Nhà ngoại giao Triều Tiên bị nghi đào tẩu sang Hàn Quốc
Một nghị sĩ Hàn Quốc tiết lộ Jo Song-gil, quyền đại sứ Triều Tiên tại Rome “mất tích” năm 2018, đang bí mật sinh sống ở Hàn Quốc.
Jo Song-gil, khi đó 48 tuổi, là quyền đại sứ Triều Tiên tại Rome khi ông và vợ “mất tích” vài ngày trước khi trở về Bình Nhưỡng tháng 11/2018. Tung tích của ông là điều bí ẩn, làm dấy lên nhiều nghi ngờ rằng ông là một trong những nhà ngoại giao cấp cao nhất đào tẩu khỏi Triều Tiên.
Ha Tae-keung, nghị sĩ thuộc đảng đối lập Hàn Quốc và là ủy viên Ủy ban Tình báo Quốc hội, hôm 6/10 thông báo trên Facebook rằng ông Jo đã tới Hàn Quốc và bí mật sinh sống ở đây từ tháng 7/2019 dưới sự bảo vệ của chính phủ.
Thông tin được ông Ha đưa ra vài giờ sau khi JTBC, một kênh truyền hình cáp Hàn Quốc, cho hay Jo đã trốn sang nước này. JTBC trích các nguồn tin tình báo giấu tên xác nhận Jo đã đào tẩu và nhiều hãng tin khác của Hàn Quốc cũng đưa tin tương tự.
Jo Song-gil (thứ hai từ phải sang) tại Italy năm 2018 trước khi biến mất cùng vợ. Ảnh: AP
Tiết lộ về Jo có thể làm căng thẳng quan hệ Hàn – Triều. Quan hệ giữa hai nước xấu đi nhiều tháng nay sau khi Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc chung và quân đội nước này bắn chết một quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc gần ranh giới trên biển giữa hai miền.
Video đang HOT
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc tuyên bố “không xác nhận” thông tin của Ha. Cơ quan này thường sử dụng những cụm từ như vậy khi muốn giữ bí mật việc một người nổi tiếng Triều Tiên đào tẩu do lo ngại gây hậu quả xấu cho quan hệ liên Triều, hoặc để giúp bảo vệ thân nhân của người đào tẩu đang ở Triều Tiên.
Nếu việc đào tẩu được xác nhận, Jo sẽ là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc sau Hwang Jang-yop, cựu bí thư đảng Lao động cầm quyền của Triều Tiên, đào tẩu sang Seoul từ đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh năm 1997.
Nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên gần nhất đào tẩu sang Hàn Quốc là Thae Yong-ho, một quan chức trong đại sứ quán Triều Tiên ở London, bỏ trốn cùng vợ và hai con trai sang Seoul năm 2016.
Nhiều năm qua, một số người Triều Tiên nổi tiếng như Hwang hay Thae đã sống công khai sau khi định cư ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều người khác muốn giữ bí mật để bảo vệ người thân còn ở Triều Tiên và tình báo Hàn Quốc tôn trọng nguyện vọng này.
Jo và vợ sống cùng con gái ở Rome nhưng khi đào tẩu, họ không thể mang theo con gái đi cùng. Giới chức Italy cho biết con gái họ sau đó được các nhà chức trách Triều Tiên đưa về nước.
Sau khi Jo biến mất khỏi Italy, cựu quan chức ngoại giao đào tẩu Thae đã viết thư ngỏ kêu gọi quyền đại sứ đào tẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi con gái của Jo được đưa về Triều Tiên, Thae cho hay Jo sẽ vô cùng khó khăn khi định cư ở Hàn Quốc.
“Con gái của ông ấy sẽ phải chịu hình phạt nghiêm trọng hơn nếu ông ấy lựa chọn đào tẩu sang Hàn Quốc hơn là tới những nước khác”, Thae trao đổi với phóng viên năm ngoái. “Ông ấy có thể phải im lặng và giữ bí mật tung tích của mình để bảo vệ con”.
Ông Thae, hiện là một nghị sĩ liên minh với đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, hôm nay ra tuyên bố bày tỏ lo ngại rằng việc truyền thông Hàn Quốc tiết lộ về nơi đào tẩu của ông Jo sẽ gây nguy hiểm hơn nữa cho số phận con gái ông ở Triều Tiên.
Hiện chưa rõ lý do khiến Jo quyết định đào tẩu. Ông được điều tới Rome làm quyền đại sứ hồi tháng 5/2015, sau khi Italy trục xuất đại sứ Mun Jong-nam năm 2017 để phản đối vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên.
Việc Jo biến mất được giữ bí mật tới khi một tờ báo Hàn Quốc đưa tin vào năm ngoái rằng ông đang xin tị nạn ở phương Tây. Các nhà lập pháp Hàn Quốc sau đó được Cơ quan Tình báo Quốc gia thông báo ngắn gọn, xác nhận ông mất tích. Tháng 8 năm ngoái, tình báo Hàn Quốc nói với các nghị sĩ ở Seoul rằng Jo đang an toàn ở một nơi ngoài Italy.
Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng sau tiết lộ này. Các nhà ngoại giao Triều Tiên thường là con em trong các gia đình tinh hoa. Bố đẻ và bố vợ của Jo đều từng làm đại sứ, theo Thae.
Hơn 30.000 người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc kể từ giữa thập niên 1990. Triều Tiên thường gọi họ là “kẻ phản bội” hoặc tuyên bố đã bị cơ quan gián điệp Hàn Quốc bắt cóc.
Hàn Quốc tố Triều Tiên lần đầu gửi thông điệp tình báo qua YouTube
Truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa tin, Triều Tiên lần đầu tiên đã cho phát trên kênh YouTube các con số bí ẩn, được cho là thông điệp mã hóa gửi các điệp viên của họ ở bên kia biên giới.
Theo hãng thông tấn Yonhap, tài khoản Đài Bình Nhưỡng sáng 29/8 đã cho đăng tải một bản tin ngắn, đáng chú trên kênh YouTube. Trong đó, một nữ phát thanh viên đề cập đến "nhiệm vụ đánh giá công nghệ thông tin của trường đại học giáo dục từ xa dành cho các nhân viên thám hiểm số 719".
Phát thanh viên lặp lại nhiều lần cụm "số 23 trên trang 564, số 19 trên trang 479" trong khoảng 1 phút. Tính đến 11 giờ sáng cùng ngày, bản tin đã thu hút tới 2.500 lượt xem.
Đáng nói, các con số trên không được nhắc đến trên sóng phát thanh của đài. Yonhap cho biết thêm, Triều Tiên từng cho phát đi các số có vẻ ngẫu nhiên qua đài phát thanh sau chiến tranh Lạnh và gần đây nhất là vào các ngày 7 và 13/3. Tuy nhiên, đây dường như là lần đầu tiên Bình Nhưỡng sử dụng nền tảng chia sẻ video toàn cầu để gửi các thông điệp mã hóa.
Theo báo RT, Triều Tiên bắt đầu tái gửi thông điệp cho các điệp viên hoạt động ở nước ngoài cách đây vài năm, sau một thời gian dài "án binh bất động". Vào thời điểm đó, chính quyền bảo thủ đang nắm quyền ở Hàn Quốc được cho là có thái độ thù địch với Bình Nhưỡng. Truyền thông ở xứ sở kim chi cũng thường đưa tin về các thông điệp mã hóa, tình nghi của nhà lãnh đạo Kim Jong Un gửi đến các điệp viên của ông.
Song, khi Seoul thay đổi lập trường dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới, thúc đẩy chính sách hợp tác với nước láng giềng, sự chú ý đối với các thông điệp tình báo như trên đã giảm bớt.
Tuy nhiên, một số ý kiến thận trọng cho rằng, mối quan hệ giữa kênh YouTube và Chính phủ Triều Tiên có thể đã bị phóng đại. Theo trang NK News, Đài Bình Nhưỡng với tên tiếng Anh "Pyongyang Broadcast Service - D.P.R. of Korea", tài khoản được dùng để truyền tải thông điệp hôm 29/8 trên YouTube là một đài tư nhân phát sóng từ Mexico. Trong khi đó, Chính phủ Triều Tiên đặt tên tiếng Anh cho đài phát thanh quốc gia là "Pyongyang Broadcasting Service".
Chuyên gia công nghệ Martyn Williams nhận định trên trang NK News rằng, xét về những tiếng nhiễu có thể nghe thấy rõ, bản tin có vẻ là thông điệp thực sự của Triều Tiên được ghi lại từ đài phát thanh.
Ngoài ra, tài khoản YouTube nói trên đã nhiều lần đổi tên kể từ năm 2007. Nội dung phát sóng trên kênh cũng khá đa dạng về Triều Tiên, kể cả chương trình biểu diễn ca nhạc.
Tổng thống Hàn nỗ lực 'cứu' đàm phán với Triều Tiên Tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm những quan chức ủng hộ quan hệ liên Triều vào các vị trí quan trọng nhằm "hồi sinh" các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in hôm nay bổ nhiệm Suh Hoon, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), làm cố vấn an ninh quốc gia, đồng thời đề cử...