Nhà Trắng kỳ vọng Trump sẽ duy trì các hiệp ước của Mỹ
Nhà Trắng hy vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump duy trì các hiệp ước quốc phòng với đồng minh, nhưng một hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương dường như khó thành hiện thực.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters
Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice hôm 14/11 nhấn mạnh bà không muốn phỏng đoán chính sách đối ngoại của ông Trump, nhưng tìm cách trấn an các đồng minh Mỹ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tại vành đai Thái Bình Dương rằng họ sẽ không bị bỏ mặc.
“Với sức nặng của vị trí tại văn phòng này và sức nặng của vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ, cũng như trách nhiệm kèm theo và lịch sử chúng ta cùng chia sẻ, những lợi ích lâu dài, các đồng minh và đối tác của chúng tôi có lý do để kỳ vọng rằng Mỹ sẽ duy trì những nghĩa vụ của mình”, AFP dẫn lời bà Rice nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump gợi ý rằng một số nước đồng minh hiệp ước của Mỹ không chia sẻ trách nhiệm công bằng, và Washington có thể không bắt buộc phải bảo vệ họ, làm dấy lên lo ngại từ các nước dựa vào sự bảo vệ của Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Theo bà Rice, cố vấn trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, sức nặng của vị trí tổng thống nhiều khả năng làm dịu lập trường của ông Trump, trong tuyên bố công khai đầu tiên kể từ khi ông bất ngờ đắc cử tổng thống.
Về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà Rice thừa nhận giới chức không thể thống nhất dưới thời chính quyền của Obama. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, cho rằng những hiệp định thương mại trước đó là thảm họa với công ăn việc làm tại Mỹ. Kể cả đối thủ Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ cũng phản đối TPP.
“TPP rõ ràng là một thách thức trong giai đoạn này”, bà Rice nói và cảnh báo rằng nếu hiệp định này bị đình chỉ, Trung Quốc sẽ có cơ hội tăng cường sức ảnh hưởng với các nước đồng minh truyền thống của Mỹ ở Đông Nam Á.
Trọng Giáp
Video đang HOT
Theo VNE
Đồng minh châu Á thấp thỏm sau chiến thắng của Trump
Đòi đồng minh đóng góp thêm cho chi phí triển khai quân của Mỹ hay phản đối TPP, tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump đang khiến các đồng minh châu Á thấp thỏm.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng đưa ra nhiều tuyên bố gây bối rối cho các đồng minh của Washington ở châu Á, từ việc đòi hỏi họ phải góp nhiều hơn trong khoản chi phí mà hai bên cùng đóng để duy trì sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ cho đến việc gợi ý rằng Tokyo và Seoul có thể phát triển năng lực vũ khí hạt nhân.
Vì thế, chiến thắng của nhà tài phiệt New York trong cuộc bầu cử tổng thống càng khoét sâu thêm mối lo âu hiện hữu đối với các đồng minh Mỹ ở châu Á về cam kết mà Washington đưa ra đối với các thỏa thuận hợp tác an ninh hậu Thế chiến II, trước bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và Triều Tiên ngày càng khó lường, theo Reuters.
Khẩu hiệu "nước Mỹ trước tiên" và việc Trump kêu gọi đồng minh phải góp thêm cho chi phí đóng quân của Mỹ ở khu vực khiến một số lãnh đạo châu Á không an tâm. Họ cũng lo lắng trước việc ông Trump phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thành tố cốt yếu trong chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương mà Washington theo đuổi.
"Chúng ta nên tiên liệu về những thay đổi mạnh mẽ ở môi trường an ninh khu vực", Chung Jin-suk, lãnh đạo đảng Saenuri (Mặt trận Mới), Hàn Quốc, nói hôm 10/11.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm: "Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên để mối quan hệ đồng minh quân sự Hàn - Mỹ dao động".
Một quan chức Nhật Bản giấu tên đã kêu gọi tổng thống Mỹ đắc cử đưa ra thông điệp trấn an đồng minh.
"Tổng thống Mỹ mới đắc cử phải có một tuyên bố càng sớm càng tốt nhằm trấn an thế giới rằng cam kết của Mỹ với các đồng minh vẫn mạnh mẽ và đáng tin cậy", ông này nói.
Dù cho rằng các chính sách mà Trump thực thi chắc chắn sẽ khác với những lời hô hào của ông nhưng vị quan chức Nhật cũng bày tỏ quan ngại trước các phát biểu mà nhà tài phiệt New York đưa ra cho đến nay về mối quan hệ đồng minh và vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt tại Nhật Bản.
Cam kết an ninh
Trong một bài báo phê phán chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ là "thùng rỗng kêu to", hai cố vấn cho nhà tài phiệt New York tiết lộ ông Trump sẽ tăng cường sức mạnh hải quân Mỹ, đồng thời khẳng định việc Seoul và Tokyo phải trả thêm chi phí để Mỹ bảo đảm an ninh cho hai nước này là điều hợp lý.
"Không còn gì nghi ngờ về việc Trump xem cam kết an ninh với các đồng minh châu Á của Mỹ là nền tảng giúp ổn định khu vực", Peter Navarro, giáo sư ở Đại học California, và Alexander Gray, cựu cố vấn cho hạ nghị sĩ Randy Forbes, viết trong một bài phân tích đăng trên Foreign Policy số ra ngày 7/11.
Bài viết cũng chỉ trích chính quyền Obama vì không thể ngăn chặn các hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo hai tác giả, ông Trump kêu gọi đóng thêm nhiều tàu cho hải quân Mỹ. "Đề xuất chương trình hải quân của Trump sẽ giúp trấn an các đồng minh rằng Mỹ vẫn cam kết lâu dài với vai trò từ trước đến nay như là nước bảo đảm trật tự và tự do ở châu Á", các tác giả viết.
Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận của tỷ phú Mỹ với các đồng minh an ninh tại Bắc Á có thể khơi mào những lời kêu gọi ở Nhật về một lập trường an ninh độc lập hơn, dù việc thảo luận nghiêm túc về việc sở hữu vụ khí hạt nhân có khả năng không xảy ra ở quốc gia duy nhất bị dội bom nguyên tử này.
"Tôi nghĩ họ có lý do chính đáng để làm vậy", một nhà ngoại giao Nhật giấu tên nói, ám chỉ những người tìm kiếm lập trường an ninh mạnh mẽ hơn. "Tuy nhiên, công chúng Nhật sẽ không muốn đi theo hướng đó và chúng ta không có năng lực về ngân sách hay nhân sự để theo đuổi một lập trường như thế", ông nói.
Binh sĩ Mỹ đồn trú tại căn cứ Iwakuni, Nhật Bản. Ảnh: U.S. Marine Corps
TPP không chỉ là thương mại
Các đồng minh Mỹ ở châu Á tham gia TPP giờ đây lo sợ hiệp định này sẽ chết yểu vì bị Trump phản đối mạnh mẽ.
Hệ lụy của quyết định từ bỏ TPP không chỉ liên quan đến thương mại mà còn ảnh hưởng đến cả an ninh vì Washington và Tokyo trước đây nhìn nhận TPP như một phương cách để tạo ra một cấu trúc khu vực bền vững dựa trên những quy tắc nhằm đối chọi Trung Quốc.
"TPP không chỉ là một thỏa thuận thương mại đơn thuần vì nó còn giúp Mỹ và Nhật sát cánh cùng nhau... Những nước chia sẻ các giá trị này sẽ tạo ra một trật tự khu vực cấp cao với tầm ảnh hưởng không chỉ về kinh tế mà còn cả ngoại giao và an ninh. Đó là biểu tượng cho thấy Mỹ cam kết với khu vực", Toshihiro Nakayama, giáo sư từ Đại học Keio, Tokyo, nhận định.
Chuyên gia an ninh Tim Huxley ở Singapore cảnh báo một thời kỳ tiềm ẩn bất ổn đang ở phía trước khi khu vực chờ đợi các dấu hiệu chiến lược rõ ràng hơn về ý nghĩa của nhiệm kỳ tổng thống Trump đối với châu Á.
Các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ ông Trump sẽ phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện bộ máy nhân sự và bắt tay vào xây dựng chính sách. Hệ thống chính trị chia rẽ của Mỹ cũng có thể gây trì trệ tiến trình công việc. Điều này đồng nghĩa khả năng xảy ra những diễn biến đột ngột là không cao.
"Tôi không nghĩ sẽ có một sự thay đổi lớn trong lập trường của ông ấy đối với Nhật. Ông ấy đã ghi nhận tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Những gì ông ấy nói đến là các tiểu tiết, chẳng hạn như việc tăng mức đóng góp của Nhật cho quân Mỹ đóng tại Nhật", Masashi Adachi, người đứng đầu ban phụ trách chính sách ngoại giao của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản, nhận xét.
Hồng Vân
Theo VNE
Những thách thức đối ngoại bủa vây Donald Trump Tổng thống mới đắc cử của Mỹ được dự đoán sẽ lên nắm quyền với một loạt thách thức đối ngoại mà ông phải giải quyết. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ảnh: NBC News Nước Mỹ khi Donald Trump lên nhậm chức tổng thống vẫn là cường quốc kinh tế, quân sự quan trọng nhất thế giới. Song một Trung...