Nhà công vụ không phải là “lộc” để chia
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, thời gian tới sẽ kiên quyết thu hồi nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng. Còn các Đại biểu Quốc hội cảnh báo sự thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật và liêm sỉ của công chức.
Một góc khu nhà công vụ Hoàng Cầu. Ảnh: L.H.V
Cả nể
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo quy định, nhà ở công vụ chỉ cho cán bộ thuê trong thời gian điều động công tác tới một nơi mới, sau đó phải trả lại.
Tuy vậy, ông Hà thừa nhận còn nhiều khó khăn, tồn tại. Như việc cán bộ khi nghỉ hưu không về địa phương, mà vẫn ở lại nơi chuyển tới. “Khi trả nhà họ ở đâu, họ khó khăn thật sự thì sao? không thể đẩy họ ra đường rồi thu lại nhà được, dù sao họ đã cống hiến cả đời cho đất nước”, ông Hà nói.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, cần cơ chế để tạo điều kiện cho cán bộ khó khăn về hưu có chỗ ở mới. Như thuê, mua nhà ở xã hội, vay vốn ưu đãi để mua nhà. “Những trường hợp không khó khăn nhà ở, nhưng vẫn tham lam cần kiên quyết thu hồi. Như cho con ở nhà công vụ còn mình ở nơi khác phải thu hồi ngay”, ông Hà nhấn mạnh.
“Dù Luật quy định cưỡng chế, nhưng cưỡng chế thế nào với những cán bộ cấp cao là chuyện khó. Ở Hà Nội chưa thấy có trường hợp nào công bố cưỡng chế nhà ở công vụ. Hiện, việc quản lý nhà ở công vụ còn buông lỏng và nhiều kẽ hở”. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm
Về lý do lâu nay việc thu hồi nhà công vụ chưa nghiêm, ông Nguyễn Mạnh Hà giải thích, trước đây quy định pháp luật còn thiếu, chỉ quy định chung chung, khó thực hiện. Cũng có trường hợp cả nể, hay cán bộ về hưu viện nhiều lý do để giữ nhà. Nhiều cán bộ lấy lý do người khác chưa trả nên chưa trả. Theo ông Hà, như vậy là không đúng, không thể nói thấy người khác phạm pháp mình cũng phạm pháp được.
Video đang HOT
Với Thông tư 01/2014, đưa ra nhiều quy định cụ thể để quản lý nhà ở công vụ, ông Hà kỳ vọng có thể giải quyết được những tồn tại bấy lâu. Tránh tình trạng lợi dụng, chiếm hữu nhà ở công vụ thành nhà riêng.
Hiện Bộ Xây dựng đang rà soát số nhà công vụ được giao quản lý, yêu cầu ký hợp đồng thay cho phân (cấp) trước đây, nhằm tạo điều kiện cho xử lý về sau. Nhiều cán bộ có chức vụ cao, nhưng khi về hưu không trả lại nhà, ông Hà tin tưởng có thể xử lý được. “Căn cứ vào pháp luật để xử lý, nếu không trả sẽ phải thu hồi”, ông Hà khẳng định.
Với những trường hợp không trả căn hộ tại khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Hà Nội), ông Hà cho hay, sau khi thống kê xong sẽ thu hồi nhà sử dụng không đúng đối tượng. “Phải thực hiện chứ không thể nói ra cho vui. Chỉ có điều là phải hợp lý, trong trường hợp cụ thể. Phải thu hồi để cho cán bộ mới về có nơi ở, không thể nhà nước cứ đầu tư nhà công vụ mãi”, ông Hà nói.
Về việc quản lý khu nhà Hoàng Cầu, quy trình xử lý những trường hợp không còn nhu cầu sử dụng, cho người khác ở, về hưu chưa trả nhà…; ông Trần Việt Hùng, Tổ trưởng Quản lý nhà ở công vụ Hoàng Cầu nêu lý do: Mình mới được điều động về đây làm việc từ 20/1/2014. Thời gian còn ít nên chưa nắm được cụ thể. Rồi ông Hùng chỉ ra tổ dân phố để hỏi.
Còn đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện không có nhà đủ tiêu chuẩn làm nhà công vụ. Một số nhà cho cán bộ thuê chỉ là nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Về xử lý trường hợp biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (cho nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thuê), đại diện Sở Xây dựng chỉ sang Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, vì đã giao cho đơn vị này quản lý. Nhưng khi hỏi, lãnh đạo công ty lại “đẩy” về hỏi Sở Xây dựng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết: Nhiều cán bộ cấp cao về hưu ở nhà công vụ, nhưng vẫn có biệt thự ở nơi khác. Điều này, cơ quan chức năng đều rõ, nhưng khó xử lý. Việc kê khai, công khai tài sản khi nghỉ hưu đang là lỗ hổng pháp luật.
Cán bộ chây ỳ, cơ quan hữu trách làm ngơ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cán bộ hết nhiệm vụ phải trả lại nhà ở công vụ, đấy là nguyên tắc. Cơ quan nào không thu hồi cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, có khuyết điểm. “Nhiều cán bộ giữ chức vụ cao, nhưng về hưu không trả là chưa gương mẫu”, đại biểu Thuyền nói.
“Làm nghiêm thì không có cán bộ về hưu nào lại không chịu trả lại nhà”. Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ
Đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá, đang có sự lạm dụng trong việc quản lý công sản của nhà nước, cả trong chính sách lẫn thực thi và thiếu gương mẫu của người lãnh đạo. Cán bộ được ở nhà công vụ là đã được hưởng ưu đãi của nhà nước, hơn nhiều cán bộ phải tự lo nhà. “Trước đây cha ông ta rất quan tâm tới liêm sỉ, sợ nhất là vi phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội. Nhưng giờ điều đó đang dần mất đi, ít được quan tâm hơn, đặc biệt với tầng lớp quan chức”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Theo đại biểu Quốc, những trường hợp không trả nhà công vụ, việc thu hồi là cần thiết. Nhưng phải căn cứ vào từng đối tượng cụ thể để có chính sách công bằng, không nên cào bằng, vì nhiều người khó khăn thật sự.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, tình trạng không trả nhà công vụ không phải hiếm. Ông kể lại câu chuyện khi mới tham gia Quốc hội khóa XI, lái xe của ông có hỏi sao không xin nhà công vụ. Ông nói: “Mình có nhà ở Hà Nội, xin nhà công vụ làm gì cho mất công chuyển đồ”.
Theo ông Thuyết, các nước đều có nhà công vụ, nhưng việc thi hành luật rất nghiêm. Còn ở ta, cán bộ chây ỳ, cơ quan hữu trách cũng làm ngơ, nên nhà công vụ dần thành nhà tư. “Việc không trả nhà công vụ còn tạo gương xấu cho xã hội. Cán bộ lúc đương chức nói rất hay, nhưng lúc về hưu đến cái nhà công vụ cũng không trả”, ông Thuyết nói.
Việc cho con cháu ở nhà công vụ, theo vị giáo sư này, càng không thể chấp nhận. Nhà công vụ không phải “lộc” để chia cho con cháu. “Có thể nói đây là hành vi chiếm dụng tài sản nhà nước”, ông Thuyết khẳng định. Theo ông, cần có sự dứt khoát của đơn vị quản lý nhà và đơn vị quản lý cán bộ, quy định phải được thực thi nghiêm túc.
Theo Lê Hữu Việt – Ngọc Mai
Tiền Phong
Rối bời đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Dự thảo Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa phổ thông vừa được Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội đưa ra tham vấn các chuyên gia giáo dục. Phân tích nhiều chiều cho thấy đều nhất trí ủng hộ đổi mới nhưng cụ thể thế nào thì vẫn đang bàn cãi.
Đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ làm giảm áp lực với các thí sinh
10 năm để đổi mới là quá dài
Theo lộ trình thực hiện đổi mới của dự thảo đề án Chương trình, Sách giáo khoa (CT,SGK) đưa ra thì năm 2014 - 2015 sẽ hoàn thành cơ sở khoa học cũng như chuẩn bị các nguồn lực xây dựng, biên soạn thẩm định CT và SGK, biên soạn SGK thử nghiệm các lớp 1, 6 và 10. Giai đoạn 2016 - 2022, hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành CT - SGK mới và tiếp tục biên soạn thử nghiệm các môn học 9 lớp còn lại. Như vậy đề án sẽ kết thúc vào năm 2022 (8 năm nữa). Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: "Theo kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ rằng có thể sẽ phải kéo dài đến năm 2024. 10 năm để chúng ta làm một sự thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quãng thời gian quá dài. Thời gian đó có thể có đến 2, thậm chí là 3 vị bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục". PGS Văn Như Cương đề nghị đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới này, trong đó có giải pháp viết SGK tập trung.
Theo PGS, cách làm này sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần theo cách làm việc riêng rẽ. Đồng thời, PGS cũng đề nghị nên thay sách đồng loạt ngay từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ mất 1 năm, thay vì thay sách kiểu "cuốn chiếu" mất tới 5 năm.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội (UB VHGD) băn khoăn: "Đề án cho biết do tốc độ phát triển quá nhanh của khoa học, kỹ thuật... thời gian tồn tại của một chương trình giáo dục phổ thông ngày càng được rút ngắn, từ 10 năm cuối thế kỷ XX nay chỉ còn 5 - 6 năm, thậm chí ngắn hơn. Thông tin này chắc chắn sẽ làm nhiều người lo lắng vì một đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm với rất nhiều công sức và chi phí mà tồn tại trong khoảng thời gian 5 - 6 năm thì rất lãng phí". Đồng tình với vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đề nghị rút ngắn lộ trình thực hiện đề án đến hết tháng 6-2019 phải hoàn thành việc Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về kế hoạch và nội dung triển khai thực hiện CT và SGK mới.
Chưa rõ một hay nhiều bộ SGK
Góp ý vào đề án đổi mới CT, SGK phổ thông, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đề án mới chỉ đưa ra một chủ thể là Bộ GD-ĐT hoặc Ban Chỉ đạo đổi mới CT, SGK các cấp thực hiện toàn bộ công việc; không thấy có sự tham gia của xã hội ngoài việc trưng cầu ý kiến các chuyên gia, cơ sở giáo dục. "Thậm chí đề án còn sử dụng thuật ngữ "ban hành" SGK mới như ban hành văn bản pháp quy. Cứ theo đề án này thì không rõ trong tương lai sẽ có một hay nhiều bộ SGK" - GS Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB VHGD cũng tán thành nên có một chương trình chuẩn, chi tiết và nhiều bộ SGK. "Quyết định này phải được đưa vào nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, sẽ sửa luật" - ông Đào Trọng Thi cho biết. Cũng theo GS Đào Trọng Thi, hiện có nhiều ý kiến ủng hộ theo hướng dù có nhiều bộ SGK nhưng phải có một bộ SGK chuẩn do nhà nước biên soạn và ban hành. Tổ chức, cá nhân có quyền biên soạn cả bộ hoặc một số cuốn SGK khác mà họ thấy cần thiết. Tuy nhiên, tất cả những cuốn SGK trước khi được lưu hành đều phải được Bộ GD-ĐT thẩm định.
PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm UB VHGD cho rằng giáo viên và cơ sở vật chất là 2 yếu tố cấu thành chất lượng. Vì vậy, để thực hiện được đề án đổi mới CT, SGK, cần có 2 đề án song song khác là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường phục vụ triển khai SGK mới. PGS Trần Thị Tâm Đan cũng băn khoăn về tài chính khi giáo dục vẫn ở mức 20% ngân sách mà đáp ứng đổi mới sẽ rất khó. "Nên xây dựng một đề án tổng thể về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó xây dựng những đề án cụ thể" - bà Trần Thị Tâm Đan đề nghị.
Theo ANTD
Hà Nội có dẹp được nhà kỳ dị trên đường "đắt nhất hành tinh"? Dù nhiều lần quyết tâm dẹp bỏ những ngôi nhà "kỳ dị", nhưng dường như Hà Nội vẫn đang bất lực trước vấn đề này. Điển hình trên tuyến phố "đắt nhất hành tinh" đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu dài 500m vừa thông xe đã lộ ra hàng chục nhà "siêu mỏng, siêu méo". Lem nhem phố mới Tuyến phố mới...