Nhà điều hành Nord Stream 2 được hoãn phá sản
Tòa án Thụy Sĩ đã cho nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 thêm thời gian để tránh mất khả năng thanh toán.
Công nhân trên công trường xây dựng đường ống Nord Stream 2 ở Biển Baltic. Ảnh: Getty Images
Một tòa án ở Thụy Sĩ đã đình chỉ thủ tục phá sản đối với nhà điều hành đường ống Nord Stream 2 trong sáu tháng nữa cho đến ngày 10/7/2023. Thông tin này được tòa án công bố trên Công báo Thương mại Thụy Sĩ ngày 28/12.
Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đã được hoàn tất trọn vẹn và sẵn sàng ra mắt vào tháng 9/2021, nhưng quy trình chứng nhận cho hệ thống đường ống này đã bị trì hoãn và cuối cùng bị Đức chặn vào đầu tháng 2 năm nay, do vướng lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau khi 11 tỷ USD đã được rót cho việc việc xây dựng Nord Stream 2, giờ đây đường ống không hoạt động và nhà điều hành đang vật lộn để tránh rơi vào tình cảnh phá sản.
Đây là lần thứ ba Tòa án Zug Cantonal ở Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở chính của Nord Stream 2 AG, đã cho công ty gia hạn thời gian tạm hoãn tái cơ cấu nợ, đây là khoảng thời gian mà các chủ nợ không thể thu tiền từ công ty.
Hồi tháng 5, một thẩm phán Thụy Sĩ đã gia hạn lệnh tạm dừng thủ tục phá sản và bổ nhiệm công ty Transliq làm quản lý của Nord Stream 2. Vào tháng 9, tòa án lại hoãn các thủ tục tố tụng, lần này là đến ngày 10/1/2023.
Giờ đây, nhà điều hành đường ống dẫn khí đang mắc nợ có thêm 6 tháng nữa để chống phá sản theo luật Thụy Sĩ. Lệnh tạm hoãn thường được cấp khi chi phí hoạt động của công ty được trang trải và có triển vọng tái cơ cấu khoản nợ hoặc đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.
Video đang HOT
Đường ống Nord Stream 2 chạy song song với Nord Stream 1, đưa khí đốt từ Nga vượt biển Baltic tới Đức. Ảnh: Al Jazeera
Nord Stream 2 AG là công ty con của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom – Nga. Đường ống chạy qua Biển Baltic, được thiết kế để tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho EU. Nó bao gồm hai tuyến và có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm.
Dự án được khởi xướng theo yêu cầu của chính phủ Đức dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel. Nord Stream 2 đã được hoàn thiện đầy đủ và sẵn sàng ra mắt vào tháng 9/2021, chỉ còn chờ chứng nhận của Đức và EU. Tuy nhiên, chính phủ Đức đã tạm dừng quá trình phê duyệt vào tháng 2 vì các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ đối với Nord Stream 2 đã khiến các giao dịch với nhà điều hành dự án trở nên khó khăn.
Hiện tại khoảng 40 người vẫn được tuyển dụng để đảm nhận các nhiệm vụ kỹ thuật và hành chính tại Nord Stream 2, với chi phí do Gazprom chi trả.
Hôm 26/12, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết Moskva sẵn sàng khởi động lại việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho EU thông qua Đường ống Yamal-Châu Âu. Ông lưu ý rằng hoạt động chuyển giao hàng qua tuyến đường ống này đã bị dừng lại vì lý do chính trị.
Theo quan chức trên, EU vẫn là một thị trường phù hợp đối với Nga, nước có khả năng nối lại nguồn cung cấp cho khu vực đang bị thiếu khí đốt.
Nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống, thường chảy về phía tây, hầu như bị đảo ngược kể từ khi Ba Lan chấm dứt hợp đồng cung cấp với Nga trước thời hạn cuối năm 2022. Chặng qua lãnh thổ Ba Lan của tuyến đường hiện đang được sử dụng để bơm khí dự trữ từ Đức.
Đáp lại động thái của Warsaw, người khổng lồ năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã cắt nguồn cung, nói rằng họ không thể gửi khí đốt qua Ba Lan nữa, trong khi Moskva áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty sở hữu phần Ba Lan của đường ống Yamal-Châu Âu.
Mặc dù việc vận chuyển khí đốt của Nga tới EU thông qua các đường ống Nord Stream và Yamal-Europe đã bị tạm dừng, nhưng khí đốt của Nga vẫn đang được cung cấp cho một số người mua châu Âu thông qua đường vận chuyển qua Ukraine và đường ống TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp những vấn đề căng thẳng trên thị trường năng lượng, Novak cho biết ông vẫn coi EU là thị trường khả thi đối với Nga.
“Ngày nay, chúng tôi có thể tự tin nói rằng châu Âu có nhu cầu ổn định đối với khí đốt của chúng tôi. Do đó, chúng tôi tiếp tục coi châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của mình. Rõ ràng là một chiến dịch quy mô lớn đã được phát động chống lại chúng tôi, kết thúc bằng các hành động phá hoại các đường ống Nord Stream”, ông Novak nói.
Theo Phó Thủ tướng Nga, thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vẫn còn bỏ ngỏ và nguồn cung LNG của Nga cho EU dự kiến sẽ tăng lên 21 tỷ mét khối vào cuối năm nay.
EC phê chuẩn việc Đức quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt Uniper
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 21/12 đã phê chuẩn có điều kiện việc quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt đang gặp vấn đề Uniper của Đức sau khi tập đoàn này đã bị đẩy đến bờ vực phá sản.
Ngoài ra, EC cũng bật đèn xanh cho việc quốc hữu hóa chi nhánh của tập đoàn Gazprom của Nga tại Đức để cứu nhà cung cấp khí đốt này khỏi tình trạng phá sản.
Trụ sở tập đoàn khí đốt Uniper ở Dusseldorf, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau khi Nga phát động chiến dich quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng Hai, Uniper, do thiếu nguồn cung từ Nga, đã phải đối mặt với tình trạng phá sản do thua lỗ ròng lên tới 40 tỷ euro (42,5 tỷ USD) chỉ trong 9 tháng đầu năm nay. Đây là một trong những mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Đức.
Tình hình này đã buộc chính phủ Đức phải thông báo kế hoạch quốc hữu hóa Uniper do quan ngại về những tác động của việc tập đoàn này phá sản đến khắp nền kinh tế hàng đầu châu Âu.
Thông báo của Uniper cho biết đa số cổ đông của tập đoàn đã ủng hộ thỏa thuận cứu trợ của chính phủ trong cuộc biểu quyết tại đại hội cổ đông bất thường hôm 20/12.
Điều kiện mà EC nhất trí với kế hoạch của chính phủ Đức gồm việc Uniper thoái vốn khỏi các nhà máy điện Detteln IV ở Đức và nhà máy điện Gonyu ở Hungary. Ngoài ra, EC cũng cho biết chính phủ Đức đã cam kết đưa ra một chiến lược rút khỏi Uniper vào cuối năm 2023, với mục đích giảm mức cổ phần mà Berlin nắm giữ ở Uniper không nhiều hơn 25% cộng 1 cổ phần muộn nhất vào cuối năm 2028.
Hôm 20/12, chính phủ Đức và Uniper, với khoảng 7.000 người lao động, đã đạt thỏa thuận khung liên quan đến kế hoạch quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt này. Chính phủ Đức hiện đề xuất gói cứu trợ tài chính lên 200 tỷ euro để hạn chế tác động của khủng hoảng năng lượng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 2022 Đối với ngành năng lượng, năm 2022 sẽ được ghi nhớ là năm mà xung đột ở Ukraine đã tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu chưa từng có. Công trình xây dựng trạm tiếp nhận khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nổi của Đức tại cảng Wilhelmshaven, miền Tây Bắc nước này ngày 29/9. Ảnh: AFP/TTXVN Theo hãng tin Reutes,...