Nhà đầu tư đã “chai sạn” trước thông tin về Covid-19
Đó là nhận định của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng liên quan đến diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Thưa ông, làn sóng dịch bệnh Covid-19 quay trở lại đã có những tác động rõ nét tới thị trường chứng khoán tuần qua. Ông có nhận định như thế nào về diễn biến thị trường?
Suốt tuần vừa qua diễn biến dịch bệnh đã khiến hầu hết nhà đầu tư lo lắng. Thị trường đã xuất hiện những phiên giảm điểm rất mạnh đan xen phiên hồi phục. Tuy nhiên, với diễn biến này có thể khẳng định thông tin liên quan tới dịch bệnh Covid-19 chỉ là một yếu tố “bồi” thêm bởi xu hướng dòng tiền đã yếu đi từ cách đây 1,5 tháng . Điều này cũng giống như một bệnh nhân đã có bệnh lí nền sẵn rồi, khi dương tính với Covid-19 sẽ khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, dù nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng vài phiên vừa qua nhưng thực tế nhóm này cũng đã bán ròng nhiều tháng nay. Điều này cùng với làn sóng Covid-19 khiến VN-Index sụt giảm.
Có thể thấy, trong quý đầu năm lượng nhà đầu tư mới (F0) mở tài khoản mới tăng đột biến do thị trường giảm mạnh. Vậy giai đoạn hiện nay có tiếp tục thu hút được nhóm này để “cứu” thị trường không, thưa ông?
Thời điểm này nhà đầu tư mới F0 sẽ tiếp tục tham gia thị trường nhưng để đạt cao trào như giai đoạn đầu năm sẽ khó. Bởi lẽ dù thị trường có giảm điểm nhưng vẫn giữ được mốc gần 800 điểm. Nếu so với giai đoạn giảm sâu do dịch bệnh Covid-19 hồi quý 1 ở mức “đáy” 650 điểm là khoảng cách khá xa. Nếu so sánh 2 giai đoạn có thể thấy, việc tăng từ 650 điểm lên mốc 800 điểm không quá khó khăn nhưng từ 800 điểm đi lên mốc cao hơn thì không hề đơn giản.
Hơn nữa, việc nhà đầu tư F0 tham gia phải thể hiện qua dòng tiền. Hiện thanh khoản liên tục suy giảm chứng tỏ khả năng số lượng nhà đầu tư mới mở tài khoản tăng mạnh như đầu năm sẽ khó xảy ra.
Dự báo diễn biến dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục phức tạp cùng với những thông tin “xấu”. Điều này sẽ tác động như thế nào tới tâm lý nhà đầu tư?
Video đang HOT
Tác động của Covid-19 tới tâm lý nhà đầu tư chắc chắn có nhưng sẽ không nhiều bởi đến thời điểm hiện tại người dân cũng đã “quen” với việc tiếp nhận thông tin về dịch bệnh này hằng ngày. Điều đó được chứng minh bằng việc đợt giảm điểm lần này khác với giai đoạn đầu năm. Nếu vào hồi quý 1, VN-Index đã lao dốc một mạch thì hiện thị trường đang tăng giảm đan xen, cứ 2 phiên giảm thì sẽ có một phiên tăng điểm.
Ví dụ như trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 31/7, thông tin về ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Viêt Nam tử vong có từ lúc 2 giờ chiều nhưng đến khi kết phiên VN-Index cũng chỉ giảm hơn 2 điểm. Điều này cho thấy dù diễn biến dịch bệnh có tác động nhưng cũng sẽ không nhiều như đợt trước. Thông tin hằng ngày như “cơm ăn áo mặc” cũng khiến nhà đầu tư “chai sạn” hơn.
Ông có dự báo như thế nào về xu hướng của thị trường trong thời gian tới cũng như khuyến nghị tới nhà đầu tư?
Xu hướng của thị trường chứng khoán trong tuần tới dự báo sẽ hơi tiêu cực nhưng mức độ sẽ yếu hơn chứ không “rơi” mạnh như tuần này. Tuy nhiên điều đáng lo là nếu dòng tiền tiếp tục “eo hẹp” bởi dịch Covid-19 sẽ ngăn cản đà phục hồi của nền kinh tế. Những dòng tiền lớn vẫn kiên định đứng ngoài không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Nếu chỉ có nhà đầu tư F0 cứu thị trường thì rất khó bởi vì họ yếu hơn cả về tâm lý lẫn về năng lực tài chính. Với thực tế thanh khoản chững lại thì việc chỉ phụ thuộc vào nhà đầu tư F0 sẽ khó mà “cứu vớt” được thị trường. Để “cứu” được thị trường lúc này phải “đồng bộ” từ nhà đầu tư F0, nhà đầu tư trong nước tới nhà đầu tư nước ngoài cùng một lúc mua vào.
Về chiến lược trong giai đoạn tới, tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt cao. Khi thị trường có dấu hiệu hồi phục thì nên giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu xuống. Mặc dù một số cổ phiếu Penny vẫn được hỗ trợ nhưng cần lưu ý chỉ có một số thôi chứ không phải tất cả.
Đối với những nhà đầu tư không chịu được rủi ro cao và thêm nữa là tâm lý yếu thì nên đợi thị trường tăng lên để gia tăng mức độ tiền mặt.
Còn những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm và kĩ năng đầu tư để chịu được rủi ro cao thì thị trường chứng khoán phái sinh sẽ là kênh đầu tư khá hấp dẫn.
Xin cảm ơn ông!
Chốt phiên giao dịch chứng khán 31/7, VN-Index giảm nhẹ 2,74 điểm (0,34%) về mốc 798,39 điểm. HNX-Index giảm 0,59 điểm (0,55%) về mốc 107,51 điểm. Upcom-Index giảm 0,06 điểm (0,11%) về mốc 54,8 điểm.
Thanh khoản trên thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp với gía trị giao dịch đạt hơn 4,5 nghìn tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước giờ bị "siết"
Dự thảo sửa đổi Nghị định 163 sẽ quản lý chặt chẽ hơn tổng giá trị phát hành và tiến độ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Trước thực tế đó, từ phía doanh nghiệp, dường như đang có sự tăng tốc phát hành trái phiếu để tận dụng khoảng thời gian "dễ thở" không còn dài.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang có những diễn biến mới đáng chú ý sau khi dự thảo sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN được công bố. Trên thực tế, đề xuất sửa đổi Nghị định 163 ra đời trong bối cảnh cơ quan quản lý đang xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) với mục đích tạo thêm nhiều cơ chế bảo vệ hơn cho các nhà đầu tư.
Theo đó, Luật Chứng khoán mới sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ bằng cách tăng mức vốn điều lệ yêu cầu tối thiểu của tổ chức phát hành từ 10 tỉ đồng lên 30 tỉ đồng và quy định trái phiếu phát hành riêng lẻ của công ty đại chúng chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân có danh mục chứng khoán niêm yết tối thiểu 2 tỉ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỉ đồng).
So với Nghị định 163, dự thảo nghị định thay thế mới có một số nội dung đáng chú ý. Thứ nhất, dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không được vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quí gần nhất.
Thứ hai, mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu sáu tháng (Nghị định 163 không quy định thời gian tối thiểu giữa các lần phát hành, nên doanh nghiệp có thể phát hành các đợt liên tục).
Thứ ba, dự thảo nghị định mới bãi bỏ điều khoản về cho phép bán trực tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư. Thứ tư, dự thảo nghị định mới quy định tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu chỉ còn công ty chứng khoán (bỏ đi các tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu khác là tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác như trong Nghị định 163).
Dự thảo nghị định mới theo đó sẽ quản lý chặt chẽ hơn tổng giá trị phát hành và tiến độ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Trước thực tế đó, từ phía doanh nghiệp, dường như đang có sự tăng tốc phát hành trái phiếu để tận dụng khoảng thời gian "dễ thở" không còn dài. Nhiều công ty đang có tần suất phát hành trái phiếu dày đặc.
Cụ thể, trong tháng 2-2020, có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành là 5.574 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản chiếm 72% lượng phát hành trong tháng với 4.025 tỉ đồng. Lượng phát hành tháng 2 thu hẹp, chỉ bằng 41% lượng phát hành trong tháng 1-2020 dù số ngày làm việc nhiều hơn do tháng 1 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, phần nào cho thấy sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến việc huy động vốn của doanh nghiệp.
Tổ chức phát hành nhiều nhất trong tháng 2-2020 là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam với 1.943 tỉ đồng trái phiếu năm năm, chia làm 40 lô phát hành. Trước đó, trong tháng 1-2020, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 1.441 tỉ đồng trái phiếu ba năm, chia làm 30 lô. Toàn bộ đều có lãi suất cố định là 10,9%/năm và bên mua là các cá nhân trong nước.
Lãi suất bình quân các lô phát hành trái phiếu bất động sản trong tháng 2 là 11%/năm, giảm so với mức bình quân 11,73% của tháng 1-2020. Trong đó, lô phát hành có lãi suất cao nhất (12%/năm) là 50 tỉ đồng, kỳ hạn một năm của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Ánh Dương Hòa Bình.
Như vậy, tổng lượng TPDN phát hành hai tháng đầu năm 2020 là 19.398 tỉ đồng có kỳ hạn bình quân 4,75 năm, lãi suất bình quân là 10,07%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 11.639 tỉ đồng (chiếm 60%). Nhóm doanh nghiệp khác phát hành 6.001 tỉ đồng (chiếm 31%), bao gồm Sovico phát hành 2.000 tỉ đồng, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải phát hành 2.000 tỉ đồng, VinFast phát hành 950 tỉ đồng...
Chỉ có hai ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu là ACB (230 tỉ đồng, kỳ hạn 10 năm) và TPBank (552 tỉ đồng, kỳ hạn bảy năm), đều là các trái phiếu đủ tiêu chuẩn tính vào vốn cấp 2.
Trước thực tế doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu với tần suất phát hành cao, cùng với số vốn huy động vượt nhiều lần vốn chủ sở hữu, các nhà quản lý đã cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu. Điều này lại càng đáng quan ngại khi số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đông đảo.
Theo Bộ Tài chính, nếu như cuối năm 2018, nhà đầu tư cá nhân mua trên thị trường sơ cấp đạt 6,9% khối lượng trái phiếu, thì con số này đã tăng lên 9,14% vào cuối tháng 11-2019. Một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ tập trung chào bán TPDN phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân.
Sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân, gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đặc điểm của trái phiếu, đồng thời thiếu khả năng phân tích đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư này.
Trường hợp doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư (mua lại trước hạn theo thỏa thuận, thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp) thì phạm vi bị ảnh hưởng lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường vốn nói chung.
Do đó, tuy còn có ý kiến khác nhau nhưng cả cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp tư vấn, chuyên gia tài chính đều khá đồng thuận với quan điểm cần phải khống chế tần suất phát hành trái phiếu cũng như giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro mất tiền cho nhà đầu tư, đảm bảo thị trường TPDN phát triển lành mạnh và ổn định.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Nguyên nhân tỷ giá VND/USD tăng mạnh Tỷ giá quy đổi VND/USD qua kênh ngân hàng thương mại chiều 20/3 đã tăng lên xấp xỉ 23.600 đồng, trong khi giá trên thị trường tự do cũng vượt mức 23.700 đồng đổi 1 USD. Cùng với những biến động của thị trường tài chính thế giới, thị trường ngoại hối trong nước từ đầu tuần này (16/3) cũng ghi nhận mức...