Nhà đầu tư ngoại bỏ bê cổ phiếu Trung Quốc
Nhà đầu tư ngoại đang được mở rộng hơn cánh cửa để sở hữu thêm cổ phiếu tại Trung Quốc, vậy nhưng, dường như họ không muốn làm vậy.
Nhà đầu tư nước ngoài đang bỏ rơi cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Trung Quốc với tốc độ kỷ lục, ngay cả khi MSCI Inc chuẩn bị gia tăng tỷ trọng của nhóm cổ phiếu này trong các chỉ số tiêu chuẩn của mình.
Từ đầu tháng 5 đến nay, đã có 17,4 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD) cổ phiếu hạng A bị bán ra thông qua mối liên kết 2 sàn chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải. Như vậy, nhiều khả năng, tháng 5 sẽ nhanh chóng vượt qua lượng bán ròng mà tháng 4 đã ghi nhận với con số 18 tỷ nhân dân tệ
Thị trường chứng khoán Đại lục vẫn duy trì vị trí là một trong những thị trường có màn biểu diễn tốt nhất kể từ đầu năm, ngay cả khi 1 nghìn tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chỉ trong 3 tuần qua, khi các xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển hướng xấu hơn.
Bên cạnh đó, mối lo ngại chính quyền Bắc Kinh tạm dừng các chương trình nới lỏng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cũng góp phần khiến chỉ số Shanghai Composite giảm 11% kể từ mức đỉnh đạt được vào tháng 4/2019.
Diễn biến vốn ngoại ra vào thị trường chứng khoán Đại lục (Đơn vị: tỷ nhân dân tệ)
“Nỗi lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại một lần nữa trở lại, khiến nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc thêm việc lựa chọn cổ phiếu tại Trung Quốc”, Jingyi Pan, chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte Ltd cho biết.
Ngày 29/5, MSCI sẽ nâng tỷ trọng của các cổ phiếu hạng A vốn hóa lớn của Trung Quốc từ 5% hiện tại lên mức 10% trong các chỉ số của mình, đồng thời thêm vào một số cổ phiếu công nghệ thuộc ChiNext vào bảng tính chỉ số. Chưa kể, sẽ có thêm một lần nâng tỷ trọng nữa vào cuối năm.
Theo các chuyên gia, một khi quá trình bổ sung cổ phiếu được hoàn tất, các cổ phiếu hạng A của Đại lục có thể chiếm tỷ trọng 18% tại chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi, khiến Trung Quốc vượt qua các quốc gia đang đứng Top đầu như Brazil, Nga và Ấn Độ.
Video đang HOT
Diễn biến chỉ số Shanghai composite.
Hiện tại, các quỹ đầu tư trên toàn cầu dựa vào chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi đang quản lý khối tài sản ít nhất 11.000 tỷ USD. Với việc nhiều cổ phiếu Trung Quốc được thêm vào chỉ số, dòng tiền từ các quỹ này sẽ tiến hành mua vào để đảm bảo cân đối danh mục. Các chuyên gia ước tính, khoảng 20 tỷ USD sẽ chảy vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu tiên của quá trình bổ sung cổ phiếu Đại lục. Thậm chí, dòng tiền chảy vào có thể lên tới 300 – 400 tỷ USD khi quá trình kết thúc.
Gao Ting, chiến lược gia tại UBS kỳ vọng, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu hạng A tại Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng lên mức 10 – 12% trong những năm tới, từ mức chưa tới 2% hiện tại, tất cả là nhờ động thái bổ sung thêm các cổ phiếu Đại lục vào rổ chỉ số của MSCI.
Tuy nhiên, cơn gió thuận chiều từ MSCI đã gặp lực cản lớn từ diễn biến mới của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Trong tuần trước, Mỹ đã chính thức áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi các cuộc đàm phán không có tiến triển. Chưa dừng lại, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục áp thuế 25% với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, “niềm an ủi” với giới đầu tư là việc những biến động gần đây tại thị trường chứng khoán Đại lục sẽ không tạo tác động lên kế hoạch nâng tỷ trọng cổ phiếu vốn hóa lớn của Trung Quốc tại các chỉ số của MSCI trong năm nay, theo Zhen Wei, Giám đốc khu vực Trung Quốc của MSCI Inc. Tuy nhiên, vẫn có khả năng số lượng cổ phiếu vốn hóa vừa trong đợt xem xét vào tháng 11 sẽ giảm xuống.
Lam Phong
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Nhà máy ngoại dịch chuyển, bất động sản công nghiệp đắc lợi
Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố.
Nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang có sự dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (VN). Sự dịch chuyển này sẽ kéo theo vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng mạnh, thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp có cơ hội phát triển.
Thu hút nhà đầu tư ngoại
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS công nghiệp ở VN bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển với nhiều tiềm năng.
Trong đó, BĐS công nghiệp ở miền Bắc dự báo sẽ hưởng lợi lớn nhất vì ở gần Trung Quốc, thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà xưởng của các DN. Một số tỉnh, thành miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh và có thể là cả Bắc Ninh, Bắc Giang hay Hưng Yên sẽ đón làn sóng dịch chuyển này mạnh mẽ nhất.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Jone Lang Lasalle, từ đầu năm 2019 đến nay, nhu cầu BĐS khu công nghiệp phía Bắc tiếp tục tăng cao. Tỉ lệ lấp đầy trong quý I-2019 đạt trung bình ở mức 72% ở năm tỉnh/TP năng động nhất, dẫn đầu là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL VN, lý giải có hiện tượng trên là do mức lương nhân công sản xuất trung bình của VN chỉ bằng 1/4 so với các nước khác trong khu vực. Sức hấp dẫn của thị trường VN còn tới từ nhiều chính sách ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân...
"Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đang mở ra tiềm năng phát triển cho thị trường BĐS công nghiệp. ây cũng là lý do nhiều DN mở rộng hướng phát triển sang lĩnh vực này" - ông Wyatt chia sẻ.
Tương tự, khu vực các tỉnh, thành phía Nam cũng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như quỹ Warburg Pincus (Mỹ) và nhà phát triển BĐS công nghiệp Becamex IDC tại Bình Dương đã cho ra mắt liên doanh Công ty CP Phát triển BW Industrial. Theo thông cáo của họ, với hơn 200 ha dự án đang được phát triển, vốn đầu tư ban đầu hơn 200 triệu USD, BW Industrial hiện là nhà phát triển dịch vụ cho thuê công nghiệp và hậu cần lớn nhất tại VN.
Nhà đầu tư Singapore Boustead cũng phát triển nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo nhu cầu (với tổng diện tích 18 ha tại Nhơn Trạch, Đồng Nai). Trong khi đó, Công ty Phát triển BĐS Trung Quốc (CFLD) tham gia đàm phán để tìm kiếm cơ hội đầu tư đất công nghiệp tại tỉnh Long An, vị trí chiến lược trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra, dự báo trong năm 2019, khi hạ tầng hoàn thiện, BĐS công nghiệp khu vực Long Hậu (Long An) và Tân Uyên (Bình Dương) sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư.
Thị trường BĐS công nghiệp đang trong giai đoạn mới phát triển với nhiều tiềm năng.Ảnh: HTD
Tận dụng cơ hội ở thời điểm vàng
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân khiến cho BĐS khu công nghiệp VN thu hút không chỉ vì chi phí sản xuất thấp mà còn do VN đang có sự đầu tư phát triển hạ tầng mạnh mẽ, chính sách tạo thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, vị trí VN rất thuận tiện trong giao thương hàng hóa quốc tế, cơ hội phát triển logistics rất lớn.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng VN cần phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện thì mới đáp ứng cho tiềm năng phát triển loại hình này. Bên cạnh đó, VN phải tiếp tục cải thiện năng suất lao động, chính sách, môi trường kinh doanh..., nhất là khơi thông các thương vụ M&A.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, nhận định cơ quan quản lý cần thay đổi cách lập quy hoạch đất công nghiệp nằm trong quy hoạch tổng thể của vùng, địa phương và cả nước để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Cụ thể, cần tập trung quy hoạch các khu công nghiệp và cụm công nghiệp sạch, sinh thái, thân thiện môi trường và thu hút công nghệ cao với các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Quy hoạch cần được lập đồng bộ và công bố công khai để các nhà đầu tư nghiên cứu, nắm bắt cơ hội và tham gia đầu tư sớm.
"Đặc biệt, cần minh bạch hóa thông tin về thị trường BĐS với những chính sách dài hạn, ổn định và có tính đảm bảo mức độ rủi ro chính sách, tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư" - ông Nam chia sẻ.
Một số DN FDI góp ý VN cần đầu tư cho BĐS công nghiệp trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại VN có thiết kế xây dựng, kho và hạ tầng chưa đạt chuẩn, không bắt kịp nhu cầu của DN. Ngoài ra, VN cần nâng cao chất lượng quản lý và xây dựng khu công nghiệp để đáp ứng được tiêu chuẩn của các công ty đa quốc gia.
Vốn ngoại chảy mạnh vào khu công nghiệp
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 11-2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được khoảng 8.000 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 145 tỉ USD.
Trong số 326 khu công nghiệp được thành lập, có 249 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 68.000 ha. Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt trên 73% và tiếp tục gia tăng cho thấy tiềm năng đối với phân khúc sản phẩm này.
Quang Huy
Theo Pháp luật Tp.HCM
Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: Điều nhà đầu tư ngại... Việt Nam rất cần các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém nhưng tại sao sau thời gian tìm hiểu họ lại chần chừ? Câu hỏi này được TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặt ra khi trao đổi với Đất Việt về việc nhiều nhà đầu tư nước...