Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Việt Nam sẽ khởi công năm 2020
Sau thảm họa phóng xạ tại Fukushima (Nhật), việc khởi công nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận bị chậm lại do phải rà soát, đánh giá lại.
Ngày 3/12, tại Hội thảo Phát triển điện hạt nhân, ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học Công nghệ – cho biết, việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận sẽ dời đến năm 2020, chậm hơn dự kiến 6 năm.
Theo ông Tuấn, các cơ quan đang tiếp tục thẩm định hồ sơ dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để trình Thủ tướng phê duyệt. “Các đơn vị cũng đánh giá tác động môi trường, địa điểm xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Việc thẩm định cũng thông qua tham vấn các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)”, ông Tuấn nói.
Sau thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản do động đất và sóng thần, Chính phủ đã yêu cầu rà soát, bổ sung các giải pháp bảo đảm an toàn. Dự án sau đó phải lùi địa điểm đã chọn vào đất liền sâu hơn, công trình được nâng lên để bảo đảm an toàn. Việc này phát sinh nhiều công việc như di dời, đền bù giải phóng mặt bằng nên quá trình chuẩn bị kéo dài thêm.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: T.P
Sau khi hồ sơ được Thủ tướng phê duyệt, dự án sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để ký với đối tác của Nga. Nguồn vốn xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khoảng 8-10 tỷ USD, chủ yếu được Nga cho vay theo hiệp định đã ký trước đó của chính phủ hai nước.
Video đang HOT
Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thường tốn chi phí rất lớn nhưng khi vận hành lại rất thấp, tuổi thọ đến 60 năm. Khi hoàn thành, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có 4 tổ máy với công suất khoảng 4.000 MW, đóng góp khoảng 3-4% trong tổng nhu cầu điện năng của cả nước.
Theo định hướng quy hoạch phát triển, điện hạt nhân sẽ đóng góp khoảng 10% tổng công suất điện quốc gia trong những năm tới.
Lãnh đạo Cục Năng lượng Nguyên tử thừa nhận, Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm điện hạt nhân nên còn nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị. Chưa có chính sách để huy động nguồn nhân lực trẻ, cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Việt Nam đang chuẩn bị hai dự án điện hạt nhân song song tại Ninh Thuận. Nhà máy số 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam do Nga hỗ trợ về công nghệ. Nhà máy còn lại ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải do Nhật giúp đỡ. Theo kế hoạch ban đầu, việc khởi công đã diễn ra cuối năm 2014 và phát điện năm 2020.
Duy Trần
Theo VNE
Mượn Huân chương kháng chiến để... làm giả chế độ
Qua rà soát, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện hơn 200 trường hợp hưởng sai chế độ. Trong đó có cả trường hợp mượn Huân chương kháng chiến của người khác để làm giả hồ sơ hưởng chế độ.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015.
Theo đó, kết quả rà soát 31.981 trường hợp là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện có 46 trường hợp hưởng sai quy định. Trong số 8.002 trường hợp người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được ra soát, phát hiện 19 trường hợp hưởng sai quy định.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã đình chỉ và thu hồi tiền cấp sai chế độ
Còn đối tượng là thanh niên xung phong rà soát 28.178 trường hợp thì phát hiện tới 117 trường hợp hưởng sai quy định. Ngoài ra, trong số 55.651 trường hợp liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ được rà soát, phát hiện 20 trường hợp hưởng sai quy định.
Tại huyện Hoằng Hóa, qua rà soát, ngành chức năng phát hiện 12 trường hợp hưởng sai chế độ. Đặc biệt, có trường hợp mượn Huân chương của người khác để làm giả hồ sơ hưởng chế độ. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Thanh Bình, ở xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, đã mượn Huân chương kháng chiến của người khác ghép vào hồ sơ để hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Sau khi rà soát, phát hiện, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã ra các quyết định đình chỉ chế độ và thu hồi trợ cấp đối với 4 trường hợp tại huyện Hoằng Hóa, với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hùng Thao - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoằng Hóa thì tại địa phương này phát hiện 12 trường hợp hưởng sai chế độ. Trong đó có 6 trường hợp thanh niên xung phong hưởng trợ cấp hàng tháng sai quy định đã dừng và thu hồi trợ cấp; 5 trường hợp là thân nhân người có công hưởng sai chế độ đã dừng và thu hồi trợ cấp. Trong các trường hợp trên thì cá biệt có một trường hợp đã mượn Huân chương kháng chiến của người khác để làm giả chế độ.
Cũng theo ông Thao, đối với các trường hợp sau rà soát phát hiện sai quy định, không đúng đối tượng mà đang hưởng chế độ thì sẽ dừng việc trợ cấp và tiến hành thu hồi tiền đã cấp.
Câu hỏi đặt ra ở đây là còn có sự lỏng lẻo trong việc thẩm định hồ sơ, chứng từ ở các cấp dẫn đến việc sai phạm nêu trên, gây thất thoát tiền của Nhà nước và bức xúc trong dư luận nhân dân.
Tại huyện Tĩnh Gia cũng đã phát hiện 4 trường hợp hưởng sai chế độ, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa ra quyết định đình chỉ, thu hồi với số tiền gần 420 triệu đồng.
Duy Tuyên
Theo Dantri
Tổng kiểm tra các loại nhà cũ trong cả nước Ngày 3.10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết đang khẩn trương lập dự thảo để gửi lãnh đạo Bộ xem xét, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về việc tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định và xây dựng lộ trình sử dụng nhà cũ, hết niên hạn sử dụng trong khu vực các đô thị...