Nhà phao – cứu cánh của người dân nghèo vùng lũ ở Hà Tĩnh
Là địa phương hằng năm hứng chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo, trong đó có nhà chống lũ, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ngôi nhà vượt lũ kiên cố của người dân xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê.
Trong các đợt mưa lũ vừa qua, hàng ngàn ngôi nhà tại các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị ngập sâu trong nước, nhiều tài sản, vật nuôi bị lũ cuốn trôi. Nhờ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và triển khai mô hình nhà chống lũ nên đã hạn chế được thiệt hại về người.
Nhà chống lũ có 2 loại, đó là nhà kiên cố và nhà phao. Với loại hình nhà kiên cố thì chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế mới thực hiện được, bởi chi phí tương đối lớn, thường trên 150 triệu đồng.
Với kinh phí từ 30 đến 40 triệu đồng, nhiều gia đình tại vùng lũ đã chọn làm nhà phao để tránh lũ theo kiểu cố định hoặc di động.
Video đang HOT
Nhà phao cố định được hàn bằng khung sắt để kết những thùng phuy lại với nhau. Kiểu nhà này được cố định bằng những chiếc trụ bê tông cốt thép, có chức năng giữ và cố định nhà phao dù nước lũ dâng cao và chảy xiết. Độ cao của những chiếc cột này thường được làm cao hơn đỉnh lũ lịch sử trước đó.
Nhà phao chống lũ được thiết kế đơn giản, chi phí xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn.
Một số hộ dân, do điều kiện kinh kế khó khăn hoặc diện tích chật hẹp nên phù hợp với nhà phao di động. Khi mưa lũ đến thì tiến hành lắp ráp, hết mưa lũ họ lại tháo rời các bộ phận ra. Với những ngôi nhà phao này chi phí ít hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người dân ở nông thôn.
Khi lũ lụt đến, những đồ dùng thiết yếu được cho lên nhà phao. Nếu nhà lớn có thể chứa được cả người và gia súc trong quá trình lũ lụt.
Ông Nguyễn Văn Vinh (xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê) cho biết, gia đình ông sinh sống ở đây từ bao đời nay; năm nào ít cũng trải qua 3 trận lũ, nhẹ thì nước ngập đến cửa sổ, nặng thì ngập tận nóc nhà. Trận lũ lịch sử năm 2010, nước ngập băng hết thảy, may còn giữ được mạng sống, còn tài sản vật nuôi đều trôi theo dòng nước. Năm 2014, gia đình ông quyết định vay tiền để làm nhà chòi chống lũ. Từ đó đến nay, khi mùa mưa lũ đến, toàn bộ đồ dùng thiết yếu được chuyển lên trên chòi, không phải lo nghĩ gì nữa.
Còn bà Trần Thị Quý (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) chia sẻ, trận lũ vừa qua, nước dâng lên rất nhanh khiến cả làng đều bị ngập sâu. Rất may đã làm được chòi tránh lũ nên không chỉ là nơi trú ẩn cho gia đình mà còn là nơi trú tránh cho hơn 10 người trong làng.
Lo cho dân mái ấm, nhà êm sau lũ
Hà Tĩnh là một trong những địa phương chịu nhiều tổn thất do mưa lũ gây ra. Ngay sau khi hoàn thành việc cứu đói, giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân vùng lũ, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, tạo sinh kế lâu dài.
Gần 1 tháng sau khi cơn lũ đi qua, cuộc sống của gia đình bà Phan Thị Quế (thôn Yên Khánh, Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) đã dần trở lại bình thường.
Nhìn thấy chú bò giống thong dong gặm cỏ trong chuồng, bao lo lắng trên khuôn mặt dạn dày sương gió của bà Quế dường như đã được trút bỏ. "Ngoài bò giống, gia đình chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ kịp thời về tinh thần lẫn vật chất của chính quyền và cộng đồng xã hội. Từ số tiền hỗ trợ đã nhận được, trong một vài ngày tới, gia đình tôi sẽ mua thêm lợn giống, gà vịt để tái đàn khôi phục sản xuất".
Trao tặng 35 con bò giống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) Nguyễn Trọng Ty, những ngày này, khi công tác tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ đã cơ bản hoàn thành, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung rà soát thiệt hại, phân loại đối tượng bị ảnh hưởng do mưa lũ để báo cáo cấp trên làm cơ sở hỗ trợ người dân theo Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành quy định tạm thời một số nội dung về hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, bên cạnh việc ưu tiên rà soát các hộ thiệt hại về sinh kế để hỗ trợ cây con giống kịp cho bà con sản xuất vụ đông, Ủy ban MTTQ các cấp đang tập trung huy động nguồn lực để hỗ trợ kinh phí sửa chữa, làm lại nhà ở cho các gia đình bị thiệt hại nặng. Ngoài mức hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/nhà tương ứng với mức độ thiệt hại mà tỉnh đã ban hành, chính quyền các địa phương cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ ngày công, vật liệu giúp các gia đình sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Với tinh thần khẩn trương, sau khi nước lũ rút, gia đình ông Nguyễn Như Liên (thôn Yên Khánh, Cẩm Vịnh) đã tập trung nhân lực khơi thông cống rãnh, chỉnh trang vườn hộ, cày xới đất đai, ủ phân và gieo trồng lại diện tích hoa màu để có sản phẩm kịp phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết cổ truyền.
Ông Nguyễn Như Liên cho biết, với diện tích rộng hơn 1.000m 2 , vườn nhà ông chủ yếu trồng các loại cây màu như: cải, hành, ngò, đậu côve... Nhờ chủ động cải tạo đất vườn nên ngay sau khi có nguồn giống hỗ trợ của tỉnh, gia đình đã bắt tay ngay vào việc gieo trồng các loại rau màu thích hợp, chạy đua kịp thời vụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết, sau mưa lũ, huyện đã tiến hành khảo sát tình hình, mức độ thiệt hại đến tận các thôn, xóm và các gia đình, đồng thời lên phương án và ban hành kế hoạch khôi phục sản xuất. Hiện nay, toàn bộ giống ngô, giống rau hỗ trợ của Trung ương và tỉnh đã được cấp phát cho người dân. Cùng với đó, chúng tôi đã tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại và phân bổ giống gà, bò do các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ để các địa phương tổ chức tái đàn, khôi phục sản xuất.
Thông tin từ Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, thông qua Ủy ban MTTQ các cấp, đã có gần 3.300 tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ người dân vùng lũ Hà Tĩnh hơn 216 tỷ đồng, trong đó, gần 150 tỷ tiền mặt và gần 69 tỷ đồng hàng hóa quy ra tiền. Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, công tác rà soát, phân bổ nguồn hỗ trợ đang được các địa phương, cấp ngành tiến hành khẩn trương, tuy nhiên, đây là công việc cần sự công bằng, chính xác nên phải có thời gian soát xét kỹ càng nhằm phát huy tối đa hiệu quả chủ trương đầy tính nhân văn mà chúng ta đang thực hiện.
Sản xuất vụ đông ở Hà Tĩnh đạt trên 41% kế hoạch Đến nay, các địa phương ở Hà Tĩnh đã ra quân khôi phục sản xuất vụ đông với 4.436/10.812 ha, đạt 41% kế hoạch. Nông dân Hương Khê làm đất, bón vôi khử chua phèn cho đất và gieo trỉa rau màu. Vụ đông 2020, Hà Tĩnh đặt kế hoạch gieo trồng 10.812 ha rau màu với các loại cây trồng chủ lực...