Nhà ở xã hội giá 100 triệu đồng: Công nhân đã thỏa ước mơ an cư
Thể hiện quyết tâm trong việc chăm lo cuộc sống tốt nhất cho người lao động, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội với giá chỉ từ 100 triệu đồng/căn.
Cách cổng Khu công nghiệp (KCN) Vsip II khoảng 1km là khu nhà ở xã hội Hòa Lợi (phường Hòa Phú, thành phố mới, tỉnh Bình Dương) và xa hơn vài km là khu nhà ở xã hội vừa khánh thành với 1.700 căn nằm trong khu đô thị Định Hòa.
Tôi đã có nhà!
Khu nhà ở xã hội Hòa Lợi thuộc phường Hòa Phú (thành phố mới, tỉnh Bình Dương) đã được bàn giao cho công nhân ổn định cuộc sống. Ảnh: H.P
Dự án nhà ở xã hội được UBND tỉnh Bình Dương giao Tổng Công ty Becamex IDC thực hiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến nay. Hiện, chủ đầu tư đã bàn giao 6.700 căn nhà cho người lao động đang làm việc tại Bình Dương để ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Những ngày này, có dịp đi qua KCN Vsip II nằm trong thành phố mới tỉnh Bình Dương vào giờ tan ca của công nhân thì chủ đề nhà ở xã hội được họ bàn và hỏi nhau nhiều nhất. Từng tốp công nhân đi bộ trên vỉa hè hay chạy xe máy cũng cùng hỏi nhau về thủ tục mua nhà ở xã hội.
Video đang HOT
Chị Dương Thanh Hiền đang làm việc trong KCN Vsip II cho biết, quê ở Bình Định vào Bình Dương làm công nhân từ năm 2010 và đến năm 2015 vợ chồng chị mua trả góp một căn nhà ở xã hội tại khu Hòa Lợi với giá 150 triệu đồng. Thời gian vợ chồng chị Hiền trả góp tiền nhà là 5 năm. Thủ tục mua nhà theo chị Hiền cũng khá đơn giản, chỉ cần có xác nhận nơi công ty mình đang làm việc về thu nhập và có đóng bảo hiểm xã hội là được. “Nếu tính ra thì giá trả góp hàng tháng chỉ đắt hơn thuê trọ mấy trăm nghìn. Thay vì mình trả tiền nhà trọ thì mua nhà ở xã hội trả góp trong mấy năm là có một căn nhà. Giờ tôi có nhà rôi!”-chị Hiền vui vẻ chia sẻ.
Còn theo anh Lê Hoàng Minh (quê ở Nghệ An), do vào Bình Dương lập nghiệp nên anh quyết định mua nhà ở xã hội để an cư. Giá nhà ở xã hội cũng phù hợp với thu nhập của công nhân, chỉ cần có khoảng 100 triệu đồng là mua được căn nhà khoảng 30m2.
Trong khi đó, anh Lê Công Vinh bán hàng tạp hóa ở gần khu nhà ở xã hội Định Hòa chia sẻ, anh và vợ đến đây lập nghiệp cũng nhiều năm nay. Dù buôn bán ở gần chung cư xã hội này nhưng gia đình đang thuê trọ. Giá thuê phòng mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ trên dưới 7 triệu đồng nên chuyện mua nhà thương mại để an cư là điều không tưởng.
“Lúc biết tin có dự án nhà ở xã hội ưu tiên cho người lao động nghèo, tôi cũng nộp hồ sơ mong được xét mua. Nhưng hồ sơ của tôi không được duyệt, vì hai vợ chồng đều không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội” – anh Vinh nói và cho biết dù rất muốn mua căn hộ giá từ 100 triệu đồng và đủ khả năng trả góp nhưng vợ chồng anh cũng không mua được.
Giải quyết nhiều bài toán
Theo đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là Tổng Công ty cổ phần Becamex IDC, đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có quy mô 155ha gồm 37 dự án với trên 64.000 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho 164.000 người là đột phá quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững theo chủ trương của chính quyền tỉnh Bình Dương. Đây được xem là một động lực của chương trình đô thị hóa, thể hiện quyết tâm của tỉnh Bình Dương trong việc chăm lo cuộc sống tốt nhất cho người lao động.
Ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, phát triển nhà ở xã hội sẽ cùng lúc giải được nhiều bài toán cho Bình Dương. Đó là nền tảng cho phát triển đô thị, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo lập một môi trường kinh doanh hấp dẫn cho nhà đầu tư mà bắt đầu từ việc ổn định nguồn nhân lực.
“Bình Dương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, người lao động thu nhập thấp và công nhân. Đây là nguồn lực quý giúp Bình Dương phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết liên quan tới bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động nhằm bảo đảm cho người lao động được an cư, tạo nguồn lực, tiền đề cho Bình Dương phát triển bền vững” – ông Liêm khẳng định.
Theo Danviet
Vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, đập thông thành phòng hơn 100m2
Theo phản ánh của Đại biểu Quốc hội, một số căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội như toà nhà Bắc Hà Lucky Building, địa chỉ 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị đập thông nhau thành phòng có diện tích lớn hơn 100m2, sai với thiết kế ban đầu.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho biết: Nhà ở xã hội là một chính sách rất tốt đẹp của Nhà nước, đi liền với chính sách đó, Chính phủ đã phải dành một phần ngân sách không nhỏ để thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này đang bị bóp méo và trục lợi. Một trong những nguyên nhân là do buông lỏng quản lý nhà nước.
Theo ông Cương, một số căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội như toà nhà Bắc Hà Lucky Building, địa chỉ 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị đập thông nhau thành phòng có diện tích lớn hơn 100m2, sai với thiết kế ban đầu.
"Cụ thể tại một số tầng như 8, 10, 14, 18, 19 có những căn hộ mà thực chất là 2 căn riêng biệt liền kề, với các chủ sở hữu đứng tên khác nhau nhưng bị đập thông với nhau thành một phòng lớn có diện tích trên 100m2", ông Cương cho biết.
Trong phiếu chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 2 đang diễn ra, đại biểu cho biết, ông muốn chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà có nắm được thông tin trên và quan điểm của Bộ như thế nào khi chính sách nhà ở xã hội đang bị trục lợi. Ông cũng muốn hỏi tới biện pháp xử lý những đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội nhưng lại làm sai mục đích ban đầu như phản ánh ở trên.
Trong văn bản trả lời chất vấn của ông Cương, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã nắm được thông tin này và có văn bản đề nghị Sở Xây dựng thành phố Hà Nội kiểm tra làm rõ. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức.
"Theo báo cáo sơ bộ của Thanh tra Sở Xây dựng thì tại các tầng 8, 9, 10, 14, 18, 19 có một số căn hộ ghép căn, tuy nhiên theo đơn trình bày và hồ sơ tài liệu của các chủ sở hữu căn hộ cung cấp thì các căn hộ ghép căn này đều có quan hệ trong gia đình như bố - con, anh - chị - em và các hộ cho rằng việc ghép căn để thuận tiện cho sinh hoạt gia đình, các căn hộ vẫn sử dụng điện nước riêng, hộ khẩu thường trú đúng với địa chỉ căn hộ mua mà không phải để cho thuê hay do mua đi bán lại", Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành xây dựng khẳng định, việc đục thông tường giữa các căn hộ mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng. Hiện nay, Sở Xây dựng đang chỉ đạo đơn vị chức năng xem xét, xử lý các hành vi đục thông nhau giữa 2 căn hộ sai với thiết kế ban đầu. Đồng thời, kiểm tra, rà soát lại các đối tượng được mua nhà ở xã hội tại dự án này để có biện pháp xử lý.
Bộ trưởng cũng cho biết, theo quy định hiện nay, hành vi tự ý đục phá, cải tạo, tháo dỡ kết cấu của chung cư sẽ bị phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với tổ chức, 25 - 30 triệu đồng đối với cá nhân. Trường hợp kê khai không đúng đối tượng và điều kiện để được mua nhà ở xã hội thì hợp đồng mua bán không có giá trị pháp lý, bên mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý. Đối với hành vi vay vốn ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội sai mục đích sẽ bị thu hồi lại số tiền bị giải ngân.
"Quan điểm của Bộ Xây dựng là những hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng cần phải được xử lý nghiêm minh", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Phương Dung
Theo Dantri
Bán nhà ở xã hội phải nộp từ 50-100% tiền sử dụng đất Từ 15/11/2016, nếu bán nhà ở xã hội là căn hộ nhà chung cư thì người bán phải nộp cho ngân sách nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó. Trong trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề thì phải nộp 100% tiền sử dụng đất. Đây là một trong những nội dung...