Nhà hàng Mỹ cho tôm hùm hít cần sa trước khi đem luộc
Theo nhà hàng, khói cần sa sẽ khiến tôm bớt đau đớn khi bị luộc sống và chất THC – gây hưng phấn sẽ không tồn dư sau chế biến.
Charlotte Gill là chủ nhà hàng Charlotte’s Legendary Lobster Pound ở thị trấn Southwest Harbor tại Maine, Mỹ. Gill đang thử nghiệm cho tôm hùm hít khói cần sa trước khi giết và nấu chín chúng. Chủ nhà hàng này tin rằng đây là “ phương pháp nhân đạo” với lũ tôm hơn là buộc càng và luộc sống chúng. Cô có giấy phép sử dụng cần sa y tế từ bang Maine, Fox đưa tin ngày 19/9.
Gill (giữa) chụp ảnh cùng nhân viên nhà hàng, trên tay là hộp thí nghiệm cho tôm hùm hít cần sa. Ảnh: The Portland Press Herald.
Con tôm đầu tiên được thí nghiệm có tên Roscoe. Nó được đặt trong một hộp ngập nước, sau đó đầu bếp bơm khói cần sa vào hộp thông qua ống nối dưới nước. Gill khẳng định con tôm ít hung hăng hơn sau ba tuần, nó không tấn công những con khác dù không bị buộc càng. Kết thúc thí nghiệm, Gill đã thả con tôm về biển “như để cảm ơn nó”, theo Mount Desert Islander.
Nổi bật trong thực đơn nhà hàng của Gill là những món tôm hùm. Ảnh: Tripadvisor.
Hiện nhà hàng có một quầy phục vụ ngoài trời dành riêng cho những thực khách gọi món tôm hùm hít cần sa. Trong tương lai, Gill sẽ xây dựng một bể lớn để tách những con tôm hùm thông thường và loại mới.
“Con tôm chắc chắn sẽ bị giết, nhưng cách này nhân đạo hơn”, Gill nhận định. Cô lý giải tôm hít cần sa sẽ chịu ảnh hưởng từ chất THC – gây hưng phấn, nhưng chúng sẽ được hấp chín trước khi lên bàn ăn.
Video đang HOT
“THC bị vô hiệu hóa hoàn toàn ở nhiệt độ 392 độ C, do đó chúng tôi sẽ hấp chín cũng như thực hiện quá trình tăng nhiệt lên đến 420 độ C, nhằm đảm bảo không có THC tồn dư”, Gill khẳng định mình không bán thức ăn chứa cần sa cho khách.
Dù Gill có giải thích, một số người vẫn nghi hoặc về lượng THC có thể tồn dư trong thịt tôm hùm hít cần sa. Đại diện nhà hàng nói: “Chúng tôi cũng đã kiểm tra nhiều lần ở những mức nhiệt độ khác nhau, kết quả đều âm tính với THC. Các thử nghiệm sẽ tiếp tục được tiến hành để mở rộng thành nghiên cứu”.
Một người khác nhận định: “Đây là điều ngu ngốc nhất tôi từng biết”. Anh ta khẳng định mình sẽ ăn tôm hùm “không bị đầu độc” ở địa chỉ nào đó khác. Trong khi đó, rất nhiều người ủng hộ sáng kiến của Gill.
Tuy vậy, một số người thắc mắc vì sao Gill mở nhà hàng tôm hùm nhưng lại quan tâm đến việc chúng cảm thấy thế nào khi bị luộc sống.
Ở Thụy Sĩ, quá trình chế biến tôm hùm cũng vấp phải luồng ý kiến bất bình từ những người bảo vệ động vật. Hồi tháng 3, chính phủ nước này ban lệnh cấm thả tôm hùm sống vào nước sôi. Theo đó, người chế biến cần làm tôm hùm bất tỉnh bằng cách gây sốc điện, phá hủy não…
Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng cấm ướp lạnh khi vận chuyển các loài động vật giáp xác tươi sống, chúng phải được chứa trong nước biển gần với môi trường sống tự nhiên nhất.
Phạm Huyền
Theo Vnexpress
Quốc gia cấm dân làm tôm hùm đau đớn khi luộc trong nước sôi
Tôm hùm là món ăn khoái khẩu ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng có một quốc gia mới thông qua luật coi luộc sống tôm hùm là hành động vô nhân đạo.
Luộc sống tôm hùm bị cấm ở Thụy Sĩ từ tháng 3.2018.
Theo CNN, chính phủ Thụy Sĩ mới điều luật nghiêm cấm thả tôm hùm vào nước sôi khi chúng vẫn còn ý thức.
Động thái này được đưa ra sau nghiên cứu khoa học khẳng định tôm hùm có hệ thần kinh phức tạp, biết cảm nhận đau đớn.
Từ tháng 8.2018, tôm hùm ở Thụy Sĩ phải được gây mê hoặc làm mất ý thức trước khi bị giết. Tôm hùm cũng được bảo vệ nghiêm ngặt hơn trong quá trình vận chuyển.
"Nhiều loài động vật giáp xác, bao gồm cả tôm hùm sống, không được bảo quản bằng nước đá mà phải vận chuyển trong môi trường tự nhiên", điều luật mới quy định. Tôm hùm "phải được làm cho bất tỉnh trước khi bị giết chết".
Tôm hùm phải được làm chết não trước khi chế biến thành món ăn.
Cụ thể, chỉ có biện pháp chích điện hoặc dùng máy hủy não tôm hùm mới được chấp thuận. Điều luật mới nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia và giới nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Robert Elwood đến từ Đại học Queen's Belfast ở Anh là người đã tiến hành nhiều nghiên cứu khẳng định động vật giáp xác và tôm hùm cảm nhận được sự đau đớn.
Trong một thí nghiệm, ông Elwood chích điện ốc mượn hồn và loài giáp xác này ngay lập tức chạy trốn khỏi mái nhà của mình.
Hiện chưa rõ có quốc gia nào tiếp bước Thụy Sĩ hay không.
"Với những dữ liệu mà chúng tôi có, rất có khả năng là tôm hùm biết cảm nhận đau đớn", ông Elwood nói. "Chúng ta bảo vệ loài chim, động vật có vú, vậy tại sao không phải là tôm hùm hay cua?"
Ông Elwood coi hành động của chính phủ Thụy Sĩ là rất tích cực. Nhưng đây mới chỉ là bước tiến đầu tiên.
"Tôi không rõ có bao nhiêu con tôm hùm bị luộc sống mỗi năm ở Thụy Sĩ, nhưng chắc hẳn số lượng sẽ rất nhỏ so với hàng tỷ động vật giáp xác bị giết thịt mỗi năm trong chuỗi thức ăn của con người", ông Elwood nói.
Hiện chưa rõ có thêm những quốc gia nào áp dụng điều luật mới giống như Thụy Sĩ hay không.
Theo Danviet
Phục vụ choáng trước yêu cầu đơn giản của thực khách Một vị khách bước vào nhà hàng, gọi một phần súp, nhân viên phục vụ bưng lên cho anh ta ngay tức khắc. Nhân viên phục vụ vừa đi, anh ta đã nói: - Xin lỗi, tôi không có cách nào dùng phần súp này. Nhân viên phục vụ lại bưng lên cho anh ta một phần súp khác, anh ta vẫn nói:...