Nhà đầu tư dễ kiếm lời trên sàn phái sinh?
Kiếm lời trên sàn phái sinh rất khó, nhưng gần đây có vẻ dễ dàng hơn khi thị trường cơ sở sụt giảm trong bối cảnh nhiều thị trường chứng khoán thế giới “đỏ lửa”.
Tính riêng hai phiên đầu tuần này (5 – 6/8/2019), chỉ số VN-Index lần lượt mất 18 điểm và 9 điểm (trong phiên có thời điểm giảm 15 điểm), tổng cộng 2,7%; chỉ số VN30 của 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản hàng đầu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng giảm mạnh, lần lượt mất 13 điểm và 6 điểm (trong phiên có thời điểm giảm 14 điểm), tổng cộng 2,2%. Theo đó, đa số cổ phiếu giảm giá, khiến giá trị tài khoản của nhà đầu tư sụt giảm; giá trị vốn hóa toàn sàn HOSE sau 2 phiên “bốc hơi” gần 90.000 tỷ đồng.
Trên sàn phái sinh, nhiều nhà đầu tư dự báo khả năng giảm điểm của thị trường cơ sở nên đã mở vị thế bán, qua đó thu lời không nhỏ vì bán giá cao, sau đó mua lại với giá thấp, hưởng chênh lệch giá. Dù thị trường lao dốc, nhưng nhà đầu tư mở vị thế mua cũng có cơ hội hưởng chênh lệch giá khi canh thời điểm mua ở mức giá thấp và bán ra ở mức giá cao hơn tại các nhịp hồi phục trong phiên.
Thực tế cho thấy, thị trường càng biến động mạnh, cơ hội kiếm lời trên sàn phái sinh càng nhiều. Bởi lẽ, sàn này có cơ chế giao dịch đối ứng, nhà đầu tư được phép mua bán liên tục và ghi nhận lãi/lỗ ngay lập tức, còn giá cả thì luôn “nhấp nhô” trong phiên, nên chỉ cần ra/vào lệnh hợp lý, “mua thấp, bán cao” và “bán cao, mua thấp” là giá trị tài khoản gia tăng.
“Cuối tuần qua (2/8), khi đọc được tin Mỹ sẽ nâng thêm thuế với 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, tôi quyết định mở vị thế bán trên sàn phái sinh. Kinh nghiệm từ những lần trước đó cho thấy, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư trở nên bi quan, thúc đẩy hành động bán ra cổ phiếu. Tôi kiếm được khoản lãi không nhỏ nhờ diễn biến lao dốc của thị trường trong 2 phiên đầu tuần này”, một nhà đầu tư chia sẻ.
Nhà đầu tư trên cho biết, trong phiên 6/8, anh đã mua vào hợp đồng tương lai chỉ số VN30 để đóng vị thế bán, hiện thực hóa lợi nhuận, dù vẫn có tâm lý bi quan khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá mạnh, thấp kỷ lục so với USD kể từ năm 2009, sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam vì thương mại Việt – Trung có giá trị lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD.
Theo đó, nhân dân tệ mất giá không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, mà còn gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp. Bốn phiên giao dịch đầu tháng 8, khối ngoại liên tiếp bán ròng cổ phiếu trên HOSE, tổng cộng hơn 710 tỷ đồng, trong khi cả tháng 7 mua ròng hơn 2.173 tỷ đồng.
Một nhà đầu tư khác cho hay, phiên 5/8, anh mở vị thế bán, sau đó chuyển sang vị thế mua sáng 6/8, khi thấy thị trường có phiên thứ hai lao dốc và kiếm được lời do điểm số hồi phục dần.
Video đang HOT
“Thị trường luôn phục hồi kỹ thuật sau khi giảm mạnh và giảm trở lại sau khi phục hồi. Cần bình tĩnh nhìn nhận diễn biến giá và ra – vào lệnh kịp thời là thu được lời. Bình thường, tôi chốt lời khi thấy lãi 1 – 2 điểm (1 điểm tương đương lãi 100.000 đồng so với vốn đầu tư khoảng 18 triệu đồng/hợp đồng), nhưng với những phiên biến động mạnh, tôi để lãi chạy dài hơn”, nhà đầu tư nói.
Diễn biến chỉ số VN30 từ đầu năm 2019 đến nay
Hiện tại, cả hai nhà đầu tư trên đều đang tạm nghỉ giao dịch, chờ dấu hiệu rõ ràng hơn của xu thế thị trường.
“Chỉ nên tham gia sàn phái sinh khi nhận thấy cơ hội rõ ràng. Ham giao dịch nhằm lãi nhanh, lãi nhiều là cầm chắc phần thua, vì càng giao dịch nhiều, đầu óc càng thiếu tỉnh táo, dễ đưa ra quyết định sai lầm trước những dao động bất ngờ của thị trường. Trước đây, tôi có không ít lần mua đuổi, bán đuổi vì cảm giác cơ hội kiếm lời sao dễ dàng, nhưng thị trường lại nhanh chóng đảo chiều, khiến tâm lý ngay lập tức trở nên bi quan và đưa ra quyết định cắt lỗ”, nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm sau thời gian ban đầu tốn không ít “học phí” đầu tư.
Thị trường chứng khoán phái sinh tròn 2 năm hoạt động vào ngày 10/8/2019. Số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng, thời điểm cuối tháng 7 đạt 78.445 tài khoản, tăng 4,1% so với cuối tháng 6 và tăng 36% so với cuối năm 2018. Đáng chú ý, giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh của khối công ty chứng khoán) kể từ đầu quý II/2019 đến nay tăng rõ rệt, từ mức 1 – 2% trong quý I lên 8,5% trong tháng 7. Trong tháng 7, sàn phái sinh có bình quân 99.957 hợp đồng được giao dịch mỗi phiên, tăng 1,6% so với tháng 6; giá trị giao dịch danh nghĩa đạt 8.798 tỷ đồng/phiên.
Trí Dũng
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Sàn phái sinh cần thêm nhà đầu tư tổ chức
Thiếu cơ chế tiếp sức cho việc phát triển nhà đầu tư tổ chức đang tác động bất lợi đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh cũng như thị trường cơ sở.
Nhà đầu tư cá nhân áp đảo, đa phần là đầu cơ
Về lý thuyết, khi TTCK cơ sở đi xuống thì TTCK phái sinh với bản chất là công cụ phòng ngừa rủi ro sẽ có thanh khoản và khối lượng hợp đồng mở (OI) tăng lên, nhưng thực tế nhiều khi không diễn ra như vậy. Đơn cử, trong tháng 4/2019, cùng với sự đi xuống của thị trường cơ sở, giao dịch trên thị trường phái sinh giảm mạnh so với tháng 3, khối lượng giao dịch bình quân giảm 40,45%, OI thời điểm cuối tháng giảm gần 11%.
Không thể phủ nhận, thị trường phái sinh có bước phát triển nhanh về giá trị giao dịch. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh đó nhờ vào lực lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ áp đảo.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong tháng 4/2019 giảm so với tháng 3, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 92,9% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trong khi đó, giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) tăng lên, nhưng mới đạt tỷ trọng 6,84%. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,27% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
"Từ thực tế số lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo, diễn biến trên TTCK phái sinh trong tháng 4 vừa qua càng chứng tỏ tính chất về đầu cơ cao trên thị trường này, chứ chưa đúng bản chất là công cụ phòng ngừa rủi ro.
Nhà đầu tư trên sàn phái sinh đa phần tranh thủ lướt sóng, mua bán kiếm lời trong ngắn hạn. Bởi vậy, khi thị trường cơ sở thiếu vắng thông tin hỗ trợ, cộng với những quan ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhà đầu tư cảm thấy ít có cơ hội kiếm lời nên hạn chế giao dịch.
Trên sàn phái sinh, dù giá tăng hay giảm thì nhà đầu tư vẫn có cơ hội kiếm lời nếu nhận định đúng xu hướng, nhưng diễn biến thực tế không phải lúc nào cũng theo lý thuyết, bởi sự tác động tâm lý của đông đảo nhà đầu tư cá nhân. Rủi ro này là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản trên thị trường phái sinh gần đây giảm mạnh", giám đốc phân tích một công ty chứng khoán thuộc khối ngân hàng chia sẻ.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết lý giải thêm nguyên nhân khiến thanh khoản trên thị trường phái sinh suy giảm là do chi phí tăng. Trước đây, nhà đầu tư được miễn, giảm phí giao dịch chứng khoán phái sinh, nên hào hứng tham gia. Nay phải trả phí giao dịch, cộng thêm một số khoản phải nộp cho Sở giao dịch và Trung tâm Lưu ký chứng khoán nên khi lỗ, họ lỗ nhiều hơn, còn lãi thì ít đi, dẫn đến tâm lý hứng khởi giao dịch qua đi.
"Vấn đề đáng quan ngại là nhà đầu cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo và đa phần là đầu cơ, trong khi nhà đầu tư tổ chức giao dịch không đáng kể, nên thị trường phái sinh không phát huy được vai trò là công cụ phòng vệ rủi ro cho danh mục cơ sở", vị lãnh đạo công ty chứng khoán nói.
Cần phát triển nhà đầu tư tổ chức
Ghi nhận nhiều ý kiến từ thị trường, việc thiếu nhà đầu tư tổ chức kéo dài tác động đến sự phát triển của sàn phái sinh nói riêng, TTCK Việt Nam nói chung trong cả hiện tại và tương lai.
Trên thực tế, việc triển khai sản phẩm phái sinh thứ hai là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ bị trì hoãn có nguyên nhân liên quan đến việc khó khăn trong tìm sức cầu, nhà đầu tư cho sản phẩm này. Bởi vậy, việc sớm có giải pháp tiếp sức cho phát triển nhà đầu tư tổ chức nên là một trong những ưu tiên trong hoạt động điều hành, cũng như hoàn thiện chính sách của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian tới.
Để hỗ trợ phát triển nhà đầu tư tổ chức, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nên xem xét ưu đãi về thuế, phí đối với hoạt động đầu tư qua các quỹ nói chung, hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán phái sinh nói riêng, đặc biệt là trong giai đoạn ban đầu khi triển khai sản phẩm mới.
Đây là điều Việt Nam nên làm thông qua tham khảo kinh nghiệm từ các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, cần thực hiện thêm các bước cải cách về cơ chế giao dịch, từ đó tạo sự thông thoáng trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK phái sinh.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư tổ chức là các công ty quản lý quỹ bị "cấm cửa" đầu tư chứng khoán phái sinh, trong khi họ có nhu cầu giao dịch. Cùng với yêu cầu các tổ chức này gia tăng minh bạch thông tin, nhất là về dòng vốn đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên cho phép họ đầu tư một tỷ lệ nguồn vốn nhất định vào chứng khoán phái sinh.
Nguyễn Hữu
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Giải mã bức tranh thị phần sàn phái sinh quá lệch Bức tranh thị phần môi giới phái sinh ngày càng thay đổi mạnh, dần tập trung vào một vài công ty. Năm 2017, thị trường chứng khoán có 7 công ty chứng khoán tham gia thị trường phái sinh, trong đó Công ty Chứng khoán SSI giữ vị trí số 1 về thị phần môi giới sản phẩm này, với tỷ lệ 28,28%....