“Nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh…” dưới góc nhìn bác sĩ
“Vừa quay ra bếp rót cốc nước thì đột nhiên cái máy tính gào lên “ nhà tôi 3 đời chữa xương khớp, bà con ai không khỏi cứ gọi cho tôi, giật mình”…
Đó là chia sẻ của BS. Ngô Đức Hùng, khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai khi bị vấp phải “trend” nhà tôi 3 đời đang rầm rộ trên youtube thời gian qua.
BS. Hùng cho biết, vốn là người thích “hóng” mạng xã hội, một ngày đẹp trời bỗng phát hiện có ông bác hàng xóm ở quê, vốn ngày xưa là công nhân cơ khí, nay mặc áo blouse trắng muốt lo-go trường Y hết sức tiên phong ngồi quảng cáo thuốc 3 đời chữa bệnh.
Cùng tâm trạng như BS. Hùng, chị N.T.V.Y (ở Khu đô thị Nam Trung Yên) đã thốt lên sắp khùng với ” nhà tôi 3 đời” kiểu này. Bởi mỗi khi bật smart TV là quảng cáo cùng âm thanh đập ngay vào tai, vào mắt: “Nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh xương khớp, bà con ai có vấn đề gì về bệnh xương khớp, cứ liên hệ với tôi, tôi cam kết khỏi bệnh”.
Chị Y cho biết, nghe lần 1 thì cũng cho qua nhưng đến vài lần lúc thì “nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh xương khớp, nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh sỏi mật, sỏi thận”, thậm chí “nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh tiểu đường” thì không thể chịu đựng được nữa.
Còn anh T.N.H (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng “đau tai” với “nhà tôi 3 đời”, vì cậu con trai hơn 1 tuổi thích xem youtube, cứ thỉnh thoảng cả nhà lại giật mình với đoạn quảng cáo “nhà tôi 3 đời” nhảy vào chương trình…
Quảng cáo “nhà tôi 3 đời” khiến nhiều người “đau tai”, “nhức óc”.
Việc quảng cáo các sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh theo đông y đã không còn mới mẻ, đặc biệt là quảng cáo thông qua mạng xã hội facabook, youtube. Gần đây nổi lên phong trào “nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh…”. Các phương thuốc dân gian Đông y còn gọi là thuốc nam, thuốc bắc từ lâu đã ăn sâu bám rễ vào trong tiềm thức nhiều người nên người dân cũng thường ưu tiên lựa chọn vì họ cho rằng thuốc từ thảo dược, từ lá cây nên lành tính, an toàn không nhiều tác dụng phụ. Lợi dụng quan niệm này, vô số các loại thuốc Đông Y không rõ nguồn gốc được quảng cáo tràn lan trên mạng.
Trước đây, các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Facebook với những lời quảng cáo quen thuộc như chữa dứt điểm các bệnh xương khớp, sỏi mật, sỏi thận, tiểu đường, hen suyễn, viêm xoang, thậm chí chữa được cả ung thư… đã khiến nhiều người mắc lừa. Một thời gian sau, loại hình quảng cáo này được siết chặt trên facebook thì thuốc đông y lại bắt đầu chuyển hướng sang Youtube.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Trương Việt Bình – Nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, các sản phẩm quảng cáo về thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn bệnh đăng tải tràn lan trên facebook là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Một số bệnh mãn tính như xương khớp, tiểu đường, thoái hoá cột sống…. không thể chữa khỏi, mà chỉ đỡ một thời gian…
GS. Bình cũng chia sẻ, có đến hơn 40 trang mạng sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của ông cắt ghép vào các video quảng cáo thuốc đông y để bán thuốc chữa khỏi bệnh khiến nhiều người hiểu lầm. “Tôi đã nhiều lần phản ánh, lên tiếng nhưng họ vẫn tiếp tục dùng hình ảnh trái phép…” – GS. Bình bức xúc.
Video đang HOT
GS. Bình cũng khuyến cáo, người bệnh cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh bị lừa tiền mất, tật mang. Bởi mua thuốc trên mạng sẽ dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có thầy thuốc chịu trách nhiệm. Do đó, nếu có bệnh vẫn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ của thầy thuốc.
PGS.TS Phạm Duệ, Nguyên giám đốc Trung tâm chống độc Bạch Mai cũng cho biết, 30 năm công tác trong ngành, ông gặp rất nhiều trường hợp chữa bệnh theo lời quảng cáo “thuốc đông y gia truyền” mà nhiều người suy gan, suy thận cấp, có người đã mất mạng.
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã xử phạt 45 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền là 2,9 tỷ đồng. Trong đó, đa số vi phạm của các công ty là hành vi quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tài liệu theo quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng chưa đủ, cần phải có sự cảnh giác từ phía người tiêu dùng thì tình trạng này mới “hết đất sống”.
Sai lầm trong điều trị ung thư: trả giá bằng mạng sống
Mấy mươi năm công tác tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tôi có thể khẳng định nhiều bệnh nhân hiện giờ vẫn khỏe mạnh, tái khám thường xuyên và không bị tái phát.
LTS. Gần 30 năm làm việc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, BS-CK2. Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1) đã chứng kiến rất nhiều cảnh đời bệnh nhân đến đây điều trị, trong đó có những trường hợp vì thiếu hiểu biết về ung thư dẫn đến những ứng xử sai lầm trong chọn lựa cách điều trị, phải trả giá bằng mạng sống.
Để khép lại năm đầu tiên triển khai dự án "Thị dân sống khỏe: Đối diện ung thư", Người Đô Thị giới thiệu những chia sẻ của BS-CK2. Nguyễn Văn Tiến nhằm thức tỉnh mọi người trước căn bệnh tuy nguy hiểm nhưng y học đã có nhiều bước tiến đáng kể trong phòng trị.
Mấy mươi năm công tác tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tôi có thể khẳng định nhiều bệnh nhân hiện giờ vẫn khỏe mạnh, tái khám thường xuyên và không bị tái phát. Họ kéo dài thời gian sống trên 5 năm đến trên 10 năm với chất lượng cuộc sống không quá tồi tệ. Và cũng có nhiều bệnh nhân chúng tôi không thể điều trị vì đến quá muộn, quá nặng (do bỏ điều trị, điều trị không đúng...).
Câu chuyện đau lòng thường xuyên gặp
BS. Nguyễn Văn Tiến
Điều tôi nghiệm ra, nếu những bệnh nhân đến sớm và tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ thì họ sẽ khỏi bệnh, hoặc nếu không khỏi cũng kéo dài thời gian sống mà không phải đau đớn, bi thảm cuối đời. Ngược lại, nếu không tuân thủ hướng dẫn và điều trị của bác sĩ, hậu quả chắc chắn rất nghiêm trọng và sẽ hối tiếc về sau.
Có những sai lầm con người có thể sửa được hay làm lại từ đầu, nhưng sai lầm trong điều trị ung thư thì trả giá rất đắt và nghiêm trọng: đó là mạng sống của chính mình! Thật đau lòng khi chứng kiến những trường hợp thương tâm vì quyết định sai lầm của người bệnh, mất nhiều thời gian vàng cho việc chữa trị không đúng cách (thầy bùa, thầy lang, thuốc không rõ nguồn gốc...) và không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, làm bệnh trầm trọng hơn, trễ hơn, đến mức không còn khả năng điều trị.
Câu chuyện đau lòng mà tôi thường xuyên gặp trong quá trình điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, là có những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm, nếu mổ sẽ chữa khỏi hoàn toàn. Chuẩn bị phẫu thuật thì bệnh nhân bỏ trốn hay xin xuất viện vì nhiều lý do: sợ mổ, sợ đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan nhanh hơn, nghe lời truyền miệng đi chữa thuốc nam, thuốc bắc, thuốc gia truyền, dùng lá cây, trị thầy bà và nhiều cách phản khoa học khác... Sau một thời gian ngắn, bệnh nhân quay lại bệnh viện với tình trạng trầm trọng hơn, đau đớn vật vã, khó thở, không tiêu tiểu được, bụng chướng không ăn uống được, không còn khả năng điều trị triệt để và thậm chí tử vong khi vừa đến bệnh viện.
Không chỉ có vậy, rất nhiều bệnh nhân ung thư còn gặp phải sai lầm khi chữa trị căn bệnh này như nhịn đói, uống nước hoa quả... nhằm mục đích để tế bào ung thư chết đi. Đây là sai lầm trầm trọng khiến bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt, suy mòn do ung thư và do suy dinh dưỡng.
Vì đâu "sa bẫy" ung thư?
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới. Hàng năm, số lượng người mới mắc các căn bệnh ung thư không ngừng tăng lên, và ước chừng một nửa trong số này tử vong. Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tăng cao hơn các nước đã phát triển, phần lớn là từ những nhận thức không đúng, thậm chí sai lầm của người dân Việt Nam, có thể dẫn ra đây:
Không thực hiện các biện pháp phòng ngừa (không chích ngừa viêm gan siêu vi A, B; không chích ngừa vi-rút gây u nhú ở người HPV...; lạm dụng rượu bia; hút thuốc chủ động và cả thuốc lá thụ động; lười vận động; ngại ăn rau...).
Không đi tầm soát bệnh (một số bệnh phát hiện sớm sẽ trị khỏi: ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến vú...).
Không điều trị đúng cách (uống thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc hoặc chưa có bằng chứng khoa học khẳng định hiệu quả trong hỗ trợ ung thư; tin thầy lang, bùa ngải...).
Một số sai lầm chết người: mắc ung thư càng "đụng" dao kéo càng nhanh chết!; ung thư là bản án tử hình; trải qua điều trị ung thư có nghĩa là không thể sống và làm việc bình thường lại được; tất cả các liệu pháp điều trị ung thư đều đau đớn; bệnh ung thư có tính lây lan; người bị ung thư không nên ăn đường; không nên bồi dưỡng dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vì làm thế là nuôi bướu, nuôi tế bào ung thư; dùng siêu thực phẩm có thể chữa khỏi ung thư v.v..
Nhiều kỹ thuật tầm soát phát hiện bệnh sớm và điều trị ung thư hiện đại bậc nhất hiện nay đã được trang bị cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (đường 400, ấp Cây Dầu, phường Tân Phú, quận 9), chính thức tiếp nhận người dân tới khám bệnh từ tháng 10.2020 . Ảnh: TLBS
Thực tế điều trị cho thấy, có khoảng 30-40% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm, còn lại hầu hết ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng. Vì vậy, điều trị gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài, giảm hiệu quả mà chi phí tăng cao, kèm với tỷ lệ tái phát và tử vong cao.
Một thực trạng đáng buồn là khi biết mình bị ung thư, bệnh nhân lại không tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, mặc dù bệnh còn ở giai đoạn điều trị được. Lúc này người bệnh rất lo lắng hoang mang, đây là cơ hội cho những cám dỗ, lừa lọc của những phương pháp điều trị không đúng, không có cơ sở khoa học.
Đến khi bệnh không hết mà ngày càng nặng thêm, bệnh nhân mới quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, không còn khả năng điều trị khỏi, phải sống trong đau đớn, tiền mất tật mang và tử vong.
Hầu hết ung thư có thể chữa trị được
Điều trị ung thư hiện nay phát triển rất mạnh với nhiều phương pháp hiện đại có thể chữa lành bệnh. Điều trị ung thư chính thống là điều trị đa mô thức, nghĩa là phải phối hợp một cách nhuần nhuyễn các vũ khí điều trị: Phẫu trị - Hoá trị - Xạ trị - Miễn dịch liệu pháp - Hormon - Thuốc nhắm trúng đích...
Các biện pháp điều trị khác như liệu pháp dinh dưỡng, sản phẩm bổ sung... chỉ mang tính hỗ trợ. Đối với bệnh ung thư, bệnh nhân cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa ung thư và tư vấn bác sĩ các phương pháp điều trị. Sau quá trình điều trị, cũng nên tái khám định kỳ. Hầu hết ung thư hiện nay đều có thể chữa trị được.
Mọi người nên nhớ rằng, trên thế giới hàng năm người ta bỏ ra hàng tỷ USD để nghiên cứu thuốc điều trị ung thư. Tuy nhiên vẫn chưa tìm ra cây, cỏ nào điều trị đặc hiệu cho ung thư. Trung Quốc, nước có nền y học cổ truyền phát triển lâu đời, vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu ung thư.
Vậy nên, nếu thầy bùa, thầy lang, thuốc nam, thuốc bắc... mà điều trị được ung thư thì các bệnh viện ung thư, các trung tâm nghiên cứu về ung thư trên toàn thế giới đã đóng cửa! Thực tế thì ngược lại. Vậy làm sao mình tin vào những tin đồn vô căn cứ, chữa trị bằng những phương pháp không có cơ sở khoa học, không có trường hợp nào đã được chứng minh điều trị hết bằng những phương pháp vô căn cứ đó, để phải trả giá đắt, có khi bằng sinh mạng?
Lạc quan là phương thuốc nhiệm mầu
Lời khuyên chân thành của tôi gởi đến người dân là nếu mình hay người thân bị ung thư thì xin nhớ:
Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng 1/3 loại ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi hoàn toàn (ở giai đoạn sớm), 1/3 kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn). Quan trọng là người chưa mắc bệnh phải sớm đi chích ngừa, tầm soát..., đừng để quá muộn. Nếu bị ung thư nên đến cơ sở chuyên sâu về điều trị ung thư để được hưởng những kỹ thuật điều trị hiện đại nhất thế giới. Sau khi điều trị, được cho xuất viện để theo dõi, bệnh nhân nhớ tái khám theo dõi đều đặn.
Phải có chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh, đúng cách. Tinh thần là quan trọng nhất. Lạc quan sẽ là phương thuốc nhiệm mầu làm tăng miễn dịch chống lại tế bào ung thư. Nằm liệt giường than khóc có giúp được gì không?
Tập luyện thể dục thể thao hợp lý tùy theo tuổi và tùy theo bệnh: đi bộ, chạy xe đạp, dưỡng sinh, yoga... hay chơi môn thể thao nào đó phù hợp với mình. Chế độ ăn uống cũng phải phù hợp, không kiêng cữ thái quá, ăn đủ chất và nhiều dinh dưỡng ngũ cốc, rau quả... Tham gia hội hè, câu lạc bộ của những người bị ung thư để cùng chia sẻ kinh nghiệm sống, điều trị; sinh hoạt dưỡng sinh, du lịch...
Trên thế giới người ta hay dùng cụm từ "cancer survivor" (người sống sót sau căn bệnh ung thư) để chỉ những người bệnh ung thư đã điều trị ung thư tích cực và vẫn sống nhiều năm sau điều trị. Tôi thích gọi họ là người chiến thắng căn bệnh ung thư hơn, vì tôi hiểu họ đã dũng cảm như thế nào để vượt qua căn bệnh này.
Họ đã phải vượt qua những cung bậc cảm xúc từ lo lắng, giận dữ, cô đơn, tuyệt vọng từ khi chẩn đoán đến lúc điều trị. Họ phải vượt qua nỗi sợ hãi khi chấp nhận mình mang căn bệnh ung thư và dũng cảm đối diện, chiến thắng những đau đớn do bệnh tật và cả việc điều trị mang lại để đi đến cùng và có một cơ hội được sống.
Sự thật tắm đêm gây đột quỵ Không ít người trẻ đột ngột qua đời sau khi tắm đêm khiến nhiều người tin rằng tắm muộn là nguyên nhân gây đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 230.000 ca đột quỵ, trong đó 90% để lại di chứng, 50% ca bệnh tử vong. Đáng lưu ý, những năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ bị đột...