Nhà có hai mẹ chồng
Cuộc sống đang êm ấm trong căn nhà nhỏ, thì một ngày, có người đến báo với chồng tôi rằng mẹ ruột của anh đang đợi anh ở Hà Tĩnh.
Tôi sốc, anh sốc, cứ nghĩ rằng người ta nhầm lẫn. Nhưng sự việc lại đúng như thế.
Cách đây gần 40 năm, anh được sinh ra ở một bệnh viện tỉnh miền núi, sau 2 ngày mẹ ôm anh “chạy tàu” về Sơn Tây. Tôi và anh gặp nhau ở trường đại học, ra trường thì cưới và theo anh về làm dâu. Mấy năm sau, chúng tôi lên thành phố lập nghiệp và mua được nhà.
Lúc đó bố chồng tôi mất, nhà chỉ còn mẹ chồng nên chúng tôi đưa bà lên thành phố để chăm nom, ngôi nhà cũ ở quê cho người ta thuê để làm chỗ ở cho thợ nề. Kể từ khi bố chồng mất, mẹ chồng khó tính hơn. Bà tập trung vào chăm sóc chồng tôi nhiều hơn nhưng cũng tỏ thái độ “giành giật” cho nên cuộc sống của chúng tôi đôi khi khó xử, bí bách. Nghĩ rằng mẹ chỉ sinh được mình anh nên tôi luôn cố nhẫn nhịn, thông cảm và cố yêu thương bà.
Nghe người ta nói, mẹ không phải mẹ ruột của chồng tôi, mà thực ra mấy chục năm trước bệnh viện đã trao nhầm con cho sản phụ. Thật ra thì người mẹ ruột của anh đã phát hiện ra chuyện nhầm con từ sau đó mấy ngày nhưng vì thời điểm biên giới loạn lạc nên bà không thể tìm lại được con ruột của mình. Rồi gần đây có người y tá cũ vô tình gặp lại bà ở Hà Tĩnh đã cho biết địa chỉ của nhà chồng tôi. Bởi vậy, họ đến tìm và muốn chồng tôi vào đón mẹ ruột của mình.
Bán tín bán nghi, hai vợ chồng dấu mẹ để vào Hà Tĩnh. Phải nói rằng, anh trông giống hệt người cha đã mất của anh, không lẫn đi đâu được. Chỉ có điều, mẹ anh nghèo quá, nhà tranh vách đất giữa một vùng cát ven biển nắng cháy. Còn người con nuôi của mẹ thì nheo nhóc một vợ 4 con vì kinh tế gia đình eo hẹp. Anh không cầm được lòng, liền xin phép đưa mẹ ra Bắc. Tôi nhìn thấy bà thật hiền lành, kham khổ và đáng thương nên đồng tình ngay.
Video đang HOT
Cả gia đình lớn sum họp, người con của mẹ chồng tôi cũng ra Bắc và có nhã ý đón bà về Hà Tĩnh. Nhưng chồng tôi lo mẹ nuôi khổ, hơn nữa những gì anh có ngày hôm nay là do một tay mẹ nuôi vun vén, anh không muốn bà đi đâu. Vì thế, mẹ chồng tôi quyết định cho con ruột của bà ngôi nhà ở quê, và vẫn sống cùng chúng tôi. Vậy là tôi có tới 2 mẹ chồng theo đúng nghĩa đen.
Vừa đi làm, vừa chăm con cái học hành, vừa chăm lo cho hai người già khó tính khiến tôi muốn bở hơi tai. Thật ra thì việc nhà cũng không nhiều, hai mẹ cũng có thể chia sẻ với nhau, có bầu có bạn tuổi già cũng tốt, nhưng cứ thỉnh thoảng, mẹ nuôi chồng tôi lại lấn át mẹ đẻ của chồng vì bà là người nhà quê chân lấm tay bùn, lại thật như đếm cho nên thỉnh thoảng giữa hai mẹ chồng lại xảy ra cuộc chiến khiến vợ chồng tôi rất đau đầu.
Mỗi lần cãi cọ là mẹ nuôi chồng lại lớn tiếng kể lể chuyện nuôi nấng con trai thế nào, rồi trách móc mẹ ruột chồng là làm cho con ruột của bà khổ sở, sống ở đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, không ngóc đầu lên được. Những lúc như thế, mẹ ruột chồng lại khóc lóc, đòi về Hà Tĩnh rồi trách móc chúng tôi có hiếu với mẹ nuôi hơn mà coi khinh mẹ đẻ.
Những lúc con ốm đau, cộng với áp lực công việc và những cuộc chiến từ hai mẹ chồng khiến tôi bị stress ghê gớm. Chồng tôi cũng không có cách nào giải quyết được vấn đề cho nên anh ngày càng lẩn tránh bằng cách nán lại cơ quan cho đến hết giờ ăn cơm mới về nhà để không phải nghe hai mẹ chỉ trích nhau. Từ một gia đình nhỏ êm đềm, giờ nhà tôi không khác gì một bãi chiến trường với những “tiếng súng” của hai người mẹ, tiếng khóc trẻ con và thỉnh thoảng là tiếng cãi cọ của hai vợ chồng. Nhiều lúc tôi chỉ ước mình có một mẹ chồng như cả triệu nàng dâu khác.
Theo GĐVN
Tôi đã hiểu sai về mẹ chồng mình!
Thật ra trong lòng tôi sợ sau khi đón mẹ chồng lên ở cùng, giữa tôi và bà sẽ xảy ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, khiến cho cả hai bên cùng khó xử.
Tôi và chồng tôi đang làm việc tại Hà Nội, sau khi tôi mang thai, chồng tôi đề nghị đón mẹ chồng ở quê ra nhưng tôi từ chối, lúc đó tôi nói với anh là sức khỏe tôi rất tốt, không cần phải có người chăm sóc, để mẹ chồng ở quê tĩnh dưỡng tuổi già cùng với bố chồng. Thật ra trong lòng tôi sợ sau khi đón mẹ chồng lên ở cùng, giữa tôi và bà sẽ xảy ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, khiến cho cả hai bên cùng khó xử.
Bà luôn quan tâm đến sức khỏe và tâm trạng của tôi
Mãi cho đến cuối tháng 6 năm nay vì tôi có hiện tượng sinh sớm nên mẹ chồng tôi liền đón chuyến xe sớm nhất để lên Hà Nội. Thời gian sinh dự kiến của tôi là trung tuần tháng 8, tôi định về nhà mẹ đẻ ở Thái Bình để sinh con để tiện mọi bề. Sau khi mẹ chồng tôi lên ở cùng được một tuần thì chồng tôi đưa tôi và mẹ chồng tôi về nhà tôi ở Thái Bình. Mẹ chồng tôi ở nhà tôi không quen nhưng bà luôn nói là rất thoải mái, mỗi lần đi chợ mua đồ ăn bà luôn mua những món mà tôi thích ăn, mỗi khi tôi đi ra khỏi nhà bà đều đi cùng tôi, bà luôn quan tâm đến sức khỏe và tâm trạng của tôi, mẹ chồng tôi không hề giữ khoảng cách mẹ chồng nàng dâu, điều đó khiến tôi cảm thấy trước kia mình đã hiểu sai về bà.
Tôi phải sinh mổ, mẹ chồng và mẹ đẻ tôi đều ngồi chờ ở bên ngoài phòng mổ, sau khi sinh xong con tôi được đưa đến phòng trẻ sơ sinh, mẹ tôi vui mừng đi theo y tá để nhìn cháu, chồng tôi chạy đi làm các thủ tục giấy tờ liên quan cho hai mẹ con. Chỉ có mẹ chồng tôi vẫn ngồi chờ ở bên ngoài phòng mổ. Cô tôi hỏi bà sao không đi thăm cháu, bà nói bà không thể để con dâu ở phòng mổ một mình, nếu ra khỏi phòng mổ mà không nhìn thấy người nhà thì con dâu sẽ rất buồn. Biết vậy tôi rất cảm động vì sự chu đáo của mẹ chồng dành cho mình, khi cô tôi kể lại với tôi, tôi nghe mà suýt rơi nước mắt.
Do sinh mổ nên tôi phải nằm viện 1 tuần, bệnh viện cách nhà tôi rất xa nên buổi tối mẹ đẻ tôi thường về nhà họ hàng ở gần đó ngủ, chồng tôi ở lại viện để chăm sóc tôi, mẹ đẻ tôi mời mẹ chồng cùng về nhà họ hàng ngủ nhưng mẹ chồng tôi kiên quyết muốn ở lại bệnh viện để chăm sóc tôi, hàng ngày bà lau người cho tôi, khi tôi bị đau vì các cơn co bóp tử cung bà luôn tìm cách làm tôi vui và hướng sự chú ý của tôi đi nơi khác. Khi ra viện, do vết mổ vẫn còn đau nên tôi không thể đứng thẳng lưng lên được, mẹ chồng dìu tôi bước đi từ từ, khi vào thang máy bà đứng chắn để mọi người nhường đường cho tôi, thấy điều hòa thổi thẳng vào tôi bà vội vàng lấy áo khoác đắp cho tôi, mẹ đẻ tôi thì đang bận bế cháu ngoại, luôn mồm cưng nựng cháu.
Trong thời gian ở cữ, mẹ đẻ tôi chịu trách nhiệm lo ăn uống cho tôi, bà là người rất độc đoán, mọi chuyện đều phải nghe theo ý bà, nếu không là bà sẽ nổi cáu, mẹ chồng tôi không những không so đo tính toán gì mà bà còn thường xuyên an ủi tôi phải cố gắng giữ tâm trạng vui vẻ thì mới đẩy lui được mọi bệnh tật. Trong thời gian ở cữ không được để bị nhiễm lạnh nên hàng ngày mẹ chồng tôi đều đun nước nóng để lau người cho tôi, sau khi lau xong bà còn cẩn thận lấy khăn khô để lau lại người cho tôi, bà sợ tôi bị nhiễm lạnh.
Mẹ chồng tôi rất quan tâm đến tôi
Ở nhà, mẹ chồng tôi hết chăm sóc con dâu, lại chăm sóc cháu, tính tình mẹ đẻ tôi lại khó hòa hợp nhưng bà không hề để bụng. Cô tôi nói với mẹ chồng: "Tôi thật phục bà, nếu là tôi thì chắc tôi bỏ về lâu rồi". Mẹ chồng tôi rất quan tâm đến tôi, bà sợ tôi mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Quần áo tôi mặc đều do mẹ chồng tự tay giặt, kể cả quần áo lót, tôi nói bà dùng máy giặt nhưng bà không nghe, quần áo tã lót của cháu cũng đều do bà tự tay giặt.
Bố mẹ chồng khi biết tin tôi mang thai đã cho vợ chồng tôi 10 triệu, ông bà nói 5 triệu cho tôi mua đồ ăn bồi bổ trong thời gian mang thai, 5 triệu còn lại để đóng viện phí khi tôi sinh. Khi mẹ chồng tôi lên Hà Nội ở cùng với vợ chồng tôi, bà có mang theo 5 triệu nói là quà cho cháu, những khoản tiền này mẹ chồng tôi đều đưa trực tiếp cho tôi chứ không đưa cho con trai bà. Bố chồng tôi năm nay đã hơn 60 tuổi, hàng ngày ông đi làm thợ mộc để kiếm thêm chút tiền chi tiêu hàng ngày, cứ có món gì ngon là ông lại gửi lên cho vợ chồng tôi. Có một gia đình vui vẻ hạnh phúc như thế này, có một người mẹ chồng tốt như vậy tôi chẳng còn mong muốn gì hơn nữa.
Tôi kể câu chuyện của mình cho mấy cô bạn tôi, ai cũng ngạc nhiên vì từ lâu rồi khái niệm mẹ chồng nàng dâu luôn đem lại cho người ta cảm giác ớn lạnh, nhưng từ câu chuyện của tôi, nhiều người đã thấy nó khác đi rất nhiều với định kiến vốn có.
Theo GĐVN
Anh ơi, con anh - con em đang đánh con chúng ta! Câu nói đùa kinh điển này hẳn nhiều người đã đọc, nghe đâu đó đôi lần. Mọi người có thể cười nhưng tôi biết có đôi người bật khóc... Cuộc đời này, nào phải ai cũng có một cuộc hôn nhân viên mãn bên những đứa con họ dứt ruột đẻ ra. Có những người phải trải qua bao đớn đau từ một...