Nhà Bà Nữ: Sự nhạy cảm của Trấn Thành trở thành “vũ khí chiến thắng” vào dịp Tết
Nhà Bà Nữ cho thấy rõ tham vọng “hồi sinh” phòng vé của Trấn Thành vào dịp Tết, nhưng khả năng thành – bại đường dài khó nắm bắt.
Kể từ khi công bố góp tên vào danh sách “đường đua” phim Tết năm 2023, nhiều người đã dám chắc Trấn Thành sẽ thắng. “Tàn dư” từ bom tấn Bố Già cũng như tên tuổi của vị MC – diễn viên hài gợi nhớ nhiều đến Thẩm Đằng của màn ảnh Hoa ngữ nổi tiếng, thuộc hàng “quốc dân” và dễ thu hút khán giả với sản phẩm của mình. Nếu Thẩm Đằng “san bằng” phòng vé với vai nhỏ trong Xin Chào, Lý Hoán Anh nói về tình mẫu tử thì giờ đây, Trấn Thành được dự đoán sẽ làm nên kỳ tích tương tự với Nhà Bà Nữ – dự án đánh dấu vai trò đạo diễn đầu tay của anh.
Nhà Bà Nữ kể về gia đình 3 thế hệ bán bánh canh cua, trong đó Ngọc Nữ (Lê Giang) nắm “chủ quyền” với lối sống nghiêm khắc, quy củ và khiến các thành viên khác lo sợ. Thế nhưng, có một người sẵn sàng làm trái lời Ngọc Nữ là cô con gái út Ngọc Nhi (Uyển Ân), cũng là người đẩy tình cảm mẹ con của cả hai vào diện thử thách. Tiếp tục chìm đắm trong đề tài gia đình – chính kịch, Nhà Bà Nữ cho thấy rõ tham vọng “hồi sinh” phòng vé của Trấn Thành vào dịp Tết, một ván cược tưởng chừng quá đỗi dễ đoán nhưng khi bị mổ xẻ, nhiều vấn đề chưa thỏa đáng xuất hiện.
Khi “tấm chiếu mới” đối đầu “hội từng trải”
Nhà Bà Nữ khai thác chủ đề theo lý thuyết thì không mới, nhưng thực tế lại khá hiếm trên màn ảnh Việt: mâu thuẫn mẹ – con gái. Đây là khía cạnh văn hóa gia đình dễ bị ủy mị khi được khắc họa, thế nhưng rất may Nhà Bà Nữ không gặp tình trạng như thế. Phim dẫn dắt khán giả vào nửa đầu tràn ngập tiếng cười, một cuộc chiến thế hệ tinh nghịch và đầy tươi vui, giữa một Ngọc Nữ quy tắc, khó tính và một Ngọc Nhi mưu cầu sự tự do, theo đuổi đam mê của chính mình. Để rồi sau đó, nửa sau phim “lái” người xem sang một màu sắc trái ngược hoàn toàn: khổ đau, dằn vặt, tranh cãi và chia ly rồi bắt sang nhiều vấn nạn đời sống gia đình, hôn nhân, tuổi trẻ… khác.
Phim lồng ghép nhiều vấn nạn vào bức tranh gia đình “chữ N”.
Dễ thấy, Trấn Thành mang đến một tuyến tính đơn giản cho Nhà Bà Nữ, đi từ những tiếng cười đến những giọt nước mắt, rồi sau cùng là cái kết khiến trong lòng xốn xang. Đúng theo chia sẻ của đạo diễn trẻ trước đó, Nhà Bà Nữ không đuổi theo sự cầu kỳ, “hàn lâm” mà giống như một “đứa trẻ” bập bẹ lớn lên giữa dòng chảy điện ảnh, thế nhưng vẫn mang trên mình sự dí dỏm, thú vị và chất lượng để khán giả sẵn sàng ra rạp thưởng thức.
Vậy giá trị cốt lõi của bộ phim nằm ở điều gì? Đó vẫn đơn giản là… sự đơn giản thôi. Đó là cách mà vị đạo diễn thấu hiểu, cảm nhận và phản ứng với cuộc sống xung quanh. Anh dùng chất liệu có thật, câu chuyện đâu đó trong đời sống để biến thành Nhà Bà Nữ, và dùng nó để thu hút đối tượng đại chúng Việt vốn rất dễ bị hấp dẫn bởi điều dễ đồng cảm và tìm thấy trong đời thực nhất.
Sự nhạy cảm của Trấn Thành là một “vũ khí” lợi hại.
Sự nhạy cảm với cuộc sống và tiết chế của Trấn Thành
Ở lần trở lại màn ảnh rộng này, Trấn Thành đã tiết chế rất nhiều. Bớt đi những “miếng hài” dễ gây lố, những tình huống nước đôi dư thừa, hay những màn lăn bò thể hiện cảm xúc đầy tính kịch, anh mang đến một Nhà Bà Nữ chạm gần đến điện ảnh hơn. Phải gửi lời khen cho phần hình ảnh của phim được thiết kế đầy tính biểu tượng, có độ thẩm mỹ cao và sáng tạo. Điều này hòa quyện cùng nhà cửa, lối sống đường phố miền Nam thân thuộc, chân chất khá tự nhiên, giúp nâng tầm lẫn nhau để mang đến “tiệc thị giác” bắt mắt.
Phim có cảnh mở đầu được thiết kế độc đáo.
Một điểm sáng nữa của Nhà Bà Nữ là diễn xuất. Uyển Ân là cái tên gây bất ngờ nhất khi dù là “lính mới”, cô đã thể hiện được khả năng của bản thân ở ngay cả những cảnh nhỏ nhất. Cách diễn của Uyển Ân đa dạng, không sống sượng và tiểu tiết chẳng khác gì anh trai mình. Cùng với đó, Lê Giang, NSND Ngọc Giàu, Khả Như và Song Luân là những ngôi sao tiếp theo gây ấn tượng với khán giả. Trấn Thành lùi lại về sau để làm vai phụ, thế nhưng vẫn có vai trò mật thiết và đáng nhớ. Song, sự xuất hiện của Lê Dương Bảo Lâm lại không như kì vọng khi anh chỉ là một “comedy relief” với tính chất gây cười, không sâu sắc cũng không khác biệt.
Uyển Ân – Lê Giang làm tốt vai trò của mình.
Video đang HOT
Lê Dương Bảo Lâm – nhân vật phụ mờ nhạt.
Một “Bố già bản nữ” nhưng có vỡ òa bằng?
Dễ thấy Nhà Bà Nữ có điểm giống với Bố già, nhất là ở khía cạnh xung đột thế hệ trong một gia đình có quá nhiều sự khác biệt. Nhà Bà Nữ là ” Bố Già bản nữ”, thế nhưng có điểm “trội” và có điểm “lặn”. Nhà Bà Nữ gãy gọn, thẳng thắn hơn Bố Già, song điều này vô tình khiến cho bộ phim Tết Quý Mão khó chạm đến những đỉnh cao cảm xúc, mang đến sự vỡ òa tột đỉnh cho khán giả. Phim vẫn có những điểm cao trào đấy, thế nhưng cách xây dựng, thúc đẩy đến những “thiên đỉnh” cảm xúc ấy chưa đủ.
Nhà Bà Nữ bị “gãy” về cảm xúc.
Đặc biệt ở đoạn cao trào nhất phim về nhân vật Ngọc Nhi, phim chưa làm ổn ở cách bắt qua cái kết. Trấn Thành cho thấy sự cầu thị, biết lắng nghe, biết tiết chế – một điều rất đáng khen nhưng không đồng nghĩa với việc Nhà Bà Nữ đã thật sự hoàn hảo. Mặt khác, sự thiết lập của nữ chính Ngọc Nhi chắc chắn sẽ khiến nhiều người thở dài chán ngán, khi đây tiếp tục là một “báo con” gây rắc rối, nông nổi và được tận dụng để tạo nên hầu hết các biến cố xuyên suốt phim.
Ngọc Nhi – nhân vật khó gây thiện cảm.
Chấm điểm: 3/5
Nhà Bà Nữ có nhiều yếu tố thuận lợi, phải nói là thuận lợi nhất để thống trị dịp Tết này. Không có thể loại nào dễ bán vé dịp Tết hơn phim gia đình, và với cái tên tầm “quốc dân” của Trấn Thành, Nhà Bà Nữ nắm chắc trong tay những cột mốc, thành tích doanh thu ấn tượng. Tuy nhiên trở lại với câu chuyện nội tại của tác phẩm, đây vẫn là nước đi an toàn, còn đôi chỗ thiếu sót, song thể hiện được rõ rệt tầm nhìn, tư duy và sự tỉ mỉ trong cách tiếp cận đề tài cuộc sống của Trấn Thành và lồng vào “bộ sưu tập” nghệ thuật của chính mình. Khán giả ra rạp xem phim Nhà Bà Nữ như xem lại Bố Già với “tấm áo mới”, ở một “vũ trụ mới” nên hãy chờ xem hiệu ứng truyền miệng sẽ mang tác phẩm đi xa đến đâu.
Nhà Bà Nữ khởi chiếu từ mùng 1 Tết, tức ngày 22/1/2023 tại các rạp trên toàn quốc.
'Nhà bà Nữ': Bộ phim đúng tầm, đúng 'chất' Trấn Thành
Trấn Thành từng nói Nhà bà Nữ có thể hay hoặc dở tùy theo gu thưởng thức của từng người. Nhưng đây là bộ phim mà anh làm bằng tất cả lòng tự trọng.
Và thật vậy, Nhà bà Nữ, dẫu chưa phải là một bộ phim xuất sắc nhưng in dấu rất rõ bóng hình của người làm phim có thái độ nghiêm túc với điện ảnh và tôn trọng khán giả của mình.
Hai năm trước, Trấn Thành gây xôn xao khi bước chân vào lĩnh vực sản xuất phim, thử sức luôn ở vai trò đạo diễn với Bố già. "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Bố già trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt, với doanh thu hơn 400 tỉ đồng. Nhiều người dành cho Trấn Thành những lời khen có cánh, cũng có người cho rằng anh ăn may. Tất cả đều chờ đợi đến tác phẩm điện ảnh tiếp theo của nam nghệ sĩ, để được kiểm chứng, để phản biện hay lần nữa củng cố quan điểm của mình.
Nhà bà Nữ khai thác nhiều vấn đề nhạy cảm trong đời sống gia đình Việt. ĐPCC
Và Nhà bà Nữ chính là tác phẩm thứ hai mà Trấn Thành sản xuất, đạo diễn. Với tất cả sự kỳ vọng, hoặc thiên kiến, dự án từ khi mới được công bố đã mang trên vai nhiều gánh nặng. Mà nặng nhất, chính là cái bóng khổng lồ của kẻ đi trước - Bố già. Lần lượt các thông tin về Nhà bà Nữ được nhà sản xuất tung ra, công chúng càng có lý do để nghĩ rằng Nhà bà Nữ chính là Bố già phiên bản nữ. Bởi nó có cùng chủ đề gia đình, cùng màu sắc thể hiện và quan trọng hơn hết là quy tụ dàn diễn viên quen mặt toàn "người nhà" của Trấn Thành.
Nhà bà Nữ là bộ phim đầu tiên Trấn Thành toàn phần đảm nhận vai trò đạo diễn. Trước đây với Bố già, anh ngồi ghế đạo diễn cùng Vũ Ngọc Đãng. ĐPCC
Nhà bà Nữ kể câu chuyện xoay quanh gia đình bà Ngọc Nữ (Lê Giang) - chủ quán bánh canh cua "thét ra lửa" nổi danh Sài Gòn. Bị chồng phụ bạc trong quá khứ, bà Nữ là trụ cột kinh tế gia đình, một thân một mình nuôi hai con gái và mẹ già. Về sau, con gái lớn Ngọc Như (Khả Như) lại lấy trúng một anh chồng khờ - Phú Nhuận (Trấn Thành), bà Nữ lại thêm thất vọng về đàn ông.
Mọi tin yêu, kỳ vọng của bà đều dành cho Ngọc Nhi (Uyển Ân). Vì muốn con được sống trong êm ấm, thành công nên bà Ngọc Nữ lại trở nên cuồng kiểm soát, can thiệp vào mọi ngóc ngách đời tư của con gái. Tuy nhiên, khi Ngọc Nhi bước vào tuổi trưởng thành, với những thay đổi trong tâm sinh lý và một mối tình vừa chớm nở với chàng thanh niên giàu có John (Song Luân), ngôi nhà tràn ngập kỷ cương của bà Nữ bắt đầu có những xáo động. Dần dà, mâu thuẫn giữa các thành viên bắt đầu hiển lộ.
Nghĩ đơn giản, làm hiệu quả
Các nhân vật trong Nhà bà Nữ mang tính điển hình cao, giống với nhiều gia đình thuộc tầng lớp lao động ở thành thị. CHỤP MÀN HÌNH
Trấn Thành thực sự đã chơi an toàn trong việc lựa chọn chủ đề và phong cách thể hiện bộ phim thứ hai của mình. Anh tiếp tục khoanh vùng chủ thể, bối cảnh xã hội tập trung vào một gia đình thuộc tầng lớp bình dân giữa thành phố hiện đại như cách đã từng làm với Bố già. Nội dung Nhà bà Nữ, nếu nói đơn giản thì cũng có thể thu tóm vào một dòng: Câu chuyện giữa một bà mẹ và đứa con gái đang trong độ tuổi trưởng thành của bà ta. Nhưng cái hay của Trấn Thành nằm ở chỗ anh luôn mạnh dạn khởi đầu với một thứ "thô sơ" trong tay, rồi chịu khó bóc tách, đẽo đục để tìm thấy những điều thú vị bên dưới. Anh và ê-kíp nghĩ đơn giản, làm hiệu quả.
Nhà bà Nữ là một bộ phim mà Trấn Thành vừa chiều chuộng, vừa thách thức khán giả. Anh chiều chuộng họ bằng một chủ đề dễ tiếp cận dành cho số đông. Bởi già, trẻ, lớn, bé thì ai lại chẳng xem được phim gia đình. Bộ phim cũng được thổi vào bầu không khí hài hước nhất định, với những mảng miếng chọc cười bình dân mà duyên dáng vốn đã làm nên thương hiệu của Trấn Thành trong nhiều năm qua. Hơn nữa, phim còn ra rạp dịp Tết, tức thời điểm mà ai cũng cần ít nhiều tiếng cười để khởi đầu một năm mới sáng sủa, vui tươi.
Bối cảnh bình dân, thân thuộc là điểm cộng lớn của Nhà bà Nữ. ĐPCC
Nhà bà Nữ có liều lượng hài vừa đủ. ĐPCC
Xem Nhà bà Nữ, người ta còn được thụ hưởng thứ cảm giác an toàn khi nhận ra sự thân thuộc giữa nghệ thuật và đời sống, với dàn nhân vật như "người thật việc thật" bước từ ngoài đời vào trong phim. Một gia đình kiểu mẫu với ba thế hệ cùng chung sống, có người bà trông không quan tâm gì nhưng lại "biết tuốt", một người mẹ vén khéo và quyền lực sẽ luôn không hài lòng về tất cả những gì bạn làm, một cặp vợ chồng tuổi "băm" lâm vào khủng hoảng hôn nhân và một cô gái tuổi đôi mươi xinh đẹp luôn tìm cách chứng minh bản thân đã khôn lớn. Những va chạm, mâu thuẫn giữa họ là câu chuyện muôn đời trong các gia đình Việt. Vì vậy, dù ít hay nhiều, khán giả đều tìm thấy một phần nơi bản thân họ trong đó.
Người xem cũng thấy thích thú khi bộ phim "bắt trend" xã hội rất tốt, với loạt chi tiết về quán bánh canh cua giá đắt "cắt cổ" hay giai thoại về các chị bán kem trộn bán luôn lương tâm, về những YouTuber, streamer nhiều chuyện luôn chực chờ loan báo những thông tin giật gân từ đầu đường đến cuối xóm... Nhà bà Nữ vì vậy như một xã hội thu nhỏ với đầy đủ buồn, vui, nhốn nháo lẫn lộn. Một xã hội rất quen thuộc trong mắt thị dân. Và Trấn Thành đã nhẹ nhàng dắt khán giả đi qua sự thoải mái, kỳ thú đó trong hơn một phần ba tác phẩm.
Bà Ngọc Nữ (Lê Giang) là điển hình cho mẫu phụ huynh hay áp đặt con cái nhân danh tình thương. ĐPCC
Song Luân và Uyển Ân lần đầu đóng cặp có "phản ứng hóa học" khá ổn. ĐPCC
Sau đó, anh bắt đầu "lên đô", phả vào câu chuyện đời thường những xung đột và kịch tính bắt nguồn từ lối giáo dục và vận hành gia đình sai lầm. Đội ngũ biên kịch Nhà bà Nữ bắt đầu thách thức khán giả nhìn trực diện vào những căn tính xấu xí đã tồn tại lâu đời trong các gia đình Việt. Đó là lối "trị gia" bằng bạo lực ngôn từ, thậm chí thể xác, sự áp đặt suy nghĩ của người lớn lên con trẻ, quy luật ai làm ra nhiều tiền thì người đó có quyền... Và những câu chuyện nhức nhối trong xã hội hiện đại như nỗi niềm ở rể, sống thử, nỗi khổ vượt sướng của gen Z, mộng khởi nghiệp... cũng được thể hiện khá tròn trịa trên phim.
Lần đầu được nhận vai nữ chính, lại trong phim anh trai mình đạo diễn, Uyển Ân có màn thể hiện vừa vặn nhưng không quá xuất sắc. ĐPCC
Quan trọng hơn cả, Nhà bà Nữ không "chĩa mũi dùi" công kích vào cụ thể bất kỳ ai. Người lớn sai thì người trẻ cũng lầm lỡ không kém. Cùng lúc đánh động đến "tim đen" của các vị phụ huynh, Nhà bà Nữ cũng kịp đưa ra những cú tát đầu đời dành cho những đứa trẻ đang tập lớn mà vẫn nghĩ rằng mình đủ giỏi và sẵn sàng đoạn tuyệt gia đình. Cuối cùng, mọi thứ được gỡ nút và đưa về trạng thái chữa lành bằng một thông điệp tích cực về hành trình trưởng thành, về sự thứ tha. Nhìn chung, đây là một hành trình cảm xúc khá dễ chịu và vừa vặn.
Nhà bà Nữ và những điều 'giá như'
Câu chuyện trong Nhà bà Nữ, xét về độ phổ quát lẫn chiều sâu đều có thể được xem như một bước tiến so với Bố già. Mạch phim cũng gãy gọn và khá lôi cuốn. Trấn Thành đã làm được điều mà anh hứa với khán giả: luôn làm ra những bộ phim chỉn chu, nhân văn.
Tuy nhiên, Nhà bà Nữ vẫn còn nhiều điểm đáng tiếc. Trước hết, phim vẫn sa đà vào lối kể chuyện lạm dụng thoại như Bố già. Hết câu thoại này chồng lên câu thoại kia. Điều này khiến người xem mất đi thú vui được đọc và giải mã các khung hình, biểu cảm cũng như hình thể của diễn viên. Mọi thông tin đều được rót đầy vào tai của khán giả. Có vài phân cảnh mang cảm giác đạo diễn sợ khán giả không hiểu nên buộc phải thuyết minh để họ hiểu đúng ý đồ.
Phú Nhuận của Trấn Thành là một vai rất hay, còn nhiều tiềm năng để khai thác. ĐPCC
Bên cạnh đó, ở hồi thứ ba, Nhà bà Nữ mang đến cảm giác mệt mỏi vì những trận cãi vã lên gân không hồi kết. Tông giọng oang oang của diễn viên, các trường đoạn đấu khẩu, động tay động chân một màu nặng tính kịch nghệ không để lại gì ngoài sự buồn chán. Giá như Trấn Thành có thể cho bộ phim thêm nhiều khoảng lặng, biết "lơi" để những đoạn "siết" tuy ít mà tinh. Để những khung hình được tự kể câu chuyện của chúng mà không cần "thuyết minh" bằng những câu thoại rất hiển nhiên hoặc một bài hát có lời nào đó trưng ra lồ lộ dòng suy nghĩ của nhân vật. Vì từ Bố già cho đến Nhà bà Nữ, lối dàn dựng "mở nhạc cho khán giả khóc" vẫn chưa được thay đổi.
Tuy nhiên, điểm đáng tiếc lớn nhất dành cho Nhà bà Nữ nằm ở cách biên kịch và đạo diễn giải quyết cái kết. Giá như nó đã không chớp nhoáng và hồng hào như vậy, sau từng đó dằn xé, tổn thương và mất mát. Sau khi đưa các nhân vật đến đỉnh cao biến cố, biên kịch lại "tua" mất phần mà người xem đang tò mò nhất: cách mà nhân vật đối diện với nỗi đau, họ vỗ về nhau ra sao, chữa lành cho nhau bằng cách nào để băng qua những ám ảnh của tội lỗi, sai lầm và tiến đến phần đời sáng sủa hơn.
Nhà bà Nữ vẫn bị lặp lại điểm yếu của Bố già là lạm dụng thoại và lên gân quá nhiều trong các tình huống xung đột. ĐPCC
Mọi thứ khép lại một cách "lệch tông" và quá chóng vánh. Chưa kể có những chi tiết, đoạn thoại thực sự khiên cưỡng. Cái kết của Nhà bà Nữ cũng khá ngây ngô và cũ kỹ, như cách một học sinh làm tập làm văn, khi kết bài bắt buộc phải có phần rút ra bài học cuộc sống. Và lần nữa, bài học cuộc sống của Nhà bà Nữ lại được thể hiện bằng thoại.
Tại họp báo ra mắt Nhà bà Nữ, Trấn Thành từng nói bộ phim có thể hay hoặc dở tùy theo gu thưởng thức của từng người. Nhưng đây là bộ phim mà anh làm bằng tất cả lòng tự trọng. Và thật vậy, Nhà bà Nữ, dẫu chưa phải là một bộ phim xuất sắc nhưng in dấu rất rõ bóng hình của những người làm phim có thái độ nghiêm túc với điện ảnh và tôn trọng khán giả của mình.
Nhìn trên tổng thể, Nhà bà Nữ là một bộ phim nhân văn, tròn trịa và có thể là bộ phim Việt Nam hiếm hoi đào đến nơi đến chốn câu chuyện tuổi mới lớn. Trấn Thành biết rõ thế mạnh của anh nằm ở đâu và vẫn khai thác rất hiệu quả nó ở bộ phim thứ hai của mình. Đáng quý, những thứ mà nam nghệ sĩ lựa chọn mang lên phim vẫn rất thuần Việt.
Lê Giang có màn trình diễn đáng nhớ với vai diễn người mẹ độc đoán nhưng đáng thương. ĐPCC
Với Nhà bà Nữ, Trấn Thành có cho thấy sự "lên tay" trong việc đạo diễn và dàn dựng. Anh quả thật không dạo chơi với điện ảnh. Một nhân tố nữa, bên cạnh Trấn Thành đã có sự tiến bộ rõ so với các tác phẩm nghệ thuật trước đây chính là Lê Giang. Đã rất lâu rồi khán giả mới được thấy Lê Giang vào vai có chiều sâu. Chị cũng biết tiết chế hơn trong biểu cảm, nhấn thoại khéo và rất dụng tâm để hiểu nhân vật của mình. Bà Ngọc Nữ chắc chắn sẽ trở thành một dấu ấn đẹp trong sự nghiệp của Lê Giang.
Vừa vặn trong tầm nhìn, nhân văn và hướng đến chữa lành, Nhà bà Nữ rất có tiềm năng sẽ chinh phục đông đảo khán giả trong mùa tết này. Đặc biệt là sau một năm khó khăn và tồn tại quá nhiều câu chuyện buồn, mọi người luôn có xu hướng hướng về gia đình, về những giá trị nội tại tích cực. Xét về chất lượng, Nhà bà Nữ thực sự đã vượt qua cái bóng của Bố già.
Trấn Thành đã cho thấy thái độ nghiêm túc và nhiệt huyết với điện ảnh thông qua Nhà bà Nữ. ĐPCC
Nhà bà Nữ do Trấn Thành đạo diễn và đầu tư sản xuất. Bộ phim hội tụ những tên tuổi diễn viên kỳ cựu như: Trấn Thành, Lê Giang, Uyển Ân, NSND Ngọc Giàu, Khả Như, Song Luân, Lê Dương Bảo Lâm, NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh, Ngân Quỳnh, Lý Hạo Mạnh Quỳnh, Phương Lan... Nhà bà Nữ dự kiến sẽ được "trình làng" vào ngày 22.1 (mùng 1 Tết Quý Mão).
NSND Ngọc Giàu hóa bà ngoại xì-tin, búi tóc Na Tra đóng phim Tết của Trấn Thành Góp mặt trong phim Tết Nhà bà Nữ của Trấn Thành, NSND Ngọc Giàu vào vai bà ngoại Ngọc Ngà với tính cách chịu chơi, điệu đà. Tạo hình trẻ trung, táo bạo của nữ nghệ sĩ trong phim khiến khán giả vô cùng bất ngờ, thích thú. Trong khi đó, Lê Giang trong vai Ngọc Nữ lại có gu thời trang hoàn...