Nhà giá rẻ lép vế trước căn hộ trung và cao cấp
Năm 2018, thị trường căn hộ Hà Nội tiếp tục lặp lại kịch bản cũ là phân khúc nhà giá rẻ lép vế, trung và cao cấp áp đảo nguồn cung.
Căn hộ trung và cao cấp áp đảo nguồn cung
Báo cáo của CBRE cho thấy trong 3 quý đầu năm 2018, nguồn cung căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng rất thấp so với căn hộ trung và cao cấp tại thị trường Hà Nội. Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội nhấn mạnh: “Tỷ trọng nhà giá rẻ chào bán mới trên thị trường trong quý III không tăng so với các quý trước. Nguồn cung vẫn chủ yếu tập trung ở phân khúc trung cấp và cao cấp, nhà giá rẻ chỉ chiếm khoảng dưới 20%”.
Theo bà An, nhu cầu nhà giá rẻ rất lớn nhưng việc phát triển phân khúc này vấp phải nhiều thách thức. Một thực tế là nhà giá rẻ không thể nằm trong trung tâm thành phố. Để đầu tư phát triển nhà giá rẻ ở các vị trí xa trung tâm buộc phải có hạ tầng hỗ trợ. Bởi chỉ khi có hạ tầng tốt, người dân mới yên tâm mua, yên tâm ở và các chủ đầu tư mới đủ tự tin và mạnh dạn để đầu tư.
Trong khi căn hộ giá rẻ hoàn toàn lép vế thì thị trường ghi nhận sự áp đảo nguồn cung của căn hộ trung và cao cấp. Theo CBRE, kịch bản này sẽ được lặp lại trong quý cuối năm 2018. Phân khúc trung cấp sẽ duy trì vị trí dẫn đầu – dự kiến chiếm khoảng trên 60% tổng nguồn cung chào bán năm 2018 khi các dự án trung cấp quy mô lớn như Vincity Ocean Park, Vincity Tây Mỗ Đại Mỗ (tên dự án chưa được công bố chính thức và có thể thay đổi) được chào bán.
Đây là những dự án có quy mô gần như lớn nhất trên thị trường trong năm nay và được nhiều chuyên gia nhận định là sẽ có tác động đến bức tranh chung của thị trường bất động sản. Sự tác động ở đây không nằm ở quy mô dự án mà là khả năng hấp thụ của thị trường và vấn đề chính là thời gian.
Bà An nhấn mạnh: “Chúng ta cũng đã nhìn thấy các dự án đô thị mới có diện tích lớn như Ecopark, Ciputra. Những dự án này cung cấp cho thị trường đa dạng sản phẩm và cũng cần thời gian dài để phát triển, định hình, nhận định về sự tác động, có thể là 10-20 năm”.
Video đang HOT
Thị trường bán lẻ: Nguồn cung tăng, giá thuê giảm
Trong quý III/2018, khu vực Đống Đa – Ba Đình và khu phía Tây tiếp tục chiếm lĩnh thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội với hơn 60% tổng diện tích cho thuê. Cũng trong quý qua, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội ghi nhận một dự án mới là trung tâm thương mại Discovery Complex với diện tích hơn 20.000m2 sàn thương mại ở khu vực phía Tây (Cầu Giấy).
Tính đến hết năm 2018, nguồn cung thị trường tăng đáng kể, đạt gần 940.000m2 diện tích cho thuê. Như vậy, trong năm 2018, nguồn cung mặt bằng bán lẻ dự kiến tăng 18,5% theo năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng từ 2015-2017 (khoảng 6,5%/năm).
Tuy nhiên, riêng khu vực trung tâm (Hoàn Kiếm và phía Bắc quận Hai Bà Trưng) gần như không có tỷ lệ trống của trung tâm thương mại và giá thuê vẫn giữ mức cao nhất thị trường, xấp xỉ 100 USD/m2/tháng.Trước áp lực từ nguồn cung tăng, khu vực ngoài trung tâm có sự điều chỉnh giá chào thuê. Khu Đống Đa – Ba Đình và phía Tây nơi tập trung chủ yếu mặt bằng bán lẻ có giá chào thuê đạt 29 USD/m2/tháng, giảm 1,3% theo năm. Tương tự, giá chào thuê các khu vực ngoài trung tâm khác cũng có xu hướng giảm, đạt 24,1 USD/m2/tháng, giảm 2,4% theo năm. Giám đốc điều hành CBRE Hà Nội nhận định, tỷ lệ trống tại các khu vực ngoài trung tâm đang tăng theo năm do áp lực nhiều nguồn cung mới.
Ngoài ra, các thương hiệu nước ngoài vẫn tiếp tục đẩy mạnh thị phần tại Hà Nội. Cụ thể, H&M đã khai trương cửa hàng thứ hai tại Hà Nội, cũng nằm trong trung tâm thương mại. Do đó, sự cạnh tranh trên thị trường được dự báo sẽ ngày càng tăng, thúc đẩy các nhà bán lẻ nội địa cải thiện sản phẩm và hoạt động bán hàng.
Về ngành giải trí, hệ thống rạp chiếu phim tại Hà Nội vẫn đang được chi phối bởi các đơn vị nước ngoài như CGV, chiếm khoảng 60% số lượng rạp chiếu phim tại Hà Nội. Bên cạnh đó, thị phần siêu thị Hà Nội đang được thống lĩnh bởi hệ thống siêu thị nội địa, đứng đầu là Vinmart và Fivimart.
Theo Thuý An
Diễn đàn doanh nghiệp
Tokyo Tower: Từ toà nhà cao thứ 3 Hà Nội đến bị ngân hàng siết nợ
Từng được quảng cáo là trái tim của quận Hà Đông (Hà Nội), dự án Tokyo Tower đến nay đã chậm bàn giao gần một năm. Mới đây nhất, dự án bị ngân hàng PvcomBank siết nợ.
Trái tim của Hà Đông, toà nhà cao thứ 3 Hà Nội
Chung cư Tokyo Tower (tên gọi trước đây là Hanoi LandMark 51) có địa chỉ tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), được triển khai từ tháng 12/2014 và khởi công từ tháng 4/2015. Dự án do Liên danh Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 và Công ty cổ phần thương mại Hoàng Vương làm chủ đầu tư.
Tháng 12/2015, Sông Đà 1.01 và PVcomBank đã ký hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này với giá trị bảo lãnh là 1.000 tỷ đồng. HĐQT công ty nhất trí sử dụng tài sản đảm bảo thế chấp là toàn bộ dự án. Ngoài ra, PVComBank cũng đồng ý tài trợ vốn tín dụng 600 tỷ đồng cho dự án này.
Tòa nhà được xây dựng trên 4.800 m2 đất với mật độ xây dựng 43%, có chiều cao 51 tầng với tổng số 688 căn hộ, trong đó có 5 tầng thương mại, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng bể bơi, 43 tầng căn hộ, 4 tầng hầm. Dự án này được quảng cáo là trái tim của quận Hà Đông, được đánh giá là tòa nhà cao thứ ba tại Hà Nội, chỉ sau tòa nhà Keangnam Hà Nội Landmark Tower và tòa nhà Lotte Center Hà Nội.
Theo dự kiến ban đầu, toà nhà được bàn giao vào quý IV/2017 song tính đến thời điểm hẹn bàn giao, dự án mới chỉ đạt khoảng 60% tiến độ. Thời điểm bấy giờ, trả lời cư dân về lý do dự án chậm tiến độ bàn giao, đại diện chủ đầu tư cho biết khó khăn tài chính tạm thời. Ngân hàng chậm giải ngân cũng như khách hàng đóng tiền chưa đúng tiến độ đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Sau đó, lịch bàn giao được hoãn đến tháng 3/2018 với gói thô và tháng 5/2018 với gói hoàn thiện. Tuy nhiên, đến tháng 5, trả lời trên báo Nhân Dân, ông Trần Thọ Phong, Phó Giám đốc Sông Đà 1.01, thừa nhận dự án bị chậm tiến độ do hết kinh phí triển khai. Từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2018, dự án mới bán được 51% số căn hộ. Vì vậy phía công ty không có nguồn vốn đối ứng để tiếp tục vay từ PVComBank.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, dự án cũng dính phải những lùm xùm liên quan đến việc tự ý thay đổi thiết kế toà nhà. Trong diễn đàn cư dân, không ít hộ dân từng bày tỏ bức xúc khi chủ đầu tư tự thay đổi thiết kế mà không thông báo với cư dân.
Cũng theo phản ánh của cư dân, mặc dù tự ý thay đổi thiết kế, phá vỡ cam kết với khách hàng, nhưng chủ đầu tư lại yêu cầu các khách hàng nếu muốn giữ nguyên thiết kế cũ (có vách ngăn) thì phải làm đơn kiến nghị lên chủ đầu tư.
Bị siết nợ
Đến tháng 9, PVcomBank cho biết Công ty Hoàng Vương đang nợ ngân hàng này với tổng dư nợ gần 114 tỷ đồng, bao gồm gần 92 tỷ dư nợ gốc và hơn 22 tỷ đồng dư nợ lãi. Việc thu giữ tài sản đảm bảo do Hoàng Vương đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký. PVcomBank thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ theo thoả thuận tại hợp đồng đã ký kết và theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh dự án vào thời điểm hẹn bàn giao (quý IV/2017). Ảnh: Lâm Tùng.
Ngân hàng cho hay đã thu giữ toàn bộ tài sản còn lại của dự án gồm quyền phải thu từ các hợp đồng bán căn hộ/sàn trung tâm thương mại đã ký bán/cho thuê; các căn hộ chưa bán/cho thuê và sàn trung tâm thương mại chưa bán/cho thuê.
Ngân hàng cũng đồng thời thu giữ toàn bộ tài sản là quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa Công ty cổ phần Thương mại Hoàng Vương và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (chủ đầu tư).
Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh theo các hợp đồng mua bán liên quan, PVcomBank thông báo để nhà đầu tư phối hợp giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thời gian làm việc ngày 8/10 tại số 11B Cát Linh (Hà Nội).
Lâm Tùng
Theo ndh.vn
Phiên 4/10: Chốt lời thêm hơn 4,7 triệu cổ phiếu HPG, khối ngoại rút ròng hơn 400 tỷ đồng Bên bán chiếm ưu thế áp đảo, khối ngoại rút ròng 434 tỷ đồng trên HOSE. Bớt tiêu cực hơn, khối này có phiên mua ròng 29,5 tỷ đồng trên HNX và hơn 2 tỷ đồng trên UpCoM. Trên HOSE, khối ngoại thực hiện mua vào 470 tỷ đồng nhưng lại bán ra 905 tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng giá trị giao...