Nhà thầu nội có đủ sức “gánh” dự án cao tốc Bắc – Nam?
Dự án cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông sẽ được tổ chức đấu thầu lại và sẽ chỉ là sân chơi dành cho các nhà đầu tư nội. Thay đổi này mở ra cơ hội, sân chơi lớn cho các nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông đang có phần đình trệ như hiện tại.
Không thay đổi tiêu chí lựa chọn
Dự kiến, tháng 10/2019 tới đây, Bộ GTVT sẽ bắt đầu sơ tuyển lại các nhà thầu tham gia 8 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông.
Đáng nói, lần sơ tuyển này sẽ chỉ đấu thầu rộng rãi trong nước, thay vì đấu thầu quốc tế như trước đây. Thay đổi này mở ra cơ hội, sân chơi lớn cho các nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông đang có phần đình trệ như hiện tại.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP-Bộ GTVT) cho hay, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian các công đoạn để kịp tiến độ triển khai cao tốc Bắc Nam theo kế hoạch đã đề ra.
Đại dự án cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông sẽ là “đất diễn” lớn cho các doanh nghiệp nội
Tuy nhiên, các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong nước vẫn sẽ không thay đổi mà phải làm theo đúng Luật Đấu thầu. Theo đó, nhà đầu tư trong nước phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ (như vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét…).
“Những nhà đầu tư nào đủ tiêu chí đều được tham gia vòng sơ tuyển dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông”- ông Huy cho biết.
Video đang HOT
Với quy định “nhà đầu tư phải thực hiện dự án trước đó có tổng mức đầu tư đạt 50% tổng mức đầu tư của các dự án đang xét”, theo ông Huy, nếu không đáp ứng, nhà đầu tư có thể liên danh.
Đánh giá sơ bộ về năng lực của nhà đầu tư trong nước, ông Huy cho biết, tại vòng sơ tuyển đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc Nam đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện vào vòng đấu thầu.
Lo ngại ngân hàng “đóng cửa” với BOT
Về vấn đề trên, ông Đặng Đại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư đánh giá, hiện nay, năng lực và kỹ thuật thi công của các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được yêu cầu của dự án.
“Các nhà đầu tư trong nước chỉ cần quan tâm đến nguồn vốn ngân sách của 8 đoạn tuyến phía Đông, Nhà nước cam kết đảm bảo 30% trong tổng vốn đầu tư. Như vậy, 8 đoạn tuyến này chủ đầu tư đảm bảo 20% còn lại là nguồn vốn vay tín dụng. Với 20% này thì các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đáp ứng được. Còn về kỹ thuật, các nhà đầu tư trong nước đã thực hiện nhiều tuyến cao tốc và cầu lớn, hầm đường về mặt kỹ thuật hoàn toàn đáp ứng yêu cầu” – ông Đại nói.
Tuy vậy, cũng có nhà đầu tư tỏ ra không quá hào hứng với việc dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông sẽ chỉ dành đất diễn cho các nhà đầu tư nội.
Ông Vũ Đức Nhận – Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành (đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ), cho rằng, thời gian qua, nhiều dự án BOT gặp thua lỗ, “vỡ” phương án tài chính khiến nhiều nhà đầu tư nao núng cũng như các ngân hàng có thể không muốn tiếp tục cho vay. Nhiều ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn và phải thế chấp đến 50-60% tổng vốn đầu tư.
Chưa kể theo quy định, nhà đầu tư còn phải tự chủ được 20% tổng vốn đầu tư dự án. Điều này vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp.
Đặt vấn đề liên danh liên kết, ông Nhận cho rằng, liên danh liên kết có thể đáp ứng về các tiêu chí của Bộ GTVT đưa ra, nhưng quan trọng nguồn vốn rót vào dự án vẫn phải vay ngân hàng. “Ngân hàng rất thận trọng trong việc rót vốn vào dự án hạ tầng BOT, nên việc họ có tiếp tục hay không thì các nhà đầu tư BOT còn chưa chắc chắn”- ông Nhận phân trần.
Ngoài ra, ông Nhận đánh giá, cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông không phải là địa chỉ duy nhất hấp dẫn đầu tư khi sắp tới sẽ có 3 tuyến đường Bắc – Nam là quốc lộ 1, đường ven biển và đường Hồ Chí Minh, trong đó, có nhiều tuyến miễn phí nên cao tốc Bắc – Nam có thể vắng xe sau khi đầu tư. Trong khi đó, Bộ GTVT lại tính toán phương án tài chính để hoàn vốn cho nhà đầu tư ở mức kỳ vọng cao.
Theo ANTD
Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam
Bộ GTVT hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước đối với dự án cao tốc Bắc - Nam.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Trong thông cáo gửi báo chí, Bộ GTVT nêu rõ: "Thực hiện Nghị Quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải nhận thức rất rõ đây là dự án trọng điểm của quốc gia, có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đối với những địa phương có dự án đi qua. Chính vì vậy quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT quán triệt tinh thần phải tiến hành nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định pháp luật, hiệu quả, khách quan, minh bạch và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế".
Căn cứ những quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt Luật đấu thầu (Điều 15), đối với 8 dự án thành phần được Quốc hội phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thời gian qua Bộ GTVT đã tiến hành sơ tuyển lựa chọn Nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế.
Quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế của Bộ GTVT đối với dự án cao tốc Bắc - Nam đã mở ra cơ hội lớn cho các nhà thầu Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 7/2019, sau 2 tháng kể từ thời điểm phát hành Hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển. Kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho biết, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.
Nhằm triển khai thành công dự án trọng điểm của quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai dự án. Mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo sẽ được Bộ GTVT kịp thời cung cấp tới các cơ quan thông tấn báo chí và toàn thể nhân dân được biết, giám sát.
Tháng 5/2019, Bộ GTVT kêu gọi hồ sơ, mời sơ tuyển chọn nhà đầu tư, đấu thầu quốc tế với 8 dự án thành phần thuộc "đại dự án" Dự án cao tốc Bắc - Nam. Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100.
Tại thời điểm đó, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Trong đó, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án nhóm A. Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án là đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đấu thầu quốc tế rộng rãi đối với dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ có ít cơ hội cho doanh nghiệp nội địa, thay vào đó, nguy cơ nhà thầu Trung Quốc "đổ bộ", "chiếm lĩnh" dự án là rất cao.
ĐÀO BÍCH
Theo VTC
Đốc thúc nhiều dự án giao thông trọng điểm Tại cuộc làm việc ngày 23-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm của ngành. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT cần có giải pháp quyết liệt để đảm bảo tiến độ các dự án giao thông...