Nhà nông “xót ruột” với giá thanh long, mít Thái
Do ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona, hạn chế giao thương nên xuất khẩu nông sản Việt Nam qua Trung Quốc đang bị ngừng trệ.
Vì vậy, một số nông sản như mít Thái, thanh long… bị rớt giá mạnh, thậm chí thương lái không thu mua khiến nông dân như ngồi trên đống lửa.
Giá mít chạm “đáy”
Anh Nguyễn Thật (ngụ xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) có 1,2ha trồng hơn 420 gốc mít Thái. Năm nay vườn mít của anh ước thu khoảng 40 tấn trái. Trước Tết Nguyên đán, thương lái thu mua mít với giá loại 1 là 40.000 đồng/kg; loại 2 là 30.000 đồng/kg; loại 3 giá 18.000 đồng/kg và hàng chợ giá 10.000 đồng/kg.
Nếu giá mít giữ ổn định như vậy, dự kiến anh Thật thu về khoảng trên 500 triệu đồng.
Người trồng mít Thái ở huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu lao đao vì giá mít rớt xuống thấp, thương lái thu mua nhỏ giọt. Ảnh: M.Q
Thế nhưng, hiện nay giá mít Thái đột ngột rớt giá chỉ còn 7.000 đồng/kg, anh Thật nhiều lần gọi nhưng thương lái không vào vườn cắt nên anh phải tự tìm nơi tiêu thụ. Hiện vườn mít còn khoảng 5 tấn đến kỳ thu hoạch nhưng anh vẫn chưa tìm được mối nào để bán.
Tương tự, anh Phạm Quang Thanh (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cũng đang “khóc dở” với vườn mít hơn 1ha đến kỳ thu hoạch mà không bán được. Trước tết thương lái cũng thu mua mít nhà anh giá cao nhất 40.000 đồng/kg, loại thấp nhất cũng được 10.000 đồng/kg.
Với 5 tấn mít, anh Thanh thu về hơn 50 triệu đồng. Hiện, vườn của anh có khoảng 5 tấn mít đến kỳ xuất bán nhưng thương lái chỉ thu mua “nhỏ giọt” những quả to đẹp với giá còn… 4.000 đồng/kg.
Theo người dân, ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra nên nhiều thương lái Trung Quốc đã ngừng mua mít Thái. Các thương lái là mối hàng lớn trước đây cũng “bặt vô âm tín”, khiến thương lái địa phương không dám mua hoặc mua cầm chừng với giá rất thấp.
Video đang HOT
Toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có khoảng 541ha trồng mít, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 423ha. Huyện Châu Đức là địa phương trồng nhiều nhất với khoảng 348ha tập trung ở các xã như: Suối Rao, Suối Nghệ, Xà Bang, Nghĩa Thành…
Thanh long cũng lỗ nặng
Không chỉ mít Thái bị ảnh hưởng bởi dịch virus Corona mà người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng “khóc đứng khóc ngồi” khi giá giảm sâu, trong khi nhiều nhà vườn đang bước vào vụ thu hoạch. Nguyên nhân do đối tác nhâp khẩu phía Trung Quốc từ chối nhân đơn hàng, các cửa khẩu tạm ngừng thông quan hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Phúc (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) có gần 1ha thanh long ruột đỏ, ước gần 3 tấn trái đang đến kỳ thu hoạch. Nếu như không có dịch bệnh do virus Corona, việc xuất khẩu đi Trung Quốc thuận lợi thì trước đó từ 1 – 2 tuần là thương lái đã đến đặt cọc tiền cho gia đình ông. Tuy nhiên, đến giờ vẫn không có thương lái nào đến hỏi mua.
“Trước đó, chúng tôi bán thanh long với giá từ 35.000 – 45.000 đồng/kg. Với 1ha thanh long trái vụ, tôi tốn gần trăm triệu đồng chi phí đầu tư. Nay thương lái không mua, thanh long chín quá sẽ nứt hết vỏ, lúc đó chỉ còn cách cho dê, bò ăn” – ông Phúc buồn rầu nói.
Theo nhà vườn, vụ thanh long này là vụ chong đèn nên chi phí đầu tư mỗi kg mất hơn 10.000 đồng. Với giá bán hiện giảm còn 5.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ và 2.000 – 3.000 đồng/kg với thanh long ruột trắng, nhiều nhà vườn còn không có ai thu mua nên bà con nông dân đang lo sốt vó.
Ông Dương Thế Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bông Trang cho hay, lượng thanh long không bán được và có nguy cơ đổ bỏ ở địa phương là rất nhiều. Đặc thù của thanh long là không thể “neo” trái trên cây lâu. Trái thanh long chín quá gặp mưa nắng thất thường như hiện nay sẽ bị nứt vỏ. Các cành đỡ cũng sẽ héo do bị vắt kiệt sức nuôi trái, gây ảnh hưởng đến năng suất thanh long các vụ tiếp theo.
Ước tính, toàn huyện Xuyên Mộc có khoảng 900ha trồng thanh long, tập trung tại xã Bông Trang và Bưng Riềng, sản lượng hàng năm khoảng 1.800 tấn, chủ yếu xuất bán đi Trung Quốc.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Đức khuyến cáo người trồng mít nên giữ nguyên diện tích mít cần chăm sóc, chờ giá tăng trở lại. Không nên thấy giá mít rớt xuống thấp mà đã vội bỏ bê vườn hoặc chặt bỏ để chuyển qua trồng loại cây khác.
“Về lâu về dài, bà con nông dân cũng nên trồng mít, thanh long theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… để dễ dàng tiêu thụ đi các nước khác nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc” – ông Tuấn nói.
Theo Danviet
Dịch virus Corona làm giá thanh long Việt Nam 10 phần "teo" mất 9
Những ngày đầu năm, do ảnh hưởng của dịch vi-rút Corona, người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đang "đứng ngồi không yên" khi mức giá thanh long tuột dốc không phanh, thương lái ngưng thu mua.
Ảnh hưởng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona
Đến nay, toàn tỉnh Long An có 11.836ha thanh long, đạt 110% kế hoạch (10.800ha), bằng 105% so cùng kỳ năm 2019, trong đó, diện tích cho trái khoảng 10.281ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ. Hiện tình hình tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn, phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua thanh long hoặc thu mua với giá thấp.
Nông dân gặp khó khi thanh long rớt giá.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, nguyên nhân thanh long giảm giá: Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc nên phía Trung Quốc đã thông báo lùi thời gian mở cửa các chợ, cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc; người dân Trung Quốc lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của vi-rút Corona gây ra nên rất hạn chế đi mua sắm đã làm cho việc tiêu thụ thanh long bị giảm; một số đối tác Trung Quốc thu mua thanh long nhiều bán ra chậm nên không nhận hàng, làm tồn đọng thanh long trong kho;...
Các cơ sở thu mua, đóng gói thanh long thường không ký hợp đồng mua bán với các đối tác Trung Quốc nên khi đầu ra không ổn định bị thiệt hại.
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, do tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc nên một số khách hàng Trung Quốc đã hủy đơn hàng mua thanh long ruột đỏ của Hiệp hội Thanh long Long An. Hiện thanh long đang vào đợt thu hoạch, khoảng 20.000 tấn, cộng với lượng tồn kho không mua vào, giá thanh long thấp (các kho phát giá 4.000-5.000 đồng/kg), nhà vườn gặp khó khăn.
Hiện Trung Quốc đóng giao dịch tại các cửa khẩu biên giới nên tình hình tiêu thụ thanh long của Long An và các tỉnh rất khó khăn. Nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ thanh long của tỉnh, Sở Công Thương Long An kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thanh long của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh có thanh long nói chung.
Nông dân gặp khó
Theo ghi nhận của phóng viên tại huyện Châu Thành, Tân Trụ vào những ngày sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá thanh long ruột đỏ giảm thê thảm vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra.
Theo đó, giá thanh long ruột đỏ đang từ 30.000-35.000 đồng/kg giảm mạnh chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều kho đóng cửa, thương lái không thu mua thanh long như các năm trước.
Vườn thanh long ruột đỏ khoảng 5 tấn của ông Nguyễn Văn Be, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, sắp thu hoạch. Thương lái đã đặt cọc mua toàn bộ số thanh long này với giá 30.000 đồng/kg từ trước tết. Tuy nhiên, vào sáng mùng 6 tết, thông tin việc đóng cửa khẩu xuất hàng hóa qua Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ.
Ông Be cho biết, thương lái chấp nhận bỏ cọc hoặc thương lượng mua với giá khoảng 5.000-10.000 đồng/kg.
Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại các hộ trồng thanh long trên địa bàn tỉnh những ngày đầu xuân. Theo đó, đối với các nhà vườn mà thương lái đã đặt mua trước tết thì sẽ hỗ trợ thu mua cho nông dân với giá 5.000 đồng/kg (giảm 25.000 đồng/kg so với giá mà các bên đã thỏa thuận trước tết) nhằm hỗ trợ một phần tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện xông thanh long.
Nếu người dân không đồng ý, thương lái chấp nhận mất tiền cọc và từ chối thu mua. Còn đối với các vườn thanh long đang chín nhưng chưa đặt cọc thì không có thương lái nào chào mua.
Anh Mai Văn Một, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, chia sẻ: "Thanh long ruột đỏ thì hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thanh long cũng đã nhiều lần rớt giá, nhưng đây là lần đầu tiên thanh long rớt giá và không được thu mua vào dịp Tết Nguyên đán. Hiện 3.000m2 thanh long của tôi chuẩn bị thu hoạch, ước lượng khoảng trên 3 tấn nhưng không có thương lái nào thu mua. Ở địa phương cũng có rất nhiều người trồng thanh long gặp hoàn cảnh giống tôi".
"Vẫn biết điệp khúc "được mùa, mất giá" thường diễn ra với nông sản nói chung và thanh long nói riêng và làm ăn với các thương lái Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay hầu hết thanh long (nhất là thanh long ruột đỏ) đều xuất sang thị trường Trung Quốc.
Với tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona như hiện nay, người trồng thanh long không khỏi âu lo. Thậm chí, cho dù dịch bệnh sớm được kiểm soát, cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc được thông quan thì nỗi lo "mất giá" vẫn canh cánh với người dân trồng thanh long.
Vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona cũng là cái cớ để thương lái bắt tay "ép giá" các nhà vườn trồng thanh long" - anh Một nói thêm./
Theo Lê Đức (Báo Long An)
Thời virus corona, dừng đàm phán xuất khẩu chính ngạch sầu riêng Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, bệnh viêm phổi cấp do biến chủng virus corona đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, việc đàm phán ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, khoai lang, thạch đen, yến cũng phải tạm dừng. Tại Hội nghị thúc đẩy thương...