Nhà ở xã hội tắc đường bơm vốn
Chương trình vốn cho nhà ở xã hội sẽ còn ách tắc khi các Bộ, ngành liên quan chưa có sự đồng thuận.
Nhu cầu về nhà ở xã hội luôn rất lớn
Đến thời điểm này, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp gần như đã giải ngân hết. Các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội kỳ vọng Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ tín dụng mới để phân khúc này tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, điều này khó có thể đến trong tương lai gần khi các Bộ, ngành liên quan chưa có sự đồng thuận.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 6/6/2016 về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội được áp dụng mức lãi suất 4,8%/năm kể từ ngày 6/6/2016 đến hết ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng cho phép sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trong đó bỏ nội dung quy định Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội và không cấp bù chênh lệch lãi suất vì đối tượng vay đã được hưởng ưu đãi. Ngay lập tức, Bộ Xây dựng đã kiến nghị lên Thủ tướng “bác” đề xuất của Bộ Tài chính và cho rằng, đề xuất này không phù hợp với Luật Nhà ở năm 2014.
Như vậy, có thể thấy, chương trình vốn cho nhà ở xã hội sẽ còn ách tắc khi các Bộ, ngành liên quan chưa có sự đồng thuận. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là vấn đề bố trí ngân sách cho nhà ở xã hội chưa được giải quyết.
Tại Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội đều có tiềm lực về tài chính và quỹ đất sạch, nên giá bán nhà ở xã hội tương đối cạnh tranh so với nhà ở thương mại. Chẳng hạn, tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), giá bán nhà ở xã hội dao động từ 9-11 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với mức giá nhà ở thương mại từ 13-17 triệu đồng/m2. Tương tự, tại Khu đô thị Linh Đàm, dự án nhà ở xã hội của HUD có giá bán thấp hơn so với nhà ở thương mại từ 2-4 triệu đồng/m2. Nhà ở xã hội tại khu Đồng Mô (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) do Handico 5 làm chủ đầu tư có giá bán từ 13,5-15 triệu đồng/m2, trong khi nhà ở thương mại là 18-23 triệu đồng/m2.
Video đang HOT
Dù có giá bán cạnh tranh, nhưng do không được vay gói 30.000 tỷ đồng, nên giấc mơ về một chốn an cư của nhiều gia đình còn dang dở. Chính vì thế, nhiều chủ đầu tư tại Hà Nội cho biết, sẽ điều chỉnh kế hoạch khởi công xây dựng nếu Nhà nước không có chính sách tín dụng hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư khác lại chọn cách xây dựng giá cạnh tranh để người mua có thêm sự lựa chọn.
“Các yếu tố rủi ro của thị trường đã được tính đến khi triển khai dự án. Do đó, dự án của Handico sẽ có mức giá cạnh tranh để người mua lựa chọn. Nếu được vay ưu đãi thì càng tốt, còn nếu chưa vay được thì người mua vẫn có thể xem xét”, ông Nguyễn Tử Quang, Phó tổng giám đốc Handico 5 nói.
Với tổng số căn hộ thực hiện trên cả nước vào khoảng 10.000 căn, CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng nhà ở xã hội. Riêng TP. HCM, ngoài số căn hộ đã bàn giao, lượng căn hộ đang giao dịch và chưa bán là hơn 2.000 căn. Thế nhưng, tại thời điểm này, điều mà HQC hỗ trợ cho khách hàng là đóng 20% rồi ký hợp đồng mua bán, 80% còn lại sẽ “chờ” ngân hàng giải ngân sau khi “chốt” được mức lãi suất cho vay. Như vậy, với số lượng nhà ở xã hội lớn, HQC sẽ gặp khó khăn nếu tình trạng “chờ” này kéo dài.
Trong khi đó, tại dự án Jamona (quận 7), Sacomreal đã “mở đường” cho khách hàng theo hướng vay lãi suất thương mại 8%/năm cho năm đầu tiên, sau đó, nếu Nhà nước ban hành gói hỗ trợ nào thì tính lãi suất theo gói hỗ trợ đó.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HOREA) cho biết, HOREA đồng tình với quan điểm mà Bộ Xây dựng kiến nghị lên Thủ tướng. Hiệp hội mong muốn Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tối thiểu là 4,8%/năm như tại Quyết định 1013 trong năm 2016 tại các tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia chương trình nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, tháng 6/2016 đã qua, câu trả lời về gói hỗ trợ mới cho nhà ở xã hội vẫn còn để ngỏ. Doanh nghiệp vẫn cứ phải “chờ”, trong khi giấc mơ an cư của người dân vẫn “chỉ là giấc mơ”. Được biết, TP. HCM có quy mô dân số 13 triệu người với hơn 2 triệu hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 3 triệu người nhập cư, hơn 200.000 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, với đa số là người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đang có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Gói 30.000 tỉ đồng trầy trật về đích
Dù có một vài điểm "trục trặc" phải tháo gỡ nhưng gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ tích cực cho người dân có nhu cầu mua được nhà ở, thúc đẩy thị trường bất động sản ổn định
Gói tín dụng bất động sản 30.000 tỉ đồng triển khai từ tháng 6-2013 thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 02 của Chính phủ, kéo dài 2 năm, sau đó được gia hạn thêm 1 năm. Như vậy chỉ còn 6 tháng nữa chương trình sẽ kết thúc. Mặc dù thời gian qua, nhiều người đã trầy trật mới được tiếp cận gói tín dụng này nhưng báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy tốc độ giải ngân gói tín dụng này đạt kết quả tương đối ổn.
Giải ngân vẫn còn thấp
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay đạt 26.999 tỉ đồng, tương đương 90% gói tín dụng. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay đối với 40.037 đối với hộ gia đình, cá nhân, với số tiền là 19.225 tỉ đồng. Trong đó, 13.087 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền 5.306 tỉ đồng; 22.339 hộ vay để mua nhà ở thương mại giá thấp với số tiền 11.941 tỉ đồng; 4.611 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền 1.977 tỉ đồng. Ngoài ra, các tổ chức gói tín dụng cũng cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỉ đồng và hiện đã giải ngân cho 58 dự án, dư nợ 3.940 tỉ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân tính đến hết năm 2015 là 17.711 tỉ đồng, tương đương 59% gói 30.000 tỉ đồng.
Gói 30.000 tỉ đồng dù còn nhiều vướng mắc nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho người thu nhập thấp và thị trường bất động sản Ảnh: Tấn Thạnh
Nhờ gói hỗ trợ tín dụng này mà nhiều người có thu nhập thấp đã có chỗ an cư. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên đều là CBCNV nhà nước tại quận 3, TP HCM. Với mức thu nhập chỉ trên dưới 18 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị rất khó lòng mua nhà ở TP HCM bằng tiền tiết kiệm nếu không có gói hỗ trợ của Chính phủ. Theo đó, chị Duyên đã vay hơn 500 triệu đồng với lãi suất 5% để mua căn hộ chung cư Hoàng Quân (huyện Bình Chánh). Mỗi tháng, vợ chồng chị Duyên phải thanh toán cho ngân hàng 5 triệu đồng bao gồm tiền vốn và lãi. "Nếu không có gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, vợ chồng tôi không biết làm sao để mua được nhà vì lãi suất bên ngoài khá cao, lại không ổn định, có thể thay đổi bất cứ lúc nào, khó mà yên tâm được" - chị Duyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long, cho rằng trong thời gian đầu, gói tín dụng này đã gặp nhiều vướng mắc về đối tượng, lãi suất, thủ tục... Tuy nhiên, sau khi được tháo gỡ, nhìn chung gói tín dụng đã hỗ trợ rất nhiều cho các đối tượng là CBCNV, người thu nhập thấp có nhà ở. "Theo tôi, không chỉ là gói tín dụng mà Chính phủ nên có chính sách cụ thể về hỗ trợ phát triển nhà ở, tạo điều kiện để những người chưa có nhà được an cư. Đó cũng là một chính sách thường xuyên mà hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng" - ông Quang nhấn mạnh.
Vướng mắc không nhỏ
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea), thực tế gói tín dụng này rất có hiệu quả về mặt xã hội, giúp người có nhu cầu vay mua nhà để an cư, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy giao dịch nhà ở tăng lên, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điểm cần phải tháo gỡ như: thủ tục rắc rối, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai... là những cản trở khiến tốc độ giải ngân vẫn khá ì ạch.
Chưa kể nhiều quy định quá khắt khe khiến nhiều người rất muốn vay gói tín dụng này lại rất khó tiếp cận, như quy định phải đóng bảo hiểm xã hội 3 năm liên tục; chứng minh thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Hoặc nhiều căn hộ họ muốn mua có giá trên 1 tỉ đồng cũng bị từ chối cho vay, phải lách kiểu này, kiểu kia. Đặc biệt, có doanh nghiệp phản ánh rằng dự án của họ nằm ở Bình Dương, giáp ranh TP HCM nhưng người có hộ khẩu tại TP HCM lại không vay được gói tín dụng này.
Thậm chí Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây phải tạm dừng một số khoản vay mua nhà vì vướng quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 khiến nhiều người đang có ý định vay gói 30.000 tỉ đồng phải dở khóc dở cười. Vì vậy, BIDV đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn để tháo gỡ. "Để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật trong thời gian chờ ý kiến hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng và tránh rủi ro pháp lý liên quan đến việc nhận tài sản bảo đảm đối với các tài sản nêu trên, BIDV tạm thời ngừng nhận thế chấp đối với các tài sản này mà chỉ nhận làm tài sản bảo đảm bổ sung" - đại diện BIDV khẳng định.
Đặt vấn đề sau khi kết thúc gói tín dụng, nhà nước có nên có gói tín dụng nào khác cho thị trường hay không, một chuyên gia bất động sản cho rằng thực tế, nhu cầu có nhà ở của đa số cặp vợ chồng chưa có nhà là rất lớn. Chính vì vậy, mỗi khi chính sách hỗ trợ lãi suất đưa ra luôn thu hút người vay. Tuy nhiên, trước khi đưa ra chính sách gì, cơ quan thực thi phải thống nhất quan điểm, ban hành hướng dẫn cụ thể, nhất quán để cho các bên liên quan thi hành một cách thuận lợi; qua đó tạo điều kiện cho người mua, người bán áp dụng dễ dàng, tránh tình trạng quy định ban ra, thi hành gặp vướng mắc thì hiệu quả không cao.
Ông ĐOÀN CHÍ THANH, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (HARS): Cầu nối cho doanh nghiệp tiếp cận người mua nhà Là một trong những đơn vị phân phối, đầu tư bất động sản ở phân khúc giá bình dân, vừa túi tiền, HARS đã thực hiện khá tốt hoạt động kinh doanh của mình thông qua gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Tôi cho rằng gói tín dụng này mặc dù còn nhiều vướng mắc vì bị thay đổi, điều chỉnh nhiều lần nhưng thực tế, đây là chiếc cầu nối, hỗ trợ tích cực cho cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời kỳ khó khăn, hỗ trợ họ tiếp cận được với người mua nhà có nhu cầu thật. Đặc biệt, những người cần mua nhà đã nhờ gói tín dụng này mà có nhà để ở. Theo đó, từ khi triển khai gói tín dụng, đến nay, HASR đã hỗ trợ cho khoảng 2.000 khách hàng vay gói tín dụng này. Nếu như dự án nào có căn hộ nhỏ, giá bán dưới 1 tỉ đồng và được vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng luôn thu hút người mua. Chính vì vậy, nếu tiếp tục có gói tín dụng tương tự thì rất tốt cho thị trường. Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP HCM: Nên duy trì gói hỗ trợ Gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ kịp thời, ý nghĩa, có tác dụng tích cực cho xã hội, cho thị trường bất động sản trong thời gian qua. Nó đã đánh vào đúng đối tượng người chưa có nhà, thu nhập thấp đang cần nơi ở. Dù ngay từ khi áp dụng, gói tín dụng đã có những vướng mắc cơ bản về đối tượng, giá trị vay... nhưng sau đó đã được tháo gỡ. Theo tôi, việc duy trì gói tín dụng này sẽ rất tốt cho nhà xã hội vì giải quyết được bài toán nhà ở cho người có nhu cầu mà thu nhập thấp, còn doanh nghiệp thì bán được hàng và ngân hàng thì có thể tăng cường hoạt động tín dụng. Ông TRẦN ĐÌNH LONG, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB): Từ đây đến ngày 30-6, dư nợ cho vay gói 30 000 tỉ đồng sẽ tăng nhanh nhưng sẽ không đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng. Do đó, để tiến độ giải ngân của gói tín dụng này đạt như kỳ vọng, cần gia hạn thêm thời gian giải ngân cho các ngân hàng triển khai. Ngoài ra, việc mở thêm gói mới hỗ trợ nhu cầu mua nhà ở của người dân có thu nhập thấp và trung bình cũng cần được xem xét. Các gói khác nếu được triển khai cần được tạo lập ngay từ đầu những quy định pháp lý cho vay chặt chẽ, có hướng dẫn rõ ràng và thủ tục vay thông thoáng hơn để người dân được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.
Theo_24h
Người thu nhập thấp tiếp cận gói 30 nghìn tỷ đồng: Không dễ "nhằn" Người chưa có nhà đất thì không có tài sản thế chấp, người có đất thì hoặc lương quá ít hoặc giá trị đất thấp, người lao động tự do không có cơ sở đảm bảo trả nợ... là những lý do mà ngân hàng không chấp nhận cho khách hàng vay tiền trong gói 30 nghìn tỷ đồng. Khoảng 2 tháng nay,...