Nhà báo: Nạn nhân của tham nhũng
Nếu phải nêu thêm một nhóm đối tượng nữa vào danh sách nạn nhân của tham nhũng thì nhà báo nhất thiết phải có mặt!
Điều gì sẽ xảy ra với những bài viết phanh phui sự thật liên quan tham nhũng? Nhẹ thì trù dập, gây áp lực lên ban biên tập để ngưng phóng sự; nặng một chút thì hù dọa hoặc kiếm chuyện bỏ tù phóng viên (như trường hợp nhà báo Trung Quốc Khương Duy Bình trong vụ Bạc Hi Lai). Và nặng hơn nữa thì tặng cho nạn nhân vài viên kẹo bọc chì! Những chuyện như vậy đang xảy ra khắp thế giới.
Khi sự thật bị nhuốm máu!
Tất cả phương cách, thủ đoạn và công cụ đều có thể được bọn tham nhũng dùng để bịt miệng báo chí. Trong Waging War on Corruption, tác giả đã thuật nhiều trường hợp…
Kinh khủng hơn vụ phóng viên Lasantha Wickramatunga ở Sri Lanka (bị bắn vào đầu ngày 8/1/2009), Georgy Gongadze (Ukraine) đã bị “xử” cực kỳ tàn khốc. Tháng 9/2000, Gongadze mất tích. Hai tháng sau, thi thể giập nát của anh được tìm thấy trong một cánh rừng ngoại ô Kiev. Xét nghiệm pháp y cho biết nạn nhân đã bị tưới hóa chất và bị tra tấn tàn bạo trước khi chết. Liều lĩnh và không bao giờ tỏ ra run sợ trước mọi đe dọa, Gongadze nổi tiếng khắp Ukraine với những bài báo phanh phui tham nhũng ở mọi cấp độ quyền lực, trong đó có cả Tổng thống Leonid Kuchma. Cái chết của Gongadze đã gây rúng động Ukraine và trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phẫn nộ của dư luận và cuộc bạo động quần chúng sau đó… Không lâu sau vụ Gongadze, nhà báo Carlos Alberto Cardoso cũng bị giết tại Mozambique khi đang điều tra vụ biển thủ ngân hàng nghiêm trọng nhất lịch sử nước này. Hôm đó, tháng 11/2000, khi đang lái xe, Cardoso bị hai xe hơi theo sát qua nhiều ngả đường ở thủ đô Maputo. Cuối cùng tại một đoạn vắng, chúng chặn đầu xe anh lại. Hai tên nhảy xuống nã AK liên tục vào nạn nhân!
Một cuộc biểu tình chống tham nhũng tại Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Năm 2012, trong số 67 nhà báo bị giết và 232 người bị bỏ tù, có không ít trường hợp nhà báo phải bỏ mạng trên con đường tìm kiếm sự thật và đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi và quyền lực trong bóng tối của bọn quan tham. Có thể nêu vài trường hợp:
Đêm 21/11/2012, khi cùng vợ về đến cổng nhà tại Campo Grande (thủ phủ bang Mato Grosso do Sul, Brazil), nhà báo Eduardo Carvalho của trang tin Última Hora News, nổi tiếng với những bài viết phanh phui tham nhũng của giới chức địa phương, đã bị một sát thủ được chở trên chiếc xe gắn máy vung súng bắn ít nhất ba phát khiến nạn nhân gục chết tại chỗ… Trước đó, một đồng nghiệp của anh, Mario Randolfo Marques Lopes, cũng bị giết thảm. Thi thể Lopes được tìm thấy vào tháng 2/2012 tại thành phố Barra do Piraí thuộc bang Rio de Janeiro. Là tổng biên tập của trang tin Vassouras na Net, nơi chuyên đăng những bài điều tra tham nhũng gây xôn xao dư luận, Lopes đã bị bắt cóc ngay tại nhà riêng cùng một người bạn. Cả hai sau đó được mang ra “pháp trường” và bị bắn chết. Cần nhấn mạnh, trước đó, tháng 7/2011, một tên lạ mặt từng xông vào tòa soạn Vassouras na Net và nã năm phát vào Lopes! Nạn nhân không tử vong. Sau ba ngày hôn mê, Lopes gượng dậy và tiếp tục làm việc. Ông vẫn tỏ ra không hề nao núng khiếp sợ, cho đến khi sự can đảm của ông trở thành một “thử thách” vượt quá “sức chịu đựng” của bọn gian ác.
Ai mới là những người thật sự “cản trở” công lý?
Ngày 3/1/2006, sau năm năm ngồi tù, nhà báo Khương Duy Bình, nguyên chánh văn phòng tờ Văn Vị Báo (Hong Kong), được thả. Tháng 12/2000, nạn nhân đã bị bắt sau loạt phóng sự tiết lộ vô số màn tham nhũng của bọn quan tham tại Liêu Ninh.
Bị buộc tội “tiết lộ bí mật quốc gia”, Khương Duy Bình bị xử 8 năm tù nhưng sau đó rút lại còn 6 năm trong phiên xử phúc thẩm. Từng là phóng viên Tân Hoa xã, sau đó làm cho Văn Vị Báo, Khương Duy Bình bắt đầu đăng loạt phóng sự điều tra tham nhũng trên tạp chí Tiền Tiếu (Frontline) ở Hong Kong vào năm 1999. “Tội” của Khương Duy Bình là đụng đến những vụ tư túi của phó thị trưởng Thẩm Dương Mã Hướng Đông. Tiết lộ của Khương Duy Bình cho biết họ Mã đã đốt sạch gần 30 triệu tệ (3,6 triệu USD) tại các sòng bài ở Macau. Khương Duy Bình cũng phanh phui vụ một phó thị trưởng Đại Khánh dùng tiền thuế của dân để mua xe và nhà cho đám bồ nhí tổng cộng đến 29 “em”! Quan trọng hơn, Khương Duy Bình còn dám “vuốt râu cọp” khi đụng đến Bạc Hi Lai (lúc đó là tỉnh trưởng Liêu Ninh)…
Không may mắn như Khương Duy Bình (vẫn còn được “tha mạng”), Lý Tường, mới 30 tuổi, phóng viên Đài truyền hình Lạc Dương, đã bị đâm đến 10 nhát khiến tử vong vào ngày 19/9/2011. Trước đó, Lý Tường thực hiện loạt phóng sự về tình trạng chế biến thực phẩm độc hại (trong đó có dầu ăn), liên quan đến sự bao che của giới chức địa phương. Khoảng 100 tấn dầu bẩn được cảnh sát phát hiện và 32 người đã bị bắt, từ những tiết lộ chấn động của Lý Tường. Tuy nhiên, những kẻ còn lại trong bóng tối đã quyết định phải “trả thù”, phải “bịt miệng” Lý Tường vĩnh viễn!…
Còn nữa, đó là vụ phóng viên Phương Huyền Xương của tờ Tài Kinh bị côn đồ dùng gậy sắt đập bầm giập suýt chết sau khi tiết lộ vụ ngũ cốc có tẩm hóa chất độc (globalissues.org/news, 11/9/2010), hay vụ nhà báo Tề Sùng Hoài bị xử tù sau khi phanh phui những màn tham nhũng của giới chức địa phương thành phố Đằng Châu thuộc Sơn Đông (New York Times, 29/7/2011)…
Anna Hazare, thủ lĩnh phong trào chống tham nhũng tại Ấn Độ – Ảnh: Times of India
Lửa sẽ không thể tắt!
Tại Ấn Độ, không ai không biết Kisan Baburao Hazare (còn được gọi là Anna Hazare) – nhà hoạt động xã hội mà tên tuổi của ông đã được tờ Foreign Policy (trong số 28/11/2011) ghi nhận là một trong 100 tư tưởng gia có ảnh hưởng toàn cầu. Bằng nhiều hình thức, trong đó có tuyệt thực theo cách bất bạo động của tiền bối Mohandas Gandhi, nhiều thập niên nay ông cụ sinh năm 1937 này đã trở thành người đi đầu cầm cờ trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Ấn Độ với không ít lần vào tù ra khám.
Trong nhiều năm, Hazare thực hiện nhiều chiến dịch vận động quyết liệt. Ngày 5/4/2011, Hazare bắt đầu cuộc “tuyệt thực vô thời hạn” để gây sức ép đòi chính phủ thông qua một dự luật chống tham nhũng. Sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận, dẫn đến làn sóng biểu tình khắp Ấn Độ, trở thành sự kiện mà trong số tổng kết cuối năm 2011 tờ Time đã chọn là một trong 10 tin tức hàng đầu. Ngày 8/4, Chính phủ Ấn buộc phải nhân nhượng, thuận theo một số yêu cầu chính của Hazare. Tuy nhiên, ngày 16-8, Hazare bị bắt, bốn giờ trước khi định thực hiện cuộc tuyệt thực lần nữa, được đưa đến nhà tù Tihar. Làn sóng biểu tình dữ dội lại bùng nổ…
Nói chuyện trước hàng ngàn người ủng hộ sau khi được thả ngày 19/8/2011, ông cụ Hazare 74 tuổi nói: “Các bạn phải thắp lên ngọn đuốc chống lại tham nhũng. Đừng để nó tắt cho đến khi nào đất nước Ấn Độ hoàn toàn thoát khỏi nạn tham nhũng… Có những vụ tham nhũng liên quan đến đất đai mà nông dân đã bị đuổi đi để nhường chỗ cho các nhà thầu xây dựng và công ty. Nhiều nông dân đã phải tự vẫn. Chúng ta phải chiến đấu cho họ. Hệ thống giáo dục đang trở nên hủ lậu đến mức chúng ta phải trả tiền để con em mình được nhận vào trường. Sợi xích tham nhũng cần phải được chặt đứt. Chúng ta cần phải thay đổi”…
Thông điệp Hazare đã và tiếp tục được đón nhận khắp nơi, tiếp tục thắp sáng một niềm tin – như những bài viết nhiệt huyết của những phóng viên can đảm chấp nhận đối mặt nguy hiểm khi làm lộ ra bộ mặt ghê tởm của tham nhũng – rằng cái thiện nhất định phải thắng cái ác, rằng xã hội sẽ trong sạch hơn, cơ chế chính trị sẽ tử tế và minh bạch hơn. Và thế hệ sau này sẽ có một tương lai sáng sủa hơn.
Theo 24h
Những khoản "thuế" không tên
"Tham nhũng là một thứ thuế đánh vào phát triển. Khi lan rộng nó sẽ hút cạn sinh lực các thể chế quản lý và làm hao mòn thịnh vượng lẫn ổn định..." - cựu toàn quyền Hong Kong Christopher Patten nhận xét (trong lời bình quyển Waging war on corruption).
Nói cách khác, người dân ở những nước bị tham nhũng nghiêm trọng buộc phải gồng mình nộp thêm vô số loại "thuế" không tên. Không hối lộ mà có thể yên thân được sao?!
Nỗi khổ bệnh nhân
Theo Bloomberg News (26/9/2012), ngày càng có nhiều vụ bạo động trong bệnh viện khắp Trung Quốc. Đầu năm 2011, một bác sĩ tại Cáp Nhĩ Tân đã bị bệnh nhân giết chết.
Năm 2010 có hơn 17.000 vụ bạo động tại các bệnh viện và vụ việc trở nên nghiêm trọng đến mức 50 bệnh viện ở Bắc Kinh phải củng cố lại hệ thống an ninh.
Vì sao như vậy? Nguyên nhân bề mặt là những sự cố gây chết người của bệnh viện, nhưng sâu xa hơn vẫn là sự bùng nổ như giọt nước tràn ly từ thái độ bất mãn trước tình trạng tha hóa trong ngành y cũng như sự thờ ơ của giới chức bộ y tế.
Rất nhiều bác sĩ Trung Quốc thường kiếm được khá bộn từ đơn thuốc mà họ kê cho bệnh nhân. Và "để tăng lợi nhuận, bệnh viện thường điều trị quá thời hạn và xét nghiệm quá yêu cầu" - theo Nhiêu Khắc Cần, bí thư đảng ủy Hội Y học Trung Quốc.
Tháng 9/2012, China Daily cho biết một vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã xảy ra tại Thâm Quyến, liên quan ít nhất 20 viên chức bệnh viện. Như trong nhiều trường hợp, người giàu và giới chức cao cấp ít màng đến những chuyện trớ trêu xảy ra trong hệ thống y tế, bởi họ đâu có đặt chân đến bệnh viện trong nước và thay vào đó là ra nước ngoài.
Và như trong nhiều trường hợp, người nghèo luôn là nạn nhân trực tiếp đầu tiên và thiệt hại nặng nhất của một hệ thống tham nhũng. Phóng sự của China Daily (2/9/2009) thuật một câu chuyện...
Lúc Vấn Vấn ngủ mê man trong tay bà ngoại sau khi được truyền dịch tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Mẹ của bé, cô Trịnh, thầm cầu trời khấn Phật cho bé chóng khỏe để về nhà và đừng bao giờ quay lại bệnh viện nữa, nơi không thuần túy là chỗ để chữa trị như chức năng của nó mà còn là một "cõi" có thể gây ra những nỗi ám ảnh rùng rợn! Cô Trịnh đã bị "móc túi" 100 tệ (14 USD) mới "được quyền" cho bé Vấn Vấn truyền dịch.
Cuối cùng, tổng chi phí mà vợ chồng cô Trịnh phải trả cho đợt vào viện lần đó là 7.800 tệ (1.142 USD) - số tiền quá lớn đối với cặp vợ chồng nghèo mạt này. Không chỉ vợ chồng cô Trịnh, nhiều người nghèo khác cũng có hoàn cảnh và tâm trạng tương tự. Tại Trung Quốc, bệnh là thứ mà người dân sợ nhất bởi vào đến bệnh viện là phải có tiền.
Tiền khám, tiền thuốc, tiền bồi dưỡng y tá - hộ lý, tiền bác sĩ theo yêu cầu, tiền mua giường nằm cho bệnh nhân và cả tiền mua ghế ngủ cho thân nhân (chưa kể tiền ăn uống nuôi bệnh)...
Cái mẫu số chung "người-nghèo-thiệt-hại-nặng-nhất" tất nhiên cũng hiện diện ở nhiều nước khác. Trong báo cáo Minh bạch quốc tế 2010 (dẫn lại từ Waging war on corruption), mỗi ngày có đến tám thai phụ Zimbabwe tử vong khi sinh. Và trước khi nghĩ đến việc vào viện để được đỡ đẻ, thai phụ phải kiếm cho được 50 USD tiền phí - khoản tiền bằng 1/3 thu nhập của một người Zimbabwe thuộc đối tượng trung bình trong... một năm!
Nếu không có tiền nộp, sản phụ sẽ bị nhốt lại bệnh viện và bị tính lãi suất cho đến khi nào họ thanh toán xong sổ nợ. Thế nên đã xảy ra nhiều vụ đào thoát khỏi bệnh viện mà tình tiết của chúng ly kỳ chẳng khác gì vượt ngục!
Mức độ kinh khủng của sự việc chưa dừng lại tại đó. Theo nguồn đã dẫn, có chuyện kể rằng y tá tại một bệnh viện địa phương ở Zimbabwe đã ra quy định thai phụ sẽ bị phạt (tương đương) 5 USD mỗi lần họ la to trong khi sinh! Còn tại một số vùng quê Zambia, người dân thường nói với nhau rằng họ thà chịu bị bệnh tật hành hạ thân xác chứ không vào bệnh viện bởi đó là cách nhanh nhất để họ được đưa thẳng đến nghĩa địa trong cỗ quan tài!
Tai nạn hỏa xa kinh hoàng tại Ôn Châu - Ảnh: China Daily
Mở mắt ra là thấy
Còn có rất nhiều khoản thuế không tên khác mà người dân ở những nước tràn lan tham nhũng đối mặt hằng ngày, mọi lúc mọi nơi, trở nên bình thường đến mức họ quen với việc nhẫn nhục chấp nhận như một thứ thông lệ... Mỗi ngày, tổng số tiền mà người dân một nước tham nhũng bị thiệt hại khi phải "cúng" cho những người "làm luật" là bao nhiêu?
Theo Laurence Cockcroft (Global Corruption), cuộc khảo sát tại Pakistan năm 2010 của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho biết 43% người được hỏi đã nói rằng mình phải đối mặt với hối lộ khi có việc với viên chức hành chính địa phương, 69% với viên chức tư pháp, 84% với cảnh sát và 48% với hệ thống y tế.
Cụ thể, chi phí trung bình cho những khoản thuế không tên đối với người dân Pakistan là 7 USD cho dịch vụ y tế, 18 USD cho giáo dục, 69 USD cho tư pháp...
Tại Ấn Độ, một trong những chìa khóa có thể giúp mở được cánh cửa những dịch vụ dành cho người nghèo là thẻ BPL (công nhận dưới chuẩn nghèo).
Trên hồ sơ chính thức có khoảng 60 triệu hộ dân thuộc diện chính sách như thế này nhưng trong thực tế gần 1/2 trong số đó, tức khoảng 27 triệu, là những hộ khá hơn. Họ có được tấm thẻ BPL là nhờ mua từ giới chức địa phương.
Thậm chí khi đi đăng ký BPL, hơn 1/3 hộ nghèo thật sự cũng phải lót tay cho giới chức tham nhũng... Và để "công lý được thực thi", tại Ấn Độ và Sri Lanka, hầu hết nguyên đơn phải hối lộ quan tòa để đơn kiện của mình được xử (Global Corruption)! Tại châu Phi, người dân đã quá quen với việc bị "ăn cướp" trắng trợn.
Cuộc khảo sát năm 2002 tại Kenya cho biết người dân thành thị phải nộp các loại thuế không tên chiếm mất 15% thu nhập của họ mỗi năm.
Và với nhiều nước tham nhũng lan tràn, những kẻ tha hóa gây ảnh hưởng và mang lại tác động tâm lý xã hội đặc biệt nghiêm trọng là giới cảnh sát. Chẳng gì tồi tệ hơn khi những người đại diện pháp luật với vai trò trực tiếp thực thi trật tự xã hội lại biến thành bọn hủ lậu.
Xã hội nhiễu nhương và hỗn loạn chính là từ đây. Niềm tin công chúng vào chế độ bị mai một cũng chính từ đây, khi mọi người hằng ngày chứng kiến cảnh người đại diện pháp luật bóp méo và nghiễm nhiên chà đạp pháp luật bằng việc nhận tiền đút lót và thậm chí làm nhiều việc phi pháp một cách công khai.
Niềm tin sẽ không còn khi người ta biết những chuyện chẳng hạn chỉ riêng tại bang Anambra (Nigeria), khoảng 70 chốt cảnh sát đã thu được 4,5 triệu USD tiền hối lộ vào năm 2008 (Waging war on corruption); hay chuyện ông quan cảnh sát Diệp Thụ Dưỡng tại Thiều Quan (Quảng Đông) bị bắt năm 2008 với tội nhận của đút lót tổng cộng 30 triệu tệ, chủ yếu từ giới nhà thổ...
Và những chiếc bẫy vô hình
Đang đi bỗng dưng bị sập "hố đen" làm tan nát chiếc xe mới mua. Đang ngồi trên xe lửa bỗng nhiên bị lọt khỏi đường ray và gãy tay gãy cổ... Đó chính là những chiếc bẫy vô hình luôn rình rập và đe dọa người dân tại những nước tham nhũng hoành hành. Ai chịu trách nhiệm? Nhà thầu cầu đường, ông quản lý và giám sát công trình đô thị hay ngài bộ trưởng giao thông? Xin lỗi, chẳng ai chịu cả!
Những tai nạn tương tự đã cộng thêm vào tổn thất chung mà tham nhũng gây ra. Theo Waging war on corruption, Liên đoàn châu Phi từng đánh giá rằng tổn thất từ tham nhũng chiếm đến 25% GNP châu Phi.
Theo tác giả Frank Vogl (một trong những người thành lập Tổ chức Minh bạch quốc tế), tổn thất thật sự do tham nhũng mang lại không thể chỉ tính bằng những con số cụ thể, chẳng hạn 100 tỉ USD hay 1.000 tỉ USD mà "cần phải được nhìn ở góc độ đầy đủ khi xét đến những nỗi đau của con người mà nó tạo ra. Bởi tham nhũng đã đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh nghèo đói, bởi tham nhũng là tên giết người"!
Hàng chục ngàn người Haiti đã bị chết không chỉ bởi trận động đất tháng 1/2010 mà còn bởi việc bọn thầu hối lộ giới chức địa phương để xây những căn nhà không đủ chuẩn kỹ thuật an toàn.
Vô số bệnh nhân Trung Quốc bị biến chứng nặng không phải do vấn đề thuần túy y lý, mà bởi uống phải thuốc dỏm được bào chế dưới sự bảo kê của cục trưởng Cục Quản lý dược - thực phẩm Trịnh Tiêu Du (đã bị tử hình).
40 người chết và 191 người bị thương trong tai nạn hỏa xa tại Ôn Châu ngày 23/7/2011 không chỉ do sự cố kỹ thuật mà còn bởi những màn biển thủ hàng triệu đôla của ngài bộ trưởng hỏa xa Lưu Chí Quân (đã bị sa thải)...
Phải nhìn vấn đề ở góc độ những vụ việc cụ thể như thế mới thấy rõ diện mạo khủng khiếp của tham nhũng!
Theo 24h
Bộ GTVT: Kẹt xe tại TP.HCM giảm 90% Ùn tắc giao thông tại Hà Nội giảm 50%, TP.HCM giảm 90%. Đó là báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp trực tuyến ngày 3/1 với các tỉnh thành về đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2012 và kế hoạch 2013. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong năm 2012, trên địa bàn cả nước...