‘Nhà siêu mỏng, siêu méo là điểm đen, điểm nóng’
Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo là câu chuyện được bàn đi bàn lại. Theo chuyên gia, ách tắc lớn nhất trong xử lý loại nhà này là giải phóng mặt bằng, đặc biệt là hợp khối các trường hợp không đủ tiêu chuẩn diện tích.
Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị xem tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo là “câu chuyện truyền kỳ” khi mở đường. Thực tế, dù đã kiểm soát và tìm cách xử lý, nhiều tuyến phố sau khi giải phóng mặt bằng, mở đường vẫn xuất hiện thêm những ngôi nhà mỏng, méo mới.
Chưa tính đến những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại từ lâu, các tuyến phố mới như Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Võ Chí Công… sau khi hoàn thành đã chứng kiến không ít những ngôi nhà chiều rộng chưa đến 2 mét, hình thù kỳ quái xuất hiện.
Những công trình này thường được tận dụng để kinh doanh các mặt hàng không tốn diện tích như mũ bảo hiểm, thuốc diệt côn trùng… Đa số các trường hợp đều có quy mô 1-2 tầng, nhưng cũng có những trường hợp cao 4-5 tầng.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, cho rằng việc xuất hiện và tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo xuất phát từ quy trình giải quyết ngược.
“Đáng lẽ quy trình giải quyết không phải là xử lý sau khi phát sinh mà phải là ngăn chặn ngay từ đầu, tức là khi bắt đầu xây dựng dự án làm đường”, chuyên gia này nói.
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, nếu giải quyết theo kiểu “chạy theo” như hiện nay thì chưa biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt câu chuyện mang tính “đặc sản” của quy hoạch Hà Nội này. Bởi khi nhà đã thành hình, người dân đã ổn định sinh sống thì việc xử lý sẽ rất khó khả thi.
Tính đến tháng 5 năm nay, Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo hiện có 132 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo tồn tại trước ngày 15/3/2005 (trước khi Luật Xây dựng ra đời), hầu hết đều nằm ngoài chỉ giới mở đường.
Trong số này, nhiều công trình tọa lạc ở những vị trí “đất vàng” thuộc các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông… Hầu hết hộ dân tại đây đã xây dựng và sinh sống ổn định trong nhiều năm, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi xử lý.
Ngoài ra, 59 trường hợp xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án sau 15/3/2015.
Mặc dù đã có nhiều phương án được đề xuất nhưng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tồn tại dai dẳng trên nhiều tuyến phố Hà Nội.
Đã đề xuất nhiều phương án xử lý triệt để
Trong phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (Luật quy hoạch) mới đây, nhiều đại biểu nhấn mạnh thực tế bức bối về tình trạng “nhà quan tài”, nhà siêu mỏng, siêu méo trên một số tuyến phố Hà Nội.
Thực tế, TP Hà Nội đã nhiều lần thể hiện quyết tâm giải quyết dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo.
Đầu năm 2015, Sở Xây dựng Hà Nội thống nhất phương án xử lý từng công trình. Theo đó, phương án xử lý được đề xuất bao gồm hợp khối, hạ độ cao, thu hồi…
Trong đó, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho hay trước hết khuyến khích chủ sử dụng hợp thửa hợp khối kiến trúc mặt đứng. Nếu quá thời hạn thông báo, chủ sử dụng không hợp thửa, hợp khối, quận thu hồi lập phương án xây dựng công trình công cộng. UBND quận đã chỉ đạo Thanh tra Xây dựng, chính quyền sở tại quản lý chặt chẽ, không để phát sinh xây dựng công trình mới.
Video đang HOT
Ngôi nhà có chiều rộng mặt tiền chưa đến 1mét trên đường Xã Đàn.Ảnh: Lâm Tùng.
Cuối năm 2017, liên ngành Sở Xây dựng, Tài nguyên môi trường, Quy hoạch kiến trúc tham mưu cam kết trình UBND Thành phố phương án giải quyết từng trường hợp trong quý I/2018.
Đến tháng 5 năm nay, Sở Xây dựng đã đề xuất với thành phố các phương án xử lý với từng nhóm đối tượng nhà, đất siêu mỏng, siêu méo.
Cụ thể, với những công trình có diện tích 10-15 m2 trên cùng tuyến đường, ưu tiên xử lý theo hướng hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề hoặc cấp phép xây dựng có điều kiện; với diện tích nhà từ 4 m2 đến dưới 15 m2 cho chỉnh trang giữ nguyên hiện trạng nhà 1 tầng; nhà có diện tích trên 4 m2, nhỏ hơn 10 m2 chỉ được cấp phép xây dựng 1 tầng. Riêng nhà có diện tích dưới 4 m2 sẽ kiên quyết thu hồi phục vụ mục đích công cộng.
Với 59 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án sau 15/3/2005, Sở Xây dựng đang phối hợp với các địa phương để giải quyết.
Tuyến phố mới Nguyễn Văn Huyên kéo dài xuất hiện nhiều công trình méo mó sau khi mở đường: Ảnh Lâm Tùng
“Nhà siêu mỏng, siêu méo là một điểm đen, điểm nóng”
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, nhận định việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo là câu chuyện “bàn đi bàn lại”.
Ông Nghiêm cho rằng ách tắc lớn nhất trong công tác xử lý tình trạng siêu mỏng, siêu méo hiện nay là câu chuyện giải phóng, đặc biệt là hợp khối các trường hợp nhà không đạt tiêu chuẩn về diện tích.
Về giải pháp, ông Nghiêm nhận định chính quyền cần công bố công khai các trường hợp mới xuất hiện.
Không chỉ nhà siêu mỏng, siêu méo, những bức tường tiền tỷ cũng được xem là “đặc sản” của quy hoạch Hà Nội. Ảnh: Lâm Tùng.
Thêm vào đó, theo ông, nên chú trọng, ưu tiên phương án thỏa thuận, thu hồi các trường hợp nhà quá mỏng, quá méo để phục vụ mục đích công cộng như làm vườn hoa, xây các bảng tin. Chuyên gia cho rằng đây là phương án mà nhiều thành phố lớn như Paris, Tokyo… từng áp dụng.
“Khi mở các đường mới phải giám sát thực hiện, không để các trường hợp mới mở thêm. Đó là trách nhiệm của chính quyền từng địa phương. Còn đối với các trường hợp còn tồn tại trước năm 2005, chính quyền phải có phương án nghiên cứu, chính sách xã hội hóa cởi mở, tạo điều kiện để khuyến khích người dân thực hiện công tác khắc phục, giải phóng hoặc hợp khối”, ông Nghiêm nói.
“Phải thống nhất phương án thực thực hiện, kiên quyết thực hiện, xem tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề nóng, là điểm đen, điểm nóng của đô thị, phải đặt ra mục tiêu gắn với mốc thời gian cụ thể”, chuyên gia nói thêm.
Theo Lâm Tùng
Người đồng hành
Tp.HCM: Phát triển hạ tầng phải đi đôi với quy hoạch đô thị
Công tác quy hoạch đô thị là một thành tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tp.HCM...
Công tác quy hoạch đô thị là một thành tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM). Thông qua Quy hoạch đô thị, tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện và là kim chỉ nam cho quá trình phát triển đô thị của Thành phố.
Chính vì vậy, quy hoạch đô thị luôn được lãnh đạo thành phố dành sự quan tâm đặc biệt. Vấn đề này được lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc (UBND Tp.HCM) đề cập tại hội thảo "Quy hoạch đô thị Tp.HCM - thực tiễn và đầu tư", tổ chức sáng nay (30/10) tại Tp.HCM.
Thực tiễn phát triển đô thị trong những năm vừa qua đã cho thấy Tp.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả cũ và mới của quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh những vấn đề mang tính chất thời sự như tăng dân số cơ học nhanh, ngập nước đô thị, kẹt xe, ô nhiễm môi trường,...
Tp.HCM còn phải đối mặt với những vấn đề mới như sụt lún đô thị, nhu cầu năng lượng cho các lĩnh vực sản xuất mới, cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp số. Từ những vấn đề thực tiễn nêu trên, công tác quy hoạch đô thị được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.
Ba lý do phải điều chỉnh quy hoạch
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, có 3 hạn chế lớn trong công tác quy hoạch, đó là: giao thông, ngập lụt và môi trường ô nhiễm.
Nói về vấn nạn kẹt xe, ông Tuyến cho biết, mật độ giao thông theo chuẩn cả nước là cứ 1km đất phải có 10km đường. Tuy nhiên, Tp.HCM chỉ chiếm 20%, tức chỉ có 2km đường giao thông trên 1km đất, thấp nhất cả nước.
Về ngập lụt, nguyên nhân được lãnh đạo thành phố nêu ra một mặt do biến đổi khí hậu, nhưng một mặt do thành phố phải đối phó với những hạn chế do chính con người gây ra đó là phát triển nhanh quá.
Tiếp theo là môi trường. "Chạy nhanh thì không tránh khỏi té ngã. Do yêu cầu phát triển nhanh, thay vì quy hoạch khách quan chúng ta lại quy hoạch theo mong muốn phát triển nên hiện Thành phố đang phải trả giá cho vấn đề môi trường. Chính vì vậy, quy hoạch sắp tới sẽ dựa trên đánh giá khách quan, các chiến lược kinh tế phát triển thành phố như thế nào...để phát triển bền vững", ông Tuyến nhấn mạnh.
Quyền Trưởng Phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM, ông Lý Khánh Tâm Thảo, cho biết: Tp.HCM đang có chủ trương chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao thực hiện nghiên cứu bước đầu cho việc điều chỉnh quy hoạch.
Ông Thảo nêu ra 3 lý do thành phố phải điều chỉnh quy hoạch: Thứ nhất, Tp.HCM nằm trong vùng gồm 8 tỉnh, thành. Tháng 12/2017, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch vùng đến 2030 tầm nhìn đến 2050, định hướng toàn vùng đặt ra yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Thứ hai, điều chỉnh nhằm tích hợp về biến đổi khí hậu. Thứ ba, thành phố có những yêu cầu thực tiễn mới điều chỉnh về quy hoạch chung.
Cũng theo ông Thảo, để chuẩn bị công tác tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch, Sở nhận biết được những thách thức về quy hoạch. Đó là khu vực lõi đô thị trung tâm thành phố với mật độ tập trung dân số cao. Hiện nay cấu trúc dân số chủ yếu lan tỏa mở rộng từ trung tâm với mô hình nhà ở đơn lẻ chưa hiệu quả, gây áp lực về giao thông, nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
"Các định hướng yêu cầu trong điều chỉnh quy hoạch đó là kế thừa những nội dung thích hợp, không tham điều chỉnh mọi thứ, giải quyết mọi thứ trong quy hoạch chung, mà chọn lọc mục tiêu có giá trị, quan trọng trong từng giai đoạn", Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc thành cho biết thêm.
Cụ thể, cần xem xét hướng ưu tiên phát triển thành phố. Trước đây thành phố đề ra 4 hướng, trong đó có 2 hướng chính là phía Đông và Nam, hướng phụ là Tây Bắc và Tây Nam. Thực tiễn cho thấy cần điều chỉnh nhằm kết nối với các vùng, tỉnh thành. Phát triển thành phố đặt trong mối liên kết chia sẻ trong vùng thành phố.
Quy hoạch chung cần nghiên cứu trong cơ cấu sử dụng đất và cấu trúc đô thị hiệu quả hơn. Thành phố sẽ tiếp tục chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu. Ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông công cộng, điều tiết dân số, phân bố dân cư và nhà ở.
"Bản quy hoạch chung cần tích hợp quản lý rủi ro ngập lụt, phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu. Thời gian tới thành phố tiếp tục mở thêm các diễn đàn tiếp nhận ý kiến đóng góp của các thành phần xã hội về điều chỉnh quy hoạch chung", ông Thảo nói thêm.
Hạ tầng làm đi đôi với quy hoạch
Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho rằng: "Hạn chế lớn nhất của Tp.HCM vẫn là quy hoạch, trong đó cả 3 khâu là xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch, và tổ chức thực hiện quy hoạch đều còn nhiều hạn chế. Hiện chất lượng công tác quy hoạch của Tp.HCM chưa cao. Quy hoạch chung của thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 nay đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng để trình Chính phủ xem xét, sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và cả vùng. Theo đó, hạ tầng phải phát triển trước và song song với công tác quy hoạch".
Theo ông Tuyến, mục tiêu phát triển Tp.HCM là tiếp tục hoàn thiện phát triển đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm tài chính thương mại dịch vụ, tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn đọng, thiếu sót với người dân; khu đô thị sáng tạo ở quận 2, quận 9, Thủ Đức; Khu đô thị du lịch Sinh thái ở Cần Giờ, Khu đô thị Cảng ở quận 9, Nhà Bè; Khu đô thị ven sông quận 8; Khu đô thị giáo dục ở phía Tây Bắc thành phố...
Tp.HCM cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ và giải quyết những khó khăn, đặc biệt là cải cách về thủ tục hành chính, chấn chỉnh để giảm phiền hà và các "chi phí đen" mang lại tiếng xấu cho thành phố.
Trả lời nhà đầu tư về thời gian thay đổi quy hoạch, ông Tuyến cho biết: cứ 5 năm, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch một lần. Ở các nước phát triển như châu Âu, nếu quy hoạch tốt thì cả trăm năm không cần thay đổi quy hoạch. Do vậy, kế hoạch tổng thể sắp tới là phải cố gắng đưa thời gian điều chỉnh bổ sung quy hoạch đô thị ít nhất phải 10 năm 1 lần. Hiện thành phố có những thuận lợi đó là đã có các công cụ để thực hiện và thuê các tư vấn quốc tế hỗ trợ.
Về phát triển các phương tiện công cộng, theo lãnh đạo UBND Tp.HCM, Tuyến Metro số 1 của thành phố vẫn đang thực hiện và đang chờ ý kiến Trung ương về chấp thuận tăng mức đầu tư. Tuy nhiên, Thành phố đã tạm ứng vốn để thực hiện dự án. Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 70% và dự kiến đến cuối 2019, đầu 2020 sẽ đi vào hoạt động theo đúng tiến độ.
Về phát triển tổng thể của thành phố. Hiện quy hoạch chỉ là mong muốn chủ quan của cơ quan Nhà nước, chưa phải là mong muốn của doanh nghiệp và người dân. Trong thời gian tới, thành phố sẽ phải rà soát nhiều vấn đề, về chính sách cho nhà đầu tư, giải quyết cho người dân nằm trong quy hoạch để người dân an tâm bởi lẽ quy hoạch có tốt đến đâu thì người dân nằm trong khu quy hoạch vẫn chịu thiệt thòi.
"Trong thời gian tới, thành phố sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch phù hợp phát triển chung của thành phố, trên nền tảng phát triển xã hội thành phố, sau đó mới làm quy hoạch đô thị. Đây là cách làm thành phố trong tương lai, và mong muốn lần quy hoạch này sẽ trở thành cơ hội cho nhà đầu tư, là mong muốn của người dân thành phố với mong muốn thành phố phát triển ngày càng đẹp hơn, tốt hơn và giàu hơn".
Hiện lãnh đạo thành phố vẫn đang lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư...để điều chỉnh quy hoạch kịp thời, hấp dẫn hơn. Nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và vấn đề giao thông để có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư. Thời gian tới thành phố tiếp tục mở thêm các diễn đàn tiếp nhận ý kiến đóng góp của các thành phần xã hội về điều chỉnh quy hoạch chung.
Theo Tú Uyên
Vneconomy
Đây là điều mà hàng chục nghìn người mua chung cư đang lo lắng Nhà chung cư chỉ có niên hạn sử dụng trong một thời gian nhất định, khái niệm sở hữu vĩnh viễn là sở hữu vĩnh viễn về khu đất xây dựng chung cư. Chính vì thế, nếu hết niên hạn sử dụng, câu chuyện về xây mới chung cư sẽ là một bài toán khó đối với các chủ sở hữu. Bàn về...