“Nhà giàu cũng khóc” thời Covid-19
Tại một số quốc gia, Covid-19 bị gọi là “ bệnh của nhà giàu” vì nhiều người nhiễm nCoV từ các chuyến du lịch hay công tác nước ngoài.
Hơn 500 người Mexico giàu có, bao gồm nhiều người có vai vế trong giới tài chính và kinh doanh của đất nước, tới nghỉ đông tại thị trấn Vail, Colorado, Mỹ. Trong hai tuần, họ trượt tuyết, mua sắm, tụ họp trong các biệt thự và ăn tối tại những nhà hàng sang trọng.
Khi họ trở về Mexico vào đầu tháng ba, ít nhất 50 người nhiễm nCoV, bao gồm người đứng đầu sàn giao dịch chứng khoán Mexico và giám đốc điều hành của công ty sở hữu thương hiệu rượu Jose Cuervo. Hàng trăm người đang tự cách ly. Jose Kuri, 71 tuổi, doanh nhân nổi tiếng và là anh họ của tỷ phú viễn thông Carlos Slim, nằm trong số người nhiễm và phải nhập viện.
Vợ của một doanh nhân Mexico trượt truyết ở Vail, Mỹ cuối tháng ba. Ảnh: WSJ.
Giới chức y tế công cộng Mexico xác định những người đi nghỉ dưỡng ở Vail cuối tháng 2 là một trong những nguồn lây nhiễm nCoV chính ở nước này. Họ cho rằng những người đi nghỉ bị lây từ giải trượt tuyết lớn tổ chức ngày 24-29/2 ở Vail, sự kiện có một số người Italy tham dự.
Chuyến nghỉ dưỡng ở Vail là ví dụ cho thấy nhiều trường hợp nhiễm nCoV xuất hiện trong giới giàu, những người có thời gian và tiền bạc để ra nước ngoài.
Xu hướng này xuất hiện trên toàn cầu. Vợ Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Sophie Grégoire Trudeau, dương tính với nCoV sau khi tới London đầu tháng ba, tham dự sự kiện từ thiện với những người nổi tiếng bao gồm nam diễn viên Idris Elba, người cũng nhiễm virus. Bà Grégoire Trudeau đã bình phục. Các quan chức chính phủ ở Cameroon và Kenya cũng nhiễm nCoV khi về nước sau các chuyến đi châu Âu.
Tại Brazil, những người nhiễm nCoV đầu tiên là du khách giàu có đi nghỉ ở Italy. Cleonice Gonalves, quản gia 63 tuổi, làm việc tại Leblon, Rio de Janeiro, chết hồi giữa tháng ba sau khi dương tính với virus. Chủ của bà gần đây đến Italy.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thái tử Charles đều dương tính với nCoV. Thái tử tuần trước cho biết ông đã bình phục, còn Thủ tướng Johnson đang được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực. Ông từng đến một hội nghị thượng đỉnh ở Đức vào cuối tháng một, nhưng không rõ có phải ông nhiễm nCoV trong chuyến đi hay không.
Một số điểm du lịch như khu trượt tuyết đã trở thành các cụm dịch nCoV. Giới chức y tế công cộng ở vùng Scandinavia tháng này cho biết hàng trăm du khách đã nhiễm nCoV khi đi nghỉ ở khu trượt tuyết Ischgl, Áo, địa điểm gần đây được nhiều du khách yêu thích. Vail, Aspen và hầu hết khu trượt tuyết nổi tiếng khác ở miền tây nước Mỹ đã bị đóng cửa.
Trong hầu hết trường hợp, việc lây nhiễm là do không may và những người nhiễm không nhận ra mức độ lây lan của Covid-19 hay nhận thức được nơi họ đến là điểm nóng dịch. Tuy nhiên, việc nhiều người giàu có và nổi tiếng nhiễm nCoV đã làm bùng lên căng thẳng về tầng lớp xã hội và làm dấy lên quan điểm rằng Covid-19 là vấn đề của người giàu, đặc biệt là ở các quốc gia có tình trạng bất bình đẳng kinh tế cao.
Video đang HOT
“Chẳng phải phần lớn người nhiễm nCoV là người giàu sao?”, Miguel Barbosa, thống đốc bang Puebla, Mexico, nơi ghi nhận 38 ca nhiễm, nói trong cuộc họp báo vào cuối tháng ba. “Nếu anh giàu, anh sẽ gặp rủi ro lớn, còn người nghèo chúng ta thì miễn dịch”.
Tại Uruguay, nhà thiết kế thời trang Carmela Hontou về nước vào giữa tháng ba sau chuyến đi Madrid. Bà dự một đám cưới 500 khách vào cuối tuần đó và lây nhiễm cho hơn 40 người. Theo giới chức y tế, ít nhất 20 trong số 29 ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Uruguay liên quan đến Hontou.
Hontou bị chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội và bị ban quản lý chung cư bà ở kiện. Ở Uruguay và nước láng giềng Argentina, Covid-19 được đặt tên là “bệnh của nhà giàu”.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng khó có thể đổ lỗi cho một nhóm người cụ thể về Covid-19, vì nhu cầu đi lại trên thế giới ngày càng tăng và sự phát triển của ngành hàng không vô tình tạo điều kiện để nCoV lây lan nhanh chóng. Lưu lượng hàng không toàn cầu tăng vọt, với số lượng hành khách tăng từ 3,53 tỷ lên 4,3 tỷ lượt vào năm ngoái, theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Số máy bay thương mại toàn cầu tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua lên 22.000 chiếc, theo công ty tư vấn Jetnet LLC, với hơn 2/3 số máy bay ở Mỹ. Mexico và Brazil nằm trong top 5.
WHO cảnh báo trong nhiều năm rằng sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không đang khiến dịch bệnh toàn cầu khó kiểm soát hơn. Năm 2003, Hussein Gezairy, bác sĩ người Arab Saudi và là giám đốc khu vực của WHO, viết rằng “vì ngành hàng không phát triển nhanh, không quốc gia nào an toàn trước các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh ở một quốc gia có thể dễ dàng nhanh chóng lây lan ra các quốc gia khác thông qua đi lại và thương mại”.
Định kiến về một nhóm người có thể khiến những lời cảnh báo bị xem nhẹ. Doanh nhân ngành công nghệ David Jassan nhiễm nCoV sau khi tiếp xúc với bạn bè từng đi nghỉ dưỡng ở Vail. Sau khi nhập viện, Jassan quay video kêu gọi chính phủ hành động nhanh hơn để tránh tình trạng bệnh viện quá tải như Tây Ban Nha và Italy.
Vào thời điểm đó, chính phủ Mexico chưa kêu gọi người dân “cách biệt cộng đồng”. Cảnh báo của Jassan không được đón nhận tích cực. Những người ủng hộ Tổng thống dân túy Andrés Manuel López Obrador chỉ trích Jassan là kẻ lừa đảo, muốn làm Tổng thống Mexico bẽ mặt bằng cách kích động hoảng loạn về virus. Họ đặt cho ông biệt danh “Ngài Viêm phổi” để mỉa mai. Mexico hiện ghi nhận hơn 2.400 ca nhiễm và hơn 120 ca tử vong.
Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng việc đổ lỗi cho bất kỳ nhóm người cụ thể nào, theo chủng tộc, địa vị xã hội hay quê quán, chỉ khiến dịch bệnh khó kiểm soát hơn, vì người nhiễm nCoV có thể giấu bệnh do lo sợ bị công chúng chỉ trích.
Điều đó khiến toàn bộ xã hội gặp rủi ro, đặc biệt là người nghèo, dễ bị tổn thương, ít được tiếp cận với dịch vụ y tế và không thể làm việc ở nhà. “Bất cứ chính trị gia nào, bất cứ ai cố đổ lỗi cho người giàu đều thực chất đang gây nguy hiểm cho người nghèo”, Nuzzo nói.
Giới nghiên cứu lo ngại Covid-19 phủ khắp toàn cầu
Các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả các nước cần chuẩn bị trước "khả năng cao" Covid-19 bùng phát tại nước mình.
"Khả năng cao là nCoV sẽ tiếp tục lan đến các quốc gia khác. Chúng ta đang bắt đầu thấy mức độ lây nhiễm không liên quan đến việc di chuyển từ nơi có dịch", Leslie Dach, cựu cố vấn cao cấp Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ, nói với VnExpress.
Dach là người chịu trách nhiệm xử lý dịch Ebola và Zika trong chính quyền Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama (2014-2016). Hiện ông là Chủ tịch của Protect our Care, tổ chức hoạt động nhằm bảo vệ chính sách y tế cho người Mỹ, ủng hộ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare).
Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đến nay đã xuất hiện tại gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 90.000 ca nhiễm, hơn 3.000 người tử vong.
Đồng tình với Dach, bà Laurie Garrett, chuyên gia về bệnh dịch, tác giả cuốn sách "Ebola: Câu chuyện về sự bùng phát", cho biết nCoV đã xuất hiện ở phía nam bán cầu, gồm Australia, Brazil, Mexico. Từng là chuyên gia y tế của Hội đồng Đối ngoại, Mỹ (Council on Foreign Relations) từ 2004 - 2017, Garrett hiện là nhà phân tích độc lập.
"Dịch sẽ quay vòng trên khắp thế giới, bất chấp thay đổi mùa, trong một thời gian dài", Garrett nói.
Bày tỏ lo ngại khi các ca nhiễm mới xuất hiện nhiều hơn so với số lượng tại Trung Quốc đại lục, Garrett cho rằng Covid-19 đã chuyển khỏi tâm dịch Vũ Hán đến các điểm khác trên thế giới. Mức độ lây nhiễm nhanh nhất đang diễn ra ở Hàn Quốc, Iran và Italy.
Hôm 28/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tăng cảnh báo nguy cơ lây lan Covid-19 từ "cao" lên mức "rất cao" ở cấp độ toàn cầu. Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO, cho biết "rất cao" là mức "đánh giá cao nhất về nguy cơ lây nhiễm và tác động" của dịch.
Một người phụ nữ Hàn Quốc đeo khẩu trang khi các nhân viên của công ty diệt khuẩn làm việc tại khu chợ truyền thống tại Seoul hôm 26/2. Ảnh: Reuters.
Tính đến ngày 2/3, tại Hàn Quốc, ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở mức hơn 4.300, số ca tử vong tăng lên 26. Tại Italy, ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Âu, tổng số ca nhiễm bệnh là gần 1.700, trong đó 34 người đã tử vong. Giới chức y tế cảnh báo các bệnh viện ở Italy đã chạm ngưỡng và sẽ rơi vào khủng hoảng nếu số ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng mạnh. Covid-19 đang lây lan mạnh mẽ tại châu Âu, Đức hôm 1/3 ghi nhận 129 ca nhiễm nCoV, tăng gần gấp đôi so với 66 ca một ngày trước đó.
Nói đến tình hình tại Trung Quốc, William Schaffner, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm, Trường Y khoa, Đại học Vanderbilt, Nashville, Mỹ, trông đợi Bắc Kinh hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để đưa ra một con số thống nhất về số người tử vong và ca nhiễm mới tại Vũ Hán nói riêng và Hồ Bắc nói chung. Tính đến ngày 2/3, Trung Quốc công bố tổng số ca tử vong là 2.912, trong tổng số 80.026 người nhiễm bệnh.
"Tôi hy vọng các chuyên gia WHO hỗ trợ Trung Quốc đưa ra một cách tính chuẩn", Schaffner nói.
Giáo sư John Ioannidis, chuyên ngành nghiên cứu y khoa và ngăn chặn bệnh dịch, Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng c òn quá sớm để ước tính về "mức độ tồi tệ" của Covid-19. Ông cho biết nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, có thể số lượng các nhiễm cao hơn số ca được chẩn đoán. Vì thế số người tử vong có thể không cao như số dựa trên kết quả chẩn đoán.
Theo Ioannidis, có thể số lượng người tử vong do Covid-19 thấp hơn 100 lần so với bệnh cúm hàng năm. Tại Mỹ, tính đến ngày 22/2, có 18.000 chết do cảm cúm, 32 triệu người nhiễm bệnh, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Mùa cúm tại Mỹ bắt đầu từ tháng 10/2019.
Đề xuất biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19, giáo sư Ioannidis lưu ý các nước nên áp dụng biện pháp cách ly một cách sáng suốt, tránh lặp lại sai lầm như Nhật Bản đã thực hiện với du thuyền Diamond Princess, khi không tách riêng thủy thủ đoàn từ đầu giai đoạn cách ly, khiến tàu thành "lò ấp virus". Ioannidis cũng khuyến cáo các nước cần quan tâm xác đáng đến dịch, theo dõi sát tiến triển nhưng không nên có tâm lý hoảng loạn.
Hôm 28/2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trấn an dư luận khi tuyên bố "chìa khoá để kiểm soát virus là phá vỡ chuỗi lây lan", khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.
"Kẻ thù lớn nhất của chúng ta không phải là virus, đó là nỗi sợ hãi, tin đồn gây hoang mang và sự kỳ thị. Tài sản lớn nhất của chúng ta là sự thật, lý trí cùng tình đoàn kết", Tedros nói.
Tiến sĩ Mike Ryan của WHO cho rằng tổ chức này nâng cảnh báo lên mức cao nhất không có mục đích "khiến mọi người hoảng sợ", mà nhằm truyền thông điệp "hãy thức tỉnh và sẵn sàng". Ông cho biết dữ liệu của WHO không cho thấy Covid-19 là "đại dịch".
Giáo sư Richard Larson, chuyên gia về dữ liệu và xã hội, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, nhận định Covid-19 nhiều phần giống với dịch SARS năm 2003. SARS đã được ngăn chặn không chỉ bằng vaccine mà còn nhờ sự phối hợp của các cá nhân với nhau và với chính phủ. Trong khi chưa có vaccine chữa Covid-19, ông cho rằng các nước nên áp dụng các biện pháp tương tự như chống SARS. Các biện pháp đó là giữ khoảng cách trong giao lưu xã hội một cách nghiêm ngặt, thay đổi hành vi liên quan đến vệ sinh và tự cách ly, khi không chắc về việc bị nhiễm bệnh.
Chuyên gia Dach cho biết khó có thể dự báo diễn biến sắp tới của dịch, khi giới nghiên cứu vẫn chưa biết nhiều về nCoV sau hơn hai tháng bùng phát, trong đó có tỷ lệ tử vong và mức độ phơi nhiễm.
"Chính phủ của tất cả các nước nên tích cực lập kế hoạch để đối phó với khả năng dịch bùng phát", Dach nói.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện Covid-19. Bấm vào để xem chi tiết.
Mỹ ghi nhận ca tử vong thứ hai vì nCoV 36 Thủ lĩnh Tân Thiên Địa bị đề nghị điều tra tội giết người Người Iran hôn đền thờ giữa lúc Covid-19 bùng phát 115 Cộng hòa Dominica ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên Số ca nhiễm nCoV ở Hàn Quốc vượt 4.000
Việt Anh
Theo vnexpress.net
PAHO cảnh báo dịch sốt xuất huyết tăng mạnh tại châu Mỹ Trong tổng số ca sốt xuất huyết tại châu Mỹ năm ngoái, Brazil chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 2,24 triệu người và một nửa số trường hợp tử vong trong khu vực cũng là ở quốc gia Nam Mỹ này. Ảnh minh họa. (Nguồn: news784) Ngày 13/2, Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO) cảnh báo số ca mắc sốt xuất...