Nhà đầu tư vẫn âm thầm “săn” đất nền tỉnh lẻ
Phân khúc đất nền, nhà phố và BĐS công nghiệp được nhiều chuyên gia nhận định là không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những nhà đầu tư nhạy bén vẫn đang tích cực tìm kiếm, “xuống tiền” ở những dự án tiềm năng.
Thị trường BĐS dù đang gặp nhiều khó khăn, thách thức tuy nhiên ở một số phân khúc BĐS vẫn cho thấy những điểm sáng. Nhiều chuyên gia nhận định, khi nền kinh tế Trung Quốc chịu tác động đáng kể từ dịch bệnh này thì dòng vốn đầu tư BĐS công nghiệp, BĐS văn phòng và nhà ở cho thuê tìm đến những thị trường mới, trong đó có Việt Nam. Dòng vốn đầu tư cũng có thể sẽ chảy vào những phân khúc BĐS an toàn hơn như đất.
Việt Nam cũng đang cho thấy là điểm sáng trong công tác kiểm soát dịch bệnh thời gian qua. Đồng thời, Chính phủ đang rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút giới đầu tư. Đây chính là cơ hội cho các địa phương đang hướng đến thu hút FDI và phát triển công nghiệp. Và Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước đang được kỳ vọng là trung tâm công nghiệp mới của khu vực Đông Nam Bộ.
Ở thị trường Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai…hoạt động giao dịch mua bán đất nền vẫn khá sôi động ở một số dự án, đặc biệt ở các dự án quy mô lớn, hạ tầng đang hoàn thiện thu hút nhà đầu tư. Nhiều giao dịch thành công đã diễn ra giữa mùa dịch. Đáng nói, chính trong dịch bệnh, cơ hội lại thuộc về các NĐT nhạy bén bởi nhận được “chiết khấu” mạnh tay từ phía chủ đầu tư.
Một dự án khu đô thị có quy mô 92ha tại Bình Phước vừa mở bán đợt 6, thì toàn bộ sản phẩm của đợt bán này đều được giao dịch thành công, giá đất nền dao động từ 1,8 tỉ đến 3 tỉ đồng. Đây cũng là thời điểm chủ đầu tư này dành những suất ưu đãi lớn về lịch thanh toán cũng như các suất quà khuyến mãi giá trị hơn. Đặc biệt trong đợt này chủ đầu tư dành suất miễn phí 10 năm thuê ki-ốt tại dự án cho khách hàng được xem một ưu đãi “mạnh tay”trước bối cảnh dịch bệnh.
Được biết, sau một năm triển khai, hiện dự án này đã tăng giá từ 20-30% nhờ vào việc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hạ tầng đến hơn 85%. Đây được xem là mức lợi nhuận cao hơn hẳn so với các kênh đầu tư khác như vàng, hay gửi tiết kiệm.
Video đang HOT
Khung cảnh lễ mở bán một dự án ở Bình Phước vào cuối tuần qua. Rất nhiều khách hàng vẫn “xuống tiền” trước bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: Hạ Vy
Bên cạnh khu đô thị quy mô này, tại thị trường Bình Phước cũng đang có nhiều dự án khu đô thị tại Đồng Xoài được chào bán ra thị trường, khiến thị trường nơi đây khá sôi động.
Tương tự, tại thị trường Bình Dương, Đồng Nai dù dịch bệnh đang diễn ra nhưng một số chủ đầu tư bung đất nền giai đoạn tiếp sau Tết vẫn hút được người mua. Theo môi giới khu vực Đồng Nai, những nền đất có sổ dù tăng giá khoảng 15% so với thời điểm trước Tết vẫn nhận được sức mua rất tốt của giới đầu tư.
Bên cạnh việc khan hàng thì yếu tố hạ tầng khu vực đã thúc đẩy nhu cầu tăng cao. Dù dịch bệnh đã ảnh hưởng đến mức độ đi tìm hiểu nhà đất nhưng theo ghi nhận, những NĐT lâu năm vẫn âm thầm “săn tìm” các dự án đất nền có pháp lý sạch. Họ “bỏ tiền” vào đó và chờ cơ hội trong dài hạn.
Theo các chuyên gia trong ngành, trong khi một bộ phận khách hàng e ngại đầu tư trong giai đoạn này, thì những NĐT nhạy bén xem mùa dịch nCoV là cơ hội sở hữu BĐS bởi chính giai đoạn khó khăn, các chủ đầu tư lớn sẽ tung ra rất nhiều chính sách chiết khấu và ưu đãi lớn. Nhiều NĐT có tầm nhìn dài hạn sẽ nhận thấy điều này và “vào” thị trường ở thời điểm khó khăn.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, chính trong khó khăn lại là cơ hội cho những NĐT có tầm nhìn lâu dài. Họ sẽ vào thị trường lúc khó khăn để tìm được cơ hội giá mềm. Sau đó, khi thị trường tốt lên, những NĐT này sẽ có được mức chênh lợi nhuận tốt hơn các NĐT khác. Với bối cảnh thị trường Tp.HCM khan hiếm nguồn theo ông Khương, thị trường tỉnh sẽ là cơ hội tốt cho những NĐT có dòng tiền nhàn rỗi, mức độ tăng giá cũng đáng kể nếu vào đúng thời điểm.
Hạ Vy
Theo Nhịp Sống Việt
Vừa đầu tư chứng khoán vừa hóng dịch
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như toàn cầu có phiên giảm mạnh trong ngày 9-3 nhưng đã hồi phục trong ngày 10-3
Trong phiên ngày 10-3, VN-Index đã hồi phục, đóng cửa ở mức 837,5 điểm, tăng 2,01 điểm so với phiên trước đó. Trong khi đó, VN30-Index tăng đến 6,66 điểm, lên 789, 51 điểm; HNX-Index giảm chỉ 0,14 điểm, còn 106,2 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn phiên này tuy có giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn trên 5.800 tỉ đồng. Nhiều mã vốn hóa lớn tăng điểm trở lại.
Vẫn có nhà đầu tư thu lãi
Về việc nên mua vào, nắm giữ hay bán ra trong giai đoạn này, chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng nhà đầu tư có thể xác định mình thuộc "gu" nào của thị trường. Nếu là nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, thích lướt sóng thì mua vào các cổ phiếu giá thấp (penny) và thị trường chứng khoán phái sinh. Bởi thực tế, ngay cả phiên giảm mạnh hôm 9-3, vẫn có nhiều nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận trong lúc nhiều nhà đầu tư khác phát hoảng.
Tuy biến động mạnh nhưng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức cao Ảnh: Tấn Thạnh
Còn nếu hợp với "gu" cổ phiếu bluechips thì nên đứng ngoài thị trường, chờ thêm, đồng thời xem đây là cơ hội để cơ cấu lại danh mục, ưu tiên giữ tiền mặt, chỉ nên bán lúc thị trường bật lại để tránh thua lỗ.
Nhận định thị trường chứng khoán trong vài ngày tới, theo ông Phan Dũng Khánh, mức hỗ trợ tốt nhất là ngưỡng 820-830 điểm của VN-Index. Đây là mức hỗ trợ tốt nhất của thị trường trong hơn 2 năm qua. Nếu vùng này giữ tốt thì cơ hội phục hồi, đi lên sẽ vững hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi ở đây chỉ là phục hồi trong xu hướng giảm chứ không phải đi lên từ mức giảm mạnh ở năm 2018 đến nay. Nếu vùng này không giữ được thì thị trường có thể xấu hơn. Những nhà đầu tư lướt sóng rất thích hợp với diễn biến thị trường trong giai đoạn này.
Một chuyên gia chứng khoán khác nhìn nhận chứng khoán Việt Nam đang giảm theo diễn biến tiêu cực của chứng khoán thế giới. Phiên giảm điểm kỷ lục 6,3% hôm 9-3 nếu so sánh với diễn biến các sàn châu Á thì lại không có gì bất thường. Quan trọng hơn, những diễn biến như thế cho thấy sự sợ hãi và bán tháo không phụ thuộc vào đặc tính của thị trường, phát triển hay mới nổi, cá nhân hay tổ chức là đa số... Hiện tại, dự báo nói chung vẫn cho thấy rủi ro, chứng khoán thế giới còn rủi ro (giảm) và như vậy, VN-Index vẫn còn bị ảnh hưởng. Điều căn bản kéo chứng khoán hồi phục thực sự vào lúc này là tin tức về việc khống chế dịch bệnh Covid-19.
Nhưng dựa vào giá trị giao dịch mấy ngày qua thì thấy vẫn còn nhiều nhà đầu tư Việt Nam nhìn thị trường với sự lạc quan, họ chấp nhận "bắt dao rơi". Hôm 9-3, VN-Index giảm mạnh nhưng nhiều mã tiếp tục đà tăng như QCG, AMD, L18, DNM..., tức là vẫn có người thắng trên thị trường.
Với những nhà đầu tư thích bắt đáy như vậy, thị trường đang có quá nhiều mã để chọn. Thời điểm này, nhìn chung ngành nào cũng có mã để lướt sóng.
Tránh bán tháo không cần thiết
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhận định phiên 9-3 thị trường giảm mạnh cũng dễ hiểu, vì nhiều thông tin không tốt xuất hiện cùng lúc. Đặc biệt là tin liên quan đến người nhiễm Covid thứ 17 sống ở TP Hà Nội. Dù vậy, trong phiên 10-3, thị trường đã nhận được tín hiệu lạc quan hơn khi thị trường future (tương lai) của các nước đã tăng mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã ổn định, không còn hoang mang. Đặc biệt, thị trường chứng khoán một số nước châu Âu tăng gần 5%. Còn thị trường chứng khoán châu Á, tình hình cũng đã ổn hơn. Trong sáng 10-3, thị trường không giảm sâu sau phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo ông Trần Văn Dũng, những phiên chứng khoán sau Tết, nhất là phiên đầu tuần này, giảm mạnh là do có nhiều thông tin không tốt, nhất là mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu. Số người nhiễm trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới giảm mạnh, chạm đáy năm 2016. Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu kinh tế năm 2019 xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất khẩn cấp và giới đầu tư cũng cho rằng FED sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong cuộc họp vào ngày 17-3 tới đây. Tín hiệu này cho thấy có sự lo ngại cho sự suy thoái kinh tế Mỹ.
Trong giai đoạn hiện tại, ông Trần Văn Dũng đánh giá tổn thương của doanh nghiệp là khó tránh nhưng về trung và dài hạn, các gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ phần nào giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh. "Chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp, tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán, tránh những phiên bán tháo không cần thiết. Dòng tiền có thể tạm thời đứng ngoài thị trường nhưng sẽ ổn định trở lại. Điều quan trọng là nền tảng kinh tế của chúng ta ổn định nên sẽ thu hút nhà đầu tư trở lại dù dòng vốn đang co cụm. Việt Nam vẫn là điểm sáng trong đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát" - ông Dũng nhận định.
Sơn Nhung
Theo NLD.com.vn
Xerox chốt giá chính thức thâu tóm HP Xerox tiếp tục thực hiện các nỗ lực nhằm mua lại HP bằng việc quyết định công bố lời đề nghị chào mua cổ phiếu đang lưu hành của HP. Xerox quyết tâm mua bằng được HP bằng lời đề nghị hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: AFP Theo Neowin, giá thầu được Xerox đưa ra dành cho mỗi cổ phiếu của HP...