Nhà đầu tư nên rót vốn vào đâu trong bối cảnh hiện nay?
Câu hỏi trên đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế và các kênh đầu tư chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Khó có một câu trả lời chung cho tất cả, do có nhiều yếu tố cấu thành quyết định của mỗi nhà đầu tư, như: quy mô vốn, khẩu vị rủi ro mỗi người, đặc điểm thanh khoản của mỗi kênh…
Tuy nhiên, câu hỏi trên được Công ty Chứng khoán TechcomSecurities (TCBS) đặt ra trong một báo cáo vừa công bố, cùng định hình chung về các kênh đầu tư phổ biến và khá đại chúng hiện nay.
Vàng đã tăng giá khá mạnh
Vàng vẫn là kênh đầu tư tốt trong giai đoạn kinh tế có nhiều rủi ro, như bối cảnh có ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, TCBS cho rằng, nhà đầu tư cần thận trọng do tài sản này đã tăng khá mạnh.
Cụ thể, giá vàng tăng liên tục kể từ đầu năm 2019, đạt đỉnh 49 triệu đồng/lượng ngày 24/02/2020 (ứng với mức tăng khoảng 34%) và hiện trong giai đoạn điều chỉnh xuống khi các gói hỗ trợ kinh tế được công bố trên toàn cầu.
Với một kênh đã tăng giá khá mạnh, tiềm năng tiếp tục tạo những đỉnh giá cao hơn nữa, hay tỷ suất đầu tư mới cao hơn nữa có thể trở nên hạn chế.
Trong khi đó, tại Việt Nam, giá vàng vẫn có “đời sống riêng”, nhiều giai đoạn nằm thấp hơn nhiều so với giá thế giới.
TCBS cũng lưu ý rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể can thiệp khi xuất hiện những cơn sốt nào đó, như cho phép nhập khẩu vàng để điều tiết thị trường đã từng thể hiện trong giai đoạn 2010-2013 khiến giá vàng giảm.
Ngoại tệ có những “ràng buộc”
Với ngoại tệ, điểm đến phổ biến trong đầu tư đại chúng tại Việt Nam là đồng đô la Mỹ (USD). Nhưng theo TCBS, ngoại tệ chưa hẳn là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay, do tỷ giá USD/VND kỳ vọng sẽ ổn định hơn đáng kể so với giai đoạn 2007-2009.
Tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát do Việt Nam mong muốn và có nguồn lực lớn hơn nhiều để ổn định tỷ giá so với giai đoạn 2007-2009. Giai đoạn 2007-2009 được so sánh, bởi đây là quãng ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu và tỷ giá USD/VND cũng liên tục tăng, rồi leo thang những năm sau đó.
Còn hiện nay, ổn định vĩ mô, tỷ giá là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Và theo TCBS, dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng, đạt mức 83 tỷ USD vào tháng 3/2020, chiếm 33% GDP, là nguồn lực lớn để chủ động thực hiện mục tiêu đó. 3 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Việt Nam cũng đạt khoảng 3 tỷ USD.
Mặt khác, thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam (chiếm hơn 25% GDP) chủ yếu huy động trong nước, tránh rủi ro bị rút vốn khiến VND mất giá.
Video đang HOT
Một điểm nữa mà TCBS đề cập đến là lãi suất tiền gửi của Việt Nam đang hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực, do đó vẫn thu hút các dòng vốn ngoại với mục đích hưởng chênh lệch lãi suất.
Có một yếu tố nữa mà báo cáo của TCBS không đề cập đến, nhưng có ảnh hưởng đáng để ý khi xét USD là một kênh đầu tư hiện nay. Đó là biến động tỷ giá USD/VND trở thành một trong những điểm được quan tâm ở các kỳ đánh giá của Mỹ, trong vấn đề xem xét khả năng “thao túng tiền tệ” với nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) nổi lên hai năm gần đây.
Bất động sản cần chờ đợi?
Với bất động sản, theo TCBS, nhà đầu tư chỉ cân nhắc rót vốn nếu có trong tay nguồn tiền mặt dồi dào, tìm được sản phẩm tốt với giá hợp lý để đầu tư dài hạn, không nên sử dụng đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này vì bất động sản khá nhạy cảm với các cuộc suy thoái.
Báo cáo của công ty chứng khoán này nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đang chững lại, cần chờ đợi đến khi khởi sắc. Khả năng bất động sản tăng giá trong ngắn hạn 2020 là tương đối thấp, đặc biệt với những bất động sản đầu cơ, không phục vụ nhu cầu ở thực như bất động sản nghỉ dưỡng, cho thuê, khách sạn… do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
VN-Index từng tăng tới 140% khi hồi phục trước đây
Trong các kênh đầu tư, chứng khoán ngày càng trở nên đại chúng tại Việt Nam. Kênh này cũng trở nên phù hợp bởi linh hoạt về quy mô vốn, có tính thanh khoản cao.
TCBS cho rằng, thị trường cổ phiếu đã giảm mạnh, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, VN-Index đã mất hơn 30% giá trị sau 3 tháng. Do dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc, TCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm thời đứng ngoài thị trường trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời hấp dẫn, thanh khoản cao và thường hồi phục sau khi tạo đáy. TCBS dẫn ví dụ, VN-Index từng đạt mức tăng khoảng 140% chỉ trong vòng 8 tháng năm 2009, khi thị trường hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
“Suy thoái là cơ hội để các nhà đầu tư mua được cổ phiếu tốt với mức chiết khấu cao. Nhà đầu tư nên theo dõi sát sao và thực hiện giải ngân khi thị trường có dấu hiệu phục hồi rõ ràng”, báo cáo của TCBS nêu khuyến nghị.
Gửi tiết kiệm kém hấp dẫn
Theo TCBS, tiền gửi tiết kiệm có lãi suất ổn định nhưng không hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp…
Công ty chứng khoán này dự tính, lãi suất tiết kiệm có thể tiếp tục giảm do những tháng đầu năm 2020, ngân hàng đang có quá nhiều tiền mặt, trong khi không thể đẩy mạnh cho vay ra nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thậm chí TCBS còn nêu tình huống lãi suất tiền gửi thực tế có thể bị âm như trong cuộc khủng khoảng kinh tế 2007-2009, do lạm phát bị đẩy lên mức rất cao. Theo đó, diễn biến của lạm phát trở thành một tham chiếu khi chọn kênh gửi tiết kiệm.
Dù vậy, năm nay, yếu tố lạm phát và diễn biến thực tế đã và đang khác xa với giai đoạn phi mã trước đây.
Lựa chọn mới – Trái phiếu doanh nghiệp
Hai năm qua, đặc biệt trong năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh. Điểm mới, kênh này đang dần thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.
TCBS cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt của những tổ chức phát hành uy tín, là sự lựa chọn mới cho các nhà đầu tư trong giai đoạn suy thoái của nền kinh tế.
Trái phiếu doanh nghiệp mang lại mức lợi tức từ 9-10%/năm, thường cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 2-3%/năm. Do thông lệ và đặc thù thị trường hiện nay, trái tức của trái phiếu doanh nghiệp thường được tính theo lãi suất tiền gửi cộng với một biên độ nhất định.
Tuy nhiên, cũng là đặc điểm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, vẫn còn những hạn chế nhất định để kênh này trở nên đại chúng và mở rộng với các nhà đầu tư cá nhân, như về minh bạch thông tin, hạng mức tín nhiệm nhà phát hành, khả năng phân tích rủi ro của nhà đầu tư…
Theo đó, lựa chọn mới này, dù có lợi tức khá hấp dẫn nhưng tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư.
Doanh nghiệp bất động sản than khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ
Sau những tháng ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp bất động sản đang mong ngóng tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Nhưng việc này không dễ.
Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ngày 15/4 dự thảo quyết định về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong gói 62 ngàn tỷ đồng sẽ dành khoảng 18 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp vay không lãi suất trả lương cho người lao động.
Không dễ tiếp cận gói hỗ trợ
Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo đó sẽ gia hạn 5 tháng đối với các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế cá nhân... với giá trị ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên DĐDN, anh Trần Tuấn - Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất cho biết đã nắm bắt được các thông tin hỗ trợ trên của Chính phủ nhưng với các điều kiện đưa ra thì gần như doanh nghiệp của anh không thể tiếp cận được.
Anh cho biết điều kiện vay không lãi suất quy định: "Doanh nghiệp phải trả trước 50% lương tối thiểu cho người lao động đã là một cản trở lớn khi mà thời gian dịch bệnh vừa qua doanh nghiệp không có nguồn doanh thu, phải đi vay ngân hàng để trả lương nên phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đã bị chậm hơn bình thường".
Được biết, trong một gói hỗ trợ vay không lãi suất để trả lương, các tiêu chí đưa ra gồm: Có từ 20% số lao động hoặc từ 30 lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên (từ ngày 1/4 đến 30/6); doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương cho người lao động, đã trả trước 50% tiền lương cho người lao động trong khoản thời gian trên, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng tính đến cuối năm 2019.
Với các tiêu chí trên, doanh nghiệp không cần phải có tài sản đảm bảo nhưng phải có kế hoạch trả nợ, và phải cam kết dùng các nguồn vốn, tài sản hợp pháp để trả khi đến hạn, nếu quá hạn tiền vay sẽ tính lãi suất 12%/năm.
Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ cho doanh nghiệp vay theo số lao động ngừng việc thực tế hằng tháng, nhưng không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng, tối đa trong 3 tháng (từ tháng 4 - tháng 6/2020). Thời hạn cho vay không quá 12 tháng, thủ tục bao gồm: giấy phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, danh sách lao động ngừng việc có xác nhận công đoàn cơ sở, xác nhận cơ quan BHXH, bản sao ngừng việc, bản sao báo cáo tài chính các năm...
Ông Nguyễn Tuấn Anh - TGĐ một Công ty bất động sản cho biết, công ty có khoảng gần 50 nhân sự, từ tháng 2 do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công ty đã phải cắt giảm giờ làm, tuy nhiên để giữ chân người lao động và duy trì thu nhập cho họ, công ty bố trí cho nhân viên làm luân phiên, giãn giờ.
"Về mặt lý thuyết, nhân viên vẫn có việc làm nhưng so với trước số giờ làm giảm một nửa, trong khi gói hỗ trợ quy định công ty phải có từ 30 lao động ngừng việc từ 1 tháng trở lên, công ty đã bị loại khỏi danh sách đầu tiên" - ông Tuấn Anh cho biết.
Cần có những giải pháp thực tế
Trên thực tế, gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời điểm này là rất cần thiết nhưng việc tiếp cận là điều không dễ dàng, nhiều doanh nghiệp sản xuất và bất động sản sau khi biết thông tin đã chủ động liên hệ với các tổ chức tín dụng ngân hàng để làm việc nhưng đều nhận được những câu trả lời chung như: Chưa có thông tư hướng dẫn nên chưa thể hỗ trợ...
Chị Quyên - Giám đốc tài chính Công ty địa ốc B chia sẻ: Khi biết thông tin gói hỗ trợ từ Chính phủ, để đảm bảo tài chính công ty cho các dự án sắp tới, chị đã tiếp cận các ngân hàng đang có quan hệ với công ty để làm các thủ tục vay theo lãi suất ưu đãi nhưng điều kiện ngân hàng đưa ra là phải có tài sản thế chấp, chứng minh dòng tiền trả nợ... "Như vậy thì khác nào hoạt động vay thông thường" - chị Quyên cho biết.
Nguồn vốn hỗ trợ bây giờ như "máy trợ thở" để doanh nghiệp xoay xở
"Doanh nghiệp được khuyến cáo nếu làm đơn xin vay hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ bị đánh giá mức tín nhiệm thấp và sẽ khó vay vốn về sau bởi doanh nghiệp bị xếp vào diện cảnh báo không an toàn" - chị Quyên cho biết thêm.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp sản xuất và bất động sản: Trong thời điểm hiện nay rất ít doanh nghiệp có tài sản bảo đảm là bất động sản đủ điều kiện vay vì đa phần các doanh nghiệp sản xuất phải thuê đất, kho bãi, các công ty bất động sản cũng chủ yếu dùng mặt bằng thuê mướn.
Để đảm bảo cho khoản vay là tài sản thế chấp thì chỉ có nhà ở cá nhân của thành viên công ty mới đủ điều kiện, đa phần là cần nguồn vốn tiền mặt để ký quỹ và nguồn thu đến từ việc phân phối các dự án, doanh nghiệp sản xuất thì nguồn thu đến từ việc đầu ra sản phẩm. Nhưng dịch bệnh này thì gần như bó phép vì tất cả mọi sản xuất kinh doanh đều bị dừng lại và hoạt động cầm chừng.
Về phía ngân hàng cho biết các gói hỗ trợ đưa ra phải chịu sự kiểm soát, ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay nhưng với các doanh nghiệp có sức khỏe kém thì rủi ro ngân hàng phải chịu trách nhiệm là không nhỏ.
"Phía doanh nghiệp cũng rất hiểu cái khó của ngân hàng, nhưng nguồn vốn hỗ trợ bây giờ như máy trợ thở để doanh nghiệp có thể xoay xở và chi trả các chi phí cố định, nhân công, tái sản xuất và nguồn tiền để ký quỹ kinh doanh" - anh Hải, Giám đốc doanh nghiệp cho biết.
Để giải quyết những tình cảnh trên, Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị trình Thủ tướng để trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và tái cấp vốn một cách phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các tổ chức ngân hàng đơn giản hóa hồ sơ thủ tục chứng minh bị ảnh hưởng dịch bệnh và nguồn trả nợ, điều kiện cơ cấu nợ. Đây được xem là những giải pháp mang tính thực tế để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ một cách nhanh nhất để tiếp tục triển khai kinh doanh.
Tâm Định Hướng
Hậu dịch COVID-19: Có nên rót tiền vào bất động sản? Những ngày này, thị trường đang chứng kiến sự "tê liệt" của nền kinh tế bởi tác động ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID -19 khiến tất cả đều...ngưng trệ. Bị "đấm kép" từ thắt chặt tín dụng năm ngoái, nay thêm lần xô ngã này, thị trường bất động sản rơi tình cảnh nỗi buồn nhân đôi. Giá giảm sâu, thanh...