Nhà báo lão thành Phan Quang: Ba “vùng cấm” phải tuân thủ
Phan Quang là một nhà báo lão thành đã gắn bó với nền báo chí cách mạng Việt Nam qua nhiều thập kỷ. Trong sự nghiệp của mình, ông luôn có những chia sẻ tâm huyết về nghề báo với người làm báo. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, PV NTNN đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Phan Quang.
Có lửa nghề mới làm được việc
Thưa nhà báo Phan Quang, dù tuổi đã cao nhưng hình như ông chưa bao giờ cho phép mình ngừng nghỉ. Bằng chứng là trong mấy năm gần đây, ông cho ra mắt bạn đọc liên tiếp những cuốn sách mới. Xin hỏi động lực từ đâu mà ông lại có sức lao động miệt mài đến vậy?
- Ông cha ta nói: “Nhất nhật thanh nhàn nhất nhật tiên” có nghĩa một ngày an nhàn là ngày ấy như tiên. Mà ai chẳng muốn làm tiên. Có điều khi mình muốn nghỉ, mình muốn rời nhưng dường như cái nghề níu kéo mình trở lại. Có phải như vậy hay không? Tôi cũng chia sẻ với các bạn, bây giờ tôi đã lớn tuổi, động lực làm việc của tôi không phải vì tiền tài, không phải vì danh vọng.
Điều thôi thúc tôi đến tuổi này vẫn chưa ngừng nghỉ có lẽ tại liên quan đến nghề nghiệp chúng ta. Tôi đã cao tuổi, tai kém, mắt kém, đi lại cũng không nhanh nhẹn như thời trước, muốn leo dốc cần có người đỡ, dù vậy tai vẫn còn nghe, mắt vấn đủ đọc, đủ xem, đầu óc vẫn suy nghĩ và nảy ra ý kiến của mình. Và đã có ý kiến lại muốn chia sẻ với bạn đọc, cho nên, tôi vẫn lúi húi làm việc. Con người chúng ta khi về già ai cũng muốn tìm một thú vui. Các cụ ta xưa về già vui thú điền viên. Còn tôi thích chơi hoa, chơi sách và vẫn muốn viết để chia sẻ, thậm chí “viết cho vui”. Đó chính là động lực thôi thúc mà bản thân dù có muốn cũng khó giã từ. Như ông cha ta nói: “Đã mang cái nghiệp vào thân” thì cái nghiệp ấy nó cứ bám mình đến hết đời, cho đến khi tâm tàn lực kiệt hẳn.
Nhà báo Phan Quang. Anh: M.L
Với bất cứ người cầm bút nào, “lửa nghề” là một yếu tố quan trọng. Phải chăng ông có bí quyết riêng để giữ “ngọn lửa nghề” luôn mãnh liệt kể cả khi đã vượt xa cái tuổi “bát thập cổ lai hy”?
- Tất nhiên, làm nghề gì cũng phải có lửa nghề. Nghề văn, nghề báo, nghề văn học nghệ thuật thì điều đầu tiên cần thiết ở mỗi người là ngọn lửa trong lòng. Lửa ấy có còn thì ta mới làm được việc. Nếu không còn lửa nghề thì ta đơn thuần là làm công việc “cạo giấy” hằng ngày chứ không phải là sáng tạo. Và sáng tạo tôi nói ở đây, tức sáng tạo báo chí, không phải hư cấu mà là sáng tạo nên tác phẩm của mình.
Video đang HOT
Với tôi, nghề viết là đam mê cá nhân từ ngày còn trẻ, và tôi luôn xác định đó cũng là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Người vẫn làm báo mà lửa nghề tắt sớm thì coi như người đó làm gì còn nhiệt tình. Từ ngày vào làm báo ở tuổi 20, tôi luôn ý thức rằng, kiến thức của mình, năng lực của mình nó ở dưới cái tầm và trách nhiệm của người làm báo. Cho nên, phải hết sức cố gắng, suốt đời phải học, phải trải nghiệm, phải nghiên cứu, phải viết để từ đó bản thân ngày một nâng mình lên.
Hiện nay độc giả có thể tìm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau khiến báo chí có vẻ đang mất đi vị trí “độc tôn”. Theo ông báo chí hiện nay phải chuyển hướng thế nào?
Thời đại thay đổi, báo chí nước ta cũng thay đổi rất nhanh như báo chí thế giới. Chúng ta không nên hài lòng với những điều làm được mà cần tiếp tục hiện đại hóa báo chí, phải chuyên nghiệp hóa báo chí ta sâu hơn nữa, cao hơn nữa, ngày càng cao hơn, đó là một yêu cầu.
Tuy nhiên, trong thời đại thông tin ngày nay, khi ta nói cố gắng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa thì đó mới là vấn đề kỹ thuật, công nghệ. Nhà báo chúng ta không bao giờ được tự hài lòng, thỏa mãn với những việc mình vừa làm được. Nhà báo phải tự tin nhưng tự mình phải luôn đổi thay. Quá trình đổi thay ấy tùy thuộc năng lực, và con đường của mỗi người một khác, nhưng chung quy phải xuất phát từ cái tâm, cái đức của người cầm bút. Một khi nhà báo tự hài lòng thì đó là biểu hiện bắt đầu sự trì trệ.
“Báo chí nước nào cũng có vùng cấm”
Có người nói rằng: “Không có vùng cấm trong báo chí”, quan điểm của ông thế nào?
- Có vùng cấm chứ. Bất kỳ báo chí nước nào cũng có vùng cấm. Báo chí nước ta cũng có vùng cấm. Điều này được thể hiện trong Luật Báo chí tại Điều 9, Chương 1 chỉ rõ báo chí không được làm, đại thể như: Làm báo không được làm gì vi phạm đến an ninh và ổn định của đất nước. Nhà báo không được xâm phạm đời sống riêng tư của công dân. Nhà báo không được truyền bá văn hóa đồi trụy làm hư hỏng đạo đức con người,… Nói cách khác, nhà báo phải xuất phát từ tính nhân văn. Cho nên, ai nói báo chí không có vùng cấm, tôi không đồng ý. Đó là những vùng cấm do pháp luật quy định. Chúng ta với tư cách là công dân, với trách nhiệm của một nhà báo cầm chiếc thẻ nhà báo trong tay thì chúng ta buộc phải tôn trọng, vì nếu không thực hiện được những điều đó, chúng ta vi phạm pháp luật.
Nhưng nghề báo còn có mặt thứ hai, bên cạnh luật pháp mà bên Tây người ta gọi là “điều khoản lương tâm”, còn chúng ta gọi là “đạo đức nghề nghiệp báo chí”. Đạo đức không phải là văn bản pháp quy, tức là khi ta xâm phạm đạo đức, ta không bị khởi tố trước pháp luật nhưng phải chịu xử lý theo như quy định tại bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình. Ví dụ: Một cô gái trẻ vì non dại làm chuyện sai lầm và cô đưa lên mạng, ngay sau đó bị mọi người xúm vào “ném đá” đến mức cô gái bức xúc không chịu nổi phải tìm đến cái chết. Lương tâm người ném đá có bị cắn rứt không? Vậy thì tính nhân văn của báo chí ở chỗ nào? Trong khi người đời ai cũng từng mắc sai lầm, sao ta không giúp đỡ, vực cô gái đó dậy mà để xảy ra chuyện đau lòng đến vậy? Thế mới biết, thời đại ngày nay hay ở chỗ luôn luôn đổi mới, đổi mới không ngừng nhưng cũng có mặt trái tức là tính nhân văn của con người dường như có phần sút kém đi.
Từ đó, tôi xin nhắc lại, khi nói đến vùng cấm trong báo chí gồm có: Vùng cấm quy định tại luật pháp; vùng cấm do đạo đức nghề báo chí, và vùng cấm xuất phát từ tấm lòng, tức là từ tinh thần nhân văn nhà báo tự đặt ra cho mình. Có thể sự việc đó ta viết ra sẽ “ăn view” đấy nhưng nếu nó không hợp với tấm lòng nhân ái của ta thì ta nên dừng lại.
Với tư cách là một nhà báo lão thành, trải qua rất nhiều thăng trầm trong nghề, ông có lời khuyên nào cho những người cầm bút trẻ hiện nay?
- Cả đời tôi không muốn khuyên các bạn trẻ. Tôi nói thật lòng là. so với lớp chúng tôi, các bạn trẻ ngày có năng lực, bản lĩnh, kiến thức được cập nhật hơn lớp chúng tôi nhiều. Có những hiểu biết của các “cây đa, cây đề” chúng tôi nay cũ rích, chúng tôi đã bị cuộc sống gần như gạt sang bên lề xã hội, mình phải tự thấy điều đó. Và đó cũng là quy luật tự nhiên thôi.
Nói như vậy nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ những trải nghiệm của mình cho các bạn trẻ để các bạn tự lựa chọn, điều nào thích hợp thì theo, điều nào không thích hợp thì gác lại. Quan điểm của tôi trong mối quan hệ giữa người già người trẻ là như thế.
Nói vậy cũng không có nghĩa là người trẻ không cần lắng nghe ý kiến của những người đi trước, trong trường hợp này là các “nhà báo già”. Riêng tôi muốn chia sẻ với các nhà báo trẻ: Hãy tự tin. Tự tin và tiến lên. Tự tin nhưng không tự mãn. Học tập kinh nghiệm từ người khác nhưng học qua sàng lọc, sáng tạo, không rập khuôn, không bắt chước, và nghe thì phải có suy nghĩ. Có như vậy, nhà báo trẻ mới dần tạo được bản lĩnh, phong cách riêng của mình. Tôi mong muốn các bạn trẻ hãy lắng nghe, hãy mở lòng học tập bạn bè, trong đó có lớp người đi trước, nhằm tạo cho mình một nhân cách. Tất cả chung quy nhằm phục vụ lợi ích của dân tộc, nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội của người làm báo.
Xin cảm ơn ông!
Nhà báo Phan Quang tên thật là Phan Quang Diêu, sinh năm 1928 tại Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị. Ông có nhiều năm công tác tại báo Nhân Dân, Tạp chí Người làm báo, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin, Giám đốc – Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam…
Tính đến nay, nhà báo Phan Quang đã có gần 70 năm “tuổi nghề”. Với vốn sống đa dạng, thành thạo nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp và tiếng Nhật, nhà báo Phan Quang còn được biết đến với vai trò là một dịch giả và cây bút du ký đầy cá tính. Trong các tác phẩm văn học và văn hóa mà Phan Quang đã dịch, được biết tới nhiều nhất là bộ Nghìn lẻ một đêm, xuất bản năm 1981, tính tới nay bộ sách đã được tái bản hơn 30 lần…
Theo Danviet
"Điệp viên bất đắc dĩ"
Đã hơn 1 tháng trôi qua, song kỷ niệm về lần "đột kích" vào cuộc họp kín về nhận định ban đầu nguyên nhân cá chết diễn ra tại Bộ TNMT vào cuối tháng 4.2016 vẫn vẹn nguyên cảm xúc trong tôi
Cuộc họp diễn ra ngoài dự đoán nên tất cả các phóng viên báo, đài đều không được dự mà phải chờ đến 19 giờ tối cùng ngày, Bộ mới tổ chức họp báo. Khi đó tôi cùng hàng trăm phóng viên các báo, đài từ trung ương đến địa phương, đến cả phóng viên của báo ngành của Bộ TNMT cũng chỉ đứng ngoài cổng.
Phóng viên Trần Quang. Ảnh: H.Đ
Trong khi trực chờ tại quán nước ngoài cổng, nhiều anh em phóng viên các báo đài rất bức xúc tìm đủ mọi cách để vào dự họp nhưng đều bất thành khi bị bảo vệ yêu cầu đi ra khỏi cổng. Vừa ngồi quán uống nước tôi vừa bình tĩnh suy nghĩ, xác định đây là vấn đề rất nóng đang được dư luận đặc biệt quan tâm nên bằng mọi giá phải có thông tin về cho toà soạn.
Chợt một ý tưởng lóe nhanh trong đầu tôi khi thấy đoàn đại biểu dự họp đang bước vào phòng họp. Tôi sẽ trà trộn vào đoàn đại biểu để có mặt trong cuộc họp. Nhưng để chen chân vào đoàn đại biểu cũng không dễ bởi lẽ những người tham dự đều là các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về môi trường được Bộ mời rất rõ ràng, nắm rõ cả danh tính và hình dạng.
Biết là khó nhưng tôi vẫn vào sảnh để tìm kiếm cơ hội. Trước giờ họp, phía cổng tập trung rất nhiều anh em phóng viên nên khá lộn xộn. Rồi tôi nhanh chân lọt vào trong toà nhà của Bộ. Sau đó, tôi tiếp cận căn phòng sắp diễn ra cuộc họp, lúc đó các đại biểu đang tấp nập ra vào, trong đó loáng thoáng có 2- 3 đại biểu trẻ khoác ba lô nom bộ dạng khá giống đồng nghiệp của tôi. Tóm lấy cơ hội quý giá này, tôi nhanh chân bắt nhịp đi theo sau và bắt chuyện làm quen với những đại biểu này, nhờ vậy nên dự họp thành công.
Dù đã thâm nhập thành công, nhưng khi cuộc họp diễn ra, việc kiểm soát cũng rất nghiêm ngặt. Mọi thao tác tác nghiệp đều rất khó khăn nhưng bằng nghiệp vụ sẵn có, tôi đã tận dụng cơ hội, tình huống diễn ra trong cuộc họp để lấy thông tin.
Theo Danviet
Loạt sao Việt gửi lời chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), đồng loạt sao Việt gửi lời chúc đến các phóng viên, nhà báo có nhiều sức khỏe, thành công và cống hiến nhiều hơn. Trong ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Á hậu Huyền My cảm ơn tất cả các nhà báo đã luôn yêu quý và thương mến cô. MC Phan...