Nhà đầu tư ngóng thông tin, chứng khoán Mỹ đi ngang
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm trong trạng thái đi ngang, khi mối lo gia tăng về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu lấn át những dữ liệu khả quan. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ có thêm các doanh nghiệp niêm yết báo cáo kết quả kinh doanh để xác định nên mua hay bán cổ phiếu.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ – Ảnh: Reuters.
Trong một phiên giao dịch mà các chỉ số giằng co trong vùng hẹp, Nasdaq và Dow Jones đóng cửa với mức giảm nhẹ. Phiên này, cổ phiếu y tế gây áp lực giảm lên cả ba chỉ số.
“Thị trường đang trải qua những ngày giằng co, với diễn biến không rõ ràng”, ông Chuck Carlson, Giám đốc điều hành (CEO) Horizon Investment Services, nhận xét. “Điều này cho thấy mọi người đang chờ thêm thông tin, chẳng hạn như lợi nhuận của các công ty”.
Về các dữ liệu kinh tế, thống kê do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969. Trong tháng 3, lạm phát giá bán buôn của Mỹ tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Những con số này có thể làm dịu đi mối lo về việc một cuộc giảm tốc mạnh của kinh tế toàn cầu có thể lan đến nước Mỹ – một mối lo được phản ánh trong biên bản cuộc họp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi tháng 3 mà ngân hàng trung ương này công bố hôm thứ Tư.
Với mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2019 đã khởi động ở Phố Wall, giới phân tích dự báo lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên giảm kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, ông Carlson đặt câu hỏi rằng liệu dự báo như vậy có quá bi quan. “Liệu thị trường có đang nghĩ rằng lợi nhuận sẽ tốt hơn những gì mà giới phân tích dự báo? Chúng ta sẽ bắt đầu biết điều đó vào ngày mai, khi các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh của họ”.
Video đang HOT
Nhóm cổ phiếu tài chính tăng 0,6% trước khi 6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ lần lượt công bố báo cáo tài chính. JPMorgan Chase và Wells Fargo sẽ công bố báo cáo vào ngày thứ Sáu, tiếp đó là Citigroup và Goldman Sachs vào ngày thứ Hai, và Bank of America và Morgan Stanley vào ngày thứ Ba.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,05%, còn 26.143,05 điểm. S&P 500 đi ngang ở mức 2.888,32 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,21%, còn 7.947,36 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm chốt phiên trong trạng thái tăng.
Nhóm cổ phiếu y tế giảm 1,2% sau khi thượng nghị sỹ Bernie Sanders trình lên Quốc hội Mỹ một kế hoạch mang tên “Chăm sóc y tế cho tất cả mọi người”, và Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện hoàn tất một cuộc điều trần về vai trò của các nhà quản lý phúc lợi dược phẩm (MBP) trong việc thiết lập giá thuốc.
Cổ phiếu hãng y tế UnitedHealth giảm 4,3%, gây sức ép giảm nhiều nhất lên Dow Jones.
Cổ phiếu công ty ứng dụng gọi xe Lyft tăng 1,5%, nhưng hiện vẫn đang thấp hơn khoảng 15% so với mức giá 72 USD trong vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi cuối tháng 3. Việc cổ phiếu Lyft trượt dốc sau IPO đang phủ bóng lên kế hoạch IPO của Uber.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,1 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,21 lần.
Có tổng cộng 6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với con số 7,17 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo vneconomy.vn
Cổ phiếu công nghệ, tài chính kéo chứng khoán Mỹ giảm điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi sức ép từ hai nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính áp đảo sự hỗ trợ từ biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy ngân hàng trung ương này bắt đầu tính đến việc lúc nào thì ngừng nâng lãi suất.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Hãng tin Reuters cho hay, theo biên bản trên, hầu hết các thành viên của FED nhất trí rằng một đợt nâng lãi suất nữa "có thể sớm diễn ra", nhưng lưu ý một loạt vấn đề bắt đầu khiến họ thận trọng hơn về triển vọng nền kinh tế Mỹ. Điều này cho thấy FED đã có sự lo ngại rằng việc tăng lãi suất liên tục có thể gây bất lợi cho tăng trưởng.
Khả năng lãi suất dừng tăng đưa các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall đi lên, nhưng thành quả tăng này không được duy trì cho tới khi chốt phiên.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh vào ngày thứ Tư, sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell phát tín hiệu rằng chu kỳ tăng lãi suất kéo dài 3 năm có thể sắp đi đến hồi kết.
"Quan điểm của FED giờ đây đã trở nên mềm mỏng hơn nhiều so với đầu năm", ông Matthew Keator, nhà quản lý thuộc công ty quản lý tài sản Keator Grouup, nhận xét. "FED cũng phát tín hiệu rằng họ sẽ xem xét các dữ liệu kinh tế, thay vì chỉ nâng lãi suất một cách cứng nhắc cho tới khi đạt mức trung bình lịch sử".
Mối lo về thuế quan tiếp tục là vấn đề phủ bóng lên tâm trí của nhà đầu tư phiên này, khi thị trường dồn sự chú ý vào cuộc gặp thượng đỉnh G20 sắp diễn ra vào cuối tuần ở Buenos Aires, Argentina. Bên lề kỳ họp này, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc gặp vào ngày thứ Bảy để bàn về thương mại.
Ngày thứ Năm, ông Trump phát đi những tín hiệu không rõ ràng về khả năng đạt một thỏa thuận với Trung Quốc. Điều này khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch khá giằng co.
Với mức giảm 0,95%, nhóm công nghệ gây sức ép giảm nhiều nhất lên cả 3 chỉ số. Nhóm cổ phiếu tài chính vốn nhạy cảm với lãi suất giảm 0,8%, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục đi xuống sau khi FED công bố biên bản họp.
Loạt cổ phiếu ngân hàng lớn, gồm JPMorgan Chase, Citigroup, Bank of America, Goldman Sachs, và Morgan Stanley đồng loạt chốt phiên với mức giảm từ 0,8-1,8%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones hạ 0,11%, còn 25.338,84 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,22%, còn 2.737,8 điểm. Chỉ số Nasdaq tuột 0,25%, còn 7.273,08 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, có 5 nhóm chốt phiên trong trạng thái giảm.
Cổ phiếu Twitter sụt 4,4% sau khi trang Politico đưa tin rằng hãng Fox News tẩy chay mạng xã hội này. Cổ phiếu hãng bán lẻ thời trang Abercrombie & Finch nhảy 20,9% sau khi công ty đưa ra mức dự báo doanh thu mùa bán lẻ cuối năm tốt hơn dự báo của giới phân tích.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,08 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,23 lần.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 6,85 tỷ cổ phiếu phiên này, so với mức bình quân 7,67 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Bình Minh
Theo vneconomy.vn
Giá dầu, nỗi lo tăng trưởng kéo tụt chứng khoán Mỹ Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi giá dầu tụt sâu hơn và có thêm những dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, phiên ngày 9/11 - Ảnh: Reuters....