Nguyên nhân khiến nhiều người bị đột quỵ, viêm phổi khi trời rét đậm
Dù không phải nguyên nhân trực tiếp, thời tiết khắc nghiệt là yếu tố khiến tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân thêm trầm trọng.
Trong những ngày thời tiết rét đậm với nhiệt độ có thời điểm xuống dưới 10 độ C, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận nhiều bệnh nhân phải cấp cứu. Trong đó, hai người nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Đ.V.L. (nam, 71 tuổi, trú tại Bắc Giang) có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi thời tiết rét đậm, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở, ho đờm đục, nhiều đờm.
Ông L. được cấp cứu tại bệnh viện địa phương nhưng tình trạng sức khỏe không có tiến triển nên chuyển tới Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Bác sĩ Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: Quốc Toàn.
Video đang HOT
Tại đây, bệnh nhân tiếp tục có dấu hiệu khó thở, buộc các bác sĩ phải hỗ trợ thở máy không xâm nhập. Tuy nhiên, bệnh nhân không đáp ứng dẫn đến phải thở máy xâm nhập. Tình trạng này cho thấy diễn biến bệnh đã nặng hơn. May mắn, sau 5 ngày, bệnh nhân tỉnh táo hơn và được cai máy thở.
Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, bệnh nhân phải được điều trị duy trì trong thời gian dài, kiểm tra, thăm khám thường xuyên và hy vọng không có đợt cấp tương tự.
“Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nhiều nguyên nhân như mệt cơ, tim mạch, nhiễm trùng. Với trường hợp của bệnh nhân này, nguyên nhân đến từ tình trạng nhiễm trùng và trời lạnh là yếu tố thuận lợi tạo ra nó”, bác sĩ Cường lý giải.
Một trường hợp khác là bệnh nhân V.T.N. (nữ, 73 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp cách đây 5 năm. Trong thời gian này, bệnh nhân điều trị và sử dụng thuốc đều đặn.
Đầu tháng 1, bà N. đột ngột thấy yếu nửa người bên phải và nhập viện cấp cứu. Kết quả chụp vi tính cắt lớp và thăm khám cho thấy bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, tắc mạch máu não dẫn đến đột quỵ.
Sau một tuần kết hợp điều trị và phục hồi chức năng, sức khỏe của bệnh nhân cải thiện tốt. Cụ bà tỉnh táo, tình trạng liệt nửa người cải thiện.
Theo bác sĩ Cường, rất nhiều bệnh nhân đột quỵ phải cấp cứu trong những ngày này. Khi nhiệt độ thấp, bệnh nhân dễ bị tăng huyết áp, đặc biệt vào các thời điểm như nửa đêm, tối và gần sáng.
Bên cạnh đó, một trong những nguy cơ khác đến từ việc bệnh nhân bỏ hoặc dùng thuốc không đúng giờ, thậm chí ngại đến bệnh viện khám khi có dấu hiệu bất thường do trời lạnh. Những lý do này vô tình khiến bệnh không được điều trị sớm, từ đó diễn biến nặng hơn.
Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đối với sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đảm bảo ấm phần đầu, mặt, cổ, chân, tránh ra ngoài trời làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, dậy sớm hay thức khuya.
Ngoài ra, các gia đình nên giữ môi trường trong nhà ấm, hạn chế gió lùa nhưng đủ thông thoáng, sạch sẽ. Môi trường ẩm thấp có thể sinh ra nhiều vi khuẩn, virus dẫn đến các bệnh lý liên quan đường hô hấp.
Đặc biệt, người mắc bệnh mạn tính cần duy trì uống thuốc đầy đủ và đúng giờ. Việc trì hoãn hay dùng sai liều lượng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Nếu có bất thường trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân nên nhờ sự tư vấn từ nhân viên y tế và cơ sở khám, chữa bệnh uy tín.
Kịp thời phẫu thuật cứu bệnh nhân bị 2 tổn thương nguy hiểm
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa phẫu thuật kịp thời, cứu thành công bệnh nhân B.V.S., 63 tuổi, ngụ xã Bình Lợi, H.Vình Cửu bị tắc động mạch cảnh trong bên trái và tắc động mạch dưới đòn bên trái.
Bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe trước khi xuất viện.
Ngày 31-12, BS Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, đau ngực phải, ho nhiều, đau đầu, chóng mặt. Qua thăm khám, chụp CT, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh trong bên trái (khoảng 70%) và tắc động mạch cảnh dưới đòn bên trái. Do bệnh nhân có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nghi ngờ viêm phổi nên được chỉ định cấy đàm. 4 ngày sau khi cấy đàm cho kết quả bệnh nhân bị viêm phổi.
Các bác sĩ đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật để giải quyết cùng lúc cả 2 tổn thương cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vì bệnh nhân bị viêm phổi, nếu phẫu thuật gây mê sẽ gặp nguy cơ cao như đặt ống nội khí quản sẽ không rút ra được và gây biến chứng viêm phổi sau mổ.
Vì thế, các bác sĩ đã quyết định gây tê vùng cổ và vai cho bệnh nhân để phẫu thuật, bóc tách đoạn động mạch bị hẹp để máu lưu thông. Đồng thời dùng mạch máu nhân tạo nối từ động mạch cảnh sang động mạch dưới đòn bên trái để đủ máu nuôi tay, chữa tắc động mạch dưới đòn bên trái. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân được chăm sóc tại khoa, đã hồi phục và được xuất viện.
Theo BS Hoài, do bệnh nhân bị hội chứng cướp máu ở động mạch đốt sống bên trái (do bị tắc động mạch dưới đòn bên trái, không có máu nuôi tay bên trái) và hẹp động mạch cảnh nên lượng máu lên nuôi não rất hạn chế. Đây là 2 tổn thương rất nặng, nếu không được phát hiện và phẫu thuật sớm, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị đột quỵ và thiếu máu nuôi tay lâu dài.
Nhiều người già nhập viện trong đợt rét kỷ lục ở Hà Nội Thống kê tại nhiều bệnh viện cho thấy, thời tiết miền Bắc khắc nghiệt là điều kiện khiến người cao tuổi kịch phát nhiều căn bệnh nghiêm trọng như viêm phổi, hen suyễn, đột quỵ... Bệnh viện Phổi Trung ương tăng cường máy sưởi đối với các bệnh nhân nặng trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại của Hà Nội Bệnh...