Nhà nông xứ dừa phất lên nhờ “cây đổi đời”
Khác với lần trước về 2 xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú ( Bến Tre) với bạt ngàn đất chuyên canh củ sắn, dưa hấu và khoai lang, lần này chúng tôi đã rất ngạc nhiên về sự có mặt của hàng trăm ha cây trồng mang tính đột phá trên vùng quê biển xứ dừa – đó là xoài Tứ Quý.
Phù hợp với vùng đất cát ven biển
Lý giải về sự thay đổi nhanh chóng trên đồng đất ven biển, ông Trương Thanh Hải – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thạnh Phú cho biết: “Xoài Tứ Quý là loại cây ăn trái rất phù hợp với thổ nhưỡng đất cát ven biển tại 2 xã Thạnh Hải và Thạnh Phong. Xoài Tứ Quý mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định trong thời gian dài. Qua thời gian, cây xoài Tứ quý cho thấy sức bền trước nắng nóng, khô hạn rất cao. Đầu ra trái xoài Tứ Quý tương đối ổn định nên được chọn làm cây trồng phát triển mũi nhọn”.
Thu hoạch xoài Tứ Quý tại một nhà vườn xã Thạnh Phong. Ảnh: Tổ Phục Hưng
Nét mới trong canh tác của người trồng xoài Tứ Quý ở 2 xã Thạnh Hải, Thạnh Phong là việc bao trái xoài để cho trái màu sắc đẹp, da trơn bóng, không bị bọ xít, ruồi đục trái, bệnh thán thư, đốm nâu, sương mai… Nhà nông ở đây còn sáng tạo khi dùng nhiều loại bao vải màu sắc khác nhau để dễ dàng nhận biết độ tăng trưởng của từng trái, chuẩn bị thu hoạch phù hợp.
Ông Trần Văn Nhọn – được xem là người “khai sinh” phương pháp bao trái bằng vải màu cho biết: “Cách làm này giúp người trồng xoài phân loại dễ dàng độ tuổi quả xoài trên cùng 1 cây, 1 vườn để thu hoạch không tốn công, mất thời gian, không làm trầy xước trái, thu hoạch đúng độ tuổi, đạt chất lượng yêu cầu…”.
Video đang HOT
Thu nhập 10-15 triệu đồng/công
Hiện nay, việc sử dụng bao trái xoài bằng vải nhiều màu đã được trên 95% nông dân trồng xoài ở xã Thạnh Phong, Thạnh Hải ứng dụng và nhân rộng. Bên cạnh đó, đại đa số người trồng xoài đã sử dụng hệ thống phun tưới tự động để tiết kiệm nước và thời gian, nhân lực.
Tuy không mang lại giá trị kinh tế cao như các loại xoài khác thuộc vùng nước ngọt, nhưng xoài Tứ Quý cũng mang đến nguồn thu nhập khá cao so với các loại cây trồng khác bởi địa hình ven biển của 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải có nước mặn quanh năm. Bình quân mỗi công xoài cho thu nhập từ 10-15 triệu đồng. Giá xoài bán tại vườn đạt bình quân từ 5.000-7.000 đồng/kg; năng suất bình quân mỗi công là 2-2,7 tấn trái.
Ông Trần Văn Tú – ngụ ấp 7 xã Thạnh Hải cho biết: “Tuy thu nhập từ xoài Tứ Quý không quá lớn nhưng cao hơn nhiều so với các cây truyền thống như sắn, khoai lang, đậu phộng. Thêm vào đó, trồng xoài Tứ Quý rất nhẹ công chăm sóc”.
Hiện nay, tại 2 xã đã có nhiều nông dân trồng xoài kết hợp trồng rau ngắn ngày bên dưới để có thêm nguồn thu nhập với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Một số hộ khác đang dự tính xây dựng mô hình vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái ven biển, mở thêm một cơ hội làm ăn hiệu quả, căn cơ.
Chúng tôi phải tính toán, cân nhắc hài hòa việc phát triển xoài Tứ Quý cùng các cây trồng khác để đa dạng hóa nông sản tại địa phương. Riêng xã Thạnh Phong quy hoạch diện tích trồng xoài Tứ Quý là 50ha. UBND, Hội ND và các đơn vị khuyến nông tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài Tứ Quý cho nông dân…”.Ông Nguyễn Văn Tại – Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong
Theo Danviet
Thành "vua" xoài tứ quý với cách làm ngược đời: Trồng trên đất dưa
Thạnh Phú là huyện tiên phong của tỉnh Bến Tre về phát triển sản phẩm xoài tứ quý, trồng tập trung tại hai xã ven biển Thạnh Phong và Thạnh Hải. Cùng với lúa, xoài là sản phẩm chủ lực thứ 2 (trong tổng số 6 sản phẩm chủ lực) của huyện đã được hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khá rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Nhanh được người dân trong vùng gọi à "vua" xoài tứ quý.
Thu nhập ổn định với cây xoài tứ quý
Ở hai xã biển Thạnh Phong và Thạnh Hải, câu chuyện về trái xoài tứ quý trở thành vấn đề thời sự của người dân. Phần lớn người dân đã chọn cây xoài tứ quý cho vùng đất giồng cát. Ông Trần Văn Nhu ở ấp Thạnh An, xã Thạnh Phong chiêm nghiệm: Xoài là cây thoát nghèo. Cách đây mười năm, nói đến cây xoài ai cũng cười, bảo nhau: "Đất trồng dưa hấu, ai đi trồng xoài".
Bây giờ, diện tích đất trồng cây xoài đang lấn dưa hấu. Một mùa dưa lời nhiều lắm cũng từ 5 - 6 triệu đồng, có vụ thu hoạch giá cả bấp bênh lại mắc nợ. Nhưng cây xoài lại cho thu nhập cao và ổn định hơn so với các chủng loại cây trồng: dưa hấu, đậu phộng, sắn, khoai lang...
Ông Đặng Văn Măng ở ấp Đại Thôn, xã Giao Thạnh (giáp xã Thạnh Phong) nhận định: "Cây xoài trồng trên vùng đất tốt khoảng 18 tháng cho trái. Nhà tôi có 5.000m2 trồng xoài tứ quý cho trái quanh năm, thu hoạch 5 - 6 tấn/năm. Chi phí chăm sóc cây trồng không cao nên được nhiều lợi nhuận.
Nhiều hộ dân ở hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải cùng nhận định, cây xoài tứ quý tạo thu nhập chính trên đất giồng cát. Cây xoài cho trái thu hoạch, năng suất đạt 7 tấn/ha, giá ổn định hơn 10.000 đồng/kg, cao điểm trên 20 ngàn đồng/kg. Không ít hộ dân điều kiện kinh tế khấm khá, cuộc sống cải thiện, thoát nghèo một phần nhờ gắn bó với cây xoài tứ quý.
Xây dựng nhãn hiệu cho xoài
Qua thực tế cho thấy, xoài là cây cho hiệu quả kinh tế cao lại thích nghi với vùng đất giồng cát. Cây trồng có khả năng chịu hạn từ 3 - 4 tháng. Đề cập đến "vua" xoài tứ quý, ai cũng khẳng định đó là vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhanh và ông Bùi Văn Truông ở xã Thạnh Phong.
Xoài tứ quý cho quả sai, mẫu mã đẹp nên dễ tiêu thụ. Ảnh minh hoạ.
Cách nay 17 năm, nghe đài, biết cây xoài có thể trồng trên đất giồng cát, vợ chồng bà Nhanh mua 250 cây giống về trồng trên diện tích hơn 6 công đất. Bà Nhanh nhớ lại: "Thích nghi tốt với đất nên cây trồng chỉ mới 1 năm rưỡi là cho trái. Rồi có một người phụ nữ đến mua xoài trái (bằng ghe) giá từ 14 - 15 ngàn đồng/kg. Thấy vậy, vợ chồng tôi phát triển dần diện tích và đến nay có 3ha đất trồng xoài".
Các hộ dân ở đây cho rằng, chính vợ chồng bà Nhanh là người tiên phong trồng xoài trên đất giồng cát và có diện tích trồng nhiều nhất xã. Từ hiệu quả kinh tế cũng như tính thích ứng của cây trồng, mô hình trồng xoài trên đất giồng cát ngày càng được nhân rộng. Hiện cây xoài đã chiếm 50% diện tích đất nông nghiệp của Thạnh Phong.
Cuối năm 2016, UBND huyện Thạnh Phú phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh hỗ trợ nông dân xã Thạnh Phong thành lập HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong, với trên 80 hộ thành viên tham gia ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, thời gian qua, sản phẩm của HTX được doanh nghiệp chào hàng trong và ngoài nước. Kết quả được thị trường đánh giá cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn. HTX có kế hoạch nâng vốn điều lệ, liên kết với doanh nghiệp đầu vào để giảm chi phí đầu tư cũng như chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cho nông dân. "Các thành viên quản lý HTX đều có tâm huyết. Vấn đề hiện nay là cần được sự tiếp tục dìu dắt, hỗ trợ của Nhà nước, nhất là việc liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm" - ông Bình nhấn mạnh.
Ông Trương Thanh Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết, huyện đã hình thành và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm xoài tứ quý. Từ nay đến cuối năm 2017, huyện sẽ mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho xoài Thạnh Phú. Bên cạnh đó, vùng đất trồng xoài Thạnh Phú có tiềm năng gắn với phát triển du lịch sinh thái homestay. Trái xoài là một trong 6 đặc sản của địa phương hấp dẫn khách du lịch thập phương.
Theo Cẩm Trúc (Báo Đồng Khởi)
Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Rất đau, rất buồn nhưng sai sót thì phải kỷ luật' Đề cập việc một loạt cán bộ sai phạm, Bí thư Thành uỷ TP HCM cho biết rất đau lòng nhưng phải công bằng; sai thì phải kỷ luật. Phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 15 chiều 2/12, nhắc đến việc xử lý kỷ luật một số tổ chức cá nhân sai phạm, Bí thư Thành ủy...