Nhà băng có vốn nhà nước “bị giam vào rọ”?
“Nếu 4 ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank) không được tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về vốn đầu tư trong phát triển kinh tế- xã hội, bởi các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc cấp tín dụng của NH”.
Đó là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2019. Đã vậy theo đánh giá của NHNN, Agribank đang có tỷ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Vừa qua, NHNN thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị kiến nghị giải pháp và cơ sở pháp lý để giải quyết việc này. ĐTTC đã ghi nhận ý kiến của TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH về giải pháp để tăng vốn cho các NH này.
PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, ông nhận định như thế nào về bài toán tăng vốn của 4 NHTM có vốn nhà nước trong thời gian qua?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: – Do ngân sách hạn hẹp, nên Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng (TCTD). Và thực tế trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, không có danh mục kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện tăng vốn điều lệ cho các NHTM có vốn nhà nước.
Agribank đang có tỷ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định Thông tư 41.
Chính vì vậy, việc tăng vốn cho 4 NHTM gặp khó khăn. Theo đó, các NHTM này phải tìm cách tăng vốn riêng của mình, chẳng hạn như gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài hoặc tăng vốn trong nước. Thế nhưng, 4 NHTM có vốn nhà nước lại phải tuân thủ quy định nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, 35% còn lại dành cho tư nhân, nên cũng không thể đi đến hợp tác.
Một giải pháp nữa mà NHNN và các NHTM có vốn nhà nước đã kiến nghị là giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức. Cách này sẽ không thay đổi tỷ lệ cổ phần của các cổ đông. Nhưng Bộ Tài chính lại không muốn điều này, vì thu ngân sách hiện nay dựa rất nhiều vào sự hỗ trợ của các NHTM có vốn nhà nước. Chính vì vậy, việc tăng vốn của các NH này phải dậm chân tại chỗ.
Video đang HOT
- Theo ông, giải pháp nào phù hợp để các NHTM có vốn nhà nước tăng vốn để thực hiện nhiệm vụ cấp vốn chủ đạo cho nền kinh tế?
- Đối với vấn đề này, một là phải chấp nhận dùng ngân sách để tăng vốn, hai là phải bỏ rào cản về tỷ lệ sở hữu 65%. 4 NHTM có vốn nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Nếu vốn của 4 NH này không thể tăng để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn 8% trong năm tới, họ không thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế được.
Trong đó, giải pháp phá vỡ room sở hữu nhà nước 65% là khả thi nhất. Hiện cổ đông nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% cổ phần tại các NHTM nhà nước sẽ khó có cổ đông chiến lược. Việc bỏ vốn đầu tư mà không nắm quyền chi phối chỉ mang tính chất là đầu tư tài chính, không đủ hấp dẫn. Đồng thời, một số NH đã cạn room cho khối tư nhân sẽ không thể mở rộng tăng vốn với tỷ lệ này.
Nếu đặt 4 NHTM này vào việc hỗ trợ nền kinh tế, thì bắt buộc phải cho họ tăng vốn, Chính phủ phải mạnh dạn hạ thấp rào cản sở hữu của cổ đông Nhà nước xuống mức 51% để thu hút vốn đầu tư.
- Mặc dù Chính phủ đã kiến nghị về phương án tăng vốn cho 4 NHTM này, nhưng chưa có trong chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội mới đây. Vậy các NHTM cần làm gì để vẫn có thể hỗ trợ nền kinh tế trong khi chờ đợi giải pháp tháo gỡ khó khăn?
- Trong khi chờ đợi, các NH vẫn có thể hỗ trợ nền kinh tế được nếu họ cơ cấu lại danh mục tín dụng, tức là những món vay không sinh lời hoặc không hiệu quả có thể chấm dứt để thay thế bằng những hoạt động cho vay tích cực hơn, nhiều hiệu quả hơn. Đó là cách có thể áp dụng nếu 4 NHTM có vốn nhà nước đã chạm trần tín dụng và chạm tỷ lệ an toàn vốn mà không thể tăng vốn thêm ngay lập tức. Hoặc NH phải loại bỏ những món vay cũ, chấm dứt món vay cũ để cho vay mới và tham gia các chương trình NH đồng tài trợ với nhau.
- Xin cảm ơn ông.
TS. TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia:
Các NHTM có vốn nhà nước đã cổ phần hóa tăng vốn điều lệ theo chuẩn Basel II sẽ đạt tiêu chí NH có quy mô lớn, lành mạnh và bền vững. Vấn đề là phải làm rõ tăng vốn điều lệ bằng phương thức nào: cho phép NH giữ lại cổ tức hay giảm bớt đi một số NHTM mà nhà nước không cần nắm quyền chi phối, dồn nguồn lực vào NH cần nắm cổ phần chi phối. Quốc hội nhiệm kỳ trước đã có Nghị quyết quy định về việc các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước để lại một phần cổ tức để bổ sung vào ngân sách nhà nước cho đầu tư để giảm đi phần nợ vay.
Tôi cho rằng, cần có thêm một Nghị quyết của Quốc hội để xử lý những vướng mắc về mặt pháp lý để tăng vốn điều lệ cho những NHTM có vốn nhà nước đã cổ phần. Đồng thời cũng không nhất thiết phải giữ tất cả 4 NH với tỷ lệ sở hữu 65% mà có thể chọn ra những NH nào cần giữ tỷ lệ sở hữu nhà nước 65%. Với NH được chọn đó, nhà nước sẽ tập trung dồn toàn bộ nguồn lực cùng với khu vực tư nhân 35% đẩy mạnh quy mô để đạt mục tiêu có ít nhất 1-2 NHTM nằm trong nhóm 100 NH lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á, đã đề ra tại Chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
YÊN LAM (thực hiện)
Theo Saigondautu.vn
Bổ sung quy định về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước
Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 126/2017/NĐ-CP của Bộ Tài chính bổ sung các quy định về chi phí cổ phần hoá, định giá doanh nghiệp hay việc bán cổ phần cho người lao động,...
Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.
Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP được ban hành trong thời gian qua về cơ bản đã tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thời gian qua cho thấy chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn vẫn còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc, việc tổ chức triển khai của các doanh nghiệp, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt dẫn tới quá trình cổ phần hóa, thoái vốn gặp khó khăn và không đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Do vậy, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP là rất cần thiết.
Về việc xử lý chi phí cổ phần hóa, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP chưa quy định về xử lý chi phí cổ phần hóa trong trường hợp phải tạm dừng cổ phần hóa hoặc phải xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (như việc dừng cổ phần hóa Tổng công ty thuốc lá, tạm dừng cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam).
Vì vậy, dự thảo Nghị định (khoản 3 Điều 1) bổ sung quy định: "Trong trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại việc xác định giá trị doanh nghiệp hoặc tạm dừng cổ phần hóa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định xử lý các khoản chi phí cổ phần hóa (đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ) hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế."
Về việc xử lý một số vấn đề về tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp: Tại khoản 3 Điều 17 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và không thực hiện kết chuyển vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Số dư khoản chênh lệch tỷ giá tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục theo dõi trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần mà chưa quy định về việc xử lý số dư khoản chênh lệch tỷ giá này.
Do đó, dự thảo Nghị định (khoản 6 Điều 1) bổ sung quy định theo hướng: "Số dư khoản chênh lệch tỷ giá tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xử lý vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần theo quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước".
Về chính sách bán cổ phần cho người lao động: Nghị định số 126/2017/NĐ-CP chưa quy định khống chế về giá trị cổ phần bán ưu đãi cho người lao động và thời hạn cam kết làm việc của người lao động khi đăng ký mua thêm cổ phần ưu đãi.
Thực tế có trường hợp giá trị của tổng số cổ phần bán với giá ưu đãi cho người lao động vượt quá giá trị phần vốn nhà nước mà theo quy định hiện hành giá trị ưu đãi được trừ vào vốn nhà nước và có người lao động đăng ký mua thêm cổ phần ưu đãi với thời hạn cam kết tiếp tục làm việc tại công ty cổ phần vượt quá độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Nghị định (khoản 14 Điều 1) bổ sung quy định: Tổng giá trị của số cổ phần bán với giá ưu đãi cho người lao động tính theo mệnh giá tối đa không vượt quá giá trị phần vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; và số cổ phần người lao động được mua thêm quy định được xác định theo thời gian cam kết tiếp tục làm việc tối đa đến hết thời gian làm việc của người lao động theo chế độ lao động quy định tại Bộ Luật lao động hiện hành.
HẠ AN
Theo Bizlive.vn
Những 'ông lớn' ngân hàng có thể phải ngừng cấp tín dụng nếu không được tăng vốn Đó là một trong những nội dung được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa ta tại tại buổi họp báo Chính phủ tổ chức chiều ngày 2/12. Theo đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019 diễn ra chiều 2/12, trả lời phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước,...