Nhạc Bolero bùng nổ: ‘Thực sự phù hợp thì hãy đụng vào’
Thủy Tiên chuẩn bị làm album Bolero để “đổi gió”. Trước đó, nhiều ngôi sao nhạc trẻ như Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương và cả nhạc đỏ như Anh Thơ cũng dấn thân vào dòng nhạc này.
Ca sĩ chạy theo trào lưu vốn không phải là biểu hiện xa lạ trong làng nhạc Việt. Vào giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước, bắt nguồn từ việc một số giọng ca hải ngoại như Ngọc Lan, Tô Chấn Phong “làm mưa làm gió” với những ca khúc nhạc Hoa lời Việt, nhiều ca sĩ trẻ trong nước cũng đổ xô vào “mảnh đất” này.
Thị trường nhạc Việt khi đó còn xuất hiện những nhạc sĩ chuyên đặt lời Việt cho các ca khúc nhạc Hoa. Một loạt gương mặt ca sĩ trẻ như Đan Trường, Lam Trường, Cẩm Ly nổi lên nhờ bắt kịp xu thế.
Những năm gần đây, nhạc Bolero bùng nổ chưa từng thấy. Đâu đâu cũng thấy Bolero, từ sân khấu lớn đến sân khấu nhỏ. Game show về Bolero cũng phủ sóng truyền hình. Giữa cơn bão đó, một “mốt mới mà cũ” được hình thành. Đó là ca sĩ Việt đổ xô hát Bolero.
Hồ Việt Trung – một trong những ca sĩ rẽ hướng thành công từ nhạc trẻ sang nhạc bolero.
Những phép thử thành công và trào lưu bùng nổ
Những phép thử đầu tiên với Bolero được bắt đầu từ các giọng ca có tiếng như Phương Thanh hay Hồ Quỳnh Hương. Cả hai đều đã làm album Bolero. Một giọng ca chuyên trị nhạc Pop-Ballad khác là Nam Cường cũng có CD của dòng nhạc này. Và mới đây, Thủy Tiên cũng tiết lộ trên Zing.vn về việc chuẩn bị ra mắt một album Bolero để “thay đổi”.
Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương, Nam Cường… được cho là vẫn hát Pop-Ballad là chính, và chỉ chuyển sang Bolero để “đổi gió”. Nhưng một số ca sĩ khác sau khi chuyển từ nhạc nhẹ sang Bolero thì đã ở luôn “mảnh đất” này. Lệ Quyên là một ví dụ tiêu biểu.
Đến nay, Lệ Quyên trở thành một trong những giọng ca đắt show, kiếm bội tiền nhờ Bolero. Và không khó để nhận ra, nhờ chuyển sang dòng nhạc còn bị nhiều người đánh giá là “sến” này, Lệ Quyên mới có được tên tuổi của ngày hôm nay.
Trước Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng cũng chuyển sang hát Bolero và thành công không kém. Giọng ca Say tình còn vừa làm hẳn đêm nhạc tại TP.HCM về dòng nhạc này.
Thực tế, Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương hay cả Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên đều không được đánh giá là sở hữu giọng “Bolero thuần”. Tuy vậy, Mr. Đàm và Lệ Quyên vẫn có chất Bolero trong cách xử lý ca khúc và được nhiều người yêu thích.
Từ sự thành công của hai giọng ca này, nhiều ca sĩ trẻ cũng tấn công Bolero bởi không chỉ hợp “mốt” mà còn đắt show, dễ kiếm tiền, dễ lên truyền hình và hiển nhiên dễ nổi tiếng.
Hồ Việt Trung từ lâu đã là cái tên ăn khách của thị trường miền Tây, miền Trung nhờ nhiều bài hit của dòng nhạc trẻ và chuỗi phim ngắn hài – ca nhạc Giải cứu tiểu thư nhận hàng chục triệu lượt xem trên YouTube.
Tuy nhiên một năm trở lại đây, giọng ca miền Tây chính thức thử sức với dòng nhạc Bolero từ chương trình Tuyệt đỉnh song ca phiên bản Cặp đôi vàng được tổ chức cuối năm 2016.
Nói về cơ duyên rẽ hướng sang Bolero, anh nói mình được nhiều anh chị trong nghề nhận xét chất giọng có “màu” và cách nhấn nhá ra chất Bolero, nếu đi theo con đường này sẽ có cơ hội thành công.
Cộng thêm đam mê có sẵn nên anh nên muốn thử sức và học hỏi thêm bằng cách tham gia một game show. Tại Tuyệt đỉnh song ca, anh lần đầu hát Bolero và may mắn là các fan rất ủng hộ. Sau đó, nam ca sĩ tham gia tiếp chương trình Hãy nghe tôi hát và được giải á quân
Hỏi Hồ Việt Trung việc hát Bolero để có thể diễn ở trong nước lẫn hải ngoại, kiếm được nhiều tiền, anh trả lời: “Theo tôi, nói Bolero kiếm tiền nhiều là không đúng. Dòng nhạc này rất kén khán giả. Những người nghe nhạc Bolero thường lớn tuổi, ít khi nghe nhạc ở tụ điểm, do đó, nếu muốn kéo họ đến sân khấu không phải là điều đơn giản. Hơn nữa, hát Bolero cũng cần có sự đầu tư chỉn chu vì thể hiện dòng nhạc này không đơn giản”.
Tương tự, nhiều ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc Bolero khá đắt show hiện nay đều có xuất phát không hề “liên quan”. Ví dự như Thu Hằng, quán quân Solo cùng Bolero mùa 2 xuất thân từ học Trung cấp nhạc viện, khoa nhạc cụ dân tộc.
Quán quân Thần tượng Bolero mùa 1 Trung Quang học chuyên ngành opera thính phòng của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. “Ngọc nữ Bolero” Tố My tốt nghiệp cử nhân luật.
Video đang HOT
Đáng nói hơn, ngoài những giọng ca tên tuổi chuyển sang hát Bolero để “đổi gió” hoặc những ca sĩ trẻ theo đuổi Bolero như chạy theo số đông, một số ca sĩ nhạc đỏ có tiếng cũng để ngỏ khả năng hát Bolero.
Công chúng nhạc thính phòng gần đây không khỏi “giật mình” khi Lan Anh – một giọng ca thính phòng hàng đầu Việt Nam – hát Bolero trên truyền hình, tự quay clip hát Bolero đăng trên trang cá nhân. Trước câu hỏi về việc liệu có chuyển sang hát Bolero khi nhạc này đang thịnh, Lan Anh trả lời úp mở: “Chuyện tương lai, chưa biết được”.
Anh Thơ trong một lần song ca với Chế Linh trên sân khấu. Ảnh: Quang Minh.
Trước đó, Anh Thơ – giọng ca nhạc đỏ “chạy không hết show” – cũng hát Bolero trong đêm nhạc Chế Linh, thậm chí còn song ca với đàn anh một ca khúc không thuộc sở trường.
Không ít người đặt câu hỏi tại sao chưa thấy ca sĩ Bolero thuần nào chuyển sang theo đuổi nhạc thính phòng, vậy mà một số ca sĩ thính phòng lại sẵn sàng hát Bolero. Địa hạt và con đường riêng biệt của ca sĩ liệu có tồn tại không, và nếu tồn tại thì ranh giới nằm ở đâu?
Khi giọng ca nhí hát Bolero
Một hiện tượng đáng chú ý là nhiều giọng ca nhí, xuất thân từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em cũng được định hướng thể hiện các sáng tác bolero chủ đề quê hương, đất nước, tình cảm gia đình.
Cô bé Thiện Nhân vừa 14 tuổi nhưng đã cùng Cao Công Nghĩa đăng quang cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca – Cặp đôi vàng khi chinh phục loạt ca khúc Bolero nổi tiếng như Duyên phận – Vùng lá me bay, Hạ buồn, Chuyện đêm mưa, Gái nhà nghèo… Thời điểm đêm chung kết The Voice Kids 2014, cô bé đến từ Bình Định cũng nhận nhiều lời khen khi thể hiện ca khúc Bolero Đèn khuya.
Chia sẻ về định hướng của Thiện Nhân, thầy của cô bé là nhạc sĩ Minh Vy chia sẻ bản thân và bà xã Cẩm Ly không hề ép cô bé hay bất cứ học trò nào theo một dòng nhạc nhất định mà chỉ vạch ra đâu là con đường phù hợp.
Theo thời gian trải nghiệp với nhiều dòng nhạc, Thiện Nhân sẽ lựa chọn dựa trên thế mạnh và đam mê của mình. Với cô bé này do có sẵn thế mạnh ở dòng nhạc dân ca miền Bắc lẫn Nam bộ nên chuyển sang Bolero có lợi thế hơn.
Thiện Nhân và Cao Công Nghĩa giành quán quân Tuyệt đỉnh song ca phiên bản Cặp đôi vàng.
Hay như Phương Mỹ Chi, với sở trường dân ca cùng sự đầu tư của gia đình và ba nuôi Quang Lê, cô bé không khó để chuyển sang dòng nhạc Bolero. Các bản thu Chờ người, Con đường xưa em đi, Ngày buồn, Tôi vẫn nhớ của Mỹ Chi nhận nhiều lời khen nhờ cách hát chỉn chu, mượt mà không thua kém các ca sĩ trưởng thành.
Dĩ nhiên, cả hai vẫn chưa dám thể hiện các ca khúc có chủ đề tình yêu đôi lứa vì chưa đủ tuổi cũng như chưa có nhiều trải nghiệm.
Lớn hơn Thiện Nhân và Phương Mỹ Chi là Jang Mi và Quỳnh Trang, hai giọng ca được xem như lớp kế thừa sáng giá các ca sĩ nữ hát bolero vừa có thanh lẫn sắc là Jang Mi và Quỳnh Trang.
Sở hữu chất giọng đẹp, ngoại hình sáng, hai cô gái vừa bước qua tuổi 20, 21 này hoàn toàn có cơ hội phát triển trong dòng nhạc trẻ. Vì sao họ lại chọn hát Bolero?
Với Jang Mi, cô cho biết “mối tình” này được bắt nguồn từ thói quen nghe nhạc của gia đình. Được nghe những giai điệu nhẹ nhàng, mượt mà của dòng nhạc này từ nhỏ, nên đến khi lớn lên, bolero thấm sâu vào máu của Jang Mi như một lẽ thường tình. Để đầu tư thêm tương lai, hàng ngày Jang Mi vẫn đến lớp thanh nhạc thay vì hài lòng với thành công có sẵn.
Trong khi đó, Quỳnh Trang chia sẻ Bolero với cô là lựa chọn duy nhất bởi từ 4 tuổi đã nghe Bolero và tập tành hát theo. Giọng ca được khán giả ưu ái gọi “thiên thần Bolero” thú nhận hầu như không nghe bất cứ dòng nhạc nào khác ngoài Bolero.
Và hai cô gái vẫn rất đắt show, vẫn được khán giả ủng hộ vô điều kiện khi chọn đi trên con đường không hề dễ dàng này.
‘Phù hợp với Bolero thì hãy đụng vào’
Trước làn sóng ca sĩ Việt đổ xô hát Bolero, bình luận với Zing.vn, Tùng Dương cho rằng đó là lựa chọn không khôn ngoan vì nếu không có chất thực sự có thể thất bại.
Trong khi đó, ca sĩ Tuấn Hiệp – người có nhiều năm hát và nghiên cứu nhạc Bolero – khẳng định nhiều ca sĩ trẻ sau khi loay hoay với những dòng nhạc khác không thành mới quyết định chọn Bolero vì nghĩ rằng Bolero dễ thành danh, dễ kiếm tiền, dễ có đất sống.
“Nhưng thực tế không phải vậy, theo đuổi Bolero không hề đơn giản. Hát dòng nhạc này, trước hết phải có tình, tình cảm là yếu tố quan trọng nhất, sau đó mới đến các yếu tố khác. Biết áp dụng thanh nhạc vào Bolero cũng rất tốt nhưng cần áp dụng một cách tự nhiên, không có chủ đích”, Tuấn Hiệp nhấn mạnh.
Lệ Quyên có chung quan điểm như vậy. Trả lời Zing.vn mới đây, “nữ hoàng phòng trà” cho biết: “Một yếu tố là phải thực sự phù hợp với Bolero thì hãy đụng vào, còn không rất khó được đón nhận”.
Lệ Quyên là một trong những giọng ca Bolero đắt show nhất hiện nay.
Khác với quan điểm của ca sĩ Tuấn Hiệp hay Lệ Quyên, danh ca Chế Linh – một tên tuổi gạo cội của Bolero – lại thấy hạnh phúc khi có nhiều giọng ca trẻ chọn Bolero để theo đuổi.
Nhưng trước câu hỏi về việc nhiều ca sĩ trẻ hát Bolero theo cách mới, ông thẳng thắn: “Theo tôi thì tùy không gian, thời gian các bạn có thể thay đổi tiết tấu để những ca khúc bolero trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng xin đừng phá nó”.
Lời than “Xin đừng phá nó” của Chế Linh không phải là không có căn cứ. Rõ ràng, Bolero chẳng những đang bùng nổ ngoài sức tưởng tượng mà còn bị “lẩu thập cẩm” vì quá nhiều người không có chất nhưng vẫn đứng trên sân khấu hát theo một cách nào đó.
Quang Đức – Phương Giang (theozing.vn)
Bùng nổ Bolero sẽ làm âm nhạc Việt Nam thụt lùi với thế giới?
Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói vui rằng bolero là "lũ hóa rồ" nhưng Đàm Vĩnh Hưng quyết liệt bảo vệ tài sản quý giá mà thế hệ đi trước để lại.
Chỉ trong 3 năm, truyền hình thực tế Việt sản sinh rất nhiều cuộc thi riêng biệt về bolero: Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Thần tượng Bolero, Người hát tình ca, Tuyệt đỉnh song ca... Chưa kể, nhiều game show khác cũng sử dụng phần lớn các ca khúc nổi tiếng của bolero như Ban nhạc quyền năng, Thần tượng tương lai, Hát mãi ước mơ, Hãy nghe tôi hát... Sự "sống lại" của bolero đã lan tỏa rộng rãi đến mọi ngóc ngách của đời sống thường nhật. Không chỉ có game show, nhiều đêm nhạc bolero cũng nở rộ ở khắp các thành phố lớn. Ca sĩ đều chạy theo trào lưu để hâm nóng tên tuổi. Vậy, "sự trỗi dậy" của thể loại này đã tác động thế nào đến thị trường âm nhạc những năm qua? Những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của Bolero sẽ được mổ xẻ trong chuyên đề: Bùng nổ Bolero: Bước lùi của nhạc Việt?
Bùng nổ bolero sẽ dẫn đến bội thực?
Do tính chất đặc trưng của thể loại bolero là dễ nghe, dễ hiểu và dễ thuộc nên đối tượng phần lớn là khán giả đại chúng. Sau "phát pháo" đầu tiên giúp bolero "sống lại", loại hình này bắt đầu giai đoạn hưng thịnh vì nhà nhà, người người đều nghe bolero, tạo thành trào lưu lan rộng trên khắp cả nước.
Quý Bình và Minh Luân đắt show ca hát sau cuộc thi Tình Bolero.
Anh Hồng Sơn, biên tập âm nhạc, nhận định rằng bolero diễn tả tâm tư, tình cảm một cách da diết và bình dân nên ai cũng có thể cảm nhận và hát được. Thể loại âm nhạc này rất đặc trưng bởi nó dễ đi vào lòng người và tồn tại qua nhiều thế hệ.
Trong khi đó, nhạc sĩ Vinh Sử cho biết bolero hay các loại hình âm nhạc khác đều giống nhau nhưng có thời gian bị lãng quên do hoàn cảnh tác động. Ông nói rằng, trước đây Nhà nước không cấp phép cho nhiều ca khúc nên người nghe, đặc biệt giới trẻ không được tiếp cận nhiều với bolero. Đến khi chính sách dần cởi mở, thể loại này lại bùng nổ.
Đàm Vĩnh Hưng tổ chức live show bolero ở cả Hà Nội và Sài Gòn.
Danh ca Giao Linh cũng nhìn nhận sự bùng phát của bolero không quá bất ngờ. Theo "Nữ hoàng sầu muộn", bolero đi sâu vào lòng khán giả Việt Nam từ lâu nay, giờ "sống dậy" là điều hợp tình.
Cùng chung quan điểm, Đàm Vĩnh Hưng nhận định: "Vòng xoay âm nhạc luôn thay đổi, cứ vài năm xoay theo chiều hướng mới. Có khi nhạc trẻ lên nhanh, rất mạnh bạo hoặc có thời gian nhạc hải ngoại chiếm lĩnh mọi diễn đàn. Nhưng sau thời kỳ đỉnh cao lại thoái trào. Bolero bùng nổ là chuyện thường tình".
"Thế nhưng, tôi lo sợ rằng phong trào này sẽ sớm tàn. Vì bây giờ cái gì cũng bolero, nhà đài đua nhau phát chương trình có bolero rồi "đẻ" thêm nhiều cái mới như remix bolero chẳng hạn. Nhưng giá trị của nó không nằm ở sự đổi mới", anh Hồng Sơn bày tỏ quan điểm.
Bolero phát triển sẽ khiến âm nhạc Việt Nam đi lùi?
Có không ít nhạc sĩ tên tuổi từng nhận định sự phát triển của bolero sẽ làm âm nhạc Việt Nam trì trệ. Thế nhưng, nhạc sĩ Vinh Sử khẳng định: "Bolero chỉ gây ồn ào chứ không làm ảnh hưởng thị trường. Âm nhạc không có tội gì cả, chỉ có con người làm ra cái này cái kia thôi".
Trước câu hỏi về việc bolero có cản trở sự phát triển của âm nhạc nước nhà hay không, tác giả Không giờ rồi kiên quyết bảo vệ quan điểm: "Làm gì mà cũ kỹ. Không bao giờ có chuyện hát bolero sẽ làm cũ kỹ bởi nhạc nào cũng có giá trị riêng của nó".
Về phía danh ca Giao Linh, bà từ tốn nói rằng cứ để thời gian trả lời, bởi hiện tại bà vẫn thấy bolero có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, người nghe chưa thấy chán.
Trong khi đó, Mr. Đàm nhận định bolero không góp phần mang lại giá trị tích cực hay tiêu cực. "Vì đơn giản đây chỉ là trào lưu, không phải điều gì ghê gớm để thay đổi diện mạo âm nhạc Việt Nam", anh nhấn mạnh quan điểm.
Vì thế, khi đứng trước câu hỏi bolero có làm nhạc Việt thụt lùi hay không, "Quý ông làng nhạc Việt" đưa ra lập luận: "Vẫn còn nhiều người đang tâm huyết với nhạc trẻ, họ làm theo cách của mình để thích nghi với thế giới như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Isaac, Vũ Cát Tường... Vì đâu phải ở Việt Nam ai cũng hát bolero!
Bolero tồn tại từ lâu nhưng giờ được yêu thích mạnh mẽ thì âm nhạc hiện đại phải xem lại mình đã làm gì để người ta quay lưng lại chưa? Mình đã làm gì để người ta phải tìm lại điều cũ để nghe?. Phải đặt ngược vấn đề, đừng có cái gì cũng đổ lỗi cho bolero là không đúng".
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đùa rằng bolero là "lũ hóa rồ".
Giọng ca Chiếc vòng cầu hôn tâm sự với anh, bolero rất thiêng liêng, là tài sản quý giá của người xưa để lại cho nên nhạc trẻ ngày nay nên đừng vội đánh giá hay quy chụp. "Những người thường lên án bolero phải tự hỏi lại mình đã làm được gì để người nghe không bị bolero mê hoặc", Mr. Đàm hùng hồn phát biểu.
Trước ý kiến cho rằng HLV The Voice cũng từng gây tranh cãi khi hát bolero, anh trả lời đanh thép: "Tôi là ca sĩ và tôi được quyền chọn hát những gì mình thích, không ai cấm tôi được cả. Nếu tôi lựa chọn sai, mọi người có quyền loại tôi khỏi cuộc chơi. Tôi chỉ là món hàng, tôi bán, ai vừa mắt vừa tai thì chọn, không thích thì mua thứ khác chứ đừng áp đặt hát bolero phải thế này hay thế kia. Hàng đầy ra đó, cả rổ cả thúng đó mọi người có quyền chọn mà".
Không những vậy, danh ca Phương Dung từng cảm ơn Đàm Vĩnh Hưng vì anh là người đầu tiên xin cấp phép cho ca khúc bolero. Nói về vấn đề này, nam ca sĩ trải lòng: "Tôi tự thấy mình có đóng góp cho sự trở lại mạnh mẽ của bolero. Tôi cũng không chạy theo phong trào mà làm dự án rõ ràng, quy mô từ Dạ khúc cho tình nhân đến Sài Gòn Bolero và Hưng. Khi còn ở thời kỳ đỉnh cao của nhạc trẻ, tôi đã mạnh dạn bước qua bolero và trở thành người đi tiên phong, mà người đi đầu bao giờ vấp phải rào cản, để boleo vinh quang như ngày hôm nay là tôi có công đấy chứ".
Khi bàn về sự lớn mạnh của bolero, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết ông không am hiểu thể loại này nên không phát biểu. Nhạc sĩ Nguyễn Cường ngồi cạnh dí dỏm tuyên bố: "Người ta nói bolero là lũ hóa rồ, nhưng sao hóa rồ được. Nếu hóa rồ thì may cho nhạc Việt Nam quá".
Các đêm nhạc Bolero được tổ chức dày đặc từ Hà Nội đến TP.HCM đã nói lên phần nào thị hiếu khán giả. Nhưng liệu công chúng có đang quá dễ dãi không khi mà hầu hết các đêm nhạc Bolero hiện nay được đánh giá là thiếu sáng tạo và đầy sự cũ kỹ. Mời độc giả đón đọc bài nhận định: Liveshow Bolero: Chỉ là "ăn mày dĩ vãng"? vào 11h trưa thứ Tư (23/8) tại mục Giải trí - Âm nhạc.
Theo Danviet
Tại sao Hà Nội 'bùng nổ' những đêm nhạc Bolero? Những đêm nhạc Bolero liên tiếp từ Chế Linh, Ngọc Sơn, Lệ Quyên và sắp tới là Đàm Vĩnh Hưng, Lam Phương. Nhiều người thắc mắc tại sao Bolero lại được yêu thích ở thủ đô đến vậy? Những năm gần đây, Bolero được nhận xét là bùng nổ và phát triển chưa từng có từ năm 1975 trở lại đây. Nhiều album,...