Nhà ở 150 triệu đồng là “siêu tưởng”
Nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng vào nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường. Nhưng giá rẻ rất khó đi kèm với chất lượng và tuổi thọ chung cư. Đặc biệt, với giá đất và suất đầu tư tại TP.HCM, việc xây nhà ở 150 triệu trở xuống là không thể. Đó là nhận định của Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam.
Thưa tiến sĩ, nhiều ý kiến cho rằng nhà ở giá rẻ rất khó thực hiện mà rào cản đầu tiên chính là giá đất và cơ cấu suất đầu tư, ông đánh giá thế nào?
- Đối với một dự án, quan trọng nhất là giá trị đất cấu thành sản phẩm nhà ở, thường chiếm từ 30-45% tổng giá trị sản phẩm. Để giảm giá bán thì cần tác động vào mọi yếu tố trong cơ cấu giá thành. Nhưng quan trọng nhất là chi phí đất, với các thành phần đáng kể như tiền đền bù giải tỏa và tiền sử dụng đất. Hơn nữa, từ quy trình phê duyệt đến lúc hoàn thành một dự án trung bình từ 3-5 năm, thời gian này cũng ảnh hưởng đến chi phí. Hiện tại, chất lượng sử dụng của một ngôi nhà hạng B, hạng C trung bình là 50 năm, nếu chi phí càng rẻ, liệu tuổi thọ công trình có được đảm bảo? Việc đảm bảo công trình đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Việt Nam TCVN với mức xây dựng này cũng là điều cần xem xét kỹ.
Nhà ở giá rẻ xuất phát từ mô hình Bình Dương và được hy vọng sẽ áp dụng thành công tại TP.HCM, theo ông có khả thi?
- Bình Dương có mật độ dân cư thưa, quỹ đất trống còn dồi dào nên phát triển dự án không gặp quá nhiều khó khăn. Mức sống và thu nhập của người dân Bình Dương cũng thấp hơn ở TP.HCM nên giá thành có phần thấp hơn. Nhiều dự án có diện tích đất rộng nên dễ làm thấp tầng, không tốn chi phí cho hệ thống máy móc thiết bị và thang máy cũng như chi phí thiết kế và nền móng. Việc làm được nhà 100 triệu – 150 triệu ở TP.HCM là một câu chuyện khó để trở thành hiện thực, ngoại trừ giá trị đất chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong cơ cấu giá thành 100 triệu – 150 triệu này, hoặc giá trị đất không được tính vào.
Video đang HOT
Thị trường căn hộ 1 tỷ đồng đã có thể coi là giá rẻ, nhà “siêu rẻ” có dễ tiêu thụ không, thưa ông?
Đúng vậy. Việc xây nhà giá rẻ cũng phải hướng đến các khu vực có nhu cầu ở thực, phù hợp cho công việc và đời sống của mình. Nếu không thỏa mãn điều kiện này thì dù nhà giá rẻ cũng không thể thu hút. Cần tìm hiểu, khảo sát kỹ lưỡng về nhu cầu nhà ở tại khu vực sẽ thực hiện dự án cũng như các yếu tố nhân khẩu khác bao gồm: độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập của các hộ gia đình và sự phát triển của hạ tầng cùng các tiện ích công cộng có đủ để đảm bảo cho nhu cầu của cộng đồng mới hay không.
Theo ông, với quỹ đất hạn hẹp hiện tại của TP.HCM, nhà giá rẻ phát triển ở đâu thì phù hợp?
- Nhà giá rẻ thường có các hạn chế như vị trí xa, chất lượng cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, đường sá, cấp thoát nước … chỉ dừng ở mức tương đối, tối thiểu. Vì vậy các dự án nhà rẻ cần đặt ở các vị trí có hạ tầng giao thông thích hợp, chủ yếu phục vụ người dân tham gia lao động và sinh hoạt trong khu vực, chứ không phải di chuyển đường dài thường xuyên dẫn tới áp lực lưu thông ra và vào thành phố đã và đang quá tải. Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như xử lý rác thải và xử lý nước thải, các hệ thống truyền thông, phân bổ nước dùng sinh hoạt cũng phải được phân bổ thích hợp nhằm đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân tại các dự án này. Các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, công viên cũng cần được hoàn thiện và đảm bảo mang lại đầy đủ giá trị xã hội cho người dân, nhằm mục tiêu giảm áp lực cho các cơ sở hiện hành tại các địa phương đông dân.
Tóm lại, nhà ở giá rẻ cho TP.HCM chỉ dừng lại ở mức tham vọng và rất khó có tính thực tế, theo ông chúng ta nên tiếp cận vấn đề như thế nào?
- Tôi nghĩ chúng ta cần có lộ trình để giải quyết từng vấn đề một. Trước hết, chính quyền có thể xem xét đến việc nghiên cứu kỹ lưỡng và chi tiết về quy mô và vị trí xây dựng dự án nhà giá rẻ để đảm bảo hài hòa với quy hoạch đô thị lâu dài. Bên cạnh đó, những chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp như miễn giảm chi phí sử dụng đất, hỗ trợ pháp lý và các hỗ trợ khác trong quá triển khai dự án để đầu tư tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng, tránh thực hiện những công trình dễ xuống cấp, khó sửa chữa, xây mới.
Tiếp theo, chính quyền địa phương cần củng cố giao thông thuận lợi, các công trình hạ tầng tại khu vực triển khai dự án, để người dân tại dự án có thể sinh sống lâu dài chứ không phải tạo nên các khu dân cư tạm thời để sau này chờ tái quy hoạch. Đơn giản hóa quá trình các thủ tục liên quan đến pháp lý và giấy phép. Nếu rút ngắn được thời gian giải quyết thủ tục có thể phần nào tăng tính khả thi và cơ hội cho các dự án nhà giá rẻ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Xin cám ơn ông!
Theo Danviet
NHNN "bác" đề nghị gia hạn gói 30.000 tỷ đồng
Theo nội dung trả lời những kiến nghị của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), NHNN đã chính thức nói "không" với các đề xuất liên quan tới nới tín dụng cho thị trường BĐS cũng như nối dài vốn vay ưu đãi thuộc gói 30.000 tỷ đồng.
NHNN nói "không" với các đề xuất nối dài vốn vay ưu đãi nhà giá rẻ
Nhà giá rẻ khắc khoải vốn ưu đãi
Với quan điểm "Nhà nước chưa có cơ chế tiếp nối để hỗ trợ tín dụng cho đối tượng chính sách để mua NƠXH; cho người thu nhập thấp đô thị để mua nhà ở thương mại giá rẻ; và cần giải quyết "điểm nghẽn" tín dụng cho thị trường BĐS", HoREA từng kiến nghị NHNN cho phép các trường hợp nhận nhà từ 1.1.2017 trở đi được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng. NHNN phúc đáp "đối với các khoản giải ngân sau ngày 31.12.2016 sẽ được giải ngân từ nguồn vốn của NHTM và áp dụng lãi suất theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng". Việc này, theo cách lý giải của NHNN, là dựa trên một loạt các chỉ đạo điều hành như: công văn 3954/NHNN-TD ngày 30.5.2016 của NHNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước 31.3.2016 của khách hàng liên quan tối đa đến 31.12.2016.
Về "cơ chế tiếp nối để hỗ trợ tín dụng cho đối tượng chính sách để mua NƠXH" được HoREA khuyến nghị, NHNN nhắc lại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 về phát triển và quản lý NƠXH như một quyết sách xuyên suốt. Căn cứ chỉ đạo tại Nghị định này, NHNN đã ban hành các văn bản hướng dẫn về cho vay vốn ưu đãi đối với NƠXH. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã ban hành các văn bản về quy định, quy trình nghiệp vụ, lãi suất cho vay... khi vay vốn NƠXH theo Nghị định 100/2015.
Đáng chú ý, HoREA đã đề nghị NHNN có cơ chế để tính lãi suất cho vay hàng năm trong thời hạn khoảng 15-20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên thuộc loại căn hộ vừa túi tiền. Trong văn bản hồi đáp, NHNN cho biết: đối với các khoản vay thuộc các Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ (chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng, cho vay NƠXH theo Nghị định 100/2015...), lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN. Đối với các khoản vay theo cơ chế thương mại thông thường, các tổ chức tín dụng thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn. Tạm hiểu, đề xuất của HoREA vẫn chỉ dừng ở...đề xuất - đồng nghĩa, chưa có cơ chế tính lãi suất hàng năm trong khoảng 15-20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên thuộc dòng sản phẩm phù hợp túi tiền.
Địa ốc vẫn chờ dòng vốn dài hạn
Theo quan điểm (mang tính kiến nghị) của HoREA, thị trường BĐS hoạt động trung hạn và dài hạn, nhưng Nhà nước chưa có cơ chế tạo lập nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn để cung cấp cho thị trường BĐS.
Về điều này, NHNN trước hết nhắc lại Thông báo số 389/TB-VPCP ngày 6.12.2016 giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, hình thành một số định chế tài chính như Quỹ Tiết kiệm, Quỹ đầu tư BĐS, Quỹ tín thác BĐS... để huy động các nguồn lực cho thị trường BĐS, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN đã có cơ chế tạo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường nói chung và thị trường BĐS nói riêng thông qua việc cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo quy định (Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27.5.2016 và Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20.11.2014).
Chốt lại, NHNN khẳng định "nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng chủ yếu là từ huy động tiền gửi của nhân dân do đó phải được phân bổ, sử dụng an toàn, hiệu quả kinh tế nhất và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chính sách tín dụng". Theo đó, tính tới thời điểm đầu 2017, địa ốc khó lòng kỳ vọng một "phép màu" về dòng tín dụng trung, dài hạn mang tính nội lực.
Một ý kiến khác - mang tính đột phá, của HoREA là "đề nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài; nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của nước ta". HoREA đánh giá việc Luật Đất đai không cho phép thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài đến nay đã không còn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta. Từ đây, "làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, do chưa có căn cứ pháp lý để được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, để làm tăng thêm lòng tin và bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư".
NHNN cho biết hiện Bộ TN&MT đang xây dựng "Đề án thí điểm việc thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài". NHNN đã có Công văn 10059/NHN-PC ngày 30/12/2016 góp ý về dự thảo gửi Bộ TN&MT. Về vấn đề này, NHNN đề nghị HoREA liên hệ Bộ TN&MT để được giải đáp.
Theo Danviet
Căn hộ 1 tỷ thời điểm cuối năm liệu còn sức hút? Khảo sát thị trường bất động sản cuối năm 2016, phân khúc căn hộ cao cấp đang trên đà chững lại, phân khúc nhà giá rẻ và trung bình ngày càng "nóng lên" với sự góp mặt của hàng loạt nguồn cung mới. Ưu thế của phân khúc căn hộ 1 tỷ Theo nhận định từ các chuyên gia bất động sản, việc...