Nhà đất thổ cư TP.HCM quay đầu giảm giá trước tháng cô hồn
Không chỉ đất nền dự án, mảng nhà đất thổ cư, nhà đất riêng lẻ nằm trong các khu dân cư tại TP.HCM cũng có hiện tượng giảm giá, hoạt động mua bán ảm đạm trước tháng cô hồn.
So với vài tháng trước, giao dịch nhà đất thổ cư tại Tp.HCM hiện tại đã giảm nhiệt đáng kể. Đặc biệt, người mua thực có động thái “né’ tháng cô hồn.
Tìm hiểu tại các khu vực như các quận Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Q.3…giao dịch nhà riêng ở thời điểm này giảm rõ nét. Theo một môi giới khu vực, so với thời điểm cách đây 2 tháng, giao dịch có thể giảm 60-70% do người mua “né” thời điểm sát tháng cô hồn. Giá nhà đất giảm khoảng 10-15% so với hồi đầu năm.
Một số hồ sơ rơi vào cuối tháng 6 âm lịch, môi giới đều phải xử lý nhanh cho khách hàng sao cho không rơi vào tháng cô hồn. Theo môi giới này, không phải giao dịch “tắt hẳn” nhưng đa số khách mua đều có tâm lý kiêng cữ tháng cô hồn nên lượng khách đi xem nhà giảm rõ nét. Chưa kể, trong đợt sốt đất vừa qua, đa số nhà đầu tư dồn tiền vào đất nền dự án nên phân khúc nhà riêng cũng bị ảnh hưởng một phần về sức mua mặc dù giá có sự tăng trưởng.
Q.Gò Vấp được xem là nơi diễn ra hoạt động mua – bán nhà riêng sôi động nhất của khu Tây Tp.HCM do có lợi thế rõ nét về tiện ích, cư dân đồng bộ. Tuy nhiên, thời điểm này ghi nhận thị trường nhà riêng khu vực trầm lắng hẳn.
Theo môi giới này, thực ra giao dịch có xu hướng giảm từ thời điểmTết nguyên đán đến nay. Một phần do nguồn cung có mức giá trên dưới 3 tỉ đồng/căn khan hiếm, sự lựa chọn của khách mua hạn hẹp dần, phần vì giá nhà riêng khu vực này đã tăng quá cao trong vòng 2 năm nay khiến những người mua thực khó tiếp cận, tỉ suất lợi nhuận của nhà đầu tư cũng giảm khi khó bán giá quá cao, thanh khoản chững.
Trong khi đó, nhà riêng tại khu vực ven Tp.HCM như Q.9, Q.2, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi… sức mua hiện tại cũng “chững” lại so với cuối năm 2017. Ngay tại thời điểm trước tháng cô hồn, ghi nhận lượng khách đi xem nhà riêng giảm hơn 1 nửa. Trong khi loại hình này so với cùng kỳ năm ngoái giá cũng tăng khá cao, ở ngưỡng 20-30%. Do đó, hiện những căn nhà diện tích 50-60m2 rao bán với mức giá 2-3 tỉ đồng/căn khó ra hàng do vượt tầm tài chính của số đông người lao động tỉnh lẻ.
Ghi nhận tại khu vực P.Long Trường, P.Trường Thạnh, P.Phước Long B (Q.9); Tân Hiệp, Tân Thới Nhì (Hóc Môn); Tân Thới Hiệp (Q.12)… nhiều nhà đầu tư (NĐT) sở hữu những căn nhà riêng mới xây (hoặc xây theo dãy) hiện chưa ra được hàng. Tuy nhiên, bên cạnh một số NĐT giảm giá khoảng 10-15% so với thời điểm tháng 2/2018 để ra hàng nhanh thì hầu hết các NĐT giữ giá bán mặc dù không có giao dịch.
Tiếp xúc với một NĐT ở Q.9, NĐT này sở hữu 2 căn nhà riêng được “tân trang” lại từ nhà đã cũ, rao bán chênh so với giá mua mua vào khoảng 1 tỉ đồng/2 căn. Tuy nhiên, rao bán từ thời điểm tháng 3/2018 nhưng hiện 2 căn nhà vẫn chưa có chủ. Tuy vậy, NĐT này quyết không giảm giá bán mà còn khẳng định, nếu chưa ra được hàng, có thể thay đổi giá bán, tăng thêm khoảng 100 triệu đồng/căn cho thời điểm cuối năm.
Video đang HOT
Còn một NĐT khác sống tại huyện Nhà Bè thì chấp nhận giảm giá 80 triệu đồng cho căn nhà 1.5 tỉ đồng ở hẻm Lê Văn Lương vì muốn ra hàng nhanh, thu dòng tiền. Tuy nhiên, gặp giai đoạn tháng cô hồn nên mặc dù đã giảm giá nhà của NĐT vẫn chưa ra bán được.
Theo ghi nhận, thị trường nhà riêng tại Tp.HCM giá đã tăng khá cao so với cách đây 1-2 năm là nguyên nhân khiến giao dịch thực bị ảnh hưởng. Trong khi phân khúc giá vừa túi tiền thì đã khan hiếm, nguồn hàng giao dịch trên thị trường khu vực trung tâm hiện nay chủ yếu rơi vào ngưỡng giá 5-8 tỉ đồng/căn, kén khách mua. Còn tại khu ven, những căn nhà ở mức giá 1.6 – 2.5 tỉ đồng/căn thì lại khá xa trung tâm, hẻm nhỏ nên khách mua “e dè”.
Bà Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Hoàng Hà cho rằng, thị trường nhà riêng bị ảnh hưởng chung bởi thị trường BĐS thời gian qua. Mặc dù sự ảnh hưởng không rõ rệt như các phân khúc khác, nhưng khi dòng tiền của NĐT chủ yếu rót vào đất nền thì nhà riêng bị phân bổ bởi đối tượng khách hàng. Khách đầu tư thường có tâm lý kênh nào lợi nhuận nhanh- cao hơn sẽ dồn vào, do đó nhà riêng ít biến động nhưng cũng ít tăng giá đột biến nên chưa hấp dẫn NĐT.
Đặc biệt, theo bà Hà ở giai đoạn hiện nay nhiều môi giới tham gia thị trường nên nguồn hàng ngày càng cạn kiệt, nhu cầu thực tế vẫn có nhưng lại không có nguồn hàng phù hợp để bán. Chưa kể, một số nhà môi giới làm ăn chộp giật hét giá cao khiến giao dịch bị ảnh hưởng.
Hạ Vy
Theo Nhịp sống kinh tế
Nhà đầu tư đu theo hạ tầng, đất nền khu Đông Sài Gòn bị "thổi giá"
Vin vào yếu tố hạ tầng sắp hoặc đã triển khai, nhiều nhà đầu cơ ôm hàng khiến giá BĐS khu Đông Sài Gòn liên tục điều chỉnh trong khoảng thời gian ngắn, bị đẩy giá lên cao ngất ngưởng.
Giá đất tăng tới 50% trong vòng 1 năm
Mỗi khi có thông tin về dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội được hé lộ ở khu vực này, dù chưa biết triển khai khi nào là ngay lập tức giới đầu tư lại đổ vào đón sóng, bất cứ thời điểm nào.
Điều này đã khiến giá bất động sản ở khu Đông Sài Gòn trong năm 2017 và những tháng đầu 2018 tăng chóng mặt, đặc biệt là đất nền với mức tăng dao động khoảng 20-40% tùy từng khu vực.
Đặc biệt, phân khúc đất nền được xem là "ăn theo" hạ tầng, giá tăng rõ nét nhất. Mới đây, thông tin dự án khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (Q.2) xây dựng phục vụ cho Seagame 31 (Việt Nam đăng cai năm 2021) tái khởi động, lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư khu vực.
Kéo theo đó là giá đất nền tại các tuyến đường quanh khu thể thao như Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp... "nhảy múa" theo. Theo ghi nhận, so với đầu năm 2017, đất nền khu vực Q.2 hiện đã tăng giá từ 30 - 50% (tùy vị trí). Giá đặc biệt tăng cao ở các khu đất mặt tiền đường lớn. Nếu tính từ giữa năm 2017 đến nay thì giá đất Q.2 tăng ít nhất 30%.
Cụ thể, giá đất mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp đầu năm 2017 dao động từ 50 - 52 triệu đồng/m2 đã tăng lên 70-80 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại. Đối với đất nền dự án, đất phân lô của DN triển khai tại khu vực giá cũng liên tục được điều chỉnh từ 27 - 28 triệu đồng/m2 (đầu năm 2017) lên 30 - 35 triệu đồng/m2 (giữa năm 2017) và hiện tại giá đã lên ngưỡng gần 40 triệu đồng/m2 (tùy vị trí).
Riêng các dự án tọa lạc tại đường Nguyễn Thị Định (tuyến đường nối ra đường song hành, cao tốc Long Thành - Dầu Giây) thì giá đất nền cao hơn hẳn, từ 40 - 50 triệu đồng/m2, giá đất mặt tiền buôn bán, thuê mặt bằng có thể lên đến 70-85 triệu đồng/m2. Mặc dù hiện tại, đất nền tại khu vực này đã tăng giá chậm hơn so với thời điểm cách đây vài tháng nhưng nhìn chung giá bán ra khá cao so với nhu cầu của số đông.
Cũng tại đây, thông tin cây cầu 500 tỉ đồng nối từ đại lộ Mai Chí Thọ qua đảo Kim Cương thuộc P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) hoàn thiện; hầm chui Mỹ Thủy thi công, ngay lập tức giá đất tại khu vực Cát Lái, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Thạnh Mỹ Lợi diễn biến tăng chóng mặt.
Đất nền dự án tại Đồng Văn Cống tăng từ 30 triệu đồng/m2 lên 36 - 50 triệu đồng/m2 so với cuối năm 2017. Những nền thổ cư sát khu hành chính trung tâm Q.2 giá dao động từ 70-80 triệu đồng/m2, tăng từ 5-8 triệu đồng/m2. Hiện tại nút giao thông Mỹ Thủy đã cho thông xe và dự kiến sẽ triển khai giai đoạn 2 (2018 - 2020) là cầu vượt lên vành đai 2 tiếp tục là căn cứ để giá đất khu vực Q.2, Q.9 tăng mạnh trong năm 2018.
Tại khu vực Q.9, thông tin UBND TP ký quyết định đầu tư mở rộng và nâng cấp đường Nguyễn Xiển lên 60m, kết nối trực tiếp với đường Nguyễn Duy Trinh hướng về Q.2; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30m. Mặc dù thực tế tuyến đường mở rộng chưa hình thành, mới chỉ "phông thanh" thông tin ra ngoài nhưng lập tức giá đất tại đường Long Thuận, Long Phước, Trường Lưu leo thang liên tục từ đầu năm 2017 đến nay.
Theo khảo sát, đầu năm 2017 đất thổ cư khu vực này có giá từ 12 - 14 triệu đồng/m2, đến giữa năm tăng lên 15-16 triệu đồng/m2. Sau thời gian giữ giá do siết chặt phân lô từ tháng 10/2017 đến nay giá đất khu vực tiếp tục tăng lên mức từ 18 - 21 triệu đồng/m2. Khoảng từ sau Tết đến nay, giá đất đã ở ngưỡng 30-45 triệu đồng/m2. Ngay cả ở những khu vực xa xôi, giá đất cũng tăng chóng mặt. Hiện tại, đất nền khu vưc này đã "hạ nhiệt" tuy nhiên thực tế giá đất vẫn "âm thầm" đi lên.
Bên cạnh đấy, giá đất khu vực Q.9, Q.2 liên tục nhảy múa thời gian ngắn còn do thông tin "manh nha" từ siêu dự án Vincity Q.9 được triển khai. Đặc biệt, sau thông tin siêu dự án này, hàng loạt công ty môi giới xuất hiện, hàng trăm nhân sự kinh doanh được tuyển dụng để bán đất nền. Thực tế là giá đất đã lên khá cao nhưng các tuyến đường dự kiến mở rộng, siêu dự án vẫn chưa hình thành tại khu vực.
Không chỉ đất nền, căn hộ tại khu Đông cũng liên tục tăng giá theo thông tin hạ tầng. Tại các dự án như Palm City, Jamila, New City, The Sun Avenue... giá bán tăng từ 15-20% trong vòng 12 tháng, thậm chí một số dự án giá trung cấp, sức mua cao, giá có thể lên đến 25 - 30% trong khoảng thời gian ngắn.
Nhà đầu tư đang "đu theo", thổi giá?
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành. Việc giá đất nền, căn hộ khu Đông liên tục tăng thời gian qua không phải là câu chuyện mới mẻ nhưng đằng sau việc chăm chăm vào yếu tố hạ tầng để đẩy giá lên cao đã khiến nhiều người đặt câu hỏi.
Ông Trần Khánh Quang, Chủ nhiệm CLB cà phê BĐS Sài Gòn cho rằng: "Đối với những dự án chào bán đón sóng hạ tầng thì dòng tiền chủ yếu nằm trong giới đầu tư là chính, người mua thực rất ít. Đặc biệt ở giai đoạn một dự án hạ tầng nào đó chuẩn bị xuất hiện, "rò rỉ" thông tin lập tức thị trường "nóng theo" mà không cần có một nguyên tắc nào cả. Dù chưa biết dự án đó có thực hiện hay không, thực hiện tới đâu, nhiều NĐT vẫn tiến hành ôm đất, vin vào thông tin hạ tầng để thổi giá lên cao".
Theo ông Quang, hạ tầng được xem là yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến giá BĐS nhưng hiện nay cả CĐT và NĐT đều lấy yếu tố này là duy nhất để đẩy giá thành. Các dự án mặc định hiển nhiên là cứ có giao thông, hạ tầng lên là giá đất sẽ lên theo. Tuy nhiên, thực tế thì giá BĐS tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của thị trường như thanh khoản, sức mua, lạm phát, nền kinh tế.... chứ không riêng gì hạ tầng khu vực.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho hay: "Có những khu đất cách nơi hạ tầng giao thông triển khai cả mấy chục cây số nhưng DN vẫn quảng cáo giá trị sinh lời của dự án khi hạ tầng này hoàn thiện và là cái cớ để bán giá cao".
Theo ông Đực, BĐS khu Đông tăng giá thời gian qua một phần chịu sự tác động của hạ tầng, phần lớn là do NĐT tự thổi giá với nhau mà không theo diễn biến chung của thị trường. Ông dẫn chứng, công trình Seagame Q.2 mãi đến năm 2021 mới hiện hữu, tức hơn 3 năm nữa là chu kì khá dài. Không thể vì công trình này khởi động mà giá đất khu vực ngay lập tức tăng lên được.
Việc giá đất Q.2, Q.9 tăng là do tác động phần nhiều của đợt nóng sốt từ thời điểm cuối năm 2016 - đầu 2017 và đợt sốt mới đây. Tuy nhiên, phần lớn DN, NĐT vẫn cố vin vào việc tái khởi động dự án này để đẩy giá, tạo sóng thị trường là phi thực tế.
Theo ghi nhận thị trường, thông tin nhiều tuyến đường tại khu Đông dự kiến sẽ mở rộng như đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai... nhưng trên thực tế không rõ các tuyến đường này có thực sự được mở rộng hay không, thời điểm mở rộng là khi nào. Thế nhưng, rất nhiều NĐT, DN vẫn "ăn theo" các thông tin chỉ mới trên giấy để tăng giá bán, ảnh hưởng đến giá trị thực của sản phẩm.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ
Nhà đất vùng ven TP.HCM đang biến động mạnh trước tháng cô hồn Ghi nhận việc chào bán nhà đất tại một số "điểm nóng" trước đây ở vùng ven TP.HCM, cho thấy giá bán bắt đầu quay đầu giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình hình người đi xem đất, mua đất lại có sự cải thiện hơn so với cách đây 2 tháng. Trước tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), nhà đất vùng ven...