Nhà tái định cư ở Hà Nội: Xuống cấp, nhếch nhác, ô nhiễm đến bao giờ?
Hà Nội hiện có gần 170 tòa nhà tái định cư với khoảng 14.000 căn hộ đã hoàn thành. Việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà tái định cư đang tồn tại nhiều bất cập. Đó là tình trạng sụt lún, hư hỏng kéo dài, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tê liệt, nhiều căn hộ, diện tích tầng 1 bị sang nhượng, sử dụng trái quy định…
Sụt lún, hệ thống PCCC có cũng như không
Theo ghi nhận của PV tại một số khu tái định cư như Nam Trung Yên, Trung Hòa – Nhân Chính, Đồng Tàu, Đền Lừ, Long Biên, Việt Hưng, Láng Thượng, Chùa Láng, khu tái định cư TP giao lưu (quận Bắc Từ Liêm)… đều xuất hiện tình trạng sụt lún, hệ thống PCCC gần như tê liệt, chất thải xả thẳng ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nghiêm trọng, hàng quán bán đồ ăn lấn chiếm toàn bộ khu vực tầng 1…
Các chuyên gia xây dựng cho rằng, các chung cư tái định cư của Hà Nội rất khó chấp nhận về chất lượng công trình xây dựng và quản lý đô thị. Bởi lẽ các từ tòa nhà tái định cư mới được đưa vào sử dụng khoảng từ 5 – 8 năm nhưng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Các hạng mục như hệ thống cấp, thoát nước, trần nhà, tường thấm dột, khu vệ sinh ứ tắc, gạch lát bong tróc,… đều xuống cấp, dân kiến nghị sửa chữa nhưng không được cơ quan, ban ngành nào quan tâm xử lý. Nhiều khu tái định cư người dân phải chịu đựng cả chục năm trời.
Anh Thành Lộc – người dân tại chung cư tái định cư Láng Thượng cho biết, từ ngày đầu tiên bàn giao nhà cho đến nay, dân chưa thấy Ban quản lý tòa nhà tập huấn hay diễn tập công tác PCCC. “Cả tòa nhà chỉ thấy có một bình cứu hỏa đặt ở phòng bảo vệ” – anh Lộc cho hay.
Nhiều khu vực nhà tái định cư khác mà chúng tôi khảo sát như Đền Lừ, Đồng Tàu, Xa La, Nam Trung Yên, Thanh Xuân… cũng trong tình trạng tương tự. Hệ thống báo cháy đều hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả 10 tòa nhà ở đây đều bị sụt lún, tạo nên những hố nguy hiểm gây bất an cho dân cư sống trong tòa nhà.
“Sống chung” với xuống cấp, ô nhiễm
Video đang HOT
Trước thực trạng trên, đại diện Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được giao quản lý, vận hành nhà tái định cư) cho rằng, do bất cập về chính sách đến thực tế. Hơn nữa, nhiều hạng mục không nằm trong danh sách được hỗ trợ, sửa chữa theo Nghị định 99 của Chính phủ.
“Theo Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở, 6 hạng mục được bảo trì là thang máy, máy bơm nước sinh hoạt, hệ thống phòng cháy chữa cháy, máy phát điện, hệ thống chống sét, mặt ngoài tòa nhà. Cty chỉ có trách nhiệm tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân kèm theo dự toán để báo cáo Sở Xây dựng xem xét quyết định. Nhiều hạng mục cần sửa chữa vượt quá thẩm quyền của Cty” – vị này thông tin.
Trước tình trạng còn gần 1.000 căn hộ tái định cư bị bỏ trống, một số chuyên gia về xây dựng cho biết, để giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập trong đầu tư xây dựng, quản lý quỹ nhà tái định cư, bên cạnh việc xử lý những vấn đề liên quan chất lượng xây dựng, kinh phí duy tu, bảo dưỡng… việc xây dựng nhà tái định cư phải gắn với các công trình dịch vụ công cộng, khuyến khích người dân nhận đền bù bằng tiền để tự lựa chọn ngôi nhà mình ở. Đặc biệt nhà tái định cư cũng nên coi là sản phẩm hàng hoá phải được đưa ra thị trường mới đánh giá được đúng chất lượng và nên thực hiện theo phương thức xã hội hoá, nếu không các khu tái định cư sẽ không khác gì các khu tập thể cũ đã đưa vào sử dụng từ 50 – 60 năm trước.
Nhà kém chất lượng là do ăn gian, ăn bớt vật liệu
Một chuyên gia bất động sản cho rằng, xét về mặt trách nhiệm, đương nhiên nhà thầu phải có nghĩa vụ đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng theo đúng quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, điều khiến nhiều dự án nhà tái định cư kém chất lượng nằm ở chỗ, nạn ăn gian, ăn bớt đã mang tính hệ thống. Nếu chủ đầu tư có trách nhiệm, có sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đúng quy trình và đảm bảo nguyên liệu, vật tư được đánh giá, kiểm định chính xác thì không ai có thể ăn bớt được.
“Chất lượng nhà tái định cư kém là nguyên nhân chủ yếu nhưng không phải là tất cả. Chính bởi có giai đoạn nhà tái định cư được thực hiện như dự án ngân sách nên tính hiệu quả của việc phát triển các dự án nhà tái định cư không được quan tâm, nghiên cứu cẩn thận, dẫn đến tình trạng nhà tái định cư không phù hợp với nhu cầu của người dân, dân chê không đến ở” – vị này nói. Q.H
Châu An
Theo Lao động
Đấu giá nhà tái định cư: Có lặp lại vết xe đổ?
Cách đây vài năm, TPHCM tiên phong trong việc đấu giá nhà tái định cư để giải quyết tình trạng bỏ hoang hàng nghìn căn hộ nhưng... thất bại. Nay, Hà Nội lại đề xuất xin bán đấu giá những căn hộ tái định cư không có người ở. Các chuyên gia cảnh báo khả năng lặp lại "vết xe đổ".
Nhà xây xong nhưng dân không nhận
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư trên địa bàn Thủ đô nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà, đồng thời cũng chưa nộp tiền và nhận nhà. Cụ thể, theo thông báo danh sách gồm: 44 hộ ở nhà N01 - 7A Lê Đức Thọ; 28 hộ ở nhà N02 - 5A Lê Đức Thọ; 14 hộ ở nhà NO26A Bắc Đại Kim; 44 hộ ở nhà OCT Bắc Linh Đàm; 58 hộ ở nhà CTI.1-1A Vĩnh Hoàng, 34 hộ ở nhà CTI.1-1B Vĩnh Hoàng; 14 hộ ở nhà CT3 ao Hoàng Cầu và 136 hộ ở các nhà A14A1, A14A2, A14B2 Nam Trung Yên.
Một lãnh đạo Phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, đối với trường hợp nhà tái định cư bỏ trống vì chưa có phương án sử dụng, bố trí cho người dân chỉ chiếm số lượng rất ít, với khoảng 76 căn. Số còn lại tập trung vào trường hợp căn hộ nhà tái định cư bỏ trống do người dân không đến nhận nhà.
"Đây là trường hợp thành phố đã có quyết định bố trí về ở cho hộ cụ thể nhưng người dân lại chưa đến nộp tiền và chưa nhận nhà. Số trường hợp này hiện có số lượng khá lớn. Vì vậy, để tránh lãng phí và thất thoát ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quỹ nhà tái định cư, Sở có đề xuất thu hồi các căn hộ này sau 2 năm người dân không về ở, để bán đấu giá thu hồi vốn" - vị cán bộ cho hay.
Liên quan đến giá bán các căn hộ này, vị cán bộ cho biết, Sở đang nghiên cứu để có mức giá hợp lý. Cũng theo vị cán bộ này, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do người dân được phân nhà tái định cư trì hoãn để rao bán, hưởng chênh lệch.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, về nguyên tắc khi xây dựng mà người dân không nhận, không đến ở tức là có vấn đề về mặt tổ chức có thể do quy hoạch, giá cả, chất lượng... Bởi dân tất nhiên họ phải cần nhà ở. Chưa kể đến để quá lâu mà không tổ chức xử lý cũng là lỗi của cơ quan quản lý.
Đấu giá theo thị trường không khả thi
Trước đó, TP.HCM cũng đấu giá hàng nghìn căn hộ tái định cư nhưng không doanh nghiệp nào vào mua.
Một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc chia sẻ, sở dĩ việc đấu giá không thành công bởi chủ trương của TPHCM là bán (đấu giá) theo giá thị trường. Nếu đã là giá thị trường thì chỉ có người mua để ở là hợp lý. Còn doanh nghiệp mua theo giá thị trường, sau đó bán lại giá thị trường nữa thì còn lời gì mà mua. Do đó, thành phố muốn bán số căn hộ tái định cư này phải có chính sách bán sỉ như thế nào cho hợp lý.
" Hiện nay thông tin về đấu giá căn hộ tái định cư vẫn chưa rõ ràng, thực tế không có một kênh nào thông tin công khai, minh bạch. Do đó, nếu muốn đấu giá được, TP cần phải mở thầu, thông tin công khai, rộng rãi để người dân, doanh nghiệp tham gia chứ không phải mù mờ như lâu nay", vị này nói.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng: Nhà nước có quan điểm không đúng về nhà tái định cư bởi chỗ ở không chỉ là nơi ở mà liên quan đến vấn đề mưu sinh, học hành của con cái, khám chữa bệnh của người dân... Khi lấy đất trong nội thành làm dự án cao cấp, chuyển dân đến tái định cư ở xa cho đất rẻ khiến người dân phản đối không chịu nhận nhà vì điều kiện sống không đảm bảo.
Theo TS. Liêm, việc đem đấu giá nhà tái định cư hoặc chuyển sang nhà thương mại là vô cùng khó khăn trong bối cảnh các chính sách liên quan còn chưa rõ ràng. Do đó, đối với những dự án nhà đã xây rồi cần chuyển thành nhà ở xã hội để người dân gần đó, cán bộ công chức, người dân khó khăn về nhà ở họ mua hoặc thuê giá rẻ.
"Quỹ nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, trong khi quỹ nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng này cũng khan hiếm. Do vậy giải pháp hiện nay là chuyển số nhà tái định cư không dùng đến làm nhà ở xã hội cho người dân là khả thi nhất, vừa giúp an dân vừa giúp giảm lãng phí", TS Liêm phân tích.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Một nghịch cảnh đang diễn ra ở Hà Nội đó là nhu cầu tái định cư bằng nhà ở rất cao nhưng lại có không ít nhà tái định cư chưa có người ở. Nguyên nhân là chất lượng nhà ở thấp; một số khu nhà có vị trí xa trung tâm thành phố, xa nơi ở cũ... nên người dân không "mặn mà". Trong mọi trường hợp, việc xây dựng nhà tái định cư phải được giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng theo luật định.
Theo Ngọc Mai
Tiền phong
Khánh Hòa ra văn bản khẩn đẩy mạnh công tác GPMB cao tốc Bắc Nam UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản khẩn về việc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Tài nguyên & môi trường rà soát, phối hợp với UBND huyện Cam Lâm về nội dung thu hồi đất, chuyển mục...