Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng kỷ lục trên thị trường trái phiếu thứ cấp
Tính chung trong quý I/2016, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên thị trường trái phiếu thứ cấp với giá trị lên tới 6.326 tỷ đồng.
Trong quý I/2016, tổng giá trị giao dịch trái phiếu và tín phiếu trên thị trường thứ cấp thông qua các giao dịch thông thường (outright) và mua bán lại (reverse repo) đạt 258.988,7 tỷ đồng, tăng gần 30% so với quý IV/2015 và tăng 9,45% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giảm nhẹ 5,69% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giao dịch outright vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường thứ cấp, với giá trị giao dịch đạt 163.566,75 tỷ đồng, chiếm 63,16% tổng giá trị giao dịch và tăng 23% so với quý IV/2015. Trong khi đó, giao dịch reverse repo tăng đột biến 42,21% so với quý IV/2015 và tăng 51,02% so với cùng kỳ, đạt 95.421,95 tỷ đồng, chiếm 36,84% tổng giá trị giao dịch.
Quý I/2016, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng kỷ lục trên thị trường trái phiếu thứ cấp với giá trị lên tới 6.326 tỷ đồng
Đối với giao dịch outright, các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm đặc biệt thu hút nhà đầu tư với giá trị giao dịch lên đến 116.624 tỷ đồng, chiếm 71,3% tổng giá trị giao dịch. Riêng giao dịch kỳ hạn 3 đến dưới 5 năm chiếm gần 1/2 tổng giá trị giao dịch.
Tăng trưởng tín dụng thấp trong thời gian đầu năm là một trong những yếu tố khiến dòng tiền chảy vào thị trường trái phiếu. Nguồn cung trái phiếu ngắn hạn gia tăng trên thị trường sơ cấp từ cuối năm ngoái cũng thu hút các nhà đầu tư nhờ tính thanh khoản cao và mức rủi ro thấp.
Video đang HOT
Nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trên thị trường thứ cấp trong quý I/2016. Năm ngoái, do lo ngại VND mất giá trước ảnh hưởng của việc Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5.506 tỷ đồng vào tháng 8/2015. Đồng thời, khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn tại các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam.
Quý IV/2015, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4.444 tỷ đồng và tính chung cả năm 2015, họ đã bán ròng 1.366 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ chưa thực sự sẵn sàng để ứng phó với những rủi ro từ nền kinh tế thế giới đã làm giảm khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất điều hành, giúp hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.
Đây cũng chính là một trong số những yếu tố giúp ổn định tỷ giá bên cạnh những chính sách điều hành kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và nguồn kiều hối gia tăng trước Tết. Tính chung trong quý I/2016, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng kỷ lục trên thị trường trái phiếu thứ cấp với giá trị lên tới 6.326 tỷ đồng.
Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu giảm từ 6 đến 25 điểm cơ bản so với hồi đầu năm. Trong đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm giảm mạnh nhất, lần lượt giảm 23 điểm và 25 điểm, xuống 5,57% và 6,39%. Lợi suất trái phiếu quý I giảm điểm do một số yếu tố như tín dụng thường tăng trưởng chậm trong quý đầu năm dẫn đến dư thừa vốn trong hệ thống, lượng trái phiếu chính phủ đáo hạn lớn trong quý I làm gia tăng nhu cầu của các tổ chức tái đầu tư trái phiếu chính phủ. Đồng thời, tỷ giá VND/USD diễn biến tương đối ổn định, thậm chí giảm. Nguồn cung trái phiếu kỳ hạn ngắn hạn gia tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường vốn ở mức cao do tính thanh khoản cao và độ rủi ro thấp.
Lợi suất trái phiếu dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới do một số yếu tố như: (1) lạm phát gia tăng; (2) mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tăng trong thời gian gần đây; (3) dòng vốn sẽ dịch chuyển bớt sang tín dụng do nhu cầu vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh thường bắt đầu gia tăng bắt đầu từ quý II; (4) áp lực phát hành trái phiếu chính phủ đảm bảo cho ngân sách nhà nước.
Theo Báo Đầu Tư
Thị trường tài chính tiềm ẩn rủi ro
Tín dụng năm qua tăng trưởng nhanh là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn. Tuy vậy, hệ thống ngân hàng cần tính đến khả năng nợ xấu sẽ tăng trở lại trong năm nay nếu không tập trung giải quyết các thách thức về mất cân đối trong cơ cấu nguồn vốn tín dụng, nhất là tỷ lệ giữa tín dụng ngắn hạn với trung, dài hạn hay giữa các lĩnh vực trong nền kinh tế; rủi ro về mất tính thanh khoản... Đây là cảnh báo của Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) Trương Văn Phước đưa ra tại Hội thảo 'Công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo' sáng 14.3.
Tỷ lệ găm giữ ngoại tệ tăng
Theo dự thảo báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng năm qua đạt 7.109 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2014. Tổng tài sản của khu vực NH tăng 12,4% trong khi tín dụng tăng 19-20%, phần nào cho thấy "cơ thể có bộ phận phát triển không đồng đều". Quy mô của hệ thống ngân hàng so với GDP tương đối lớn. Tín dụng có xu hướng gia tăng trong cơ cấu tài sản và tăng nhanh, đều trong năm do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn. Cơ cấu tài sản nợ có xu hướng bền vững hơn, tỷ trọng vốn huy động tăng, tỷ trọng vốn liên ngân hàng giảm và tài sản nợ tương đối bền vững hơn. Đánh giá tài sản nợ bền vững dựa trên tỷ lệ sử dụng vốn huy động trên thị trường của hệ thống ngân hàng so với tỷ lệ sử dụng vốn liên ngân hàng. Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước phân tích, có 100 đồng huy động vốn, nếu ngân hàng sử dụng tiền huy động từ doanh nghiệp, cư dân nhiều hơn tỷ lệ sử dụng vốn liên ngân hàng như vậy mới được xem là sử dụng nguồn tín dụng tốt và hiệu quả.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, số dư dự phòng rủi ro tín dụng năm 2015 là 78.629 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trong tổng nợ xấu báo cáo là 65,7%. Nếu tính cả nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì tỷ lệ dự phòng rủi ro trong tổng nợ xấu là 26%. Nên nếu không đẩy nhanh xử lý nợ xấu đã mua của VAMC sẽ gây áp lực, làm giảm tính thanh khoản, tăng tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Tỷ lệ huy động vốn tăng 16,1% so với năm 2014, trong đó tiền gửi bằng đồng Việt Nam tăng 16,3% và ngoại tệ tăng 14,3%, trong khi tỷ lệ này của năm 2014 là 4,7%. Về con số này, NFSC lưu ý, tăng trưởng huy động ngoại tệ chỉ tăng đột biến trong 4 tháng cuối năm (từ tháng 9 - 12.2015). Nguyên nhân là do Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, phá giá đồng NDT đã tác động tới tâm lý người dân và họ chuyển sang mua ngoại tệ, gửi vào hệ thống ngân hàng thể hiện ở tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ tăng lên. Điều này có nghĩa là người dân vẫn đang kỳ vọng vào tỷ giá trong thời gian tới.
Có thể thấy, chính sách chống USD hóa của ta đã không làm cho tỷ lệ USD hóa giảm mà lại tăng. Thực chất, ngân hàng đã thành công về kiểm soát tỷ giá hối đoái nhưng dường như tỷ lệ đô la hóa lại tăng. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho rằng, tình trạng này do găm giữ, tích trữ ngoại tệ trong dân tăng cao. Trên thực tế, đang có sự mất cân đối giữa huy động VNĐ và cho vay VNĐ, huy động ngoại tệ đang nhiều hơn cho vay ngoại tệ. Điều đó còn cho thấy mức tăng dự trữ ngoại tệ trong dân tăng cao, và việc đưa lãi suất huy động USD về 0 cũng không làm giảm nhu cầu tích trữ ngoại tệ của thị trường.
Hội thảo Công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo
Rủi ro trong thanh khoản
Về tăng trưởng tín dụng, NFSC cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2015 của tổ chức tín dụng (TCTD) là 18%, trong đó, tín dụng VNĐ tăng 24,1%, tín dụng ngoại tệ giảm 12,9% so với năm 2014. Đặc biệt, tín dụng trung, dài hạn tăng đến 31,4% do doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng tăng, một phần nợ ngắn hạn được cơ cấu sang nợ trung hạn. Trong đó tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng 28,3% so với năm 2014. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung dài hạn này được các chuyên gia kinh tế tham gia Hội thảo đánh giá là tỷ lệ tăng rất lớn. Trên thực tế, tỷ lệ này không chỉ bao gồm cho vay kinh doanh bất động sản mà còn bao gồm cả một phần nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 (năm 2012). Việc gia tăng tỷ lệ này là do cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dừng thực hiện quyết định cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780, theo đó, nhiều TCTD đã thực hiện cơ cấu lại nợ trung dài hạn.
Thực tế là vậy, song Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành cảnh báo, tín dụng trung, dài hạn đầu tư vào bất động sản tăng cao sẽ là thách thức mà thị trường tài chính nước ta đối mặt trong năm nay. Con số tín dụng đầu tư vào bất động sản tăng cao (28,3%) dẫn đến việc đưa ra những cảnh báo đối với nền kinh tế về nguy cơ tiềm ẩn đối việc có hay không tình trạng bong bóng bất động sản trong tương lai. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan lưu ý và có phương án giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Phước, đây cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại, song việc NHNN sửa đổi Thông tư 36 và có những phản ứng chính sách ở thời điểm hiện nay là cần thiết; nhưng cơ cấu tín dụng quá tập trung vào đầu tư kinh doanh bất động sản cũng là một cảnh báo cho thị trường tài chính trong nước thời gian tới.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rủi ro về khả năng thanh khoản. Bởi tín dụng trung và dài hạn hiện chiếm đến 55,4% tổng tín dụng của toàn nền kinh tế, trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay đầu tư dài hạn lên đến 31,8% (năm 2014 là 20,2%) và các TCTD đã có dấu hiệu tăng lãi suất huy động trong những tháng đầu năm. Hệ thống ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro thanh khoản chủ yếu do tín dụng trung dài hạn tăng trưởng trên 55,4%, trong khi tỷ lệ huy động vốn trung dài hạn chỉ trên dưới 10%. Do đó, cần phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu mà Công ty VAMC đã mua, nếu không sẽ gây áp lực cho hệ thống ngân hàng. Đại diện NFSC cũng lưu ý thêm một thách thức cần giải quyết của ngành tài chính tiền tệ trong năm nay là khoản lãi dự thu của hệ thống ngân hàng. Đây là khoản lãi được hạch toán vào lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, trong năm 2015, khoản lãi dự thu tương đối cao và không đồng đều ở các TCTD khác nhau. Vì vậy, cần có chính sách xử lý phù hợp đối với các loại hình ngân hàng thương mại.
Về tổng thể, trên cơ sở những cảnh báo này, NHNN cần xem xét và có sự điều chỉnh chính sách để cân đối cơ cấu nguồn vốn tín dụng, nhất là tỷ lệ giữa ngắn hạn với trung, dài hạn hay giữa các lĩnh vực trong nền kinh tế. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có chính sách cải cách thị trường tài chính trong nước, bảo đảm mức độ hội nhập của ngành tương ứng với mức độ hội nhập của nền kinh tế nói chung.
Theo Đại Biểu Nhân Dân
Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 16/3 Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 16/3 về các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. * CII: CTCP Đầu tư Tân Tam Mã, cổ đông của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII - HOSE) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu CII từ ngày 17/03 đến 15/04 theo phương thức...