Nhà biến thành ‘hầm’ ở TP HCM sẽ được hỗ trợ sửa chữa
Hàng nghìn căn nhà bị biến thành “hầm” do nâng đường, hẻm có thể được hỗ trợ sửa chữa trong thời gian tới.
Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản kiến nghị UBND TP HCM xem xét về chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng từ những dự án xây dựng hạ tầng như nâng đường, hẻm khiến mặt đường cao hơn nền nhà.
Đơn vị này đề xuất đưa ra tiêu chí hỗ trợ, kiến nghị cho vay đối với hộ dân có nhà bị ảnh hưởng do nâng đường. UBND các quận huyện cần tiến hành khảo sát, kiểm đếm các hộ bị ảnh hưởng để triển khai thực hiện hỗ trợ.
Căn nhà thấp hơn mặt đường hơn 0,5 m ở đường An Dương Vương. Ảnh: T.N
Trước đó, Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND thành phố có chính sách bồi thường cho các hộ gia đình bị thiệt hại bởi các dự án nâng đường, hẻm trong thời gian tới.
Trước khi thi công, chủ đầu tư phải tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại của nhà dân để đưa vào phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhà bị ảnh hưởng sẽ được bồi thường để sửa chữa hoặc xây dựng mới tùy từng trường hợp.
Theo Sở Xây dựng, hiện thành phố có 4 quận có nhà dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường. Trong đó, với các dự án đã và sắp triển khai, quận 8 bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 7.000 hộ, mặt đường cao hơn nhà 0,4-1 m.
Việc thi công tuyến đường hiện đại nhất ở TP HCM – Phạm Văn Đồng – đi qua quận Thủ Đức và Bình Thạnh cũng ảnh hưởng đến hàng trăm căn nhà. Độ cao trung bình của mặt đường so với nhà hơn 1 m, có nơi cao ngang nóc nhà.
Video đang HOT
Còn địa bàn quận 6 hiện có 617 trường hợp bị ảnh hưởng do nâng đường, trong đó có nhiều nhà thấp hơn mặt đường tới hơn 1 m.
Đường nâng cao che 1/2 cửa chính vào một căn nhà. Ảnh: T.N
Mới đây, hàng chục hộ dân tại hẻm 574 đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) lại khốn khổ vì nhà bỗng thấp hơn mặt đường 0,8-1,2 m. Nhà biến thành “hầm”, “hang” gây nóng nực mùa hè và thành bể nước mùa mưa, rất bất tiện cho sinh hoạt.
Duy Trần
Theo VNE
TP. HCM: Nhà biến thành hầm do nâng đường sẽ được bồi thường?
Do nâng đường, hàng ngàn nhà dân biến thành "hầm" vì thấp hơn đường từ 50cm đến 1 mét. Trước tình hình đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo quyết liệt các sở ngành vào cuộc để tìm hướng khắc phục.
Không phải chuyện mới
Về tình trạng này, theo các chuyên gia, đây không là chuyện mới. Ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM từng nói nhiều về vấn đề này cho biết, năm 2004, TP.HCM đưa vào ứng dụng cốt nền khống chế, được thực hiện dựa trên quy hoạch vùng và quy hoạch chung. Trên cơ sở này, các địa phương sẽ tính toán cốt nền xây dựng trong quy hoạch chi tiết ở mỗi quận, huyện (lấy mực triều cường làm căn cứ tính toán để chống nhập). Đây cũng là cốt nền làm cơ sở để xây dựng cho các công trình nhà cửa, đường sá...
Tuy nhiên, việc này chỉ làm theo kiểu trống đánh bỏ dùi, hậu quả là nhà thì cao, nhà lại thấp, và rõ nhất là lúc nâng đường, nhà các hộ dân trở thành vũng trũng hứng nước. Ông Hòa cho biết thêm, việc thiếu tuân thủ cốt nền trong nhiều năm qua, thể hiện rõ là các đơn vị thi công khi nâng cấp đường, đều nâng cao lên để chống ngập, mà không đảm bảo mặt phẳng dốc, nghiêng để thoát nước. Cứ nâng cấp đường một cách vô tội vạ như vậy, là cách làm biến đường thành những gờ chắn nước, không có chỗ thoát.
Ngôi nhà phải đi 7 bậc tam cấp mới lên được mặt đường
Và có nhiều người từng ví cuộc chạy đua nâng đường - nâng nhà như cuộc chiến của Sơn Tinh và Thủy Tinh không có hồi kết. Vì cứ đường nâng lên bao nhiêu, nhà lại chạy theo bấy nhiêu. Đến khi đường quá đầu nóc nhà, thì cũng là lúc biến nó thành hầm hoặc đập bỏ xây lại. Tuy nhiên, rất nhiều chủ những ngôi nhà ấy phải sống chung với "lũ", rác và mùi hôi thối khi mùa mưa về, vì không thể nâng nhà với nhiều lý do khác nhau.
Trong số đó, có người dân không có tiền nâng nhà và không thể chịu cảnh hôi thối, nhiều ngôi nhà đang được rao bán. Ông Nguyễn Trọng Tạ (ngụ đường Phạm Thế Hiển, Q. 8) cho biết: "Nhà tôi đã hẹp lại sau khi mở rộng và làm mới đường Phạm Thế Hiển. Tuy nhiên, diện tích đã hẹp nay lại phải chịu cảnh thấp hơn đường cả mét như thế này rất là ngợp. Đặc biệt khi mưa lớn, nước tràn cả vào nhà, dù đã xây thành gờ ở phía trước, cũng không ngăn được".
"Có những đêm ngủ trên gác, sáng ra toàn thấy rác, bùn và nước. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, thậm chí cả động vật chết cũng dạt cả vào nhà, thật chúng tôi không chịu nổi nên rao bán nhà, lấy tiền tìm mua nhà chỗ khác sinh sống. Chứ xây nhà mới lại không có tiền. Còn sửa chữa thì dù có nâng lên bao nhiêu cũng không đủ cả", ông Tạ nói.
Đây cũng là cảnh ngộ chung của hàng ngàn hộ dân sống rải rác trên khắp địa bàn TP.HCM. Nhiều nhất tập trung vào các quận, huyện có mật độ xây dựng đường lớn. Điển hình như Q.6, với dự án đường và kênh Tân Hóa - Lò Gốm, đường Võ Văn Kiệt... Q. Gò Vấp, Bình Thạnh với dự án đường Phạm Văn Đồng - Bình Lợi, Vành đai ngoài, rồi các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú...
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố, chỉ tính riêng hẻm biến thành sông cũng đã lên trên con số 100. Còn nhà biến thành hầm, ước tính có khoảng tám ngàn căn. Điển hình như ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ hẻm 21, đường 42, phường Bình Trưng Đông (Q.2) cho biết, mỗi lần mưa xuống là con hẻm này như biến thành suối, thành sông. Lý do là do nâng cấp đường Nguyễn Trung Nguyệt và đường 42 nên con hẻm này lọt thỏm ở dưới.
Dân bức xúc mới... làm
Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM cũng như cả cử tri và người dân TP. đã bức xúc. Đại biểu HĐND TP.HCM Lâm Thiếu Quân cho biết, nghe nói tình trạng nhà dân biến thành hầm và hẻm biến thành suối tưởng chỉ là con số nhỏ, ít nhưng trên thức tế có trên 100 con hẻm bị ảnh hưởng do nâng đường. Và mới đây, kết quả của đoàn khảo sát liên ngành do sở Xây dựng chủ trì cũng cho biết, hiện có khoảng gần tám ngàn căn nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm.
Trong đó, tập trung nhiều nhất tại Q.8 với hơn bảy ngàn căn có nền nhà thấp hơn mặt đường từ 40cm đến 1m. Chỉ riêng đường Phạm Thế Hiển có hơn 4,2 ngàn căn nhà có nền thấp hơn mặt đường đến 1m. Nguyên nhân là do con đường này được nâng cấp, sửa chữa vào năm 2014. Tương tự trên địa bàn Q.6 cũng có hàng loạt căn nhà bị ảnh ở 36 tuyến đường và cụm hẻm. Lãnh đạo UBND Q.6 cho biết, đã có một số hộ được vay tiền để nâng cấp, sửa nhà nhưng trên địa bàn quận vẫn còn trên 600 căn nhà thấp hơn mặt đường từ 50cm đến 1m.
Đang có hàng ngàn ngôi nhà bị lệch từ 50cm đến 1m trên địa bàn TP.HCM
Cũng theo lãnh đạo này, trước đây khi dự án nâng cấp đô thị còn thực hiện, thì một số hộ dân được vay tiền từ Quỹ vay vòng vốn của dự án để sửa chữa nhà. Tuy nhiên dự án này đã kết thúc, nên người dân không còn nơi để vay tiền. Với thực trạng này, ông Quân cho rằng, trước khi thực hiện các dự án nâng đường, thì cần phải khảo sát, xem xét kỹ những hệ lụy có thể xảy ra với người dân trong khu vực, đó để có hướng xử lý cho cả hai bên. Phần nào người dân tự lo được thì tốt, còn không thì Nhà nước phải xem xét hỗ trợ. Thời gian qua, do người dân phản ứng quá, thì các cơ quan chức năng mới nhảy vào khắc phục.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã có ý kiến chỉ đạo giao Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với sở Giao thông vận tải, sở Xây dựng, sở Nội vụ và UBND các quận huyện có liên quan, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, để thực hiện việc kiểm tra, rà soát các dự án nâng đường làm ngập nhà dân. Theo đó, tổ liên ngành đã tiến hành khảo sát và đánh giá việc các dự án nâng đường, nâng hẻm gây ảnh hưởng đến nhà dân cần phải được bồi thường, hỗ trợ đồng thời có những đề xuất bước đầu.
Thứ nhất, người dân có thể tiếp cận chương trình vay vốn, tạo lập nhà cho người có thu nhập thấp thông qua quỹ Phát triển nhà ở TP với số tiền vay tối đa lên 300 triệu đồng, thời gian có thể lên đến 15 năm, nhưng bắt buộc phải có tài sản thế chấp. Thứ hai, với những trường hợp không có tài sản thế chấp thì có thể vay được 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với lãi suất 3%/năm. Riêng đối với các dự án trong tương lai, nếu gây ra thiệt hại, thì chủ đầu tư dự án phải chuẩn bị trước kinh phí để bồi tường thiệt hại cho người dân.
Làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan "Quá trình kiểm tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân có liên quan, đề xuất biện pháp khắc phục phù hợp với tình hình thực tế và báo cáo đề xuất UBND TP xem xét, giải quyết sớm", Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo rõ.
Chí Thanh
Theo_Người Đưa Tin