Nguyên nhân “sốc” khiến đàn ông “khó đẻ”
Nhiều nghiên cứu gần đây đã đặt ra vấn đề về xu hướng tăng tỉ lệ vô sinh nam do bất thường tinh trùng (TT) ở VN. Vậy thực sự nguyên nhân do đâu?
ThS.BS. Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và sức khỏe sinh sản, Khoa Y, Đại học quốc gia TP.HCM; Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM cho rằng, môi trường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc con người ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các tác nhân ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của chính từng cá thể tiếp xúc và các thế hệ sau đó.
- PV: Trước đây, người ta vẫn cho rằng chuyện không có con hoàn toàn do người vợ. Tuy nhiên, y học hiện đại đã chứng minh nguyên nhân đến từ phía các ông chồng không phải ít, đặc biệt là trong những năm gần đây đang tăng lên rõ rệt. Tại VN đã có nghiên cứu nào về tình hình vô sinh nam với các con số cụ thể không, thưa BS?
ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Khoảng 10% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản có vấn đề về hiếm muộn. Trong đó, nguyên nhân hiếm muộn do nam giới, đơn thuần hoặc kết hợp, chiếm ít nhất 50%. Vấn đề này đang trở thành mối lo ngại của không riêng các ông chồng mà còn là mối quan tâm của ngành Y tế nói chung.
Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm CGRH trên 4.060 nam giới lần đầu tiên thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ tại các trung tâm điều trị vô sinh tại TP.HCM cho thấy, có đến 85,44% trường hợp bất thường về tinh dịch. Đây là báo cáo đầu tiên ở VN về đánh giá kết quả tinh dịch đồ trên bệnh nhân VN theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2010. Cách đây 10 năm, tỉ lệ nam giới điều trị hiếm muộn có liên quan đến bất thường tinh dịch chiếm 77,3%. Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy sự bất thường tinh dịch đồ ở nam giới VN có khuynh hướng gia tăng. Sự suy giảm số lượng và chất lượng TT ở nam giới, đặc biệt là sự bất thường về hình dạng của TT đã ảnh hưởng lớn đến khả năng thụ tinh.
Đàn ông yếu sinh lý có thể là do môi trường sống
PV: Vậy theo BS, đâu là căn nguyên của sự gia tăng tỉ lệ bất thường ở TT?
ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Trở ngại lớn nhất của việc điều trị vô sinh nam chủ yếu là do các nguyên nhân của vô sinh nam đến nay chưa được hiểu rõ. Sự phức tạp của các cơ chế liên quan đến quá trình sinh TT trong cơ thể là một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà khoa học hiện còn hiểu biết rất ít về căn nguyên và cơ chế gây vô sinh.
Rất nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho hiện tượng số lượng và chất lượng TT người trong tinh dịch có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, có một số vấn đề chính được tổng hợp từ các báo cáo trong y văn thế giới, chẳng hạn do: tổn thương cấu trúc di truyền (AND và ARN) của TT và tế bào sinh tinh (nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với nhiệt độ cao, ô nhiễm môi trường và hóa chất công nghiệp, các gốc oxy hóa tự do có thể làm tổn thương cấu trúc di truyền của TT, dẫn đến TT dị dạng, giảm khả năng thụ tinh, tăng khả năng sảy thai…); các tác nhân gây rối loạn hệ thống nội tiết trong môi trường sống mà con người có thể tiếp xúc từ giai đoạn phôi thai, sau sinh đến dậy thì và sau dậy thì là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và hoạt động của hệ sinh sản.
Video đang HOT
Cuối cùng là vai trò lối sống và ảnh hưởng của môi trường. Rõ ràng các thay đổi về lối sống và môi trường trên thế giới là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc con người ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các tác nhân ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản. Xã hội hiện đại và công nghiệp hóa được nhiều người cho là đóng vai trò chính.
ThS.BS. Hồ Mạnh Tường
PV:BS có thể nói rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng từ một xã hội hiện đại và công nghiệp hóa đến quá trình sinh sản của con người, nhất là đối với nam giới?
ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Một số vấn đề lớn về lối sống và thay đổi môi trường hiện nay được y văn đề cập đến bao gồm: chế độ ăn không tốt cho sức khỏe; tỉ lệ béo phì ngày càng tăng; hút thuốc lá; ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, khí thải công nghiệp; ô nhiễm nguồn nước sử dụng; thực phẩm chứa độc chất… hay bị stress trong đời sống hiện đại…
Các nghiên cứu gần đây cho thấy tác nhân oxy hóa (stress oxy hóa – oxidantive stress, viết tắt là OS) là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tinh trùng nam giới. OS là hậu quả của sự mất cân bằng giữa sự hình thành các gốc tự do có oxy (ROS) và cơ chế kháng oxy hóa của cơ thể. OS cũng được xem là nguyên nhân của nhiều bệnh lý khác như: xơ vữa động mạch, ung thư, thấp khớp, Parkinson, bệnh lý phụ khoa…
PV: Như vậy, ý của BS là muốn cải thiện chất lượng TT thì nguyên tắc quan trọng là phải làm sao loại bỏ các gốc tự do này?
ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Đúng vậy. Việc sử dụng các chất kháng oxy hóa trong điều trị nhằm làm giảm tác động của OS lên TT, qua đó sẽ phục hồi chức năng của TT được nghiên cứu rất nhiều trong những năm gần đây. Các antioxidant được sử dụng phổ biến gồm: vitamin C, vitamin E, kẽm, selenium, acid folic, carnitine, astaxanthin, N-acetyl cysteine, trong đó, đặc biệt là L-carnitine giúp nâng cao chất lượng tinh trùng. Tại VN, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhằm đánh giá hiệu quả antioxidant trong 3 tháng trên 150 bệnh nhân vô sinh (từ các tỉnh, thành phố khác nhau) do TT kém.
Kết quả là các trị số có lợi trong tinh dịch đồ đều tăng, chẳng hạn: tổng số TT trong một lần xuất tinh tăng khoảng 31 – 40%, mật độ TT tăng trung bình 38 – 60%, tỉ lệ TT có khả năng tiến tới cũng tăng 33 – 57%, TT không tiến tới hoặc không di chuyển giảm đáng kể. Bên cạnh đó, tỉ lệ TT sống tăng 28 – 50%, tỉ lệ TT có hình dạng bình thường tăng 1 – 2%.
PV: Theo BS, có cách nào chẩn đoán sớm nguy cơ giảm khả năng sinh sản ở nam giới để có giải pháp hữu hiệu hơn là đợi có bệnh rồi mới chữa?
ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Có thể thực hiện các chương trình tầm soát về sức khỏe sinh sản sớm trước khi đến tuổi có con để có các biện pháp can thiệp sớm để ngăn chặn hoặc giảm các tác hại hoặc áp dụng các biện pháp lưu trữ TT để duy trì khả năng sinh sản.
Do bất thường về di truyền ở TT do các yếu tố môi trường ngày càng tăng, tỉ lệ bất thường di truyền ở phôi có thể cũng tăng theo. Do đó, vai trò của các kỹ thuật chọn lọc tinh trùng có cấu trúc di truyền bình thường để thực hiện ICSI (tiêm TT vào bào tương noãn) và kỹ thuật chẩn đoán di truyền phôi trước khi làm tổ có thể sẽ ngày càng trở nên quan trọng.
Về lâu dài, các giải pháp toàn diện về cải thiện lối sống và ngăn chặn các biến đổi xấu về môi trường sống sẽ là những vấn đề mang tính toàn cầu.
PV: Xin cám ơn BS về cuộc trao đổi này.
Theo Anh Kiệt (Sức khỏe & Đời sống)
Vô sinh nam vì những lý do không ngờ
Những người có thói quen tắm ngâm mình trong nước nóng, xông hơi mỗi tuần 1-2 lần cũng có nguy cơ bị vô sinh.
Lâu nay, phụ nữ Việt Nam thường phải gánh chịu tất cả lỗi về tình trạng không có con. Nhưng theo GS.TS Trần Quán Anh - Giám đốc Phòng khám Tiết niệu và Nam học Tâm Anh, thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Về mặt số liệu thống kê, đàn ông và đàn bà gặp rắc rối như nhau với vô sinh. Trong vấn đề vô sinh nam thì có nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này.
Theo PGS.TS Ngô Văn Toàn - Phòng quản lý khoa học và công nghệ, bộ môn Sức khỏe môi trường, Trường ĐH Y Hà Nội, vô sinh bao gồm vô sinh nguyên phát và thứ phát.
Vô sinh nguyên phát là vô sinh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn vô sinh nhưng thêm vào đó là người vợ chưa bao giờ có thai kể từ khi lấy chồng. Ngược lại vô sinh thứ phát là người vợ đã từng có thai hoặc có con nhưng mong muốn có thai hoặc có thai thêm không được.
PGS.TS Ngô Văn Toàn cũng cho rằng, việc xác định tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng nói chung và của nam giới nói riêng là rất khó khăn. Hầu hết các cặp vợ chồng chỉ khi không có thai trong một thời gian dài thì họ mới đi khám và thông báo với thầy thuốc. Một tỷ lệ không nhỏ các cặp vợ chồng còn đi khám chữa bệnh tại các thầy lang, do vậy việc phát hiện ra tỷ lệ vô sinh là rất khó.
BS Đặng Quang Tuấn - khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) cho hay, có thể phân loại nguyên nhân vô sinh nam làm ba nhóm: Nhóm thứ nhất do nguyên nhân y khoa: Sự sản xuất tinh trùng quá ít, tinh trùng dị dạng hoặc bất động, bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh, nhiễm trùng, xuất tinh ngược dòng, không xuất tinh, tinh hoàn ẩn, rối loạn nội tiết, các rối loạn về tình dục...
Nhóm thứ hai là do nguyên nhân môi trường: Những người làm việc có tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, kim loại nặng, tiếp xúc tia xạ; hoặc môi trường làm việc quá nóng bức như các đầu bếp, thợ lò bánh mì, thợ lò gốm, thợ hàn, thợ luyện kim, thợ hồ, tài xế lái xe đường dài...
Nhóm thứ ba là các nguyên nhân về sức khỏe, lối sống và các nguyên nhân khác như: Sử dụng thuốc kích thích phát triển cơ, nghiện cocain, nghiện rượu, thuốc lá, stress tình cảm, sự căng thẳng bực bội, thiếu vitamin, thuốc... cũng làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.
Trong cả 3 nhóm nguyên nhân trên, có thể thấy rõ, nhóm nguyên nhân do môi trường và nhóm nguyên nhân về sức khỏe, lối sống là những nhóm nguyên nhân dễ phòng ngừa nhất.
Vô sinh ngay cả khi có tinh trùng
Nghiên cứu của Helping Families trên 1.000 phụ nữ từ 10 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đã chỉ ra sự thiếu thông tin và kiến thức về sức khỏe sinh sản của những đối tượng được nghiên cứu. Trong đó:
4 48% không biết rằng phụ nữ ở tuổi 40 có ít cơ hội có thai hơn ở tuổi 30.
4 75% không biết béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản.
4 56% không biết rằng đàn ông có thể vô sinh ngay cả khi xét nghiệm có tinh trùng.
4 60% không biết rằng người phụ nữ không có kinh nguyệt thì không còn khả năng sinh sản.
4 45% không biết rằng đàn ông có thể vô sinh cho dù vẫn cương dương.
4 54% không biết rằng các cặp vợ chồng được xem là vô sinh khi không có thai sau 1 năm chung sống.
Bình thường, vẫn không có con?
Có những cặp vợ chồng sống với nhau 10 năm không có con nhưng khi cần tìm ra nguyên nhân thì nam giới dứt khoát không chịu đi khám vô sinh mà bắt vợ phải đi. Nhiều người vợ tới thăm khám ở bác sĩ thì thở phào vì mình "vẫn chạy tốt" nhưng cửa ải khó khăn nhất là thuyết phục chồng tới bệnh viện kiểm tra. BS. Hồ Mạnh Tường (Khoa hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ) cho biết, vô sinh nam là một trong những nguyên nhân chính gây vô sinh. Thiểu năng tinh trùng chiếm đa số các nguyên nhân gây vô sinh nam. Trong nhiều trường hợp, kết quả nguyên nhân hiếm muộn là do người chồng có bất thường ở cơ quan sinh dục.
Tinh trùng bình thường nhưng vẫn vô sinh
Điều đáng quan tâm là có những cặp vợ chồng đã đi khám và được kết luận là bình thường nhưng vẫn không thể có con. Trong các nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước, có khoảng 10% cặp vợ chồng vô sinh được chẩn đoán chưa rõ nguyên nhân. Chính điều đó càng khiến các cặp này lo lắng, vấn đề băn khoăn nhất của họ là bình thường nhưng không có con thì liệu có phải điều trị? Các chuyên gia vẫn khuyên, đối với các trường hợp được kết luận là vô sinh thì nên điều trị từ những biện pháp đơn giản nhất, như bơm tinh trùng vào buồng tử cung có kết hợp kích thích buồng trứng... Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Quán Anh, nam giới không nên đợi đến khi trưởng thành, lập gia đình mới đến khám sức khỏe sinh sản mà nên đi khám ngay khi thấy có bất thường.
Các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo: Những người có thói quen tắm ngâm mình trong nước nóng, xông hơi mỗi tuần 1-2 lần cũng có nguy cơ bị vô sinh. Bởi khi tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ làm tăng nhiệt độ của tinh hoàn (cũng có nghĩa là làm giảm sự sinh tinh), trong khi nhiệt độ của tinh hoàn luôn phải thấp hơn 1-2oC nhiệt độ cơ thể.
3 dấu hiệu cho thấy có thể dẫn tới vô sinh nam
1. Suy giãn tĩnh mạch dây dịch hoàn
Nếu bạn sờ nhẹ từ trên xuống dưới men theo dây dịch hoàn thấy ở trong bìu có từng cục như con sâu cụm mềm và quanh co, lúc này phải lưu ý ngay, đây có thể là suy giãn tĩnh mạch dây dịch hoàn. Điều này sẽ làm cho nhiệt độ của "cậu nhỏ" tăng lên, huyết tĩnh mạch ứ đọng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của tinh hoàn, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất "tinh binh", dẫn đến giảm chất lượng tinh dịch.
2. Xoắn hoặc viêm tinh hoàn
Nếu tinh hoàn bị xoắn hoặc viêm sẽ khiến nó bị sưng, đau. Sau khi thuyên giảm, tinh hoàn sẽ dần dần nhỏ đi làm tổn thương đến tế bào sinh tinh.
Khi tinh hoàn không thể xuống bìu mà lưu lại ở trong khoang bụng thì bị gọi là chứng tinh hoàn ẩn. Nhiệt độ quá cao ở trong ổ bụng không có lợi cho sản xuất tinh trùng, nguy cơ tinh hoàn bị ác tính cũng sẽ tăng lên đáng kể.
3. Quá nhiều hoặc quá ít "tinh binh"
Lượng tinh dịch bình thường là 2-6ml, hơn 7ml là quá nhiều, không chỉ làm cho mật độ tinh trùng giảm thấp mà còn dễ "trôi" ra ngoài, làm cho tổng số lượng tinh trùng thấp đi khi tiếp cận trứng. Nếu tổng số tinh dịch ít hơn 2ml thì được xem là tinh dịch ít. Tinh dịch dưới 1ml thì được xem là quá ít, rất dễ dẫn đến vô sinh.
Thông thường sau khi xuất tinh, khoảng 15 - 30 phút sau sẽ biến thành chất lỏng, nếu vượt quá 30 phút vẫn không thay đổi hình dạng (trên lâm sàng gọi là tinh dịch không dịch hóa) cũng là nguyên nhân dẫn đến vô sinh. - D.Hằng (Theo Sohu)
Theo N. Vũ - T. Hương (Gia đình & Xã hội)
Vô sinh nam và nỗi đau thầm kín Có bệnh nhân đã "sốc" khi biết được kết quả này, họ cứ nghĩ rằng nguyên nhân không có con là từ người vợ, chứ không phải do mình. Đã hơn 5 năm kết hôn nhưng Đức Thắng, giám đốc một công ty quảng cáo và thiết kế vẫn chưa thể có con. Điều này không làm giảm tình yêu của anh dành...