Nhà đầu tư ngoại “thâu tóm” dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương nói gì?
Theo Bộ Công Thương, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư.
Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã không ngần ngại rót vốn vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, qua đó “thâu tóm” không ít dự án điện mặt trời , điện gió.
Về vấn đề này, ngày 18-5, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết đến nay, số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore…
Nhiều nhà đầu tư ngoại rót vốn vào các dự án điện mặt trời – Ảnh: Minh Phong
“Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Theo quy định hiện nay, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông… do Sở/Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án”- lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá.
Video đang HOT
Khác với các dự án điện than hay điện khí đầu tư theo hình thức BOT, phía Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ.
Chính vì vậy, trong giai đoạn này, các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.
Bộ Công Thương cũng dẫn quyết định số 11 và số 13 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời để minh chứng cho việc hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư vào ngành điện. “Nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia đầu tư điện mặt trời theo các quy định tại các Quyết định số 11, 13 và tuân thủ pháp luật về đầu tư, về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”- phía Bộ Công Thương lưu ý.
Việc nhà đầu tư ngoại “thâu tóm” các dự án năng lượng tái tạo có thể kể đến như Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power PLC của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên.
Trước đó, nhà đầu tư này cũng hợp tác với một công ty trong nước để xây dựng dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Tây Ninh.
Hay vào tháng 3-2019, Tập đoàn Quadran International (Pháp) và đối tác Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, cũng đã ký kết hợp tác tín dụng cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp. Dự án này đã được khởi công từ tháng 9-2018, có quy mô công suất 50 MWp, đặt tại tỉnh Bình Định. Sản lượng điện năng dự kiến của dự án vào khoảng 76.500 MWh mỗi năm.
Tính đến hết ngày 11-5, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW vận hành thương mại.
Đề xuất đưa 3.400MW điện gió Kê Gà vào Quy hoạch Điện quốc gia
Việt Nam có tiềm năng gió lớn với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á và điện gió sẽ là một thế mạnh.
"Thăng Long-Wind" là dự án điện gió có công suất lớn nhất hiện nay được Bộ Công Thương chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu để tiến tới đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Dự án này vốn được biết đến với tên "điện gió Kê Gà" - một dự án điện gió ngoài khơi có công suất thiết kế lên tới 3.400MW, với tổng số vốn lên đến 11,9 tỷ USD.
Theo các tính toán của chuyên gia, nếu dự án có thể đảm bảo mốc tiến độ theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá ưu đãi 9,8 cent/kWh đối với các dự án điện gió xa bờ (đối với dự án hoàn thành trước thời điểm tháng 11/2021) thì khả năng sẽ có hiệu quả kinh tế. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư là sớm được cơ quan chức năng thẩm định, bổ sung dự án vào Quy hoạch Điện lực Quốc gia, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Điện gió sẽ là một thế mạnh của Việt Nam.
"Hiệu quả của điện gió ngoài khơi gấp rất nhiều lần so với điện mặt trời, có thể phát điện 24/24h chứ không phải chỉ phát ban ngày, ban đêm không phát. Mà Việt Nam là đất nước có bờ biển dài trên 3.200 cây số, nếu chúng ta khai thác được nhiều dự án điện gió ngoài khơi như ThangLong-Wind thì có thể tạo ra hàng trăm tỷ kWh mỗi năm. Do vậy, nên nghiên cứu phát triển điện gió ngoài khơi trở thành mũi nhọn, trở thành nòng cốt để thay thế dần cho các năng lượng hóa thạch như điện than, điện khí..." - ông Trần Viết Ngãi nói.Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nếu sớm được triển khai, năm 2023 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 600MW, điện lượng có thể sản xuất lên tới 4 tỷ kWh/năm. Khi hoàn thành dự kiến vào năm 2027, toàn bộ dự án với tổng công suất 3.400 MW có thể đóng góp lên tới 20 tỷ kWh điện mỗi năm.
Việt Nam có tiềm năng gió lớn với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới đưa vào một số dự án điện gió với tổng công suất hơn 300 MW, còn chậm so với mức 800 MW vào năm 2020 theo thiết kế tại Quy hoạch Điện VIIđiều chỉnh. Hơn thế, với vị trí của dự án ở Bình Thuận, Dự án điện gió Thanglong-Wind nếu được triển khai thành công ngoài việc sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần bù đắp được lượng năng lượng thiếu hụt của Việt Nam, đặc biệt tại khu vực phía Nam.
Theo ông Hà Lê Thành Chung, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho rằng, việc đầu tư các dự án điện gió là phù hợp với định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch và phù hợp với mục tiêu đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của đất nước./.
Theo Nguyên Long/VOV
Việt Nam dẫn đầu khu vực về điện năng lượng mặt trời Đông Nam Á đang đẩy mạnh kế hoạch khai thác năng lượng mặt trời (NLMT) trong những năm tới vì chi phí sản xuất hợp lý hơn so với nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Dự kiến nhu cầu năng lượng tăng gấp đôi vào năm 2040, khu vực này đang mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo trong bối cảnh...