Nhà đầu tư bán tháo giữa lo ngại đợt bùng phát thứ 2 của Covid-19
Khi Dow Jones mất đà, S&P 500 cũng chật vật tăng điểm do nhà đầu tư vừa lo ngại các ca lây nhiễm bệnh Covid-19 mới, vừa kỳ vọng nền kinh tế sớm mở cửa lại.
Nỗi lo ngại về đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ 2 khi nhiều nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội, song nhiều nơi ghi nhận số ca nhiễm đột biến, khiến giới đầu tư đồng loạt bán ra, đẩy sàn Phố Wall diễn biến trái chiều trong phiên ngày 11/5.
Đức, Hàn Quốc số ca nhiễm mới bất ngờ tăng mạnh khi các nước bỏ lệnh giãn cách xã hội, và thậm chí tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) – tâm dịch đầu tiên của thế giới, cũng xuất hiện các ca nhiễm mới sau hơn 1 tháng dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên 11/5.
Tuy nhiên về cuối phiên, với kỳ vọng nền kinh tế mở cửa trở lại đã giúp các chỉ số chính của phố Wall hồi phục dần, trong đó S&P và Nasdaq lấy lại được sắc xanh, còn Dow Jones hãm đà rơi.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,7% lên 9.192,34 điểm, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ chuỗi tăng 11 phiên liên tiếp trong tháng 12/2019. Từ đầu năm đến nay, Nasdaq Composite đã leo dốc 2,4% và chỉ còn cách 6% so với mức cao kỷ lục đã xác lập hồi tháng 2 vừa qua.
Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0,39 điểm lên 2.930,19 điểm, sau khi sụt tới 0,9% ở đầu phiên giao dịch. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones hạ 109,33 điểm (tương đương 0,4%) còn 24.221,99 điểm.
Cổ phiếu các đại gia công nghệ Amazon, Apple và Microsoft đều tăng trên 1% trong ngày 11/5, cũng là phiên tăng thứ 6 liên tiếp. Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) đều cộng 1,4%.
Video đang HOT
Chiến lược gia cổ phiếu Salvatore Ruscitti tại MRB Partners nhận xét: “Đại dịch Covid-19 đã củng cố vai trò thiết yếu của công nghệ đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời gia tăng kỳ vọng rằng những đại gia trong ngành sẽ ngày càng giữ vai trò chi phối thị trường”.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng về rủi ro khi mở cửa nền kinh tế quá sớm có thể dẫn tới số ca nhiễm bệnh Covid-19 tăng nhanh trở lại. Tại Hàn Quốc – quốc gia được cho là đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, chính phủ vừa cảnh báo một cụm lây nhiễm mới đã xuất hiện liên quan tới các hộp đêm và quán bar.
Singapore và Nhật Bản cũng xác nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Trung Quốc đã phong tỏa trở lại TP Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, gần biên giới với Triều Tiên sau khi ghi nhận 14 ca nhiễm mới trong một ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những nước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội quá sớm đang chứng kiến số ca nhiễm bệnh tăng nhanh trở lại.
Tính từ đáy ngày 23/3, chỉ số S&P 500 hiện đã hồi phục 33%, chủ yếu nhờ diễn biến tích cực của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Alphabet và Microsoft, khi đồng loạt tăng hơn 20% kể từ cuối tháng 3. Tuần trước, Apple cho biết sẽ dần mở các cửa hàng trở lại trong tuần này.
Những cổ phiếu hưởng lợi từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại cũng tăng mạnh từ mức đáy ghi nhận hồi cuối tháng 3. MGM Resorts tăng vọt hơn 70%, Disney đi lên 27%. Tuy nhiên trong phiên 11/5, các cổ phiếu này đều diễn biến tiêu cực, MGM Resorts mất 6%, Disney giảm 1,2% và United Airlines mất 5,7%.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, toàn thế giới hiện đã có hơn 4,17 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và khoảng 285.000 ca tử vong. Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất toàn cầu với 1,35 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 80.000 người thiệt mạng./.
Nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, Dow Jones giảm gần 1.000 điểm
Giới đầu tư đẩy mạnh bán tháo cổ phiếu, khiến cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều quay đầu giảm hơn 4% trong phiên giao dịch ngày 1/4.
Chứng khoán Mỹ sụt giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của quý II khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp có thể khiến kinh tế thế giới suy thoái, bất chấp các gói cứu trợ.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/4, chỉ số Dow Jones rớt 973,65 điểm (tương đương 4,4%) xuống 20.943,51 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất 4,4% lần lượt giảm xuống còn 2.470,50 điểm và 7.360,58 điểm.
Đà giảm của các chỉ số được nới rộng trong vài phút trước khi đóng cửa, dù thị trường trước đó đã phục hồi để thoát khỏi mức đáy trong phiên. Dow Jones trong phiên giao dịch có thời điểm đã "bốc hơi" hơn 1.100 điểm.
Chứng khoán Mỹ sụt mạnh trong phiên giao dịch ngày 1/4.
Tiện ích, bất động sản và tài chính là những lĩnh vực kéo S&P 500 đi xuống. Trong khi đó, cổ phiếu Boeing và American Express dẫn đầu đà mất điểm của chỉ số Dow Jones, lần lượt lao dốc 12% và 9%.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết sẽ đóng cửa tất cả sân chơi tại TP New York. Chính quyền bang này cũng dự báo tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao cho đến tháng 7. Thống đốc Cuomo cho biết số ca nhiễm Covid-19 tại New York đã lên hơn 83.000 ca.
Những thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ngày 31/3 rằng nước Mỹ nên chuẩn bị cho "hai tuần rất đau đớn". Theo dự đoán của các quan chức Nhà Trắng, sẽ có khoảng 100.000 đến 240.000 ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ.
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường cổ phiếu toàn cầu lao dốc trong quý đầu tiên và được dự báo tiếp tục là rào cản trong những tháng tiếp theo. Giới đầu tư hoang mang về tương lai và không biết đến bao giờ nền kinh tế mới hoạt động bình thường trở lại.
Patrick Kaser - nhà quản lý danh mục đầu tư tại Brandywine Global nhận xét: "Mọi người đang đánh giá về diễn biến trong tháng 4, nhưng đó sẽ là một tháng đầy biến động về cả tin tức lẫn phản ứng của thị trường chứng khoán.
Theo chuyên gia Kaser, thị trường vẫn còn nhiều bất ổn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Các nhà đầu tư không biết được điều gì đang chờ đợi họ, diễn biến phức tạp của đại dịch sẽ đi đến đâu và khi nào mọi thứ sẽ mở cửa trở lại" - chuyên gia cho hay.
Sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã buộc nền kinh tế lớn nhất thế giới tạm dừng hoạt động trên toàn quốc, làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh và khiến hàng triệu công nhân Mỹ thất nghiệp.
Theo số liệu của trường đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận hơn 900.000 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19, trong đó Mỹ có hơn 200.000 ca mắc virus SARS-CoV-2.
Giới phân tích kinh tế dự báo dịch Covid-19 cũng sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các DN trong quý I, thậm chí ảnh hưởng đến các quyết định chi trả cổ tức.
"Bị ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu, các doanh nghiệp có thể ưu tiên trả lương nhân viên và giảm nợ hơn là trả cổ tức. Điều này có thể gây rủi ro cho cổ phiếu và nếu kéo dài có thể tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư", Lauren Goodwin, chiến lược gia tại New York Life Investments đánh giá.
Trong bối cảnh thị trường lao dốc, Quốc hội Mỹ cuối tuần trước đã thông qua gói kích thích trị giá 2.200 tỷ USD nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế do đại dịch. Tuy nhiên, nhiều quan chức đang kêu gọi phải thực hiện thêm gói kích thích.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Boston Eric Rosengren cho rằng Mỹ có thể sẽ phải cung cấp nhiều gói kích thích hơn để giúp đỡ những người ở tầng lớp thấp và DN nhỏ. "Thất nghiệp có khả năng sẽ tăng lên đáng kể trong vài tháng tới và thiệt hại kinh tế sẽ không dịu bớt cho đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát", ông Rosengren nói.
NGUYỄN THU
Giới đầu tư hoang mang vì Covid-19, Dow Jones ghi nhận quý tồi tệ nhất từ năm 1987 Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall sụt mạnh với chỉ số Dow Jones "bay" hơn 400 điểm và chốt quý giao dịch tệ nhất trong hơn 3 thập kỷ. Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong ngày 31/3, phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2020, khi nhà đầu tư khép lại một giai đoạn biến động thị trường lịch sử...