Nhà trường gặp khó khi ngăn HS đi xe máy
Học sinh “lách luật” bằng cách gửi xe máy ở ngoài trường, nhà trường không kiểm soát nổi. Trường thông báo với phụ huynh thì họ than: “Con tôi không đi học bằng xe máy… chỉ còn nước nghỉ học!”.
“ Vấn nạn” học sinh (HS) đi xe máy đến trường được nhắc đến nhiều thế nhưng không hề có dấu hiệu giảm tại các trường THPT ở TP HCM. Đầu giờ vào lớp hay sau giờ tan học tại các trường THPT như Phan Đăng Lưu, Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận), Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình)… không khó để nhìn thấy hình ảnh các em HS vi vu trên xe máy.
Học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh điều khiển xe máy và không đội mũ bảo hiểm (Ảnh chụp trưa 28/2/2011).
Kèm theo đó có một số em đi xe không đội mũ bảo hiểm, vô tư kẹp ba… Không chỉ xe máy 110 phân khối, có HS còn sử dụng các loại xe “cỡ bự” như 125 hay 150 phân khối.
Phụ huynh “kêu” khó
Bên cạnh nhiều phụ huynh (PH) thản nhiên cho con đi xe máy thì cũng không ít người biết sai nhưng họ không còn cách nào phù hợp trong việc đi lại đến trường của con. Không phải gia đình nào cũng có thể đưa đón con vì còn bận đi làm, trong khi các phương tiện khác như xe buýt, xe đạp, xe đạp điện…. lại bất tiện với các em HS ở xa.
Cô Nguyễn Thị Ngọc, có con học lớp 11 ở quận Tân Phú cho hay vợ chồng cô hề yên tâm để con đi xe máy đến trường nhưng “Chúng tôi đều phải đi làm, không thể nào đưa đón cháu. Nhà cách trường hơn 10 cây số cũng không thể đi xe đạp, xe buýt lại càng khó. Cháu không đi xe máy đến trường bằng gì?”.
Cô Ngọc nói trong những lần họp PH đều nghe nhà trường nhắc vấn đề này. Nhưng khi hỏi các thầy phương án giải quyết, các thầy đều… lắc đầu. “Trong lớp con tôi, con thầy cô cũng đi xe máy đến trường”, cô Ngọc nói.
Trước khi để con đi xe máy đến trường, chú K.Q. đã áp dụng các hình thức khác nhhư đưa đón, cho con đi xe buýt, xe đạp. Khi con học lớp 10, cũng vì đưa đón con đi học nên ngày nào cũng đi làm muộn. Rồi cháu còn đi chơi với bạn bè, tham gia các hoạt động ngoại khóa… chú không thể nghỉ việc để đi theo con.
“ Sau đó tôi chuyển cho con bé đi xe đạp. Về đến nhà là cháu nằm li bì vì mệt, không học hành gì được nữa. Ngày đạp xe gần 20 cây số trong khi đường phố chật chội thế này đâu có dễ. Hơn nữa đi xe đạp len lỏi giữa dòng xe máy, mỗi lúc qua đường rất cực… tôi thấy còn nguy hiểm hơn cả đi xe máy. Cuối cùng cả nhà thống nhất để cháu đi xe máy“.
Nhiều PH bày tỏ nên cấp bằng lái xe máy cho người từ 16 tuổi để HS cấp 3 có thể đi xe máy đến trường. Khi đó, sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục các em về chấp hành an toàn giao thông. “Nếu cấm thì phải đưa ra phương án nào phù hợp. Chứ cấm thế này, các cháu cháu cũng đi theo kiểu “lách luật”, không được đầu tư tuyên truyền về ý thức giao thông, càng nguy hiểm hơn”, một PH tên Thanh có con học ở Trường THPT Hàn Thuyên chia sẻ.
Nhiều em nhà xa trường khó khăn trong việc đến trường bằng xe đạp.
Nhà trường “bó tay”?
Video đang HOT
Khi đề cập đến vấn nạn HS đi xe máy đến trường, hiệu trưởng nhiều trường đều chung quan điểm là phía nhà trường không thể nào kiểm soát nổi. Bởi cấm ở trường thì các em gửi xe ở ngoài, khi vào trường đi bộ. Đó là khi đi học, còn khi các em đi chơi, học thêm ở ngoài… nhà trường lại càng không thể biết.
Thầy Nguyễn Tỷ Chế Đạt, phó hiệu trường Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho hay, nhà trường không thể nào kiểm soát được tình trạng HS đi xe máy. Khi trường trao đổi với PH để nhắc nhở các em thì họ đều đưa ra khó khăn của mình như nhà ở xa, đi xe đạp, xe buýt đều không được.
“ Với nhiều gia đình có sẵn xe máy trong nhà, đó là phương tiện đi lại lâu dài chứ giờ nói họ sắm thêm chiếc xe đạp điện, hay cup 50 không phải ai cũng có điều kiện. Chiếc xe đạp điện cũng 7 – 8 triệu đồng, có nhiều em sử dụng, khi hỏng không có chỗ để sửa“, thầy Đạt nói về khó khăn của PH.
Cấm xe máy, cần đưa ra phương án đến trường phù hợp cho HS.
Cùng chung quan điểm trên, thầy Lê Minh Đức, hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên cho rằng việc cấm HS đi xe máy hoàn toàn rất khó thực hiện khi mà không tìm được sự hợp tác của PH. Trong khi PH người ta cũng gặp khó khăn khi áp dụng các biện pháp đến trường khác cho con.
Theo thầy Đức, không phải HS nào đi xe máy cũng là phạm luật như mọi nhìn thầy, có nhiều em đủ tuổi, đã có bằng lái xe. “Chúng tôi chỉ nhắc nhở chứ không thể xử phạt HS đi xe máy đến trường. Chỉ những trường hợp vi phạm từ Sở gửi thông báo về, trường mới tiến hành hạ hạnh kiểm. Năm ngoái trường có 4 HS bị hạ hạnh kiểm, năm nay chưa có trường hợp nào”, thầy Đức nói.
Thầy Đức nhận xét hệ thống xe buýt hiện nay chưa thật thuận tiện, các em ở xa phải đi vài tuyến đến trường sao kịp giờ học. Xe cup 50 giờ đâu còn bán, nói nhiều gia đình bỏ tiền ra mua chiếc xe 50 thật không dễ dàng.
Phải chăng vì khó trong cách giải quyết “Nếu không đi xe máy” nên các trường cũng khó mạnh tay với vấn nạn HS đi xe máy? Trong ảnh: HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đi xe máy ra bãi gửi xe nhà trường trưa 28/2/2011. HS trường THPT Võ Thị Sáu đi xe máy đến trường và gửi xe ở bãi gửi xe của trường. (Ảnh chụp trưa 1/3/2011)
Lãnh đạo các trường cũng than thở, khi họ nhắc nhở PH về tình trạng HS đi xe máy lại trở nên lúng túng, không giải đáp được cụ thể khi bị PH “vặn”: “Thế theo các thầy, con tôi phải đi bằng gì để đến trường?”
Phải chăng vì khó ở khâu tìm phương án phù hợp, nhiều trường không thể mạnh tay trong vấn đề giải quyết tình trạng HS đi xe máy đến trường? Thực tế, không ít trường ở TP HCM vẫn có bãi gửi xe máy dành cho HS. Khi hỏi về sự vô lý này, các trường lý giải với lý do “thương” HS, để các em gửi xe ngoài vừa tốn kém lại không an toàn, mất trật tự. Nhiều trường thì cho rằng với các em đủ tuổi điều khiển xe, đã có bằng lái thì trường phải tạo điều kiện cho các em gửi xe trong trường.
Phải chăng vì thế mà việc HS đi xe máy đến trường tuy bị cấm mà vẫn cứ tiếp diễn dai dẳng?
Theo Dân Trí
Thừa Thiên - Huế: Học sinh ồ ạt đi xe máy đến trường
Qua 2 ngày khảo sát tại các trường cấp 3 ở TP Huế, PV Dân trí ghi nhận có rất nhiều học sinh đi xe máy đến trường. Các em gửi xe máy tại nhà dân gần trường. Thậm chí có trường còn nhận giữ xe máy cho HS.
Học sinh đi xe máy tới trường: Chuyện cơm bữa
Theo ghi nhận của Dân trí, ở một số trường THPT ở TP Huế như: Trường THPT Đặng Trần Côn, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Trường Tộ, Chuyên Quốc Học Huế..., học sinh (HS) vẫn đi xe máy đến trường rồi gửi ở ngoài từ khoảng vài chục cho đến hơn 100 em mỗi buổi học.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm tụ tập trước cổng trường sau giờ học thể dục. (Ảnh chụp sáng 17/2)
Dù có trường đã có biển cấm đi xe máy nhưng sau giờ học, HS vẫn "tấp nập" ra ngoài nhà dân lấy xe. Không những thế nhiều phụ huynh đón con em không thực hiện quy định của Bộ khi HS ngồi sau không đội mũ bảo hiểm. Nhiều nhóm sau khi có xe máy ngoắc thêm vài bạn lên xe, sau khi đủ 3-4 người, chiếc xe máy lắc lư rồi phóng vù nhả khói lao vào dòng người đông giờ tan tầm.
Học sinh không đội mũ bảo hiểm ngồi sau xe phụ huynh từ trường về nhà. (Ảnh: Doãn Công - chụp trưa 17/2)
Nhiều nhà dân quanh các trường từ lâu đã trở thành địa điểm giữ xe máy lấy tiền với mỗi lần gửi xe có giá từ 1.000-1.500đ. Nếu gửi theo tháng thì từ 30.000-40.000đ/tháng. Một người dân sống cạnh trường làm dịch vụ gửi xe cho biết HS gửi xe nhiều nhất là khối 12, HS khối 11 và 10 ít hơn nhưng những năm trở lại đây đang gia tăng do nhà có điều kiện kinh tế.
Dễ nhận ra nhiều khu vực nhà dân hay con hẻm ở gần Trường THPT Bùi Thị Xuân giữ xe máy cho học sinh. (Ảnh: Doãn Công)
Phần lớn nhà xe ở các trường qua PV ghi nhận đều không có xe máy của HS. Tuy nhiên ở Trường THPT Chuyên Quốc Học, trong 2 bãi xe của HS có "lẫn" vào khoảng trên 20 chiếc xe máy trên 50cm3 với nhiều xe đạp, xe máy điện. Hỏi một HS vừa lấy xe ra về trưa 17/2 được biết "trong bãi xe của trường có giữ xe máy cho HS đi xe máy".
Bãi xe của Trường THPT Quốc Học Huế dành cho học sinh có dưới 20 xe máy nằm lẫn với xe đạp, xe máy điện. (Ảnh chụp sáng 17/2)
Học sinh Trường THPT Quốc Học Huế "vô tư" lấy xe máy từ bãi xe ra về dù trường có lệnh cấm không cho HS đi xe máy đến trường. (Ảnh chụp sáng 17/2)
Khó hạn chế "vấn nạn" HS đi xe máy đến trường
Sáng 18/2, chúng tôi đã gặp thầy Nguyễn Đình Thí, phó hiệu trưởng THPT chuyên Quốc Học Huế để xác minh sự việc có hay không bãi giữ xe dành trường có lẫn xe máy HS thì được biết "trường không có quy định giữ xe máy trong bãi xe". Thầy Thí nói: "Xin cảm ơn báo Dân trí, trường sẽ kiểm tra lại tình hình như báo phản ánh, nếu có sẽ xử lý nghiêm. Có thể do bảo vệ nhà xe và HS không nghiêm túc trong việc chấp hành nội quy trường".
1 học sinh Trường THPT Quốc Học Huế đến lấy xe máy tại bãi giữ xe Nhà văn hóa thiếu nhi gần trường. (Ảnh chụp trưa 17/2)
Tâm sự về vấn đề vẫn còn nhiều HS đến trường bằng xe máy, thầy Thí cho biết: "Rất khó kiểm soát việc các em để xe máy ngoài trường do không có lực lượng chuyên trách dù giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần phản ánh lên Ban giám hiệu. Giờ chào cờ đầu tuần chúng tôi đã thông báo sẽ xử lý nghiêm nếu em nào có giấy công an gửi về trường vi phạm điều khiển xe như không có bằng lái, không đội mũ bảo hiểm. Trong năm 2009, chúng tôi đã cho thuyên chuyển 1 HS nam và 1 HS nữ từ lớp chọn qua lớp thường do đã vi phạm giao thông nhưng lại không có thái độ tiếp thu khi trường nhắc nhở ".
2 nữ sinh Trường THPT Đặng Trần Côn lấy xe máy ở ngoài nhà dân sau khi tan học trưa 17/2.
Chị Thái Thị Thanh Thuỷ, chuyên viên Phòng GD Trung học thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay: "Các trường THPT đều đã làm cam kết với Sở không cho HS đi xe máy đến trường. Nhưng các em vẫn đi xe không đến gửi trường mà gửi ngoài nên không tài nào biết hết được. Tình trạng này tồn tại đã lâu nhưng chưa "có thuốc chữa" ".
Trong báo cáo Công tác giáo dục an toàn giao thông năm 2010 ngành GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế có nêu: "Tuy nhiều trường đã có cố gắng triển khai, thực hiện an toàn giao thông minh chứng qua số lượng vi phạm của HS khi đi xe máy giảm nhưng vẫn còn có HS vi phạm..., như ở một số trường vẫn có HS sử dụng xe máy đi học mượn xe bạn ngoài trường, chạy quá tốc độ có va quệt với người đi bộ rồi bỏ trốn đi hàng 2 hàng 3 khi tan trường vẫn còn việc truờng phối hợp với CSGT, kiểm tra nền nếp chưa được thường xuyên, chưa kiên quyết xử lý HS...".
Nguyên nhân chính là do ý thức HS. Tiếp đến là phong trào tuyên truyền giáo dục giao thông của trường học chưa có sức hút HS và một phần do cha mẹ HS không quản lý con em tốt.
Nhiều bãi xe gần trường nhận giữ xe máy cho học sinh với giá từ 1.000-1.500đ/chiếc/buổi.
Tình trạng HS ở Thừa Thiên -Huế đi xe máy vẫn không giảm trong những năm qua. Riêng từ Tết Nguyên đán 2011 đến nay qua thống kê chưa đầy đủ thì lực lượng Công an Giao thông Thừa Thiên -Huế đã kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông 16 trường hợp HS, thanh thiếu niên. Trong đó tạm giữ 8 xe mô tô. Các lỗi vi phạm chủ yếu là "không đội mũ bảo hiểm", "không có giấy phép lái xe", "quá tốc độ quy định" và 1 trường hợp điều khiển xe chạy lạng lách, đánh võng.
Theo số liệu Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế trong năm 2010, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt đã phối hợp với các trường tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ cho 22.772 lượt học sinh, sinh viên (HS, SV). Dù vậy nhưng số HS, SV vi phạm luật giao thông đường bộ chiếm 31,38% trong tổng số trường hợp vi phạm.
Công an đã thông báo về các trường 29 trường hợp vi phạm luật giao thông (16 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe trên 50cm3, 13 trường hợp không đội mũ bảo hiểm). Có 1 trường hợp HS bị xử lý hình sự về vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bắt 2 trường hợp HS sử dụng xe mô tô gây ra 10 vụ cướp giật trên địa bàn.Theo Dân Trí
Bạo lực học đường càng ngày càng... nghiêm trọng Cứ đôi ba hôm là khắp các tờ báo online lại "lùm xùm" vụ nữ sinh lột áo, túm tóc, rạch mặt... rồi "phỉ báng", lăng mạ nhau bằng những ngôn từ thiếu văn hóa ngay tại trường học. Suốt hơn ba tháng qua, vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành nỗi lo chung của các bậc phụ huynh, thầy cô...