Nhà trọ Hà Nội vào mùa tăng giá
Trước thời điểm tân sinh viên nhập học, nhiều chủ nhà trọ bắt đầu rậm rịch lên kế hoạch tăng giá phòng từ 100.000 đến 250.000 đồng mỗi tháng, kéo theo đó là tiền điện, nước cũng ồ ạt “tát nước theo mưa”.
Nhà cho thuê hiện mới chỉ chiếm chưa đến 10%, một tỷ lệ quá nhỏ so với các nước phát triển. Ảnh: Hoàng Lan
Vừa có em họ đỗ vào đại học Bách khoa (Hà Nội), chị Quỳnh Trang sấp ngửa đi tìm nhà trọ. Lang thang khắp các ngõ ngách quanh trường, chị Trang mới tìm được một phòng trọ rộng khoảng 15 m2 với giá 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Căn hộ tương đối gọn gàng sạch sẽ, thuộc tầng 2, có phòng vệ sinh riêng biệt. Tuy nhiên, chủ nhà cho biết, kể từ tháng sau, giá sẽ tăng lên khoảng 200.000 đồng, tương đương gần 10%, cộng thêm tiền điện 3.500 đồng mỗi kWh và tiền nước 70.000 đồng mỗi tháng.
Video đang HOT
“Tôi thích căn hộ này vì nằm ở ngay đầu đường Lê Thanh Nghị, tiện đường em tôi đi học, hành lang lại đua ra thêm được một khoảng không nhưng giá 2,7 triệu mỗi tháng chưa kể điện, nước thì cao quá”, chị Trang cho hay.
Trước thềm năm học mới, việc sinh viên, người thân đỏ mắt tìm nhà trọ đã trở nên quen thuộc. Và câu chuyện nhà trọ tăng giá dịp đầu năm học mới dường như là lẽ tất nhiên đối với gia chủ. Ghi nhận của VnExpress.net, tại một số khu vực Khương Trung, Định Công, nhiều nhà trọ chưa tăng giá những cũng đang “thủ thế” nghe ngóng tình hình. Chỉ cần một nhà cho thuê tăng giá, là lập tức, xóm trọ sẽ đồng loạt tăng theo. Nhà trọ tại phố Bùi Xương Trạch, Nguyễn Phong Sắc, Đại La, Lê Thanh Nghị… đều rậm rịch lên kế hoạch tăng giá từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng mỗi tháng. Tiền điện cũng tăng 500 đồng mỗi kWh, nước tăng 2.000 – 4.000 đồng mỗi m3.
Giá nhà trọ ở các khu vực xa trung tâm rẻ hơn, càng gần trung tâm càng đắt đỏ. Tại Nhổn, nhà dãy lợp ngói proxi măng rộng khoảng 10 m2 lên tới 700.000-800.000 đồng mỗi tháng. Phòng 12m2 giá cao hơn, khoảng 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng. Khu vực Đại La, Khương Đình giá đắt hơn, khoảng 1,7 triệu đồng cho 10m2 nhà dãy, công trình phụ khép kín.
Đắt đỏ nhất phải kể đến khu vực quanh trường đại học Bách Khoa, giá lên tới 2,5 triệu đồng cho 15m2, chưa kể tiền điện, nước. Chủ nhà yêu cầu khách thuê phải đóng tiền vào mùng 5 hằng tháng, nộp không đúng thời hạn 5 lần, cộng thêm nợ quá 2 tháng sẽ bị gia chủ nhà mời ra khỏi nhà. Khu vực Bách Khoa vốn không có nhiều nhà dãy, chủ yếu là các phòng thừa được gia chủ không sử dụng hết nên cho thuê lại.
Các phòng này ở chung cầu thang với chủ, sạch sẽ gọn gàng, nền nhà lát đá hoa nên giá cũng đắt hơn. Thậm chí có trường hợp còn cho thuê theo ngày với giá 150.000 đồng, song hầu như học sinh, sinh viên đã đỗ đại học không có đủ chi phí thuê mà chỉ phù hợp cho những người ôn thi cấp tốc hoặc người nhà đến chăm bệnh nhân trong thời gian ngắn hạn 1-2 tuần.
Những nhà nghỉ trọ này lên tới 150.000 đồng mỗi ngày và chủ yếu dành cho những sinh viên ôn thi cấp tốc hoặc người nhà thuê để trông nom bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Lan.
Nguồn cung khan hiếm nên nhiều khu tập thể cũ cũng được cải tạo lại cho thuê. Một căn tập thể cũ rộng khoảng 40 m2, có công trình phụ khép kín bao gồm cả ban công đua ra ngoài, gồm 3 phòng nhỏ được chào thuê với giá 2,5-4 triệu đồng từ đầu năm thì nay đã lên tới 3,5-5 triệu đồng tùy chất lượng và vị trí. Chị Nguyễn Thu ở Bách Khoa cho hay, những nhà tập thể này số đông được hộ gia đình hoặc một nhóm học sinh, sinh viên tìm thuê. “Thông thường họ đều thuê theo nhóm khoảng 3,4 người mỗi phòng để giảm áp lực tài chính. Đến thời điểm này, nhiều nhà trọ trong khu Bách Khoa đã chật kín người”, chị Thu nói.
Đầu năm học mới, nhiều nhà trọ quanh các trường đại học cấp tập sửa sang để đón tân sinh viên và tiện thể chuẩn bị tinh thần… lên giá. Bác Nguyễn Văn Phúc, chủ một nhà trọ tại đường Nguyễn Ngọc Nại cho hay, mái nhà bị dột nên bác buộc phải thay mái tôn che chắn. Một phòng sửa sang cũng lên tới 6 triệu đồng và vì thế, lẽ dĩ nhiên, phòng trọ sẽ phải tăng giá. Ngoài ra, theo bác Phúc, giá cả đang leo thang chóng mặt, lương tối thiểu cho người lao động có thể sẽ tăng, lên tới 2 triệu đồng mỗi tháng từ 1/10 nên nhà trọ cũng rậm rịch lên kế hoạch tăng theo. “Lương tăng, giá cả cũng không ngừng leo thang nên giá phòng trọ cũng không thể đứng im. Mức tăng trong khu dao động từ 100-200.000 đồng mỗi tháng”, bác Phúc cho hay.
Nhà trọ tăng giá kéo theo tiền điện, nước cũng “tát nước theo mưa”. Anh Trần Ninh, một người trọ tại khu vực Pháo Đài Láng cho hay, anh thuê một chung cư mini từ đầu năm và giá điện đã tăng 3 lần. Hồi đầu năm, tiền điện khoảng 2.500 đồng mỗi kWh nhưng đến tháng 3, đã lên tới 3.500 đồng và đến nay, tạm thời dừng lại ở con số 4.000 đồng. “Mỗi tháng chỉ tính riêng tiền điện đã lên tới gần 450.000 đồng. Nếu tính cả tiền điện nước và giá thuê phòng thì cũng lên tới hơn 3,5 triệu đồng mỗi tháng, nay lại chuẩn bị tăng thì sức nào kham nổi”, anh Ninh than.
Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty bất động sản B.D.S cho hay, giá nhà trọ tăng chủ yếu do nguồn cung còn ít, tỷ lệ cho thuê thấp, trong khi đó, cầu lại cao. Tỷ lệ nhà cho thuê ở Việt Nam chỉ đạt chưa đến 10%, trong khi các nước phát triển, con số này lên đến 60-70%. Đất ở khu vực trung tâm đắt đỏ, nhiều người, trong đó số đông là học sinh sinh viên buộc phải thuê nhà ở những khu vực xa trung tâm nhưng sức ép về cầu vẫn rất lớn. Các căn hộ chung cư bình dân, tái định cư hoặc mini chủ yếu giao dịch trên thị trường dưới dạng “mua đứt, bán đoạn”, cho thuê chiếm một tỷ lệ nhỏ vì giá tương đối cao, người lao động, học sinh sinh viên không chi trả nổi.
Theo ông Trường, việc di dời trường đại học cũng là một giải pháp để giảm tại mật độ cư dân trong nội đô song điều quan trọng là phải tăng tỷ lệ nhà cho thuê, điều mà Bộ Xây dựng đã nhiều lần đề cập nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Lợi nhuận từ nhà cho thuê không cao so với các kênh đầu tư khác như gửi tiền ở ngân hàng, nên nhà đầu tư chưa mặn mà. “Nhà nước cần phải đưa ra các chính sách hỗ trợ, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân tham gia vào phân khúc nhà cho thuê mới giảm sức ép nội đô”, ông Trường nói.
Theo VNExpress