Nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới ở Sydney (Australia) vẫn tăng cao sau hơn 2 tháng phong tỏa
Sau 9 tuần phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát đại dịch COVID-19 thứ ba, bang New South Wales (NSW), nơi có thủ phủ là thành phố Sydney sầm uất nhất Australia, vẫn đang phải chứng kiến số ca mắc mới không ngừng tăng, với mức kỷ lục là 1.035 ca vào ngày 28/8.
Người dân được xét nghiệm COVID-19 tại Sydney, Australia ngày 27/6/2021. Ảnh: AAP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong năm nay, bang NSW với hơn 9 triệu dân, chiếm hơn 1/3 dân số Australia, đã ghi nhận hơn 18.000 trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương, phần lớn được báo cáo trong đợt bùng phát mới nhất của bang, bắt đầu từ ngày 16/6. Trong khi khu vực Tây Nam và Tây Sydney là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dịch bệnh hiện đã lan về các vùng nông thôn rộng lớn ở NSW và tấn công các địa phương lân cận bao gồm Vùng lãnh thổ Thủ đô (ACT), bang Victoria và cả nước New Zealand, gây ra các ổ dịch lớn đang ngày càng lan rộng.
Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian cho biết tỷ lệ lây nhiễm thực tế (Reff) ở bang đang ở mức 1,3. Điều này có nghĩa là cứ 10 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, sẽ có khoảng 13 người khác bị nhiễm bệnh. Một khi Reff duy trì trên 1, số ca mắc hằng ngày sẽ vẫn tiếp tục tăng.
Phát biểu với đài ABC, Giáo sư Catherine Bennett, Chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Đại học Deakin, cho biết lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế xã hội được áp dụng nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus và giảm Reff xuống dưới 1 nhưng mục đích này chưa đạt được do biến thể Delta được cho là có khả năng lây lan cao hơn ít nhất hai lần so với các biến chủng trước đó, khiến khó kiểm soát dịch bệnh hơn. Ngoài việc dễ lây lan hơn và lây lan nhanh hơn, Giáo sư Bennett còn cho rằng nhiều người nhiễm virus lại không có triệu chứng trong vài ngày trước khi biết mình đang lây nhiễm cho người khác. Điều này làm cho nhiệm vụ truy vết người tiếp xúc trở nên vô cùng khó khăn.
Video đang HOT
Bên cạnh những thách thức mà biến thể Delta gây ra, một số chuyên gia cho rằng số ca mắc cao ở bang NSW là do việc áp dụng quá chậm các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Đài ABC dẫn ý kiến của chuyên gia dịch tễ Tony Blakely của Đại học Melbourne cho rằng các biện pháp phong tỏa “cứng” chỉ được áp dụng sau 6 tuần kể từ khi xuất hiện các ca mắc biến thể Delta đầu tiên là quá muộn. Theo Giáo sư Blakely, các đợt bùng phát vừa qua ở thành phố Melbourne (bang Victoria), và Auckland, New Zealand, là bằng chứng cho thấy ngay cả việc ngắt “cầu dao điện” nhanh chóng, như cả 2 thành phố đã áp dụng trong vòng vài ngày sau khi COVID-19 được phát hiện, cũng chưa đảm bảo thành công.
Ngay cả với “phản ứng có tổ chức”, Giáo sư Bennett cho rằng biến thể Delta không phải lúc nào cũng có thể được ngăn chặn, đặc biệt nếu virus đã phát tán trong cộng đồng và mối liên hệ giữa các ca nhiễm không rõ ràng. Mặc dù số ca mắc cao và việc áp dụng chậm các hạn chế, Giáo sư Bennett nhận định lệnh phong tỏa bang NSW vẫn có tác dụng, đó là giúp duy trì Reff ở mức 1,3, và giúp bang có khoảng thời gian quý báu để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Hiện có những số liệu cho thấy tiêm chủng vaccine đã có tác động ở NSW. Mặc dù nhiều người dân ở đây mắc bệnh nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong lại thấp hơn nhiều so với các đợt bùng phát trước đó, với tổng số 82 ca tử vong trong hơn 2 tháng qua. Thủ hiến bang NSW Berejiklian mới đây đã tuyên bố, một khi 70% dân số ở bang được tiêm chủng đầy đủ, dự kiến sẽ đạt được trong tháng 10, chính quyền bang sẽ nới lỏng các hạn chế phòng chống COVID-19.
*Trong khi đó, tại Nga, Cơ quan thống kê liên bang Rosstat ngày 27/8 cho biết nước này ghi nhận 50.421 ca tử vong vì COVID-19 trong tháng 7 vừa qua, cao hơn gấp đôi con số chính thức mà chính phủ đưa ra (với 23.349 ca)
Chuyển bệnh nhân COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 9/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nguyên nhân khiến con số chênh lệch như vậy là vì Chính phủ Nga chỉ tính những trường hợp tử vong do COVID-19 sau khi khám nghiệm tử thi, trong khi Rosstat công bố số liệu tổng hợp hơn về số ca tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2. Theo đó, số liệu của Rosstat cho thấy đến nay, Nga có tổng cộng hơn 350.000 người không qua khỏi vì dịch bệnh này, trong khi con số của chính phủ thấp hơn nhiều với 180.041 ca.
Nga là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về số ca bệnh và hiện đang chật vật ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta trong khi tốc độ tiêm chủng chậm chạp.
Australia điều thêm binh sĩ siết phong tỏa Sydney
Australia sẽ điều thêm 200 binh sĩ hỗ trợ cảnh sát thực thi lệnh phong tỏa ngăn nCoV lây lan tại bang New South Wales từ tuần sau.
"Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị triển khai thêm 200 binh sĩ từ ngày 16/8 để hỗ trợ lực lượng cảnh sát bang New South Wales", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia cho biết ngày 12/8.
Trước đó, cơ quan này nhận được yêu cầu bổ sung nhân sự để hỗ trợ cảnh sát bang New South Wales giám sát thực thi lệnh cách ly tại nhà ở các vùng ngoại ô chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19.
Australia đã triển khai hơn 500 binh sĩ không vũ trang hỗ trợ cảnh sát giám sát việc tuân thủ hạn chế ngăn nCoV lây lan tại các khách sạn và sân bay ở Sydney và các vùng lân cận.
Binh sĩ và cảnh sát Australia bước ra từ đồn cảnh sát Fairfield ở vùng ngoại ô phía tây nam Sydney ngày 2/8. Ảnh: Reuters .
Bất chấp gần 7 tuần áp lệnh phong tỏa, bang New South Wales vẫn ghi nhận 390 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, chủ yếu tại thành phố Sydney. Bang này đã ghi nhận số ca nhiễm trên 300 trong liên tiếp 4 ngày qua. "Xu hướng này sẽ tiếp tục trong ít nhất vài ngày tới", thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cảnh báo.
Một số thị trấn thuộc bang New South Wales bị phong tỏa do nhiều người vi phạm lệnh hạn chế tại Sydney và làm lây lan nCoV. Một trong những khu vực đáng lo ngại nhất là thị trấn Walgett ở tây bắc bang New South Wales, nơi 80% dân số là thổ dân Australia. Giới chức Australia luôn lo ngại nguy cơ bùng phát Covid-19 trong cộng đồng thổ dân bản địa, nơi điều kiện y tế còn hạn chế.
Nội các Australia dự kiến họp vào cuối ngày 13/8 trong bối cảnh lo ngại đợt bùng phát liên quan biến chủng Delta tại bang New South Wales có thể lan sang các khu vực khác, trong khi Australia mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 25% dân số trên 16 tuổi.
Hai thành phố lớn nhất của Australia là Sydney và Melbourne đang áp lệnh phong tỏa, trong khi thủ đô Canberra từ ngày 13/8 lần đầu yêu cầu dân chúng làm việc tại nhà sau hơn một năm.
Australia ghi nhận hơn 38.000 ca nhiễm và 948 ca tử vong, thấp hơn nhiều khu vực khác trên thế giới. Bang Victoria ngày 13/8 báo cáo 15 ca nhiễm cộng đồng mới, tất cả đều ở thành phố Melbourne, số ca nhiễm mới một ngày trước đó là 21.
Mở rộng phong tỏa tại New South Wales, Australia Ngày 9/8, bang New South Wales (NSW) của Australia đã áp dụng lệnh phong tỏa đối với thị trấn Tamworth do lo ngại dịch bệnh COVID-19 có thể đã lây lan từ thành phố Sydney về vùng nông thôn này. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN Theo Thủ hiến bang...