Nhà rông lớn nhất Tây Nguyên
Được ví như “nóc nhà” của đại ngàn, nhà rông Kon So Lăl mang nhiều ý nghĩa tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa của dân làng.
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, xã Hà Tây, huyện Chư Păh là một trong những vùng đất giàu văn hóa nhất, vẫn còn giữ gìn được rất nhiều ngôi nhà rông truyền thống. Trong đó có nhà rông làng Kon So Lăl lớn nhất Tây Nguyên hiện nay. Nơi đây cách trung tâm thành phố Pleiku hơn 50km, sát với địa phận tỉnh Kon Tum
Nhà rông rộng hơn 320 m2, cao 20m, lớn hơn kích thước nhà rông Kon Klor (Kon Tum), trước đó giữ kỉ lục lớn nhất Tây Nguyên.
Đây là ngôi nhà rông mới của làng Kon So Lăl, thay thế cho cái cũ bị thiêu rụi do sét đánh trúng năm 2015. Để hoàn thành công trình này, toàn bộ dân làng Kon So Lăl đã phải mất 2 năm chuẩn bị nguyên vật liệu cùng với khoảng 4.000 ngày công xây dựng. Đến tháng 7/2017, ngôi nhà rông trùng với tên làng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Gỗ, tre, mái tranh… hoàn toàn được dân làng đóng góp. Nhà rông không có vỉ kèo, khung nhà được buộc lại bằng mây, tre lạt. Mái nhà rông lợp dày đến 20cm, ốp vào nhau như hình lưỡi rìu khổng lồ. Phía mái bên trong chỉ được đan chéo bằng nhiều cây gỗ, tre nhưng vẫn rất vững chãi và kiên cố. Công việc này thường được giao cho những thanh niên dũng cảm, không sợ độ cao trong làng thực hiện. Điều đặc biệt là không cần một bản vẽ thiết kế nào, già làng dùng mắt nhìn áng chừng dựa vào nguyên tắc đối xứng và dùng một sợi dây để đo đạc và đánh dấu vị trí.
Trên trụ gỗ đầu cầu thang, trên mái nhà rông trang trí họa tiết cây rau dớn, hình mặt trời, với người Ba Na có ý nghĩa là khát vọng luôn hướng về thần mặt trời.
12 cây cột trụ chính làm bằng thân cây gỗ dầu, gỗ bình linh, to bằng hai vòng tay người lớn. Tất cả cùng ván, tre đều được ngâm dưới bùn trong ao hồ gần 2 năm để tránh mối mọt.
Video đang HOT
Trong văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên, nhà rông có vị trí đặc biệt quan trọng. Cũng giống như các buôn làng khác, nhà rông Kon So Lăl là nơi tôn nghiêm nhất làng, mang ý nghĩa tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân, nơi tổ chức lễ Tết, hội làng, cồng chiêng…
Làng Kon So Lăl có gần 600 nhân khẩu dân tộc Ba Na, sinh sống trong các căn nhà sàn, nhà vách đất truyền thống, bao bọc xung quanh nhà rông.
Kon So Lăl đã từng là một bản làng Ba Na cổ nhất dãy Trường Sơn Đông, bao bọc xung quanh là đại ngàn núi rừng. Sau này để thuận tiện đi lại và phát triển, dân làng đã di dời ra bên ngoài, tái định cư ở làng Kon So Lăl mới cách làng cũ 3km, gần trung tâm xã, chính là vị trí ngôi nhà rông mới hiện nay.
Cận cảnh tháp Chàm Rừng xanh đặc biệt nhất Việt Nam
Đây là tháp Chàm duy nhất ở VN không được xây dựng trên những ngọn đồi cao trống trải mà lại nằm dưới những tán cổ thụ của rừng già Tây Nguyên.
Tháp Chàm Yang Prong (Thần vĩ đại), còn gọi là Tháp chàm Rừng xanh là một ngôi tháp Chàm ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk, cách thị trấn Ea Súp khoảng 15 km, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 km.
Đây là ngôi tháp Chàm duy nhất ở Việt Nam không được xây dựng trên những ngọn đồi cao trống trải mà lại nằm dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp. Đây cũng chính là ngọn tháp Chàm duy nhất được tìm thấy ở khu vực Tây Nguyên.
Tháp cao 9m, được xây bằng gạch nung không có mạch vữa trên nền hình vuông, mỗi chiều 5m. Tháp chỉ có một cửa ra vào duy nhất ở mặt phía Đông, ba mặt còn lại là cửa giả. Trong tháp không trang trí gì và không có tượng thờ.
Phần đỉnh của tháp thon vút hình búp hoa, khác biệt với kiến trúc của các tháp Chàm khác ở Trung Bộ, thường có cấu trúc phức tạp hơn.
Trên đỉnh tháp có lỗ trống để đón ánh nắng mặt trời chiếu thẳng xuống vào giờ chính Ngọ.
Các tài liệu khảo cổ học cho thấy, tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIII, tương ứng với triều đại vua Chăm lúc đó là Jaya Sinhavarman III, tương ứng với triều đại nhà Trần của nước Đại Việt ở phía Bắc.
Tháp được xây để thờ thần Siva, vị thần tượng trưng cho sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc theo tín ngưỡng của người Chăm.
Tháp Yang Prong là minh chứng rõ nét cho sự có mặt của người Chăm ở Tây Nguyên trong lịch sử. Hiện nay người Chăm không còn sinh sống ở Tây Nguyên. Sự biến mất của họ ở khu vực này vẫn là một ẩn số với giới nghiên cứu lịch sử.
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, tháp Yang Prong đã bị đánh mìn một lần và hư hỏng nhiều. Tòa tháp hiện tại đã được tu bổ để khôi phục lại gần với kiến trúc nguyên trạng.
Sau nhiều thập niên, tháp Yang Prong đã biến thành điểm hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng người dân tộc Kinh di cư lên Tây Nguyên. Bên trong tháp hiện được bài trí như một ngôi miếu ở các vùng đồng bằng Việt Nam.
Quốc Lê
Theo Kiến thức
Miên man dã quỳ vàng Từ cuối tháng 10, khi những cơn mưa ở Tây Nguyên tạnh hẳn, từng cơn gió se lạnh mang chút nắng nhẹ bắt đầu tràn khắp các sườn đồi thì cũng là lúc dã quỳ nở rộ. Từ phía Bắc Tây Nguyên như Kon Tum tới phía Nam như Lâm Đồng, đâu đâu cũng bắt gặp những vạt hoa dã quỳ vàng tươi...