sài Gòn thực hiện giãn cách, nghĩ thương và muốn làm gì đó bởi nơi đây có rất nhiều anh em, bạn bè, bà con và cả người thân. Khi tập hát, đã có lúc rơm rớm nước mắt khi nhớ tới khung cảnh trống vắng ngoài đường thiếu bóng người, bao nhiêu hoàn cảnh phải đối diện khó khăn.
Có thể bài hát chưa thật sự xuất sắc nhưng đã đạt được cái tình của tác phẩm. Vậy thôi, chỉ cần vậy là đủ rồi", ca sĩ Quang Hào tâm sự với Tuổi Trẻ Online.
Phần phổ nhạc do nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khánh ở Đà Nẵng thực hiện
Còn nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh - người phổ nhạc cho ca khúc - chia sẻ: "Đọc được bài thơ của tác giả, dù chưa gặp mặt trước đó, tự nhiên thổn thức vì mấy ngày qua tôi luôn hướng về, theo dõi tin tức dịch bệnh ở Sài Gòn với tâm trạng bồn chồn, lo lắng...
Gặp được bài thơ rất thật như những tấm lòng của bà con miền Trung nói riêng và cả nước nói chung dành cho thành phố này, tôi đã nghỉ không xem bóng đá trận Anh và Đan Mạch để viết".
Chị Ngọc Uyển cũng là tác giả của bài thơ "Đà Nẵng ngày bão giông", được nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu phổ nhạc, mang đến nhiều cảm xúc trong thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng hồi tháng 7 năm ngoái
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online , cô giáo Ngọc Uyển nói: "Lúc nghe tin TP.HCM phong tỏa toàn thành phố, các ca bệnh cứ tăng lên, tôi đã muốn viết đôi dòng để chia sẻ khó khăn và động viên bà con nói chung và bạn bè, người thân của mình đang sinh sống tại đây nói riêng.
Dù rất khó khăn, nhưng hãy vững tin rằng thành phố sẽ sớm khống chế được dịch và người dân bớt nhọc nhằn hơn, mọi chuyện xấu rồi cũng qua đi.
Tôi sáng tác bài thơ trong một buổi tối, rồi sau đó ông xã tôi đưa cho anh Khanh nhờ anh ấy phổ nhạc. Ngay sau đó, Quang Hào đã hát liền và quay bằng điện thoại. Bạn ấy có nói sau đây sẽ tiến hành hòa âm, phối khí để hoàn thành bản thu chất lượng hơn".
Búp bê Thanh Thảo xinh đẹp rạng rỡ trong bộ ảnh mới Sau bao sóng gió, ca sĩ Thanh Thảo tung bộ ảnh mới khoe nhan sắc xinh đẹp, mặn mà và hé lộ cuộc sống "bình thường mới" tại Mỹ. Mới đây, nữ ca sĩ Thanh Thảo đã tung ra một bộ hình mới được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Quốc Huy. Trong những tấm ảnh, cô khoe trọn nhan sắc xinh đẹp,...