Nhà ở xã hội: Có thể sẽ xây những căn hộ nhỏ hơn 30m2
Với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Sắp tới có thể có các căn hộ nhỏ hơn 30m2 để đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc thân hoặc những người có thu nhập quá thấp…
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý vừa được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trao đổi với báo giới.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam
Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng gói hỗ trợ 30.000 tỷ là quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường hiện nay. Ông nghĩ sao?
Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ là một chương trình dài hạn, hướng tới số đông người dân có thu nhập trung bình, thấp và có nhu cầu thực về nhà ở. Nếu nhìn vào nhu cầu về nhà ở xã hội, so sánh với gói 30.000 tỷ thì rõ ràng gói hỗ trợ tín dụng là nhỏ. Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ.
Cụ thể, trong điều kiện hiện tại, khoảng 30% sẽ được cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực. Mặt khác, dùng phần lớn nguồn lực gói 30.000 tỷ đồng để cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp 6% hoặc thấp hơn nếu có điều chỉnh.
Có thể thấy, vốn cho vay doanh nghiệp và người dân sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp, hay đang tiềm ẩn của người dân.
Video đang HOT
Ngoài 5 ngân hàng tham gia vào gói hỗ trợ, các ngân hàng thương mại cũng phải cạnh tranh, hạ lãi suất, các doanh nghiệp xây lắp, sản xuất VLXD cũng sẽ ứng vốn và hàng hóa vào các dự án.
Vậy theo ước tính của Bộ Xây dựng, phải mất bao lâu nguồn cung nhà ở xã hội mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân?
Ngay tại các nước phát triển có nguồn lực kinh tế, chương trình phát triển nhà ở xã hội vẫn đang được tiếp tục. Tại các nước thu nhập bình quân đầu người cao hơn chúng ta hàng chục lần ví như Singapore, Hồng Kông, Mỹ…, giải quyết nhà ở xã hội vẫn là bài toán dài hạn.
Nhu cầu nhà ở của chúng ta còn rất lớn, hiện còn khoảng 1,7 triệu dân đô thị sống dưới 5m2/người; khoảng 2 triệu công nhân khó khăn về nhà ở. Chưa kể khoảng gần 10 triệu người sống dưới 10m2 đầu người.
Vì vậy không thể vội vã trong phát triển nhà ở xã hội, xác định đó là một chương trình dài hạn, chúng ta cần có chính sách, quy mô hàng hóa phù hợp để phát triển bền vững.
Thực tế, hiện nhà ở cho sinh viên, công nhân ở khu công nghiệp do người dân tự xây chiếm tới 70-80%. Vì vậy, việc xây nhà ở xã hội để đáp ứng các đối tượng được thụ hưởng sẽ phải kéo dài nhiều năm, với những chính sách phù hợp từng thời kỳ để giải quyết dần dần từng bước…
Trên thực tế, có rất nhiều hộ gia đình thu nhập thấp không thể có tích lũy và khả năng trả nợ. Chúng ta giải quyết bài toán này thế nào, thưa ông?
Chúng ta phải có nhiều giải pháp và nhiều gói sản phẩm để các đối tượng người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị ở các mức khác nhau đều có thể giải quyết được vấn đề nhà ở của mình.
Thứ nhất, với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Ví dụ tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp theo quy định là 30 – 70 m2. Sắp tới có thể có các căn hộ nhỏ hơn đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc thân hoặc những người có thu nhập quá thấp.
Có ý kiến lo ngại rằng đây sẽ là những khu ổ chuột trong tương lai, nhưng thực tế ngay tại thành phố lớn như Hồ Chí Minh, có những hộ gia đình 24 người chen chúc trong diện tích vỏn vẹn 30m2. Vì vậy chúng ta cần thực tế, cần cân đo đong đếm từ nhu cầu đến khả năng của người dân một cách hợp lý
Với những đối tượng chưa có khả năng mua nhà thu nhập thấp dù với căn hộ có diện tích nhỏ nhất, chúng ta cần có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. Chúng tôi tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m2 chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê gói, tức là có thể thuê một hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm. Nói cách khác, sở hữu nhà ở có thời hạn. Trong thời gian đi thuê nhà đó coi như nhà của người thuê, có thể cho thuê lại, thuê để kinh doanh hoặc chuyển nhượng hợp đồng nhưng giá cả ổn định trong suốt 6 hoặc 12 năm.
Vấn đề chất lượng nhà ở xã hội cũng không nằm ngoài mối quan tâm của người mua nhà. Điều gì có thể đảm bảo người dân sẽ an tâm khi mua nhà ở xã hội, thưa ông?
Có thể nói, nhà ở xã hội mà chúng ta đang xây dựng có chất lượng không khác gì nhà ở thương mại về yêu cầu kỹ thuật và an toàn, chỉ khác nhau về vật liệu hoàn thiện. Điều này thể hiện từ chất lượng kiến trúc, chất lượng cảnh quan môi trường đến chất lượng công trình, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nhà ở xã hội không phải là nhà cho không. Nhà ở xã hội không phải chỉ dành cho những người cả đời khó khăn, mà nhà ở xã hội vẫn phải cạnh tranh và người dân có toàn quyền lựa chọn mà không bị bắt buộc phải mua của dự án nào.
Trong khi đó, ngành Xây dựng Việt Nam trong những năm trở lại đây đang xuất hiện nhiều công nghệ xây dựng mới, thậm chí có công nghệ tiên tiến tương đương với trình độ của các nước phát triển.
Khu nhà ở xã hội Phú Sơn (Thanh Hóa) là ví dụ khi nơi đây đã áp dụng những công nghệ xây dựng tiến tiến từ Đan Mạch, Nhật Bản, giúp thi công nhanh, đảm bảo chất lượng và giảm giá thành.
Theo Dantri
30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội
Ngày 14.12 tại Hà Nội, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết sẽ rót 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2013 - 2015.
Gói tín dụng này còn phải chờ Ngân hàng Nhà nước bật đèn xanh.
Theo đó, BIDV và Bộ Xây dựng đã ký biên bản thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình nhà ở xã hội (NƠXH).
Tuy nhiên, ngay tại lễ ký này, Bộ Xây dựng và BIDV cũng thừa nhận, gói tín dụng này có hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào lãi suất có đủ hấp dẫn các DN hay không...
Cơ hội giúp người nghèo có nhà
Theo thỏa thuận được ký kết, trong giai đoạn 2013 - 2015, BIDV cam kết dành gói tín dụng trung - dài hạn quy mô 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng NƠXH, trong đó chủ đầu tư và người mua nhà là đối tượng thụ hưởng chính.
Cụ thể, với các chủ đầu tư thực hiện dự án, doanh số cho vay tối đa là 10.500 tỉ đồng (35% gói tín dụng), mức cho vay tối đa là 70% trên tổng mức đầu tư dự án. Lãi suất cho vay bằng lãi suất của NH Phát triển VN.
Với người mua nhà, doanh số cho vay tối đa là 19.500 tỉ đồng (65% gói tín dụng), với mức cho vay tối đa là 85% trên giá trị căn nhà. Lãi suất cho vay thấp hơn 10% so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân các TCTD.
Đối tượng được BIDV xem xét cấp tín dụng gồm: Chủ đầu tư triển khai các dự án NƠXH, nhà ở thương mại có diện tích sàn căn hộ dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; người mua nhà thuộc các đối tượng có thu nhập thấp (TNT), trung bình không đủ điều kiện được giải quyết mua NƠXH...
"Chỉ cần mỗi TCTD bỏ ra 3% tổng dư nợ là chúng ta đã có ngay 100.000 tỉ đồng, giả sử mỗi mét vuông NƠXH là 15 triệu đồng thì chúng ta đã có ngay từ 5-6 triệu căn hộ cho người TNT, CNLĐ. Làm như vậy không chỉ giải quyết được phần nào khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư trong quá trình triển khai các dự án NƠXH, mà còn góp phần tạo điều kiện để người lao động TNT có nhà" - Chủ tịch HĐQT BIDV - ông Trần Bắc Hà - nói.
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đây là hành động góp phần phá băng thị trường BĐS, vừa là cơ hội giúp dân nghèo, người lao động có nhà ở.
Chờ Ngân hàng Nhà nước bật đèn xanh
Theo thống kê của BIDV, hiện tính chung các khoản cho vay liên quan đến nhà ở (mua, sửa chữa, xây mới...) thì dư nợ hiện tại của BIDV đã lên tới 15.800 tỉ đồng, tương đương 5,2% quy mô dư nợ của NH này. Hiện NH đang triển khai khá nhiều gói tín dụng kích cầu cho thị trường BĐS như gói tín dụng 2.000 tỉ đồng dành cho các dự án nhà ở TNT khu vực đô thị và nhà ở công nhân KCN; chương trình tín dụng 4.000 tỉ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà với mức cho vay tối đa bằng 85% giá trị căn nhà... Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các gói tín dụng mới đạt chưa đầy 50%.
BIDV cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chưa đạt như các gói mục tiêu đề ra, trong đó các vấn đề về nợ xấu, tài sản thế chấp và lãi suất đang là những lực cản chính. "Hiện phần lớn nhà thầu xây dựng đang có nợ xấu nên không thể cho vay mới được.
Bên cạnh đó, khó khăn nhất là lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay chỉ nên ở mức bằng 2/3 lãi suất huy động. Nếu lãi suất dưới 6% thì có thể chấp nhận được. Để làm được điều này thì mình BIDV không thể làm được nếu không có chính sách hỗ trợ lãi suất của NHNN..." - Chủ tịch HĐQT BIDV nói.
Như vậy, xem ra để gói tín dụng hàng ngàn tỉ này đến được với DN và người dân, còn phải chờ NHNN bật đèn xanh!
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, theo nghị định phát triển NƠXH mà bộ vừa trình Chính phủ, các cơ chế hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều.
Các dự án NƠXH sẽ được hưởng mức thuế thu nhập DN là 10%, thuế GTGT với người mua là 5%. Bên cạnh đó cũng mở rộng đối tượng được mua NƠXH, thu hẹp bớt điều kiện, tiêu chí được mua, bán NƠXH; trong khu vực phát triển NƠXH được trích 20% quỹ đất để làm NOTM, bán theo giá NOTM để bù đắp chi phí xây dựng NƠXH; cho phép các địa phương có thể hỗ trợ hạ tầng trong phạm vi dự án...
Bộ Xây dựng đang kiến nghị những chính sách này được áp dụng từ quý II/2013.
Theo laodong
Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Sẽ có căn hộ 300 triệu đồng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam Để cứu thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng quan trọng nhất là phải huy động được dòng tiền với lãi suất thấp, đồng thời phát triển nhà xã hội diện tích nhỏ, giá rẻ... Thứ trưởng Nam nói: Việc phân loại ngành và thị trường để...